Cuốn China’s Search for Security (Quá trình tìm kiếm an ninh của Trung Quốc) trình bày một quan điểm trái với các nhận định mang tính cảnh báo trong các cuộc tranh luận tại Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi nhiều nhà bình luận khác mô tả Trung Quốc là quyết đoán một cách toan tính và quyết tâm đẩy Mỹ ra khỏi châu Á để mở đường cho sự thống trị của Trung Quốc hồi sinh, Nathan và Scobell lại mô tả chính sách an ninh của Trung Quốc phản ảnh sự phòng vệ và yếu kém căn bản của Trung Quốc: “Tính dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa là động lực chính của chính sách đối ngoại của Trung Quốc” (tr. 3), họ viết.
Cách tiếp cận lí thuyết của họ “chủ yếu là theo chủ nghĩa hiện thực,” đồng thời tạo sự khác biệt bằng cách vay mượn từ chủ nghĩa kiến tạo, chủ nghĩa thể chế, và chủ nghĩa tự do. Có phần hơi kỳ quặc là các tác giả định nghĩa chủ nghĩa tự do bằng việc những nhóm lợi ích trong nước kiểm soát việc hoạch định chính sách đối ngoại (tr. xvi). Hầu hết các phần của cuốn sách đều chứa phông kiến thức lịch sử phong phú, giúp kéo dài cuốn sách lên đến hơn 400 trang. Do các tác giả là người Mỹ nên quan hệ Mỹ-Trung được đặc biệt chú ý. Cuốn sách cũng tóm tắt rất tốt các khía cạnh kinh tế và chính trị trong nước của an ninh Trung Quốc cũng như những thách thức mà Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan đặt ra. Ngược lại, cuốn sách chỉ có một đoạn nói về quan hệ Trung Quốc – Australia và một đoạn về quan hệ Trung Quốc –Thái Lan.
Các tác giả lập luận rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có một “đồ án cố định” mà những quyết định của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào việc những quốc gia khác đối xử với Trung Quốc như thế nào (tr. xxii). Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thiếu “tự do lựa chọn,” thay vào đó phải đáp ứng “những nhiệm vụ mà thực tế nhân khẩu học, địa lý, và lịch sử đặt ra.” Người ta có thể phản đối rằng góc nhìn của các tác giả đã bỏ qua trách nhiệm của Trung Quốc đối với vai trò công dân quốc tế tồi tệ của họ, như thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể làm gì khác ngoài việc dung thứ những vụ tấn công trên mạng quy mô lớn, đưa ra những tuyên bố chủ quyền vô lý quá mức ở Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan, hay bảo vệ Bắc Triều Tiên khỏi hậu quả của những hành vi bất hảo của nó.
Nathan và Scobell lập luận rằng Trung Quốc là quá yếu và bận tâm (với những vấn đề trong nước) để trở thành một kẻ gây rối trên trường quốc tế. Theo họ, toàn cầu hóa và tham gia vào các nền kinh tế và thể chế quốc tế đã mở cửa Trung Quốc cho các dòng người, thể chế, và lí tưởng nước ngoài “thâm nhập,” điều đó “đòi hỏi Trung Quốc phải sửa đổi các hệ thống luật pháp, hành chính, ngân hàng, và tư pháp trong nước; đặt Trung Quốc dưới sự giám sát chặt chẽ, đánh giá bất lợi, và áp lực từ các tổ chức và chính phủ nước ngoài” và “tạo ra sự thay đổi đột phá” (tr. 12).
Các tác giả nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đối tác dễ bị tổn thương hơn trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, dù là qua những hình phạt có chủ đích của Washington hay qua sự quản lý kinh tế yếu kém của các nhà lãnh đạo Mỹ. Bất chấp nỗi lo sợ của nhiều người Mỹ rằng Trung Quốc có thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, Nathan và Scobell cho rằng điều đó sẽ là sự tự sát về kinh tế của Trung Quốc. Các tác giả ít nhiều cho rằng người nước ngoài có quyền kiểm soát đáng kể đối với Trung Quốc do sự can dự quốc tế “có liên quan tới sự nhân nhượng quyền tự chủ [của Trung Quốc]” (tr. 275). Trung Quốc phải đối mặt với cái mà các tác giả gọi là ba “quả bom hẹn giờ”: dân số già hóa nhanh chóng; cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường đang ngày một xấu đi và cần một phần lớn GDP để giải quyết; và tình trạng thiếu hụt nước ngọt khi các sông băng ở Tây Tạng tan chảy. Hệ quả là bá quyền Trung Quốc sẽ không thể diễn ra. Việc kiểm soát các vấn đề diễn ra trên hoặc gần đường biên giới làm tiêu tốn những tài nguyên mà nếu không có những vấn đề đó thì Trung Quốc có thể sử dụng để mở rộng ảnh hưởng của mình.
Các tác giả cho rằng dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn đang phát triển và hiện đã tạo nên một kịch bản mà trong đó Mỹ không còn dễ dàng giành được chiến thắng trong một cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan, thì trong tương lai gần Quân Giải phóng Nhân dân cũng không thể đạt được sức mạnh quân sự như của các cường quốc khác trong khu vực, trừ khi những nước này quyết định dừng cạnh tranh. Trung Quốc cũng không thể áp đặt ý chí của nó lên khu vực Đông Nam Á.
Trong một số trường hợp, các tác giả dường như đẩy lập luận về “tính dễ tổn thương của Trung Quốc” vượt ra ngoài mức có thể tin được. Trung Quốc dễ bị tổn thương là vì nó có chung đường biên giới với cả những quốc gia sừng sỏ và những quốc gia gần như thất bại. Nhưng Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương ở cả những nơi nó không có láng giềng liền kề – như dọc theo khoảng 14.500 km đường bờ biển – vì “vùng đất trung tâm của người Hán nằm phơi mình dọc theo đường bờ biển này” (tr. 15). Điều này khác với ý tưởng về “khả năng ngăn chặn (tấn công) của các vùng nước” của nhà hiện thực chủ nghĩa John J. Mearsheimer (xem John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, 2001).
Các tác giả cũng đánh giá thấp thực tế rằng Trung Quốc có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới bằng cách chỉ ra nó có thể lép vế trước “quân đội tổng hợp của sáu quốc gia láng giềng chính trong khu vực của Trung Quốc” (tr. 16). Người ta có thể lập luận tương tự về chi tiêu quốc phòng của Mỹ, nhưng điều này là xa rời thực tế rằng “Trung Quốc bị bao quanh bởi các nước nhỏ hơn vốn lo sợ sự thống trị của Trung Quốc” (tr. 17), như các tác giả đã nhận ra. Theo quan điểm của tôi (Denny Roy), các tác giả đã đánh giá sai mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan như là “mối quan hệ hai bên đều dễ tổn thương lẫn nhau,” theo đó ám chỉ rằng Đài Loan cũng đe dọa Trung Quốc tương tự như chiều ngược lại. Trên thực tế, mối đe dọa của việc Đài Loan “đang bị những nước khác sử dụng như một cơ sở cho hành động thù địch” (tr. 239) đối với Trung Quốc là nhỏ hơn nhiều so với mối đe dọa mang tính sống còn mà Đài Loan phải đối mặt từ phía Trung Quốc.
Nathan và Scobell cho rằng những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc không phải là mối lo vì chúng “dường như cố định … chúng tôi (Nathan và Scobell) không thấy có dấu hiệu cho thấy [Trung Quốc] chuẩn bị đưa ra tuyên bố chủ quyền trên các vùng tranh chấp bổ sung” (tr. 21). Lập luận này là rất có vấn đề. Thứ nhất, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc hiện đã là quá mức và không hợp lý ngay cả khi không có những yêu sách “bổ sung.” Thứ hai, quyết tâm đáng báo động của Trung Quốc trong việc sử dụng cưỡng chế và đe dọa thực thi những yêu sách này là độc nhất trong các bên tranh chấp. Thứ ba, các nhà phân tích Trung Quốc có liên quan tới chính phủ đã đặt ra những câu hỏi về quyền sở hữu của Nhật Bản đối với Quần đảo Ryukyu, và một vài năm trước, chính phủ Trung Quốc đã công bố những tài liệu mà dường như ngụ ý rằng một phần Bán đảo Triều Tiên từng thuộc về Trung Quốc trong lịch sử.
Quan điểm coi Trung Quốc là dễ bị tổn thương và có xu hướng phòng thủ dường như đã định hình những khuyến nghị chính sách của các tác giả. Họ nhất trí kêu gọi một “trạng thái cân bằng” nhằm giữ gìn được trật tự thế giới hiện tại và duy trì những lợi ích quan trọng của Mỹ trong khi cho Trung Quốc một “vai trò lớn hơn” (tr. 356). Tính khả thi của một trạng thái cân bằng như vậy dựa trên giả định rằng “những lợi ích cốt lõi của Mỹ không đe dọa tới an ninh của Trung Quốc” (tr. 358). Nhiều độc giả sẽ nhận ra giả định đó là đáng nghi vấn, đặc biệt là với lời khuyên của các tác giả rằng “Mỹ phải duy trì ưu thế quân sự của nó ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả biển Hoa Đông và biển Đông.”
Với những lí do mà cuốn sách đã giải thích rõ, người Trung Quốc coi chính sách của Mỹ là mang tính “ngăn chặn.” Người Trung Quốc cũng có một định nghĩa rộng về an ninh và có xu hướng tự thuyết phục bản thân rằng mọi chính sách an ninh của mình đều mang tính phòng thủ (đồng tác giả Scobell từng nghiên cứu xuất sắc về chủ đề này. Xem, chẳng hạn, Andrew Scobell, “The Chinese Cult of Defense”, Issues & Studies 37, no. 5 [September/October 2001]: 100–27). Là những nhà hiện thực chủ nghĩa, các tác giả nên kỳ vọng rằng nhu cầu an ninh của một cường quốc sẽ phát triển cùng những khả năng tương đối của nó. Đây là công thức cho xung đột, chứ không phải cho một trạng thái cân bằng.
Nathan và Scobell là những học giả kỳ cựu hiểu rất rõ những vấn đề họ đặt ra. Đây là một cuốn sách nghiên cứu an ninh hiếm hoi được viết bởi những nhà nghiên cứu Trung Quốc. Phân tích của họ là kỹ lưỡng và nói chung đều đúng đắn. Cuốn China’s Search for Security sẽ hữu ích trong việc giảm bớt nỗi lo sợ về sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách có hệ thống, ngay cả khi có lẽ là nó đã đẩy lập luận này đi quá xa.
Nguồn: Denny Roy, “China’s Search for Security: Review,” Contemporary Southeast Asia Vol. 37, No. 1 (2015), pp. 154–56.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Denny Roy là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Đông-Tây, Honolulu.
Đây là bài điểm cuốn China’s Search for Security (Nhu cầu an ninh của Trung Quốc) của Andrew J. Nathan và Andrew Scobell, New York: Columbia University Press, 2012.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét