Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Nhật ưu tiên củng cố quan hệ với ASEAN

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (T), Sultan Brunei Hassanal Bolkiah (G) và vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong dạ lễ kết thúc Thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, Tokyo, 14/12/2013REUTERS
Trong quyển Sách trắng về ODA (tức viện trợ cho phát triển) ấn bản 2014 vừa được nội các Shinzo Abe thông qua hôm nay, 13/03/2015, Nhật Bản đã khẳng định trở lại ưu tiên củng cố quan hệ với Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN. Tokyo xác định đây là điều thiết yếu cho nền an ninh của Nhật Bản, vào lúc Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.




Theo hãng tin Nhật Kyodo, Sách trắng về ODA 2014 của Nhật Bản nói rõ rằng khối 10 quốc gia Đông Nam Á không chỉ là một « thị trường tối quan trọng » và một « địa điểm để đầu tư », mà còn « mang ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với nền an ninh của Nhật Bản ».
Tài liệu căn bản về viện trợ cho phát triển của Nhật Bản xác nhận chủ trương sự mở rộng mục tiêu cấp ODA qua địa hạt quốc phòng đã được chính quyền Abe áp dụng để cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam và Philippines.
Vào tháng Hai vừa qua, Tokyo đã công bố Bản Hiến chương về Hợp tác Phát triển được sửa đổi lần đầu tiên từ năm 2003 đến nay, nhấn mạnh đến lập trường sử dụng viện trợ phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Theo văn kiện mới này, vốn ODA của Nhật Bản có thể được dùng vào việc hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang nước ngoài trong hoạt động phi tác chiến như cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động bảo vệ bờ biển. Cho đến gần đây, viện trợ phát triển của Nhật chủ yếu được dùng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo ở các nước tiếp nhận viện trợ.
Với tổng dân số hơn 600 triệu người, các quốc gia Đông Nam Á thuộc diện nhận nhiều ODA của Nhật Bản, đặc biệt là Miến Điện và Việt Nam.
Trung Quốc cũng từng được Nhật Bản cấp ODA, nhưng Sách trắng ODA lần này xác định rằng viện trợ vì phát triển của Nhật Bản cho Trung Quốc sẽ được giải ngân trong một số trường hợp « hạn chế » như tài trợ và hợp tác kỹ thuật để giải quyết các vấn đề như ô nhiễm, bệnh truyền nhiễm và an ninh lương thực.
Trong năm 2013, tổng số viện trợ ODA của Nhật Bản đạt khoảng $ 22,53 tỷ đô la, tăng 20,7% so với năm trước đó. Trên thế giới, Nhật Bản đứng hàng thứ hai trong danh sách các quốc gia hào phóng, chỉ thua Hoa Kỳ mà thôi.

Không có nhận xét nào: