Pages

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Học giả phản biện bài báo gây tranh cãi


Việc cải tạo của Trung Quốc trên Đá Chữ thập

Bài viết ngắn của tác giả Greg Austin trên báo điện tử The Diplomat gọi Việt Nam là 'kẻ hung hăng nhất ở Biển Đông' đang gây tranh cãi.

Bài báo chỉ chưa đầy 400 chữ đăng ngày 18/6 hiện (chiều 24/6 giờ Hà Nội) đã có 5.600 lượt share và nhận được 230 bình luận.

Tiến sỹ Austin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Đông Tây ở New York, ngay từ đầu bài đã nêu con số thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam chiếm đóng là 24 hồi năm 1996, và nâng lên thành 48 thực thể trong năm 2015, dẫn nguồn chính phủ Mỹ.
Con số thực thể mà Trung Quốc chiếm năm 1996 được nói là chín, giảm xuống tám năm 2015, theo bài báo.


Ông Austin dẫn nguồn Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ David Shear, người từng làm đại sứ ở Việt Nam, nói trong 20 năm qua Trung Quốc không chiếm thêm thực thể nào mà Việt Nam, ngược lại, nâng số thực thể nước này chiếm lên gấp đôi.
Riêng trong sáu năm lại đây, con số thực thể trong tay Việt Nam được nâng từ 30 lên 48.

Bài viết 'Ai là kẻ hung hăng nhất ở Biển Đông' thực ra dựa hoàn toàn vào các thông số mà Greg Austin nói là lấy từ báo cáo của Trợ lý Bộ trưởng David Shear trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ hôm 13/5/2015.

Ông Shear được dẫn lời nói trong thời kỳ 2009- 2014, Việt Nam là nước năng động nhất trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Với các dẫn chứng nói trên, tác giả Greg Austin kết luận: "Điều này giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của tuyên bố mà lãnh đạo quân đội Trung Quốc đưa ra khi họ nói Trung Quốc "đã hết sức kiềm chế".

'Dẫn chứng sai'


null
Trung Quốc đang tiến hành cải tạo trên Đá Vành Khăn

Bài viết của Tiến sỹ Austin đã ngay lập tức gặp phản biện của các học giả Việt Nam và quốc tế nghiên cứu về Việt Nam.

Ngày 21/6, Giáo sư Carl Thayer từ Canberra, Úc, viết bài cũng trên The Diplomat tỏ ra hoài nghi về con số 48 thực thể mà Việt Nam chiếm đóng.

Ông Thayer viết: "Hoa Kỳ cần công bố danh sách cả 48 thực thể... cũng như các chi tiết cụ thể về quy mô và mục đích của cái gọi là "cải tạo đảo" của Việt Nam".

Theo ông Thayer, các công trình cải tạo của Việt Nam chỉ có diện tích bằng 1,9% diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây dựng. Việt Nam không có máy hút cát từ đáy biển mà phải mang cát từ đất liền ra ngoài biển.

Giáo sư Thayer nói để kết luận Việt Nam 'hung hăng" dựa trên các tiền đồn nhỏ xíu của Việt Nam ở Biển Đông thì thật là khó tưởng tượng.

Ông cũng đưa nhiều bằng chứng để phản bác lập luận cho rằng Trung Quốc "đã hết sức kiềm chế".

Tiếp theo sau Giáo sư Thayer, ngày 24/6 Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao từ Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng đăng bài trên The Diplomat với tựa đề "Sự thật ai là kẻ xâm lược lớn nhất ở Biển Đông".



Ông Thao nói trước hết ông Austin đã dẫn không chính xác phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear vào ngày 13/5/2015: “Việt Nam có 48 điểm đóng” [Nguyên văn: “Viet Nam has 48 outposts”].

Báo cáo Mỹ gọi đó là các outpost (điểm đóng) chứ không phải là features (thực thể)."

Theo Tiến sỹ Thao, "Việt Nam đã không mở rộng chiếm đóng mới trên bất kỳ một thực thể nào mà chỉ tăng cường các điểm quan sát trên cùng một thực thể để bảo đảm quản lý và chống sự xâm nhập của nước ngoài lên đảo".

Ông Nguyễn Hồng Thao lập luận: "Nhiều điểm đóng trên một thực thể tồn tại tự nhiên chưa chắc đã bằng việc mở rộng thực thể gấp nhiều lần kích thước thật để xây dựng cả một tổ hợp căn cứ quân sự trên đó như Trung Quốc đang làm."

"Vì vậy việc sử dụng các con số một cách lẫn lộn, không nhìn vào bản chất là trò chơi không công bằng."

Trên tờ EurasiaReview ngày 23/6 cũng có bài "Chúng ta có cần biết ai là kẻ hung hăng nhất trên Biển Đông?" của tác giả Tuan Ha (Hà Anh Tuấn), trong đó ông Tuấn cũng đưa một số lập luận nói Tiến sỹ Greg Austin đã gây hiểu lầm cho độc giả về hiện trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào: