Pages

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Lối rẽ và đại lộ ánh sáng

Việt Nam muốn hội nhập với quốc tế
Trên mỗi chặng đường phát triển có nhiều lối rẽ nhưng đại lộ đi về phía ánh sáng chỉ có một.
Định đề này có thể giúp đánh giá khách quan các động thái ngoại giao trong nước từ ngày giàn khoan HD981 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Những đón đợi trước mắt
Đa phần giới quan sát hiện đang tập trung giải mã các hoạt động ngoại giao quan trọng gần đây của Việt Nam. Đó là chuyến công du có phần được coi là “pha đóng thế bí hiểm” của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sang Mỹ (21-27/7). Sau nữa là chuyến thăm không kém phần bất ngờ của Đặc sứ Tổng Bí thư Lê Hồng Anh hai ngày tới Bắc Kinh (26-27/8).

Hẳn nhiên là Washington cảm nhận ngay tức khắc sức nặng của lời cám ơn lẫn các thông điệp từ ông Phạm Quang Nghị so với những điều (được giả sử cho là) từ Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.
Còn thỏa thuận Trung-Việt 3 điểm tuy không mới nhưng các nhà phân tích vẫn cố “truy lùng” giữa các con chữ trong mỗi bản thông cáo để tìm ra sự khác biệt giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong cách công bố kết quả.
Không lạ là người Mỹ đã đáp lại mau lẹ chuyến thăm của ông Nghị bằng chuyến công cán mang nhiều hứa hẹn của TNS McCain đến Hà Nội (8/8). Còn người Tàu, chẳng có ai ngạc nhiên là họ vẫn tiếp tục xây dựng các đảo đã từng chiếm đóng, tổ chức các tour du lịch ra Hoàng Sa, Trường Sa, xây thêm các trạm hải đăng, xua hàng vạn tàu cá xuống Biển Đông. Trí nhớ của họ về thỏa thuận 3 điểm tỏ ra rất ngắn (Ngày 4/9 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải họp báo phản đối).
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy 6 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã được biến thành các đảo nhỏ nhờ việc Trung Quốc “giương Đông kích Tây”, tranh thủ thời gian dư luận mải chú ý vào giàn khoan để cải tạo hạ tầng suốt mấy tháng qua. Trung Quốc cũng đang ngày đêm biến đảo Gạc Ma của Việt Nam thành căn cứ quân sự.
Trong khi đó, dư luận đón đợi nhiều từ chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Thước đo kết quả trước mắt vẫn là hàng loạt nghị trình đang được khai triển trong quan hệ Mỹ-Việt.
Phái viên Lê Hồng Anh vừa thăm Trung Quốc
Vòng đàm phán 10 ngày về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội nếu xuôi chèo mát mái, liệu con đường của Việt Nam đến với TPP sẽ được rút ngắn? Lệnh bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ được bãi bỏ (từng phần) cuối năm nay hay đầu sang năm? Và những nội dung nào sẽ được ưu tiên trong 16 khuyến nghị của CSIS, một think-tank nổi tiếng đối với chính quyền Obama để sang năm Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đón mừng nhiều sự kiện trọng đại khác?
Còn những nỗi lo “hậu giàn khoan” vẫn hiển hiện. Nhân Quốc khánh Việt Nam, Trung Quốc đã gửi sang những thông điệp không thể rõ ràng hơn. Ba ngày liên tục ba thông điệp. Thứ nhất, ngày 2/9 báo Đảng của Trung Quốc đe nẹt: “Việt Nam không được bắt cá hai tay!”. Thông điệp thứ hai, ngày 3/9 vẫn tờ báo Đảng ấy:“Đừng để bang giao Trung-Việt trở thành nạn nhân cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ!” (Ý bài này khuyên nên dâng đất, hiến đảo để giữ đại cục?). Đến ngày 4/9, tờ báo này chạy tít lớn: “Việt Nam nên từ bỏ thái độ cơ hội!”
Thiết tưởng khỏi phải bình luận gì thêm về thỏa thuận 3 điểm.

Các giá trị phổ quát

Tết Độc Lập năm nay vẫn chưa thấy truyền thông nhắc lại diễn văn nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2/9/1945 đánh giá Hoa Kỳ từng đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Nhưng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ngày 8/8/2014 tại Hà Nội rằng “Đảng và Nhà nước Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam” thì xu thế nâng cấp “đối tác toàn diện” Việt-Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” thêm nhiều triển vọng.
Bởi vì, Tổng thống Barack Obama và Tổng trưởng Quốc phòng Chuck Hagel có nói với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trương Liên quân Mỹ Martin Dempsey trước khi ông tướng bốn sao sang Hà Nội ngày 13/8/2014: “Nơi ông cần đến bây giờ là Việt Nam”.Tuyên bố “đúp” này đã chuyển tải một thông điệp có thể kiểm chứng đối với Hà Nội trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington.
Còn khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Đặc sứ Lê Hồng Anh tại Bắc Kinh ngày 27/8 “đã là láng giềng thì không thể dọn đi nơi khác…”, chúng ta nghe như tiếng vọng ngàn xưa của một “lời nguyền địa-chính trị”. Tuy nhiên, thế “cực chẳng đã” ấy giờ đây không còn là thế “trứng chọi đá” như ngày nào…
Nhưng nếu rồi vẫn cứ “lối cũ ta về” thì rõ ràng là nguy hiểm. Không một thế lực nào có thể bắt một dân tộc vốn đã mang trong mình “gene” trội “không có gì quý hơn độc lập tự do” lại phải đi vào lối rẽ của vong thân và phụ thuộc.
Điều mà Trung Quốc bận tâm hiện nay là việc liệu mối quan hệ “đối tác toàn diện” Việt-Mỹ được cải thiện có thể cản trở Bắc Kinh bành trướng sức mạnh quân sự đến mức nào. Nếu Mỹ tăng cường vị thế ở Việt Nam, kết hợp với lực lượng sẵn có của Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Philippines thì có thể tạo ra các tam-tứ giác an ninh để “cân bằng và đối trọng” với những lấn lướt của Trung Quốc trên cả đất liền lẫn Biển Đông Nam Á (tức Biển Đông) và các biển khác ở châu Á.
"Hãy bước tiếp trên con đường dân chủ hóa: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân. Đó chính là con đường thuận thiên, hợp với lòng người và xu thế thời đại."
Bắc Kinh có thể đẩy lùi mọi khả năng như vậy bằng cách hứa hẹn/hay đe dọa song phương đồng thời sẽ đưa ra con mồi đàm phán đa phương về COC bị chính họ trì hoãn hơn chục năm trời. Việt Nam và ASEAN đối mặt như thế nào với "cái gậy" lẫn những “củ cà rốt” song/đa phương ấy sẽ phản ánh quyết tâm chuyển dịch ra phía ánh sáng trên cuộc hành trình của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tiến về phía ánh sáng hay lạc lối vào tăm tối là thế lưỡng nan không chỉ của riêng Việt Nam. Những vạc dầu đang sôi ở cả Âu lẫn Á thách thức sự lựa chọn thông minh của mọi quốc gia, lớn và nhỏ.
Tại Hội nghị lần đầu tiên về ngoại giao đa phương ở Hà Nội, ngày 12/8, người đứng đầu chính phủ Việt Nam khẳng định rõ cục diện đa cực cùng với xu thế dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết Việt Nam sẽ phấn đấu hết sức mình để tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Nhưng muốn đạt được điều đó, phải dứt khoát từ bỏ các lối rẽ có thể dẫn đến bị nô dịch về tư tưởng, trở thành độc tài và mang tính tự hủy diệt. Hãy bước tiếp trên con đường dân chủ hóa: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân. Đó chính là con đường thuận thiên, hợp với lòng người và xu thế thời đại.
Thời đại và thế giới đã đổi thay. Việt Nam không thể không thay đổi, nếu muốn từ các lối rẽ dễ gây hiểu nhầm cho chính cả đối tác lẫn đối tượng chuyển dịch dần ra đại lộ đi về phía ánh sáng, hướng tới các giá trị phổ quát mà nhân loại đã tích lũy được bao đời nay.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.

Không có nhận xét nào: