Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011
Suy nghĩ về Khủng hoảng & Quản trị Xã hội tốt
Nguyễn Tất Thịnh (chungta) - Điều mấu chốt nhất Quản trị xã hội tốt không nên sản sinh, nuôi dưỡng ra hai thứ : độc tài cá nhân hay độc tài nhóm. Mạnh hơn thế là phải làm toàn xã hội, toàn dân có khả năng ngăn ngừa, miễn nhiễm với nó…
Tất cả những bài tôi viết đương nhiên bộc lộ cao suy nghĩ và chính kiến của tôi. Nhưng chủ trương viết sao cho có thể chia sẻ ‘tính khai sáng nhận thức’ của chúng ta về các vấn đề, sự kiện đã và đang xảy ra trong Thế giới quanh ta. Mọi điều có thể điều chỉnh được, xây dựng được tốt từ nhận thức đúng đi đến hành đông tích cực, đặc biệt quan trọng với qui mô toàn xã hội.
Những sự kiện xã hội vừa qua liên tiếp xảy ra, mang qui mô thế giới, từ Tunisia cho đến Lybia nóng bỏng ngày hôm nay, và chắc chắn chưa dừng lại ở các nước đó cho thấy:
Nền tảng, môi trường xã hội ở các nước đó có vấn đề từ gốc gác kém phát triển và là nguyên nhân khởi nguồn sinh ra những sai hỏng ngay từ thuở ban đầu trong việc kiến lập nên một Chính phủ có tư cách, khả năng quản trị xã hội tốt theo các chuẩn mực văn minh chính trị. Xã hội đó chỉ đủ để sản sinh ra những thế lực chính trị phản động từ trong hệ tư tưởng tận dụng sự yếu kém xã hội đó để lừa mị, ngoi lên, khuynh đảo đất nước, coi nhân dân như con Trâu Bò để kí sinh rồi coi chính nhân dân thành kẻ thù kẻ độc tài đến mức những kẻ tương tự như vậy sẵn sàng tuyên bố và sử dụng tiền thuế thu của dân mua chiến khí hiện đại ‘chiến đấu đến cùng với những con ‘Chuột Nhân dân’
Đặc biệt xã hội vốn được quản trị yếu kém nên khi có khủng hoảng chính trị thì ngay lập tức diễn ra khủng hoảng xã hội rất thảm khốc và hạ đẳng. Chúng ta cũng biết nhiều Quốc gia phát triển, ở đó cũng không hiếm lắm những cuộc khủng hoảng chính trị, hay như Bỉ gần đây xấp xỉ cả năm chưa thành lập được Chính phủ mới nhưng không có những việc ghê rợn như thảm họa xã hội đang xảy ra ở Lybia. Tôi được chứng kiến tận mắt, tại chỗ mấy ngày trời sự việc động đất xảy ra ở Kobe ( Nhật Bản sáng sớm thứ Hai tháng 02 /1995 ) gần 5 ngàn người chết, hàng chục vạn gia đình mất nhà cửa, khói lửa ngút đó đây trong thành phố rất đông dân, bao nhiêu công trình xây dựng khổng lồ bị đổ nát, thiệt hại trên 100 tỉ USD…nhưng tuyệt nhiên không thấy những cảnh hỗn loạn, hôi của, cướp bóc, giết người, tệ nạn xã hội….Ai ai người nào việc đó, đều tự khắc phục khó khăn để đến được nơi công sở thực hiện chức phận. Rất nhiều hàng quán tư nhân gia chủ tự bày cái bàn ra trước cửa để trên đó thực phẩm, đồ đạc để người nào cần đi qua thì sử dụng cho họ thuận lợi tiếp tục công việc….Quân đội cứu trợ vô cùng hiệu quả cùng các lực lượng chính quy của các cơ quan Công lực và muôn các tổ chức dân lập khác. Bản thân tôi kông quay được về trường học thật tự nhiên và nhanh chóng tham gia vào các nhóm Sinh viên Ngoại quốc tình nguyện cứu trợ… Những gì tôi quan sát được, trải qua bởi sự tham gia trong cái tuần thảm họa thiên tai đó cho tôi những giá trị học tập lớn hơn bất cứ một trường đại học nào…Thảm họa Thiên tai không trở thành thảm họa xã hội…Hơn hai năm sau, thành Phố Kobe mới tuyệt vời, hiện đại hơn trước ra đời. Người dân Nhật tự hào, mạnh mẽ hơn, quản trị xã hội tốt hơn sau khi đi qua thảm họa!
Tôi vừa nghe một người bạn than thở kể về một sự việc không xa lắm ( tôi nhấn mạnh câu chuyện không có bằng chứng xác thực và tôi không muốn tin như đã nghe được ): một chiếc xe tải của Công ty chủ quản xây dựng ngôi Chùa rất lớn ở một Tỉnh nọ, đi ầm ầm vào công trình bất chấp người đi đường, thỉnh thoảng nhấn còi hơi rất to khiến người thần kinh không vững có thể ngã lăn ra đường… Chiếc xe đó đã tông phải 3 học sinh gái phổ thông trung học đang đi trên đường, một em ngã lăn ra…người ta thấy em ấy gần phút sau cũng khập khễnh tự đứng dậy được…nhưng ngay sau đó tất cả kinh hoàng khi thấy chiếc xe tải khổng lồ kia lùi rất nhanh và cán chết em! Sau người ta mới biết : kẻ lái xe kia hành động như vậy vì trong khoảnh khắc nghĩ : thà như thế còn đỡ rắc rối đeo đẳng, đỡ hơn trong việc bồi thường nếu người bị nạn kia chỉ bị thương nặng! Thật kinh khủng nếu suy diễn tiếp với cách nghĩ và hành xử đó trong hoàn cảnh xã hội bình thường, thì nếu xảy ra khủng hoảng sẽ có bao nhiêu bi kịch táng tận lương tâm nữa đây!
Tôi đọc các trang mạng thấy ở nước này nước nọ có những việc bất lương tràn lan khi xảy ra những thiên tai, hay khủng hoảng chính trị…có điều nghĩ kĩ thì đó là toàn các nước kém phát triển, theo nghĩa hàng ngày, khi bình thường vốn không văn minh, lại được Chính phủ nước đó kém cỏi, vô lương, bất tri trong cả một quá trình rất dài quản trị xã hội , đặc biệt quản trị dựa trên những Tín điều, luận thuyết đi ngược lại Lẽ Phải. Không phải tự nhiên mà Chile xứng đáng tự hào và được Quốc tế ngợi ca trong việc tổ chức cứu nạn những công nhân bị kẹt trong hầm mỏ. Tại sao dân Hàn Quốc phẫn nộ với Chính phủ của họ trong việc lép vế với Trung Quốc trong việc Thủy thủ Hàn Quốc bị ‘tàu lạ’ Trung quốc tùy tiện xung đột, cấm đoán, bắt người… Tại sao Bà Arroyo Tổng thống Philipine được ngợi ca, gia tăng uy tín trong việc bà ấy xuống đường biểu tình, và chỉ đạo các cơ quan Chính phủ giải cứu một công dân đi làm giúp việc ở Bubai bị Tòa án ở đó tuyên án tử hình oan sai… Điều này cũng là một ví dụ nhỏ thêm vào lý giải rằng ở Philipine cũng thỉnh thoảng có khủng hoảng chính trị nhưng không gây ra khủng hoảng xã hội như thảm họa.
Qua đó thấy một điều tối quan trọng trong việc quản trị Xã hội tốt là : ( Xã hội văn minh + Chính trị tiến bộ + Nguyên thủ có tư cách ) -> thực sự do Dân + của Dân + vì Dân. Điều này nhận rất rõ bản chất, tính chất của nó thông qua các sự kiện / khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội…cả Xã hội, nền Chính trị, Nguyên thủ và dân chúng khi đó phản ứng, xử sự như thế nào. Nhưng đợi đến lúc có khủng hoảng mới nhận chân ra tất cả những điều đó là thật tồi tệ thì quá muộn, hậu quả đổ nát xã hội, kinh tế, chính trị, nhân Tâm đã quá lớn. Vì thế tôi muốn vài điều dưới đây nói về Quản trị Xã hội tốt để tốt ngay trong mọi lúc Thường, và nếu có sự kiện gì không thuận thì cũng sẽ có được cách giải quyết tích cực :
- Văn minh phải là tiêu chí, thước đo chủ yếu nhất của mọi quá trình quản lý. Phương thức quản lý mở theo hướng xã hội hóa và tương tác tích cực theo đòi hỏi của Xã hội dân sự. Phát triển Dân trí để trở thành nguồn ‘năng lượng sạch’ cho các phong trào kiến quốc, các dự án cải cách căn cơ, có tổ chức, với những chính kiến và phong trào lành mạnh, tiến bộ, đủ sức không cho nảy nở và ngăn chặn sự độc tôn hủ bại, những nhóm bầy nghịch loạn phá hoại nền tảng Xã hội, khuynh đảo Dân Sinh
- Dần phi chính trị hóa trong tổ chức cung cấp Dịch vụ Công, phúc lợi Xã hội và lĩnh vực vô cùng căn bản như ( Y tế / Giáo dục )…nếu tiếp được thế nữa với tất cả các cơ quan Quyền lực Nhà nước thì thật tuyệt vời. Chính trị thuần túy là cương lĩnh hành động của các Tổ chức Đảng chứng tỏ với Quốc Dân cái tư cách, sự tín nhiệm của họ trong việc xứng đáng được Dân bầu làm lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, điều hành đối Nội và đối ngoại vì lợi ích Quốc Gia gắn với cam kết cụ thể về các mục tiêu Tam Dân
- Xác lập lợi thế Quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng được Liên minh chiến lược với các Cường Quốc, tham gia là thành viên tích cực trong các nhóm Quốc tế đa phương có thể chế mạnh. Iệu ứng tự hoàn thiện Quốc nội, thông qua đó nhận được sự trợ giúp hiệu quả ủng hộ của họ trong việc cải cách tiến bộ phương thức Quản trị Xã hội. Đồng thời có được sự ủng hộ chính thức và mạnh mẽ, đa phương của các Quốc gia đó khi đứng trước các vấn đề khó khăn trong nước
- Ban hành Luật về ‘’Tình trạng khẩn cấp’ theo đó : xây dựng và qui chế sử dụng lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tối cao ‘Khảo Thanh & Thiết lập Trật tự’ (quyền Hành động được ban bố bởi Chủ tịch Quốc Hội, quyền điều hành thuộc Chủ tịch nước / hay Tổng Thống / hay Chủ tịch Mặt trận vì ổn định Quốc gia, quyền xét xử thuộc Tòa án Hiến Pháp): Đặt tham nhũng, lũng đoạn, hủ bại, phá hoại trong xã hội hoặc các cơ quan Nhà nước vào Tội phạm hạng (A). Kèm theo là quy chế về trách nhiệm xã hội tối cao của các cơ quan Truyền thông.
Điều mấu chốt nhất Quản trị xã hội tốt không nên sản sinh, nuôi dưỡng ra hai thứ : độc tài cá nhân hay độc tài nhóm. Mạnh hơn thế là phải làm toàn xã hội, toàn dân có khả năng ngăn ngừa, miễn nhiễm với nó. Cho nên chúng ta đều biết : ( Thể chế tiến bộ + Dân trí sáng láng + Cá nhân kiệt xuất ) đi vào văn minh của quản trị xã hội thật tốt đẹp biết bao !
Nguyễn Đạt Thịnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét