Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011
Lên tiếng về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tại diễn đàn ASEAN
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phái đoàn đến từ Việt Nam, các vấn đề đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do ngôn luận, cấm cản nghiệp đoàn độc lập, bắt bớ, tra tấn, buôn người… được ba thành viên của phái đoàn người Việt tự do tuần tự nêu lên tại các diễn đàn trong suốt ba ngày hội nghị... Điều làm cả phòng hội ngỡ ngàng là một thành viên trong phái đoàn Việt Nam đã lấy muỗng khua tách cà phê để phá rối trong khi Ông Nhật đang phát biểu...
*
Tại hội nghị của các tổ chức xã hội dân sự của ASEAN ở Jakarta, Thủ Đô Indonesia, một phái đoàn người Việt tự do đã nêu lên tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phái đoàn đến từ Việt Nam, các vấn đề đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do ngôn luận, cấm cản nghiệp đoàn độc lập, bắt bớ, tra tấn, buôn người… được ba thành viên của phái đoàn người Việt tự do tuần tự nêu lên tại các diễn đàn trong suốt ba ngày hội nghị.
“Chính quyền Việt Nam là một chính quyền độc tài. Một mặt họ nới lỏng về kinh tế thì mặt kia họ thắt siết về chính trị”, Ông Võ Trần Nhật, đến từ Pháp và đại diện Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn về các quyền tự do công dân.
Ts. Thắng và Ông Võ Trần Nhật tại Hội Nghị Jakarta, ngày 4/5/2011 (ảnh Lê Duy Cận)
Người trưởng phái đoàn Việt Nam, thay vì trả lời bằng dữ kiện, đã tấn công nhắm vào thân thế của Ông Nhật, với sự vỗ tay hưởng ứng của toàn bộ phái đoàn Việt Nam. Điều này tạo bất bình cho cả ban tổ chức lẫn tham dự viên.
Khi vị trưởng phái đoàn Việt Nam than phiền rằng ban tổ chức tước quyền tự do ngôn luận vì không được mời làm thuyết trình viên, một tham dự viên từ Mã Lai nhắn nhủ: “Tôi yêu cầu quý vị hãy về nước mà đòi quyền tự do ngôn luận cho dân của quý vị chứ đừng ngồi đây than trách rằng không có tự ngôn luận tại diễn đàn này”.
Điều làm cả phòng hội ngỡ ngàng là một thành viên trong phái đoàn Việt Nam đã lấy muỗng khua tách cà phê để phá rối trong khi Ông Nhật đang phát biểu.
Tại một diễn đàn khác, Ts. Thắng lên tiếng về tình trạng chính quyền Việt Nam trấn áp các công nhân Việt lao động ở ngoài nước và bao che cho những kẻ bóc lột họ. Một đại biểu của Việt Nam khẳng định rằng công nhân xuất khẩu có đời sống rất tốt và cáo buộc rằng Ts. Thắng có dụng ý chống phá chính quyền Việt Nam.
Trước thái độ sỗ sang ấy, một thuyết trình viên đến từ Singapre đã lên tiếng mạnh mẽ: “Tôi biết rất rõ về chính quyền của quý vị. Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội của quý vị hết sức tham nhũng.”
Tuy chỉ có ba người, phái đoàn người Việt tự do đã tạo được cảm tình của nhiều tham dự viên từ những tổ chức xã hội dân sự thực sự và của các quan sát biên đến từ các toà đại sứ và tổ chức quốc tế.
“Phái đoàn của chúng tôi thực ra không hẹn trước mà gặp tại Jakarta”, Ts. Thắng giải thích.
Ông cho biết là Ông cùng với cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees tham gia hội nghị qua Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), đã hoạt động từ hơn ba năm qua ở trong vùng. Khi được biết Ts. Cấn đang thăm viếng các di tích về thuyền nhân ở vùng Đông Nam Á, Ts Thắng mời Ts. Cấn thay đổi lộ trình để ghé Jakarta.
“Sang đến ngày thứ hai của hội nghị, tôi mới tình cờ biết được rằng Ông Nhật sẽ thuyết trình tại hội nghị. Thế là chúng tôi đã kết ngay lại với nhau để tạo tiếng nói chung”, Ts. Thắng giải thích.
Tại buổi phỏng vấn với báo chí Thái Lan, Ts. Lê Duy Cấn, Uỷ Viên Ngoại Giao của Liên Hội Người Việt Canada, nhận xét rằng một số chính quyền như Việt Nam, Miến Điện, Cambốt tìm cách đưa người của chính quyền xâm nhập hội nghị. Phái đoàn Việt Nam có 60 thành viên.
“Họ trá hình dưới danh nghĩa tổ chức xã hội dân sự nhưng thực sự họ nhận chỉ thị của chính quyền”, Ts. Cấn phát biểu.
Tuy nhiên theo Ts. Thắng, ngoài một vài người chủ chốt, số còn lại trong phái đoàn Việt Nam nằm trong thế phải nói theo.
“Tôi mong sẽ có ngày họ được cởi trói và có quyền hành xử đúng với chức năng của những tổ chức xã hội dân sự”, Ông nói.
Hội nghị bắt đầu ngày 2 và kết thúc ngày 5 tháng 5, 2011.
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/461-len-tieng-ve-vi-pham-nhan-quyen.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét