Pages

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Hội Nhà báo Độc lập: Chưa có gì gọi là “tan rã”

1. Thật rõ là một số trong giới dư luận viên - những người thiếu thực tâm và cũng chẳng mấy quan tâm đến tố chất trung thực khi thông tin - rất đắm đuối về điều mà họ gọi “cuộc tranh giành quyền lực”, hoặc “tranh chấp quyền lợi”, hay vì lý do ‘đấu đá nội bộ” liên quan đến Thông báo số 5 của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) về FB VNTB và cá nhân ông Ngô Nhật Đăng - xảy ra vào đúng ngày 2/9 kỷ niệm lễ quốc khánh và gần tròn hai tháng trải nghiệm của Hội NBĐLVN.

Chỉ trước đó một tuần, báo Quân Đội Nhân Dân đã gián tiếp đòi hỏi Hội NBĐLVN phải “tự giải tán” qua bài “Những âm mưu đen tối núp bóng “tự do báo chí””, phỏng vấn Thiếu tướng công an Lê Đình Luyện, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ. Mặc dù toàn bài phỏng vấn khá dài này không một lần đề cập trực tiếp đến tên Hội NBĐLVN hay một nhân sự nào của tổ chức dân sự này, nhưng bối cảnh, ngữ cảnh, từ ngữ và cách thức đặt vấn đề đều cho thấy Hội NBĐLVN đang là một cái tên có vẻ khó được Đảng và chính quyền “khoan dung” về sự ra đời không xin phép của nó.

Theo lẽ đó, gần 50 bài trên các trang dư luận viên và một số ít báo nhà nước như Petrotimes, Nhà báo và Công luận, Lâm Đồng, Biên Phòng đã được “cấp phép” để công kích tối đa Hội NBĐLVN, trong đó không hề kiêng dè thủ pháp quy chụp, vu khống về quan điểm chính trị, kể cả đào bới chuyện riêng tư và xúc phạm cá nhân một số thành viên trong Hội NBĐLVN.


2. Nhưng tạm gác lại mọi lời quy chụp một chiều truyền thống, chi tiết đáng bàn hơn cả là bài phỏng vấn ông Lê Đình Luyện đã lần đầu tiên đề cập đến giải pháp “đối thoại”, gián tiếp với Hội NBĐLVN. Có thể xem hành động này, dù chưa biết có xảy ra hay không, diễn ra dưới hình thức “gọi hỏi” hay cởi mở hơn, nhưng đã chưa từng được nêu ra trước đây đối với các tổ chức hội đoàn dân sự độc lập.

Sắc thái “đối thoại” trên, dù mới nhen nhóm, song cũng phác ra một bức tranh không đến nỗi quá tăm tối: về thực chất, từ cuối năm 2013 và cùng với sự kiện Nhà nước Việt Nam được tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, để sau đó là chuyến công du Hà Nội của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, chính thể Việt Nam đã dần phải chấp nhận sự tồn tại của Xã hội dân sự như “một trong những điểm thú vị nhất trong mối quan hệ giữa hai quốc gia” - lời lẽ tràn cảm xúc của bà Wendy Sherman, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách chính trị, tại Hà Nội vào tháng 3/2014.

Cơ hội “đối thoại”, dù chưa biết dưới hình thức nào, đã hé mở giữa Hội NBĐLVN nói riêng, các tổ chức dân sự độc lập nói chung với chính thể đương nhiệm.

Cơ hội đó cũng mặc nhiên dần phủ nhận các thủ thuật và thủ đoạn “tuyên truyền xám” và ‘tuyên truyền đen” của một số dư luận viên về Hội NBĐLVN và những thành viên của tổ chức dân sự này.

Và hẳn nhiên, cơ hội đó là triển vọng đáng bàn hơn nhiều so với những hiểu lầm còn lại của vài ba hội viên Hội NBĐLVN hay một số người quan tân đến Hội, liên quan vụ việc Thông báo số 5 vừa qua.



3. Tính chính nghĩa, tiếng nói phản ánh quyền lợi và quyền lực nhân dân sẽ chứng minh sự tồn tại dai dẳng của Hội NBĐLVN là làm dấu chấm hết cho niềm hy vọng sẽ làm cho hội này phải “tự giải tán”, hoặc ít nhất cũng làm suy yếu nội bộ Hội trong thoáng chốc.

Đã và sẽ chẳng có sự tan rã nào cả - Thời gian là nhân chứng trung thực nhất cho dự báo này. Chẳng thể có bất cứ hậu quả dư luận nào xảy ra với Hội NBĐLVN bởi tính trong sáng còn gìn giữ cho đến bây giờ của nó. Và vì chẳng thể có một cuộc tranh giành quyền lực hay tiền bạc nào trong Hội, mấu chốt còn lại chỉ là yêu cầu tuân thủ nguyên tắc làm việc mà bất cứ tổ chức nào, dù nhà nước hay hội đoàn dân sự, cũng phải duy trì và tuân theo.

Song vẫn còn một thực tồn đáng xấu hổ cần trung thực thừa nhận: một trong những điểm yếu nan giải nhất của Xã hội dân sự còn nguyên vẹn manh nha ở Việt Nam là công tác tổ chức và những thiết chế khá lỏng lẻo của nó. Một người đấu tranh dân chủ không phải lên đường chỉ với hành trang tâm nguyện tranh đấu, mà còn phải dần được trang bị kiến thức tổng hợp, trong đó có những nguyên tắc hành chính trong tổ chức.

Điểm yếu trên càng có cơ hội lộ rõ khi những tổ chức dân sự phải hình thành trong không chỉ không khí áp chế của chính quyền, mà bởi chính yêu cầu đa nguyên của chính họ. Một khi chưa được trang bị đầy đủ về nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc làm việc, lại chưa có đủ ý thức tuân thủ các nguyên tắc ấy, nhiều thành viên của tổ chức dân sự sẽ dễ dàng va chạm, xung đột với nhau bởi các luồng quan điểm khác biệt, dẫn đến kết quả là họ chia tay nhau dễ dàng không kém lúc đầu vồ vập.

Sự việc không mong muốn xảy ra ở Facebook Việt Nam Thời Báo - trang báo đã từng là một sản phẩm của Hội NBĐLVN - là một minh họa điển hình. Thái độ rất thiếu tôn trọng của người được phân công điều hành trang FB này đối với người phụ trách trực tiếp trang FB và cả với ban lãnh đạo Hội NBĐLVN nói chung đã dẫn đến tình trạng như dân gian thường đúc kết: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Nhưng nếu chỉ như vậy, hậu quả vẫn chưa quá nghiêm trọng. Tương lai đáng sợ hơn là thái độ và phong cách điều hành bất chấp điều lệ hoạt động của Hội có thể khiến nảy sinh những mâu thuẫn đủ lớn mà hoàn toàn có thể dẫn đến hậu quả suy yếu cơ thể Hội và để “người ngoài” lợi dụng gây chia rẽ, làm nảy sinh nguy cơ mất an toàn cho toàn thể hội viên.

Hẳn đó phải là bài học đầu lòng của mọi tổ chức dân sự trong thời buổi khai sinh xã hội dân sự ở Việt Nam. Nếu nhược điểm chết người này không được cải thiện một cách đáng kể, nhiều tổ chức dân sự, trong đó có Hội NBĐLVN, sẽ rơi vào tâm thế “không đánh mà tan”.

Đó chính là nguyên do sâu xa và đủ nghiêm túc mà sau một số lần cố gắng thuyết phục nhưng không thành công, cũng không còn hy vọng thu hồi FB VNTB từ ông Ngô Nhật Đăng, ban lãnh đạo Hội NBĐLVN với thành phần chủ chốt là các nhà báo Bùi Minh Quốc, Nguyễn Tường Thụy, Lê Ngọc Thanh và Phạm Chí Dũng đã phải họp bất thường, sau đó lấy ý kiến thống nhất đa số để buộc phải thông báo công khai về những vi phạm có hệ thống của ông Ngô Nhật Đăng về việc để trang FB VNTB thể hiện quan điểm trái với Điều lệ Hội, gây chia rẽ nội bộ và làm suy yếu tính đoàn kết trong Hội, đồng thời không còn chấp nhận trang FB này thuộc về Hội nữa.

Vấn đề tư cách hội viên của ông Ngô Nhật Đăng sẽ được toàn thể hội viên Hội NBĐLVN đưa ra xem xét trong một cuộc họp gần nhất, nếu hoạt động sinh hoạt công khai của tổ chức hội đoàn này không bị cấm cản từ phía chính quyền theo tư duy "Xã hội dân sự là thủ đoạn của diễn biến hòa bình".


4. Hôm nay, tròn hai tháng ngày thành lập Hội NBĐLVN, điều có thể đáng an tâm là vẫn chưa một thành viên nào của hội này bị bắt bớ như phần đông dư luận thường lo ngại.

Hoặc không thể bị bắt.

Thậm chí, số lượng hội viên của Hội còn vượt gấp hơn hai lần so với nhân số ban đầu.

Hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam ký kết năm 1982, không hề vi phạm Hiến pháp Việt Nam, Hội NBĐLVN cần được xem là tổ chức hợp pháp và có thể “đối thoại” với các cấp chính quyền về những chính sách và cách thức quản lý xã hội bất cập, bất công, bảo vệ quyền lợi người dân và đặc biệt là bảo vệ những nạn nhân đất đai, môi trường, lao động…

Chưa có gì đáng gọi là “tự tan rã”.

Mọi chuyện vẫn phát triển bình thường với mức cẩn trọng cần thiết. Ngay cả điều mà một số dư luận dị nghị về tính chất “ô hợp” của Hội NBĐLVN thật ra cũng không đáng phải quá lo ngại: không nằm ngoài quy luật hình thành, vận động và phát triển của nhiều thế hệ hội đoàn dân sự, Hội NBĐLVN cần giai đoạn khởi đầu “ma sát thô” để sau đó mới tiến đến thời kỳ vận hành suôn sẻ.

Khác hẳn với tư thế những cá nhân “tự do tuyệt đối” trước đây, tất cả chúng ta đều cần học để biết cách cùng làm việc trong một tổ chức, vì lý tưởng và mục đích chung.

Những ai chỉ biết chăm sóc cái tôi của mình, không tự biết cách hòa mình vào tập thể Hội, không muốn đặt cái chung trên cái riêng, không tự ý thức về nỗi an nguy của các đồng sự…, sẽ khó lòng tiếp tục đứng chân trong tổ chức của các nhà báo độc lập.

Hãy nhìn vào kinh nghiệm của các tổ chức dân sự ở Miến Điện: chỉ trong 3 năm, họ đã đủ sức tập hợp và tác động đến chính quyền. Thậm chí vào năm 2014, họ còn thành công trong việc đòi hỏi chính quyền phải chấm dứt một dự án xây dựng đường sắt có giá trị đến vài tỷ đô la của Trung Quốc vì dự án này gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường và dân sinh.

Nếu không ý thức tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu trong tổ chức, đến bao giờ Xã hội dân sự Việt Nam mới tiếp bước người dân Miến Điện?

Phạm Chí Dũng

(Việt nam Thời báo)

1 nhận xét:

người Việt già đau khổ nói...

Sau 69 năm sống trong tâm thế xin-cho và tồn tại được đến ngày hôm nay,dưới bạo lực,bạo quyền thì,đại đa số người VN chọn kiếp sống an phận,ngại đòi hỏi điều đáng phải được và khốn nạn nhất là canh chờ sung rụng để giành nhau chạy ra lượm về cho mình và gia đình .Cứ xem xét cái tự do,cái dân chủ trong xã hội hiện nay để định giá cái nhân quyền của người dân .Chả trách mà những hội đoàn độc lập gì gì khai sinh luôn bị đánh bầy đàn theo dạng sợ mất phần ăn .