Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Indonesia đánh chìm tàu cá láng giềng ở Biển Đông có đúng luật?

(GDVN) - Luật pháp quốc tế dường như không hỗ trợ Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài nếu nó đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Tàu cá láng giềng bị Indonesia đánh chìm.

The Diplomat ngày 17/1 đăng bài phân tích của Ahmad Almaududy Amri, một nghiên cứu sinh từ Trung tâm Tài nguyên và an ninh quốc gia Úc và đang viết luận án về những thách thức an ninh hàng hải ở Đông Nam Á bình luận, quyết định của Indonesia đánh chìm các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong các vùng biển Indoneisa đang nổi lên như một vấn đề gây tranh cãi đáng kể.



Bản thân chính sách "gây sốc" của tân Tổng thống Joko Widodo không phải là mới. Asep Burhanudin, Cục trưởng Cục Giám sát tài nguyên sinh vật biển tại Bộ Thủy sản Indonesia trước đây đã từng lưu ý rằng, tính từ 2007 đến 2012 có 33 tàu cá bất hợp pháp nước ngoài bị Indonesia đánh chìm, trong đó 32 tàu cá là của Việt Nam.


Hiện có những ước tính khác nhau về tổn thất hàng năm Jakarta phải chịu do nạn đánh bắt trái phép trong vùng biển của họ, nhưng tạm gác những tranh luận này qua một bên để tìm hiểu vấn đề quan trọng cần giải quyết là, liệu cách đánh chìm tàu cá láng giềng của Indonesia có hợp pháp hay không? Đây là điều mà một số học giả đã và đang nỗ lực tìm lời giải.


Nếu nhìn từ góc độ luật pháp Indonesia, theo Điều 69 Khoản 4 Luật Thủy sản số 45/2009, nhà chức trách nước này được phép đốt hoặc đánh chìm tàu cá nước ngoài sau khi có đầy đủ hồ sơ bằng chứng về việc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia. Luật này sửa đổi Luật Thủy sản số 31/2004, trong đó quy định rõ các khu vực Indonesia quản lý nghề cá, bao gồm nội thủy và lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế.

Vì vậy khá rõ ràng rằng hành động của chính quyền Indonesia đánh chìm tàu cá láng giềng đánh bắt trái phép trong các vùng biển này là phù hợp với luật pháp trong nước Indonesia. Vần đề còn lại là luật pháp quốc tế. Điểm tham chiếu chủ yếu của luật pháp quốc tế trong vấn đề này là Công ước Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS).


Trong khi UNCLOS không chỉ rõ liệu hành vi đánh chìm tàu cá nước khác có hợp pháp hay không, Công ước cũng không đề cập đến các biện pháp mà các lực lượng chức năng thực thi pháp luật có thể được thực hiện với các hành vi đánh bắt cá trái phép tại vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, 2 vùng biển mà Indonesia có một số quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Luật pháp quốc tế không hỗ trợ hành vi đánh chìm tàu cá láng giềng của Indonesia.

Đối với lãnh hải, không có quy định cụ thể để chống lại các tàu cá bất hợp pháp trong UNCLOS. Điều khoản gần nhất với trường hợp này là Điều 21 Điểm 1 (e), trong đó nói rằng: "các quốc gia ven biển có thể áp dụng luật và các quy định phù hợp với các quy định của Công ước này và các quy định khác của luật pháp quốc tế liên quan đến việc lưu thông vô hại qua lãnh hải, đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật và các quy định về nghề cá của các quốc gia ven biển".


Với vùng đặc quyền kinh tế, Điều 73 UNCLOS quy định việc thi hành pháp luật và các quy định trong khu vực đó. Quy định của UNCLOS xác định rõ ràng rằng các quốc gia ven biển có thể có biện pháp "bao gồm cả kiểm tra, bắt giữ và tố tụng hình sự" (Điểm 1), nhưng "hình phạt đối với hành vi vi phạm có thể không bao gồm phạt tù hoặc bất kỳ hình thức nào khác của sự trừng phạt (Điểm 3)."


Vì vậy luật pháp quốc tế dường như không hỗ trợ Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài nếu nó đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Indonesia. Ngoài ra UNCLOS không có quy định nào cho phép đánh chìm tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng nội thủy, vùng nước quần đảo hoặc lãnh hải của Indonesia. Vì vậy có thể áp dụng Điều 21 UNCLOS cho các vùng biển này với nội dung vi phạm quy định tàu thuyền "đi lại vô hại", nhưng điều này phụ thuộc vào việc giải thích của các quốc gia ven biển.
Chính sách đánh chìm tàu cá láng giềng có thể là một cách tốt với Jakarta để tạo ra hiệu ứng răn đe, tuy nhiên thủ tục pháp lý ở cả cấp độ trong nước và quốc tế nên được tôn trọng và thực hiện phù hợp, Ahmad Alamududy Amri bình luận.

Không có nhận xét nào: