Pages

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

VN điều chỉnh tỷ giá lần thứ hai

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền đồng so với đồng đôla 1% hồi đầu năm nay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1%.
Theo đó, tỷ giá mới áp dụng cho ngày 7/5 được điều chỉnh từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Đây là lần thứ hai ngân hàng trung ương của Việt Nam điều chỉnh tỷ giá trong năm nay.

Lần điều chỉnh tỷ giá hồi tháng Một cũng ở mức 1%.
Ngân hàng Nhà nước trước đó đã thông báo sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá tối đa là 2% trong năm nay.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ không còn khoảng trống cho việc điều chỉnh tỷ giá trong 7 tháng tới.
Giới chức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong thời gian qua đã cảnh báo việc phá giá tiền đồng có thể làm tăng nợ nước ngoài.
Trước đó, HSBC trong báo cáo mới nhất cho rằng Việt Nam nên phá giá tiền đồng để tránh thâm hụt kép về tài chính lẫn thương mại trong năm nay.
Trong 'Báo cáo về Tình hình Kinh tế vĩ mô tháng 4', HSBC cho rằng các khoản nợ từ bên ngoài của Việt Nam hiện hầu hết là vay ưu đãi, trong đó gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%.
Trong khi đó, ngân hàng này cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ ở mức 5,6% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 14%, và sẽ lên đến mức 5,8% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 10%.
"Gánh nợ công trong nước vì vậy sẽ tăng nhanh hơn và tiến sát đến mức giới hạn 65% của chính phủ", báo cáo viết.
Vì vậy, ngân hàng này khuyến cáo Việt Nam nên giảm giá đồng nội tệ hoặc giảm lãi suất để "tránh thâm hụt kép, vừa tài chính lẫn thương mại".
Việc giảm giá nội tệ hoặc giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, HSBC cho biết.

Áp lực tỷ giá

Trả lời BBC ngày 6/5, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc giảm tỷ giá "có thể thực hiện", nhưng cần đảm bảo cân bằng kinh tế vĩ mô.
"Năm nay kinh tế Việt Nam vẫn theo chiều hướng là kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu ổn định tích cực, bên cạnh đó thì sự phục hồi kinh tế, nhất là trong công nghiệp chế biến, cũng rõ hơn", ông nói.
"Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của HSBC thời gian gần đây cũng trên 50 điểm và tháng Tư vừa rồi thì lên mức 53 điểm."
"Tuy nhiên kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi khó khăn, nhiều điểm phức tạp về kinh tế vĩ mô."
"Trong năm nay thì Việt Nam và nhiều nước đứng trước áp lực về tỷ giá, và tỷ giá thì có tác động lên nhiều chiều."
Ông cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố là sẽ không thay đổi tỷ giá so với đồng đôla quá 2% trong năm nay và nói điều này dựa trên hai nguyên nhân chính:
"Một là nhìn dưới góc độ tác động đến kinh tế vĩ mô, từ lạm phát tới xuất khẩu cũng như thương mại nói chung và việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam", ông nói.
"Từ đầu năm đến giờ đã phá giá 1% rồi, nên nếu phá giá tiếp cũng chỉ thể là 1% nữa thôi."
"Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn các chỉ số vĩ mô khác cũng như nguồn lực của mình để đảm bảo rằng thị trường có thể yên tâm vào khả năng của Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành theo ý mình muốn."
Ông cho rằng cán cân tổng thể của Việt Nam cả năm vẫn có thể có thặng dư, dù thâm hụt thương mại có thể tăng.
"Mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam sau 2 năm là khá cân bằng và thậm chí có thặng dư. Nhưng vào tháng 4 thì thâm hụt thương mại bắt đầu tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá", ông nói.
"Tuy nhiên cán cân tổng thể của Việt Nam thì quý 1 vẫn thặng dư gần 3 tỷ đô và theo nhiều dự báo thì dù thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong năm nay, khoảng 5-7 tỷ đôla, nhưng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vẫn có thặng dư và dự trữ ngoại tệ sẽ tăng khá mạnh."
"Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện trong năm nay, tức là nếu phá giá thì chỉ thêm 1% nữa."
"Nhưng nếu nhìn ra xa hơn thì chính sách tỷ giá của Việt Nam sẽ cần sự linh hoạt."
"Tuy nhiên sự linh hoạt thế nào thì còn gắn với ba điểm, một là ổn định kinh tế vĩ mô cũng như quá trình mở cửa tự do hóa tài chính của Việt Nam, gắn với những cam kết quốc tế của Việt Nam trước đây và sắp tới."
"Thứ hai là đảm bảo đồng tiền Việt Nam không bị đánh giá quá cao để ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam."
"Cái thứ ba là phải đảm bảo các yếu tố vĩ mô khác vì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn rất quan trọng."

Không có nhận xét nào: