Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

TQ phát hiện mỏ khí lớn:Gạc Ma là căn cứ hậu cần?

TS Trần Công Trục cho rằng Gạc Ma sẽ trở thành căn cứ hậu cần quân sự đảm bảo cho hoạt động trong tương lai của Trung Quốc.
    
Tham vọng không giấu giếm

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vừa tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 phát hiện mỏ khí đốt nước sâu đầu tiên ở Biển Đông cách đảo Hải Nam 150km về phía Nam, ở độ sâu khoảng 1.500m dưới biển. Theo thông báo của CNOOC, trữ lượng của mỏ khí này khoảng 30 tỷ mét khối và được kỳ vọng sẽ sản xuất 1,6 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 9.400 thùng dầu lỏng mỗi ngày.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, để có bình luận chính xác cần phải tiếp tục theo dõi thêm bởi đến nay chưa biết được tọa độ của mỏ khí đốt nước sâu này.

TS Trần Công Trục
TS Trần Công Trục. Ảnh: Đại lộ

"Phía nam đảo Hải Nam rất rộng lớn nên để chưa thể khẳng định vị trí của mỏ khí này nằm ở vùng nào, có đụng chạm đến vùng biển của bất kỳ quốc gia nào trong Biển Đông hay không. Tất nhiên, nếu Trung Quốc phát hiện mỏ khí đốt trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ thì khó có thể có bình luận nào khác vì hoạt động ấy cũng giống như của Việt Nam. Thậm chí trước thông tin này chúng ta nên chúng mừng Trung Quốc vì họ đã tìm ra được nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển cùa mình, đó là một quyền lợi chính đáng", ông Trần Công Trục nói.

Tuy nhiên, "chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi, nhất là khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 từ chỗ cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam rồi đặt vào một vị trí khác mà chỉ 2 tháng sau đã cho ra kết quả bất ngờ là phát hiện mỏ khí đốt cực lớn. Liệu thông tin này có chuẩn xác hay không? Có đúng là Trung Quốc phát hiện ra thật hay đây chỉ là động thái Trung Quốc tung ra với tính chất thăm dò, để làm đối phương xao lãng, từ đó Trung Quốc có thể làm điều họ muốn?".

Theo ông Trần Công Trục, trước đây khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam nhiều người đã nghi ngờ Bắc Kinh không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn nhằm mục đích khác về chính trị, quân sự. Bởi dự báo của Cơ quan năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam ít có dầu khí, thậm chí quần đảo Hoàng Sa chỉ có một ít khí đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.

"Giờ đây Trung Quốc lại công bố thông tin trên thì từ thực tế, người ta có quyền nghi ngờ rằng Bắc Kinh không chỉ muốn thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, cũng không phải chỉ là vấn đề không gian đơn thuần mà Trung Quốc muốn khống chế và độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc cũng không hề giấu giếm khi tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng khai thác dầu khí ra toàn bộ Biển Đông trong tương lai. Bằng chứng là nước này đang đóng thêm một số giàn khoan có kích cỡ tương tự Hải Dương 981 và có nhiều giàn khoan nhỏ khác đang nằm trên Biển Đông. Họ cũng thông báo giàn khoan Hải Dương 981 rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là vì đã hoàn thành thuận lợi công tác thăm dò và sẽ phân tích và đánh giá các dữ liệu địa chất thu thập được để quyết định bước đi tiếp theo, chứ không phải chỉ thăm dò một vị trí", ông Trần Công Trục phân tích.

Đáng lưu ý, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cảnh báo Gạc Ma sẽ liên quan rất nhiều đến hoạt động thăm dò, khai thác nước sâu của Trung Quốc.

"Khi Trung Quốc đã đi vào khai thác tức là đã ổn định và rất lâu dài, nghĩa là phải có cơ sở hậu cần để hỗ trợ và Gạc Ma đáp ứng được điều này. Không quốc gia nào có thể điều suốt hàng chục, hàng trăm tàu chiến đi theo một cái giàn khoan mãi bởi nó vô cùng tốn kém. Họ phải có căn cứ vững ở đấy, nghĩa là Gạc Ma, bãi cạn Trung Quốc đang xây cất chính là căn cứ hậu cần quân sự để đảm bảo cho hoạt động trong tương lai mà Trung Quốc sẽ làm".

Thiếu tôn trọng đối phương
Một động thái khác của Trung Quốc gây chú ý, đó là CNOOC đang mời các công ty nước ngoài “đấu thầu một số lượng lô dầu khí lớn chưa từng có tiền lệ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc”. Trong số 33 lô dầu khí, với tổng diện tích hơn 126.000 km vuông, được mời thầu lần này có 25 lô nằm trên Biển Đông.

Bản đồ các lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu quốc tế khai thác – Ảnh: website CNOOC ngày 11/9/2014
Bản đồ các lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu quốc tế khai thác – Ảnh: website CNOOC ngày 11/9/2014

Theo TS Trần Công Trục, tất cả những hoạt động Trung Quốc làm trong thời gian qua đều có mối quan hệ với nhau và có tính toán chứ không phải những động thái tồn tại riêng lẻ.

"Việc Trung Quốc mời thầu là để tranh thủ sự thừa nhận của các công ty lớn của các nước khi tham gia đấu thầu. Đây mới chỉ là sự mở đầu. Trước đây, năm 2012, Trung Quốc đã từng mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Còn 25 lô trên Biển Đông vừa mời thầu mới đây, theo bản đồ phân lô trong website của công ty CNOOC, có 3 lô trên Vịnh Bắc Bộ, 5 lô ở phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, các lô còn lại ở phía bắc Biển Đông, phía đông đảo Hải Nam và chiếm vị trí ở giữa lối vào phía bắc Biển Đông", ông Trục cho biết.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói, theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, toàn bộ Vịnh Bắc Bộ là vùng chồng lấn. Xét về quy chế pháp lý thì trong thực tiễn của quốc tế chưa có bất cứ quy định một quy chế cụ thể nào, vì vùng chồng lấn là vùng mà hai bên đều tiến hành đàm phán để xác định ranh giới cuối cùng, từ đó áp dụng quy chế pháp lý cho vùng mình có chủ quyền. Nếu chưa có được ranh giới đó thì đây vẫn là vùng chung, mà đã là vùng chung thì tất cả các hoạt động đơn phương đều vi phạm, thể hiện việc không tôn trọng đối phương. Mọi hoạt động, động thái tại vùng này cần có sự đàm phán, trao đổi, thông báo khi cần thiết.

Về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc mời thầu 33 lô dầu khí nói trên, Bộ Ngoại giao Việt cho biết sẽ cho xác minh thông tin về việc mời thầu này và có phản ứng phù hợp. Theo ông Trần Công Trục, đó là phát biểu chuẩn xác nhưng điều quan trọng là khi Trung Quốc đã công bố bản đồ và xác định được rõ ràng rằng một số lô dầu khí nằm trong vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ mà hai bên đã đàm phán thì Việt Nam có quyền nêu ra quan điểm của mình.

"Chúng ta chưa nói Trung Quốc vi phạm chủ quyền nhưng họ đã vi phạm thỏa thuận về mặt nguyên tắc đàm phán theo Công ước Luật biển 1982. Điều này có thể dẫn đến những tranh chấp phức tạp giữa hai bên", ông Trục nói.

Minh Thái

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: