Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011
Tinh thần Dân Tộc qua màu cờ sắc áo
Người Buôn Gió - Chúng ta thường thấy những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ màu đỏ thắm tung bay trên phố phường của những đô thị lớn tại Việt Nam trong những này mà đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng. Những bức hình gây nhiều cảm xúc hưng phấn cho người xem.
Những người làm tuyên truyền chính trị đánh giá đó là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam nói chung và của giới thanh niên đô thị nói chung, theo họ đó là phản ánh tâm tư của người dân đối với chính thể trong việc dùng những lá cờ đỏ thắm, mới tinh tươm để ăn mừng chiến thắng bóng đá nước nhà. Còn gì đáng giá hơn những bức hình mà lá cờ của chính thể này tung bay phấp phới trên đường phố do người chính người dân sử dụng.
Hai mươi năm trước tôi là lính trong đội nghi lễ quốc gia, chuyên đứng sắp hàng đón những nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam. Có lúc cũng phải vác súng, cờ đứng tiêu binh cho đám tang của các vị quan chức, sĩ quan quân đội từ trần. Chuyện mầu cờ sắc áo quan trọng lắm, từng cái cúc áo, nếp nhăn, vết bẩn trên áo quần cũng phải để ý. Đó là quân tư trang cá nhân, còn lá cờ thì khỏi phải nói chúng được chăm sóc kỹ càng thế nào. Chớm có dấu hiệu sờn, phai màu lập tức một lá cờ mới tinh tươm khác sẽ được thay thế, thể diện của quốc gia chứ đâu phải chuyện nhỏ.Chính trị viên người Hải Dương thường nhăc nhở đám lính chúng tôi phải kính trọng lá cờ, phải luôn giữ hình ảnh lá cờ tổ quốc được trang trọng trong mỗi nghi lễ chúng tôi tiến hành, thậm chí phải nâng niu lá cờ khi sử dụng xong, gấp vuốt cẩn thận mới thể hiện được tinh thần yêu nước, phẩm chất chính trị....
Thời bao cấp những năm cuối thập kỷ 70 và đầu 80, dù cho miếng ăn phải cân nhắc từng bữa. Nhưng đến ngày quốc khánh, 30-4...và cả ngày đại hội Đảng nữa nhà nào cũng phải treo cờ, lá cờ nhà nào mà chớm cũ, phai màu lập tức tổ trưởng khu phố nhắc nhở phải thay cờ khác ngay. Đói ăn là thế, nhưng đường phố lúc nào cũng huy hoàng, đỏ loẹt màu cờ nhìn vui mắt lắm, không khí lắm, rất tưng bừng náo nhiệt trong những ngày lễ lạt, kỷ niệm...Người ta quan niệm treo thật nhiều cờ, thật nhiều sắc đỏ là yêu nước, là có tinh thần công dân, tinh thần cách mạng, ai không treo là có vấn đề. Bởi thế người ta đi kiểm tra những nhà nào mặt phố, ngõ mà mải lo làm ăn quên chưa treo là họ xộc vào hất hàm hỏi -cờ đâu sao không treo.
Cờ , băng rôn, khẩu hiệu...tất cả đều màu đỏ rực rỡ trên các đường phố. Năm nay ngày 30-4 và ngày bầu đại biểu nhân dân các cấp sát nhau. Nhà nước chi ra 700 tỷ đồng để phục vụ cho việc tuyên truyền bầu cử, một phần lớn số tiền đó tất nhiên chi cho cờ, băng rôn, khẩu hiệu treo rợp phố phường. Không khí náo nức chào mừng ngày bầu cử của nhân dân ta,
Đôi khi có người hỏi không khí náo nức ấy là do nhà nước ta bỏ tiền mà tạo ra chứ, nhìn ảnh thấy dân tình mải miết đi lại có thấy ai hồ hởi đâu mà bảo nhân dân náo nức. Nói thế là một chiều, mỗi người một việc, nhân dân ta lo đi lại làm ăn kiếm tiền đóng thuế để nhà nước có tiền sắm cờ quạt , khẩu hiệu hộ nhân dân. Như thế chả phải là nhân dân náo nức đi làm kiếm tiền nhờ nhà nước mua những thứ đó hay sao ? Tranh luận vô cùng, biết là người ta abor nhân dân náo nức chào đón thì là nhân dân náo nức chào đón. Vặn vẹo làm chi.
Lá cờ của quốc gia phải được tôn ngiêm, thế mới rõ tinh thần yêu nước, yêu chế độ, yêu chính thể đã lập ra lá cờ ấy, tất nhiên yêu cả Đảng tạo ra lá cờ ấy nữa vì nhờ có Đảng mà đất nước mới có lá cờ tổ quốc. Chứ không thì còn khuya tổ quốc mới có lá cờ đẹp như thế.
Bởi thế lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên các phố phường Hà Nội, lung linh và náo nức làm sao. Cả phố phường thay sắc, như một cô gái sắm bộ cánh mới đi vào ngày hội, nhất là nghe loa phát thanh phường rộn rã bài hát Đất Nước Trọn Niềm Vui của nhạc sĩ Hoàng Hà ( không phải ông Hoàng Hà ở đài phát thanh radio Chân Trời Mới chuyên phỏng vấn các nhà đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến đâu nhé)
- Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! . Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.
Ai cũng ít nhiều thấy vui, khung cảnh như thế, âm thanh như thế, rộn rã, ngập tràn âm thanh màu sắc không vui lây chút ít thế nào được. Cái tâm lý tự nhiên của con người dễ bị lây như vậy, thì lên đồng cũng âm thanh, áo quần, mười mấy giá hầu, giá hầu nào cũng đủ sắc, các thanh đồng nhảy múa trong bầu không khí huyền ảo ai mà không ngất ngây.
Nhưng mà làm được điều đó thì phải có tiền. Chứ không có tiền , không có gạo để ăn, đói từng bữa như bà con Thanh Hóa thì lòng dạ đâu mà cờ với quạt. Trừ khi có tinh thần Thép Đã Tôi Thế Đấy, bát gạo cũng thổi, yêu nước đến cắc bạc cuối cùng, tinh thần cách mạng mạnh mẽ, lòng yêu nước tha thiết mới sắm cờ mới để vui cùng niềm náo nức của nhân dân các đô thị lớn. Đi qua những vùng quê, nông thôn, xa thành thị nhìn những lá cờ tổ quốc mới thấy tương phản với bầu không khí ở nơi đô thị làm sao ? Vì họ thiếu ăn, không đủ tiền mua cờ hay là ý thức về lá cờ tổ quốc đã ít nhiều không còn quan trọng với những người dân thôn quê nữa, xin xem những tấm hình dưới đây về hình thức của lá cờ và vị trí treo để trả lời. Câu hỏi này đặt ra cho nhiều người, đặc biệt là những người có chức quyền, những người làm tuyên huấn, tuyên giáo
Đây không phải là hình ảnh cá biệt, những bức ảnh này được chụp ở 3 tỉnh khác nhau. Tỉ lệ những lá cờ thảm hại thế này chiếm ít nhất 65% trong những lá cờ treo trên khu vực.
Nguồn : Blog Người Buôn Gió
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét