Pages

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Trung Quốc : Nhiều giám mục mất tích bí ẩn

mediaBiểu tình đòi tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Trong ảnh, Hồng Y Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác, Hồng Kông, 11/07/2015REUTERS/Bobby Yip
« Nhiều giám mục Công giáo mất tích » tại miền bắc Trung Quốc là tựa đề của Le Monde. Cụ thể là tại một giáo phận thuộc tỉnh Hà Bắc (He Bei), cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về phía tây nam, liên tục nhiều thế hệ giám mục bị đưa đi mất tích, để rồi một thời gian sau, người ta biết là họ đã chết.




Giáo phận Yixian là nơi gần như toàn bộ dân cư theo Công giáo, với truyền thống lâu đời, từ trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Hầu hết các giám mục tại đây trung thành với Tòa Thánh Vatican, không chấp nhận tham gia « Giáo hội Công giáo yêu nước », nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, như đa số các giám mục khác (theo đặc phái viên Le Monde).
Cái giá phải trả cho sự trung thành tuyệt đối này là họ bị chính quyền truy bức đến cùng. Tại nghĩa trang của giáo phận, có hai tấm bia mộ, ghi năm mất của hai giám mục tiền nhiệm, 1989 và 1993, đều là các nạn nhân của chính quyền. Ngày 31/03 vừa qua, chính quyền thông báo giám mục Côme Shi Enxiang đã chết, ở tuổi 94. Đây là vị giám mục bị công an chính trị Trung Quốc bắt cóc từ năm 2001.
Theo đặc phái viên Le Monde, tất cả giám mục bất tuân phục Bắc Kinh đều bị truy bắt. Ngoài hai giám mục đã qua đời nói trên, còn có giám mục Su Zhimin bị bắt năm 1997, và từ đó đến nay không hề có thông tin gì về ông.
Dù sao, người Công giáo tại giáo phận Yixian vẫn tiếp tục tự tổ chức, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Hiện tại giáo phận tạm thời do một linh mục - cũng không được Nhà nước công nhận – phụ trách. Cho dù trong những năm gần đây, đời sống tôn giáo có phần dễ thở hơn trước, nhưng các linh mục bất tuân vẫn không có quyền truyền đạo ra ngoài. Linh mục Thomas, phụ trách giáo phận bí mật từ năm 2012, kể lại không khí hiện nay qua một câu chuyện như sau : Một hôm các giới chức của Ban tôn giáo chính quyền tỉnh và huyện đột ngột ập đến nhà thờ giáo phận, sau khi ngôi thánh đường được trùng tu. Họ cư xử cứ như là vị linh mục không tồn tại.
Mới đây, ngày 12/03, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, Fedirico Lombardi, một lần nữa gợi ý với Bắc Kinh chấp nhận một « mô hình kiểu Việt Nam », theo đó chính quyền trung ương có ý kiến về ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo Công giáo, mà Vatican dự định. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng.
Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là « Mẹ Tina »
Vẫn liên quan đến Công giáo, nhưng về Việt Nam, La Croix có bài « Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là Mẹ Tina », nhân bộ phim về nhà hoạt động nhân đạo Christina Noble ra mắt hôm nay tại Pháp. Tờ báo Công giáo nhận xét : « Christina Noble ở trong số những người được đào luyện trong gian khó, để thu lấy từ đó sức mạnh và lòng cương quyết ». Sinh năm 1944, tại một khu phố nghèo ở Dublin, thủ đô Ai Len, là con của một người bố nghiện rượu, một người mẹ bệnh tật, qua đời khi bà mới 10 tuổi. Christina Noble phải vào trại trẻ mổ côi sau đó….
Thế rồi, con người hết lòng vì trẻ em này đã tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989, một đất nước mà bà gần như không biết gì.
Chứng kiến cuộc sống của trẻ em đường phố, bà quyết định mở một trung tâm chăm sóc đầu tiên năm 1991. Vào thời điểm Việt Nam vừa mới bắt đầu mở cửa, « Mẹ Tina » đã phải đối mặt với bao nhiêu thử thách, nhất là sự nghi kỵ, nếu không muốn nói là thù nghịch của chính quyền địa phương.
Nhờ ở Quỹ Children’s Fondation của Christina Noble, hơn 100 dự án nhân đạo đã được thực hiện tại Việt Nam và Mông Cổ. Mẹ Tina cho biết Quỹ đã giúp đỡ trực tiếp 700.000 trẻ em, và 300.000 gia đình, trên ba lĩnh vực : Thực phẩm, sức khỏe và giáo dục. Thái độ của Quỹ được thể hiện qua ba từ : Tình yêu « không điều kiện », « tôn trọng » văn hóa và « nhân phẩm » của những người được giúp đỡ.
Christina Noble được tạp chí Times Magazine năm 2003 bầu chọn làm một trong « 36 gương mặt gây cảm hứng cho thế giới ».

Không có nhận xét nào: