Pages

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Hợp đồng cướp thuê ?


Tạ Phong Tần - "...Trên đời này lại có cái sự “làm thuê” sướng quá chừng như vậy. Thảo nào từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có tình trạng nhà cầm quyền địa phương dùng quyền lực nhà nước tước đoạt quyền sử dụng đất của dân, đền bù rẻ mạt để giao đất cho các doanh nghiệp kinh doanh. Người dân bức xúc, khiếu nại khắp nơi..."

Sau một thời gian nông dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An kiên nhẫn đi kiện khắp nơi về việc bị thu hồi đất và áp giá đền bù “rẻ như cho” nhưng không được giải quyết thỏa đáng, ngược lại, các hộ nông dân này bị cơ quan công quyền nhà nước thẳng tay dùng vũ lực ném ra khỏi mảnh đất của họ. Một ngày “đẹp trời” nọ, ông Đỗ Văn Được- nông dân bị thu hồi 13.435m2đất làm dự án đã phát hiện ông Nguyễn Đa Nhiêm -Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Đức Hòa đã ký “hợp đồng kinh tế” số 48/HĐKT-BT-GPMT với ông Nguyễn Tất Thắng- Giám đốc Cty Tân Đô để phía BTGPMB “thực hiện việc kê biên, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị thu hồi với tổng diện tích đất hơn 3,09 triệu mét vuông”. Công ty Tây Đô sẽ trả cho BTGPMB 1,032 tỷ đồng. Vậy là ông Đỗ Văn Được đem chứng cứ (bản hợp đồng) đến các cơ quan báo chí kêu rầm lên về “cái động cơ” ( 1 tỷ đồng) mà “người nhà nước” quá ư xăng xái “thu hồi đất” của ông bằng bạo lực, bất chấp pháp luật Việt Nam hiện hành đang cấm tiệt (Báo CA TPHCM ngày 15/04/2011). Ông Đỗ Văn Được nói: “Ban BTGPMT nhận tiền “làm thuê” nên đứng về phía chủ đầu tư, dùng quyền ép dân, áp giá đền bù rẻ mạt…”.

Mới đây, cư dân mạng đưa tin kèm hình ảnh (tất nhiên báo chí nhà nước thì im lặng) sáng ngày 13/4/2011 người dân bị cưỡng chế thu hồi đất tại 5 phường khu Thủ Thiêm đã tập trung biểu tình trước trụ sở Thành ủy TPHCM để phản đối và cực lực tố cáo ông Tất Thành Cang (ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thành ủy viên, Bí Thư kiêm Chủ Tịch Ủy Ban nhân dân quận 2) “cố tình vi phạm nghiêm trọng Điều 60 Nghị Định 84, Điều 148 Luật nhà ở” khi ban hành các quyết định thu hồi đất và không giải quyết khiếu nại của dân theo luật định.

Năm 2010, người dân khu tam giác vàng Eden cũng bị nhà cầm quyền dùng quyền lực nhà nước để cắt điện, cắt nước bao vây cuộc sống và lợi dụng đêm tối ập vào bắt bớ, đánh người, dùng mọi phương tiện cơ giới tống cổ họ ra khỏi chung cư cho bằng được để giao mặt bằng cho công ty Vincom. “Người dân Eden cho rằng nhà cầm quyền thành phố đã “đi đêm” với Vincom nên “nhiệt tình đóng thế Công ty Vincom trong vai trò bồi thường đất qua việc chỉ đạo quận 1 thành lập Hội đồng bồi thường “bóp cổ” dân Eden với giá bồi thường “rẻ như cho” để cướp khu đất “kim cương” dâng cho Tập đoàn có “dây mơ rễ má” với Technocom – tập đoàn của người Việt Ukraine một cách hợp pháp để cải thiện đời sống quan lại” (?!). (Trích “Chung cư Eden – Cuộc chiến giữa người dân và nhà cầm quyền”).

Cũng năm 2010, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An đã mượn tay Ban bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt Ban bồi thường) để đuổi cổ tức thì (không tổ chức họp dân, không thông báo giá cả và quyết định thu hồi) 219 hộ dân ở “khu đất vàng” phường 7, thành phố Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu với giá bồi thường 170.000 đồng/m2 (Báo CA TPHCM ngày 16/12/2010). Giá tiền bồi thường này đủ để ăn 2 tô phở (không kèm trà đá) trong quán Phở Ta của bà Tuyết Mai (vợ cựu Phó Tổng thống chính quyền VNCH) ở Sài Gòn. Thực tế giá thị trường đất ở đây khoảng 2,5 triệu đồng/m2, cho thấy người ta thu được siêu lợi nhuận còn hơn trùm buôn ma túy nếu “mượn tay” nhà nước ép dân lấy đất.

Xa hơn một chút, vào năm 2009 nhà cầm quyền Việt Nam cũng tước đoạt đất đai (đền bù rẻ mạt) của các hộ nông dân khư vực quận 9, Sài Gòn để giao cho các Tập đoàn công nghệ cao kinh doanh. Người nào phản kháng lập tức bị gán hco tội “Gây rối trật tự công cộng” và bị bắt giam. Đất đai của họ giờ đây được các công ty như Intel (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Mỹ), Sonion (Đan Mạch) và các công ty công nghệ cao của Việt Nam như FPT, Vingame, CMC,… sử dụng kinh doanh, còn các nông dân mất đất Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Tiến Thông, Nguyễn Văn Năng, Dương Thanh Trúc, Lưu Quốc Luân, Đỗ Thị Mai, Nguyễn Nam Biền phải ngồi tù.

Luật đất đai ban hành năm 2003 quy định rõ: “Dự án kinh doanh thì Nhà nước không thực hiện thủ tục thu hồi đất mà chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân” (Điểm a khoản 2 Điều 40). Không phải các vị “đầy tớ nhân dân” từ trung ương xuống địa phương không biết chữ, không học luật hoặc không biết luật. Nhưng người ta cố tình “làm thuê” cho doanh nghiệp bất chấp “tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây”.

Ngày trước, làm thuê là tầng lớp dưới đáy xã hội Việt Nam (ai hổng tin cứ đọc tác phẩm “Cơm Thầy, cơm cô” của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì biết). Bây giờ, làm thuê có khá hơn chút đỉnh nhưng chưa nuôi nổi bản thân mình một cách đàng hoàng, đơn giản chỉ mới đủ “đổ cơm vào mồm” cho “máy” chạy thôi. Báo Tuổi Trẻ ngày 13/04/2011 vừa kêu “Công nhân phải tăng ca quá sức” nhưng thu nhập không đủ “chống đỡ” với cơn “sóng thần giá” đang ập xuống, mấy việc như: vui chơi, giải trí, học hành, thậm chí yêu đương, kết hôn và sinh con, nuôi con thì tiền lương công nhân không đủ chi cho các “nhu cầu xa xỉ” này.

Báo CA TPHCM nhận định rằng việc BTGPMB huyện Đức Hòa ký hợp đồng với công ty tư nhân để dùng quyền lực nhà nước cướp đất của dân là “làm thuê cho doanh nghiệp”. BTGPMB dĩ nhiên hàng tháng được hưởng lương từ ngân sách đều đều, làm cái gì đó thì tất tần tật phương tiện xe cộ, xăng dầu, con người… đều xin Ủy ban nhân dân cung cấp, thậm chí xin Ủy ban ra lệnh cho lực lượng khác hỗ trợ sẳn sàng “xúc” tất cả đứa nông dân nào dám kháng cự không chịu giao đất. Còn tiền thu được tất nhiên các vị đầy tớ sẽ chia nhau bỏ túi riêng, chớ dại gì đem nộp ngân sách cho nó lòi chành té mứa ra cái “hợp đồng mướn cướp đất” trái pháp luật kia?

Trên đời này lại có cái sự “làm thuê” sướng quá chừng như vậy. Thảo nào từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có tình trạng nhà cầm quyền địa phương dùng quyền lực nhà nước tước đoạt quyền sử dụng đất của dân, đền bù rẻ mạt để giao đất cho các doanh nghiệp kinh doanh. Người dân bức xúc, khiếu nại khắp nơi. Kết quả là trước trụ sở Thanh tra Chính phủ (210 Võ Thị Sáu, Q3), trụ sở Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà Nước (35 Hồ Học Lãm, Bình Tân) ở Sài Gòn và Hà Nội (đối diện vườn hoa Mai Xuân Thưởng) lúc nào cũng có người dân tập trung đội đơn khiếu nại.

Lâu nay, người dân nghi ngờ động cơ “nhiệt tình cách mạng” quá đáng của các vị “đầy tớ nhân dân” nhưng không đủ bằng chứng nên phần lớn các vụ kiện đều như “đá ném ao bèo”, thành thử các vị “đầy tớ nhân dân” được nước làm tới tới. Có lẽ vì vậy mà “người nhà nước” ở Long An ký hợp đồng giấy trắng mực đen hẳn hỏi đề phòng cái bọn “gian thương” được việc rồi chúng nó nói ngược không đưa tiền đầy đủ. Chuyện “khó tin nhưng có thật” là “người nhà nước” ký hợp đồng (trái pháp luật) với doanh nghiệp để cướp đất của dân trên thế giới này có lẽ chỉ xảy ra đất nước CHXHCN Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” thôi.

Nguồn : Blog Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Thời Báo (Canada)

Không có nhận xét nào: