Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Doanh nghiệp 'chóng mặt vì lãi suất đi vay'




Biện pháp tăng lãi suất tiền gửi có lợi cho người có tiền nhưng là gắng nặng với doanh nghiệp.



Sau Tết, lãi suất cho vay ở Việt Nam tăng mạnh, nhiều ngân hàng tính 20% đối với các khoản cho vay khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Đối với các khoản vay mua xe hơi, máy tính cá nhân, lãi suất có thể lên tới 56%/năm, báo Tuổi Trẻ trong nước đưa tin.

Lãi suất áp dụng đầu năm 2011 tính ra cao bằng lãi suất năm 2008, thời điểm Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, khi lượng tín dụng cho vay giảm mạnh, tiền mặt trở nên khan hiếm.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nói họ buộc phải thu hẹp đầu tư, sản xuất cầm chừng, giảm tối đa vay mượn từ ngân hàng.

Trong khi ngân hàng đổ lỗi cho việc huy động tiền mặt từ xã hội khó khăn. Quản lý ngân hàng cho hay do nguồn tín dụng hạn chế, nhiều tổ chức tài chính buộc phải nâng lãi suất tiền gửi thành 15, 16 phần trăm, đẩy lãi suất cho vay lên tới 19, 20 phần trăm.

Phải dùng lãi suất để kéo giá cả xuống chứ đừng nhìn giá cả để ấn định lãi suất, như vậy không thể trị tận gốc lạm phát

Bùi Kiến Thành
Không chỉ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi lãi suất tăng cao chóng mặt. Người dân với các khoản vay cá nhân cũng bị tính lãi nặng hơn sau Tết.

Một người vay 500 triệu đồng để mua nhà trả góp vừa được thông báo khoản trả nợ ngân hàng hàng tháng của anh sẽ tăng từ 9 lên thành 11 triệu. Lo lắng hơn nữa khi không ai dám khẳng định với anh rằng 11 triệu đồng/tháng chưa phải điểm dừng cuối cùng.

Tại ai?

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt nguồn tín dụng để kiềm chế lạm phát đôi khi gây ra hậu quả ngoài ý muốn.

Đây là một trong những lý do khiến lãi suất ở Việt Nam hiện ở mức ‘cao nhất thế giới’, ông Thành cho báo Tuổi Trẻ hay trong một cuộc phỏng vấn.

“Theo tôi, lý do doanh nghiệp VN đang phải chịu lãi suất cao nhất thế giới như hiện nay là vì thiếu tiền, vì ngân hàng thắt chặt tín dụng. Muốn có vốn ngân hàng phải huy động lãi suất cao, cho vay cao, từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn không thoát ra được.”

Trong vòng một năm, lãi suất đã tăng gần gấp đôi, thử hỏi làm sao doanh nghiệp có thể làm gì để ổn định sản xuất

Giám đốc một doanh nghiệp

Lãi suất gia tăng bắt nguồn từ cuộc đua huy động tiền gửi do các ngân hàng nhỏ khơi mào. Các ngân hàng này buộc phải dựa vào nguồn vốn từ thị trường tự do để tăng thanh khoản, họ đẩy lãi suất tiền gửi lên cao để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của dân.

Vì huy động tiền với giá cao, lãi suất cho vay cũng buộc phải đẩy lên theo. Điều này gây ra làn sóng tăng lãi suất giữa các ngân hàng với nhau.

Giải pháp của vấn đề, theo ông Bùi Kiến Thành, là Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho các ngân hàng nhỏ vay tiền và chủ động ấn định lãi suất.

“Phải dùng lãi suất để kéo giá cả xuống chứ đừng nhìn giá cả để ấn định lãi suất, như vậy sẽ không thể trị tận gốc lạm phát,” chuyên gia tài chính nói.

Ngồi nhìn!


Việt Nam vừa phá gia tiền đồng, khả năng giảm lãi suất sẽ càng khó.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận với phóng viên rằng nhu cầu vay tiền của họ rất lớn, trong đó có đầu tư dây chuyền, mở rộng sản xuất. Với lãi suất tăng gần gấp đôi, trong năm qua, đến nay, họ chỉ biết “ngồi nhìn!”

“Nếu tính lại các hợp đồng mà công ty đã vay từ cuối năm 2009 với lãi suất 10,5%/năm thì hiện nay tất cả các hợp đồng này đều đã bị điều chỉnh lãi suất lên mức 18,66%/năm.

“Trong vòng một năm, lãi suất đã tăng gần gấp đôi, thử hỏi làm sao doanh nghiệp có thể làm gì để ổn định sản xuất?” phó giám đốc một công ty nhựa cho tờ báo từ TP HCM hay.

Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm nhận xét môi trường lãi suất cao hiện giờ khiến nhiều doanh nghiệp đang ‘co cụm’. Theo ông Kiêm, người giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất thu hẹp sẽ gây ra hệ lụy với xã hội rất lớn.

“Một khi doanh nghiệp không dám làm ăn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, hàng hóa khan hiếm, giá cao, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, lao động không có việc làm, kinh tế tăng trưởng chậm lại,” cựu quan chức ngân hàng nói.

“Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đang phải xoay xở đủ cách nhưng sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn.

“Giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp là điều tất yếu phải làm,” báo Tuổi Trẻ trích lời ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Không có nhận xét nào: