Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011
Cách mạng Tunisa thổi tới Bắc Triều Tiên ?
Một buổi trình diễn mừng sinh nhật Kim Jong-Il ngày 14/2/2001. Chế độ Bình Nhưỡng sẽ bị lung lay do tác động của Cách Mạng Hoa Lài?
Reuters
Thanh Hà
Hương thơm của hoa lài Tunisia chưa thổi tới Bình Nhưỡng, tuy nhiên các cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập đang khiến giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên lo lắng. Đó là một trong những đề tài chính được báo chí Pháp quan tâm hôm nay.
Trang nhất các tờ báo lớn của Pháp ngày đầu tuần hôm nay đều tập trung vào sự kiện tổng thống Pháp cải tổ nội các, thay thế các bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng. Nhìn từ góc độ của nhật báo thân hữu Le Figaro thì đây là « Chiến lược của Nicolas Sarkozy trước những thách thức đến từ thế giới Ảrập ». Báo Libération thiên tả nhận xét : các cuộc cách mạng Tunisia hay Ai Cập và tình hình Libya chỉ là cái cớ để ông Sarkozy « Tìm ra một làn gió mới vào cuối nhiệm kỳ ».
"Sarkozy tìm cách cứu vãn giai đoạn cuối nhiệm kỳ 5 năm", tựa của Le Monde. Trang nhất của báo L'Humanité đăng ảnh một biển người với hàng tựa nổi bật : « Họ đẩy lui được cả Sarkozy », tờ báo muốn nói đến các làn sóng nổi dậy tại Trung Cận Đông đã khiến tổng thống Pháp phải « Khẩn trương và hấp tấp cải tổ thành phần chính phủ ».
Bình Nhưỡng và cách mạng Tunisia
Nhưng trước khi đọc kỹ những bài báo về tình hình chính trị nước Pháp, xin được điểm qua những bài viết về « Hương thơm của hoa lài đang thổi đến Bình Nhưỡng » như tựa của một bài báo trên tờ La Croix cho thấy.
Từ một tháng nay, Hàn Quốc mở lại chiến tranh tâm lý đối với Bắc Triều Tiên : quân đội rải khoảng 2,4 triệu tờ truyền đơn với hàng chữ « Mọi chế độ độc tài đều sẽ bị sụp đổ ». Bên cạnh đó Hàn Quốc còn thả những kiện hàng với lương thực, thuốc men hay quần áo ấm, máy phát thanh sang bên kia biên giới để nhắm tới một phần dân số 24 triệu người hoàn toàn bị bưng bít thông tin.
Nhiều tổ chức nhân quyền miền Nam hy vọng làn gió dân chủ ở Trung Vận Đông thối tới Bắc Triều Tiên, nhưng tuyệt nhiên không một nhà phân tích nào tin rằng chế độ Kim Jong Il có khả năng bị đe dọa.
Về phần thông tín viên của báo Le Figaro tại Seoul khẳng định « Hương thơm của hoa lài Tunisia chưa thổi tới Bình Nhưỡng » tuy nhiên các cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập đang khiến giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên bồn chồn. Do Bắc Triều Tiên là quốc gia khép kín và hầu như hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, nên khả năng dư âm các cuộc nổi dậy ở Trung Cận Đông lan đến quê hương của ông Kim Jong Il là điều không thể xảy tới.
Điều khiến các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng lo ngại hơn cả là tình trạng lương thực tại Bắc Triều Tiên bị xấu đi, khi đó, đói kém có thể trở thành động cơ dẫn đến một cuộc nổi dậy. Theo dự báo, có từ 50 đến 80% vụ mùa lúa mì Bắc Triều Tiên trong năm nay đang bị đe dọa.
Trung Quốc và cách mạng Tunisia
Vẫn hương thơm của hoa lài : Libération chú ý đến việc Trung Quốc huy động một đội ngũ công an hùng hậu để ngăn cản các cuộc tập hợp được dự trù tổ chức vào ngày chủ nhật 27/2 tại 27 thành phố.
Tại thủ đô Bắc Kinh, hôm qua 1000 nhân viên cảnh sát chống bạo động có trang bị súng tự động bao vây cả một khúc đường, trước cửa hàng ăn nhanh McDonald’s nằm trên một con đường nổi tiếng nơi có nhiều cửa hiệu sang trọng nhất thủ đô Trung Quốc. Khoảng một trăm nhà đối lập, nhà văn, chủ trang blog đã bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia. Thậm chí một số người còn bị truy tố với tội danh « âm mưu lật đổ chế độ».
Về câu hỏi liệu Trung Quốc có sẵn sàng tiến hành một cuộc cách mạng hoa lài hay không ? Libération không trực tiếp trả lời nhưng đưa ra những nhận định như sau : trong năm 2008 đã có 227 000 cuộc biểu tình ( với hơn 100 người tham dự mỗi vụ) diễn ra trên toàn quốc. Tính trung bình, mỗi ngày chính quyền phải dập tắt tới hơn 620 cuộc tập hợp với sự tham dự của đông đảo quần chúng như trên !
Trung Quốc hiện nay là nơi có khoảng cách thu nhập nghiêm trọng nhất thế giới. Các vụ tai tiếng tham nhũng trong hàng ngũ các quan chức Nhà nước ngày càng gây bất bình trong dư luận. Thêm vào đó hiện tượng vật giá leo thang, và những bất công trong xã hội có thể trở thành những yếu tố gây bất ổn mà chính quyền cần đặc biệt lưu ý.
Phụ trang kinh tế báo Le Figaro chú ý đến việc thủ tướng Trung Quốc đề ra mục tiêu duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 7% từ nay cho đến năm 2015, và coi việc kềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Tại Trung Quốc ngày càng có nhiều người than thở vì giá địa ốc tăng cao.
Về phần tờ Les Echos nói đến sức tàn phá của hiện tượng nhà đất tăng giá đối với đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Hiện tượng mà tờ báo gọi là « quả bom địa ốc » : tại 68 trên 70 thành phố lớn ở Trung Quốc, tìm được một chỗ ở tươm tất là một cơn ác mộng đối với hầu hết người dân xứ này.
Trở lại với phần thời sự nước Pháp, Les Echos nhận xét tổng thống Sarkozy đã trao lại các bộ then chốt –Nội vụ, Ngoại giao vào Quốc phòng- cho những người thân cận với ông. Mục tiêu sau cùng là để dọn đường cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2012. Le Monde lưu ý đây là nội các Fillon 7 : từ khi đắc cử tổng thống tháng 5/2007 đến nay, đây là lần thứ 7 Nicolas Sarkozy thay đổi thành phần chính phủ : lần trước, chỉ mới cách đây chưa đầy 100 ngày, cũng ông Sarkozy khẳng định đưa vào các vị trí lãnh đạo những người « chuyên nghiệp » và tối ngày hôm qua thì chính ông đã quyết định thay thế những người chuyên nghiệp này !
Trong nhãn quan của báo La Croix, qua việc cách chức Ngoại trưởng Michèle Alliot Marie, đưa cựu thủ tướng Alain Juppé, một người từng giữ chức vụ này, vào thay thế bà, điện Elysée trước hết đang chấn chỉnh lại chính sách đối ngoại của Pháp. Hình ảnh và uy tín của nước Pháp đã bị sứt mẻ cùng với các vụ tai tiếng liên quan đến cá nhân bà Ngoại trưởng, Paris cũng lại chậm trễ lên tiếng trước khát vọng dân chủ của người dân Tunisia, Ai Cập. Lại cũng điện Elysée đã vụng về bênh vực cô Florence Cassez làm xấu đi quan hệ với Mêhicô.
Vấn đề đặt ra liệu Bộ Ngoại giao Pháp có thực sự làm chủ tình hình hay không, hay là mọi quyết định đều nằm cả trong tay ông Nicolas Sarkozy và các nhà cố vấn thường trực của điện Elysée ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét