Pages

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Vụ án Nguyễn Công Nhựt: Vô lý nối tiếp vô lý

Tuổi Trẻ ngày 9/5/2011 đăng tin sau: “Liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt tại trụ sở Công an huyện Bến Cát (Bình Dương), chiều 8-5 một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết kết quả khám nghiệm tử thi xác định anh Nhựt chết do treo cổ bằng dây cáp điện thoại, không phát hiện có sự tác động của ngoại lực và không phát hiện độc chất.
Theo nguồn tin này, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và Cơ quan Giám định tư pháp trung ương về chữ viết, chữ ký trong thư tuyệt mệnh, thư gửi anh Phu, anh Phú, chị Phượng (cán bộ Công an huyện Bến Cát – PV), bản cam kết ở lại cơ quan điều tra và kể cả đơn tố giác tội phạm… đều là của anh Nhựt”.

Kết luận này hoàn toàn không bất ngờ khi động thái của phía cơ quan công an trong vòng mấy ngày qua thể hiện nhiều điều “hết sức bí ẩn”.

“Kết quả khám nghiệm hiện trường, cổ Nhựt bị tròng bằng dây sạc pin điện thoại, nhưng sau đó mấy ngày thông tin được “đổi lại” là “dây cáp điện thoại” (bàn). Nghi vấn đặt ra là không lẽ cán bộ công an khám nghiệm không phân biệt được đâu là dây sạc pin điện thoại di động, đâu là dây cáp điện thoại bàn? Hay là nạn nhân Nhựt sau khi chết đã ngồi dậy tự mình thay đổi từ dây này sang dây khác? Trường hợp nó là dây cáp, tất nhiên phải gắn liền với sự hoạt động của chiếc điện thoại bàn cơ quan (trong phòng), dây cáp bị dứt đứt (để thắt cổ) làm điện thoại không hoạt động mà cơ quan công an không ai hay biết nên phải ngắc ngứ “nó là dây gì” suốt 3-4 ngày?

Kết luận về dây này của công an lại cũng mâu thuẫn với đoạn video phóng viên báo Tuổi Trẻ có được là “đoạn video quay hiện trường sau cái chết của anh Nhựt tại phòng làm việc thuộc Công an huyện Bến Cát. Video này cho thấy sợi dây thắt vào cổ anh Nhựt là dây điện thoại bàn màu đen (loại hai sợi), một đầu được buộc vào một thanh sắt trên khung cửa sổ. Cách đó khoảng 1m có một dãy bàn, trên bàn có bức thư tuyệt mệnh và một cây viết”. Quan trọng hơn, “Đoạn băng này cũng ghi được nội dung một bản tự khai của anh Nhựt tại Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát. Theo đó, anh Nhựt khai từ năm 2009-2010, trên phần mềm lưu trữ cho thấy thất thoát khoảng 1.000 lốp xe. Tuy nhiên anh Nhựt cho rằng mình không phải là người chiếm đoạt số hàng đó và trong hệ thống xuất hàng của công ty còn có nhiều người khác cùng làm việc” (Tuổi Trẻ ngày 4/5/2011).

Bản khai không thừa nhận phạm tội mà lại viết thư tuyệt mệnh “nhận tội” rồi tự treo cổ là chuyện lạ đời. “Ăn tạp” tỷ tỷ tiền nhà nước cỡ các quan Vinashin mà chưa có ai “ân hận” đến mức “từ chức”, đừng mơ đến chuyện các quan xấu hổ tự tử. Giả sử đúng là Nguyễn Công Nhựt phạm tội, thì trộm cắp một số vỏ xe cũng đâu có đáng tội chết mà phải tự tử?

Ghi chép của Nhựt trong sổ tay (trái) và thư tuyệt mệnh (phải)
Biện bạch cho nguyên nhân sự có mặt của anh Nhựt tại công an huyện Bến Cát, “Theo Công an tỉnh Bình Dương, anh Nhựt đến Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát là theo yêu cầu của Công ty Kumho để hợp tác điều tra. Anh Nhựt cũng đã viết cam kết tự nguyện ở lại trụ sở Công an huyện Bến Cát chứ không phải bị bắt giữ”. Tuy nhiên, vợ nạn nhân lại khẳng định rằng nạn nhân đến cơ quan làm việc như thường lệ thì công an huyện Bến Cát đến công ty đưa nạn nhân đi chớ nạn nhân không hề tự đến cơ quan công an.

Một người thần kinh bình thường (đang làm việc, Công ty Kumho đâu có điên mà đi thuê nhân viên bị khùng) lại “tự nguyện” đến cơ quan công an huyện “ăn vạ ngủ vật” thay vì ngủ ở nhà với vợ, để “làm việc” mà không hề thông báo một tiếng cho vợ con, gia đình biết là mình đang ở đâu, không gọi điện về nhà (ở cạnh cái điện thoại bàn và còn dùng chính sợi dây cáp điện thoại để treo cổ) là việc hết sức vô lý. Công ty Kumho không có quyền buộc nhân viên làm một việc trái pháp luật là “tự nguyện”, “cam kết” ở lại cơ quan công an. Trước yêu cầu trái pháp luật của Công ty Kumho, công an huyện Bến Cát phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật bằng cách đuổi anh ta về, muốn gì chỉ làm việc trong giờ hành chánh, có đâu lại vin vào cái được gọi là “cam kết” rồi câu lưu thân thể công dân (chưa phải là tội phạm) tại cơ quan mình, còn tuyệt hết mọi đường liên lạc của nạn nhân với gia đình?

Chữ viết của một người trưởng thành là thói quen được định hình ít nhất 10 năm, từ nhỏ đến đến lớn nên không thể thay đổi được. Tùy theo thời điểm, chữ viết có thể thay đổi về độ lớn nhỏ, khoảng cách giữa các chữ, nhưng cách viết các chữ, các đường uốn cong, gấp khúc, cách bỏ dấu, các chữ cái đặc biệt, đặc trưng… là bất di bất dịch. Tuy chỉ nhìn thấy bản chụp trên báo, nhưng bằng mắt thường tôi cũng có thể thấy rõ cách viết chữ “k” trong sổ tay và trong thư tuyệt mệnh của anh Nguyễn Công Nhựt khác xa nhau. Nếu có điều kiện so sánh bản gốc chắc chắn còn phát hiện thêm nhiều điểm bất hợp lý khác nữa.

Vợ nạn nhân nói “Cổ tay, lưng bàn tay có nhiều vết bầm, lòng bàn tay và ngón tay bầm đen. Trên thân thể có nhiều vết bầm kéo dài từ bụng dưới đến háng, đùi, tinh hoàn và nhiều chấm đen ở chân” (Dân Trí ngày 02/5/2011). Ông Nguyễn Văn Hãnh, cha nạn nhân thì bức xúc: “Có quá nhiều điều bất thường như thân thể con tôi, từ bụng trở xuống nhiều chỗ bị bầm tím. Hai bên háng bị bầm xanh. Dương vật và hai tinh hoàn đều bị dập và chảy máu. Nếu thắt cổ tại sao bị như vậy?”. Bà Thái Thị Lượm (mẹ anh Nhựt) nói thêm: “Trước khi pháp y mổ, tôi có vào nhìn mặt con tôi thì thấy dưới đáy quần của nó loang đỏ máu. Hai bên đùi có rất nhiều vết bầm tím từ trên xuống. Hai bên hông và hai bên đít cũng bầm tím. Môi trên bị dập, hai bàn tay thì co rút lại, lúc đó tôi cố gỡ ra nhưng không được. Chúng tôi hoàn toàn không tin là con mình tự sát” (Thanh Niên ngày 4/5/2011).

Nạn nhân lúc đến cơ quan công an thân thể lành lặn, khi chết trên thân thể lại có quá nhiều dấu vết bạo lực, thương tích. Anh Nhựt không thể tự gây thương tích cho mình, vậy những dấu vết, thương tích đó từ đâu mà ra. Những thương tích đó, không cần là người trong ngành y cũng biết “nó” không thể là nguyên nhân chính gây chết người, nhưng “nó” hoàn toàn dư khả năng buộc nạn nhân viết ra bất cứ cái gì mà kẻ thủ ác (gây thương tích) mong muốn.

Nhấn mạnh điều này, tôi muốn gởi đến cơ quan công an đang điều tra vụ án, nếu quý vị cho rằng tôi nói sai, xin mời quý vị cùng tôi tham gia cuộc thực nghiệm điều tra, mà quý vị thủ vai nạn nhân Nguyễn Công Nhựt, còn tôi sẳn sàng giúp quý vị có những dấu vết bạo lực, thương tích giống y như thương tích trên người nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (trừ phần treo cổ), tôi tin chắc rằng lúc đó tôi bảo quý vị viết tờ nhận tội rằng chính quý vị là đồng bọn thân cận của Bin Laden cũng được luôn.

Bám vào kết luận “chết do treo cổ” rồi lờ đi nguyên nhân và thủ phạm đã gây ra những thương tích chẳng khác nào tra tấn thời trung cổ (có thể khiến nạn nhân muốn chết đi để thoát khỏi sự đau đớn thể xác) rõ ràng là dấu hiệu bao che tội ác. Một người chết khuất tất trong cơ quan công an mà còn mang thêm oan án “trộm cắp” thì hậu quả và ảnh hưởng đã vượt khỏi phạm vi gia đình nạn nhân, dù gia đình nạn nhân (vì lý do nào đó) không dám kêu cầu công lý, thì xã hội vẫn có quyền đòi hỏi công lý cho người chết. Vì vậy, biên bản khám nghiệm tử thi, bản kết luận giám định pháp y phải được công khai trước dư luận. Nếu cần bảo vệ sự thật, phải khai quật tử thi để giám định lại cũng phải làm cho người chết ngậm cười nơi chín suối.

Theo thống kê trên báo chí, năm 2010 có ít nhất 20 người chết oan trong đồn công an. Từ đầu năm 2011 đến nay, ít nhất 4 trường hợp chết oan trong đồn công an (không tính trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt). Cơ quan giám định không độc lập với ngành công an, ai biết đâu vì muốn “bôi son trét phấn” cho cái lực lượng “chỉ biết còn đảng còn mình” (không biết nhân dân) bị quá nhiều tai tiếng xấu này mà người ta sẳn sàng giết chết sự thật và công lý?

Tạ Phong Tần

Chữ ký trong bức thư tuyệt mệnh được cho là do anh Nhựt viết, và chữ ký của anh Nhựt trong Bản Cam Kết làm tại trụ sở công an.

Không có nhận xét nào: