Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Cuộc cách mạng Bắc Phi – Trung Đông còn đang tiếp diễn

Nguyễn Minh Cần
Theo: Dân Luận
-

Sau khi nhiều báo mạng và báo giấy đưa bài viết về “Mười bài học từ cao trào cách mạng ở Tunisia và Egypt” của tôi “ra trình làng”, tôi nhận được nhiều hồi âm của người đọc. Nói chung các hồi âm đều rất khích lệ. Tôi xin thành thực cám ơn.

1/ Có một vài bạn hỏi tôi: cuộc cách mạng Bắc Phi – Trung Đông rồi sẽ đi đến đâu? Hiện nay, tôi chỉ có thể nói được rằng: “Cuộc cách mạng còn đang tiếp diễn. Phải chờ xem”.
Đúng vậy! Không ai có thể nói trước được tình hình rồi sẽ ra sao! Thắng lợi bước đầu của cao trào cách mạng dân chủ ở Tunisia và Egypt đã gây ra một làn sóng lay động cả thế giới A Rập với trên 350 triệu dân. Nhưng vì ở vùng này, tình hình vô cùng phức tạp, mỗi nước có những nét đặc thù riêng biệt, dù rằng cái điểm chung của nhiều nước là chế độ độc tài toàn trị đè nặng đã nhiều năm, nhưng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thêm vào đó, vùng này có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế quốc tế, vì là vùng cung cấp dầu mỏ, hơn nữa lại có sông đào Suez, nên quyền lợi của nhiều nước cả dân chủ lẫn không dân chủ trên thế giới đều đan xen, chằng chịt ở đây.

Hiện nay, chỉ có thể nói được rằng triển vọng dân chủ của Tunisia là tương đối rõ rệt hơn cả. Nhưng dân chủ hóa đến mức độ nào thì còn tùy sự tranh đấu tiếp tục và bền bỉ của dân chúng. Còn ở Egypt, như tôi đã viết trong bài trước, tình hình còn gay go và phức tạp hơn nhiều. Có một bạn đưa ra ý kiến rất độc đáo: “Ở Egypt không phải là cuộc cách mạng mà là cuộc đảo chính do giới quân nhân đạo diễn. Thế là quần chúng đuổi tên độc tài này đi lại rước tên quân phiệt kia đến!”. Riêng tôi, chưa thấy có cơ sở nào cho một kết luận như vậy. Điều đáng lo ngại là giới quân nhân Egypt có thể cướp công của quần chúng cách mạng để nắm toàn bộ quyền lực, nhưng điều này cũng còn tùy thuộc vào ý chí đấu tranh cho dân chủ của dân chúng. Một mối lo ngại nữa là tổ chức Anh em Hồi Giáo, hay đảng chính trị của họ sẽ lập ra nay mai, có thể đánh lừa dân chúng để lên cầm quyền. Khả năng này có, nhưng, theo tôi, không lớn, vì dân Egypt xưa nay vốn không chấp nhận Hồi giáo cực đoan.

Điều đặc biệt đáng nói là thắng lợi của cao trào cách mạng ở Tunisia và Egypt đã dội trực tiếp vào Libya, thúc đẩy phong trào tranh đấu của quần chúng ở nước này bùng lên rất mạnh, và bọn cầm quyền ở đây đã huy động quân đội, cảnh sát, xe tăng, máy bay, đàn áp phong trào cực kỳ dã man. Đại tá Muammar Kadhafi, kẻ tự xưng là “lãnh tụ cách mạng”, đã tuyên bố hôm 22.02 trên đài truyền hình là sẽ dìm cuộc nổi dậy trong máu, và y đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội, nhất là bọn lính đánh thuê da đen từ các nước châu Phi xa xôi, bắn xả vào các đám biểu tình, thậm chí ra lệnh cho máy bay ném bom xuống dân chúng. Những hành động dã man đó càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm hờn của người dân và đánh động lương tâm của nhiều người trong quân đội, cảnh sát, cũng như trong bộ máy cầm quyền: bộ trưởng bộ nội vụ và bộ trưởng bộ tư pháp Libya đã từ nhiệm; nhiều đại sứ Libya ở các nước đã từ chức hoặc chuyển sang phe nổi dậy; phó trưởng đoàn đại diện của Libya tại Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố tố cáo tội ác diệt chủng của Kadhafi; hai phi đoàn Libya đã từ chối thi hành lệnh ném bom xuống nhân dân đang đấu tranh và lái máy bay đỗ xuống phi trường ở Malta xin tỵ nạn; nhiều đồn binh, căn cứ quân sự, kể cả căn cứ tên lửa, căn cứ không quân…đã bỏ ngỏ, sĩ quan và binh lính biến mất để lại vũ khí, xe tăng, máy bay, tên lửa… Một đòn đau điếng nữa cho Kadhafi là người họ hàng thân thiết, tín cẩn nhất của tên độc tài, một trong những trụ cột của chế độ, Ahmed Kadhaf al Dam, đã xin từ chức, ông ta chuyên trách về công việc bí mật và những quan hệ với Cairo. Theo tin ngày 26.02, giới thân cận trong đám cầm quyền của Kadhafi chỉ còn lại hai cha con y và bốn nhân vật có nhiều nợ máu nhất với nhân dân.

Trong mấy ngày qua, quần chúng cách mạng với sự ủng hộ của cảnh sát và quân đội ngả theo cách mạng đã nổi dậy lần lượt chiếm các thành phố ở miền Đông Libya, trong đó có Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, Zouara và Tobruk, một hải cảng quan trọng. Như vậy là, do sự đàn áp dã man bằng vũ khí của cảnh sát và quân đội chính phủ và được sự giúp đỡ của các binh si ngả theo cách mạng, cuộc đấu tranh hòa bình bằng hình thức quần chúng biểu tình đã chuyển thành đấu tranh vũ trang của quân nổi dậy. Và cuộc đấu tranh của quần chúng ở nhiều nơi đã trở thành những trận chiến đấu ác liệt để giải phóng khỏi ách độc tài. (Người viết nhấn mạnh nét mới này của tình hình, khác hẳn với cuộc đấu tranh hòa bình ở Tunisia và Egypt – NMC).

Ở những vùng do quân nổi dậy kiểm soát, quần chúng đã thành lập các “ủy ban tự quản” hay “ủy ban cách mạng” (hình thức của chính quyền mới) để trông nom trật tự, điều hành công việc của chính quyền và tổ chức sự phòng vệ. Từ miền Đông, cuộc nổi dậy đã lan nhanh sang miền Tây Libya: nơi đây nhiều thành phố đã rơi vào tay quân nổi dậy, binh sĩ gia nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy. Các đơn vị quân đội và cảnh sát thành phố Adjabia, cách Benghazi 200 km, đã tuyên bố ủng hộ cuộc nổi dậy. Ngay ở vùng ngoại vi thành phố Tripoli, quần chúng cũng đã vùng lên. Ở Al Zawiyak cách Tripoli 150 km ở phía nam đã xảy ra những trận đánh dữ dội, còn ở phía đông xa hơn cách Tripoli 200 km, thành phố Misrata lớn thứ ba của Libya đã lọt vào tay quân nổi dậy. Dần dần vùng do quân nổi dậy kiểm soát được mở rộng ra và đang siết chặt vòng vây quanh thủ đô Tripoli. Đến ngày thứ sáu 26.02 đã có tin: quân nổi dậy đã kiểm soát được phần lớn các vùng trong nước; 23 bộ tộc ở Libya đã tuyên bố ủng hộ quân nổi dậy và các tướng tá đứng về phe nổi dậy đã thành lập bộ chỉ huy thống nhất để chuẩn bị đánh vào Tripoli. Như vậy là trận chiến đấu ở nước này sắp đến hồi cuối, chắc chắn sẽ vô cùng quyết liệt vì quân nổi dậy phải đương đầu với một tên độc tài khát máu, bệnh nhân hoang tưởng paranoia, lại mắc chứng cuồng vĩ, nên khó ai lường trước được hành động của y! Đồng thời, ta cũng nên lưu ý rằng Kadhafi, càng ngày càng bị những thuộc cấp, cộng sự gần gũi của y xa lánh vì không ai muốn dính dáng đến con người đã gây ra tội ác diệt chủng khủng khiếp, nên rất có thể là số phận của y sẽ sớm kết thúc một cách bất ngờ.

Nhân dân Libya đang giành được những thắng lợi đầy khích lệ. Cố nhiên, họ cũng phải trả giá rất đắt cho tự do: theo ước tính, đến hôm nay, 26.02, đã có khoảng 2000 người bị giết. Nhưng nhân dân Libya đã biểu lộ sức mạnh lớn lao của họ trong cuộc vật lộn gay go này, họ tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng và nhất định sẽ không lùi bước, còn nhân loại tiến bộ sẽ đứng về phía họ!

Cũng cần nói thêm là qua những sự kiện ở Libya, ta thấy rõ sự lúng túng trong việc ngoại giao của các nước châu Âu, do các nước này phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của Libya, do nỗi khiếp sợ làn sóng di tản cực lớn của dân chúng Bắc Phi tràn vào châu Âu, do hàng chục nghìn người châu Âu còn kẹt ở Libya chưa kịp đưa về nước… Nhưng dù sao thì các nước trong Liên hiệp châu Âu cũng như Hoa Kỳ đều nhất loạt lên án tội ác diệt chủng của Kadhafi và đã tuyên bố rõ các biện pháp trừng phạt. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa họp xong đã nhất trí quyết định các biện pháp trừng phạt đối với giới cầm quyền ở Libya do những hành động diệt chủng của họ. Như vậy là về mặt ngoại giao chính quyền Kadhafi hoàn toàn bị cô lập, trong lúc đó phe nổi dậy nhận được một sự ủng hộ lớn về mặt tinh thần. Đây là một tấm gương cho các chế độ độc tài toàn trị trên thế giới đừng tưởng rằng trong thời đại hiện nay muốn dùng sắt máu đàn áp nhân dân thế nào cũng được.

Còn ở Yemen và Bahrain, cuộc đấu tranh hòa bình của quần chúng vẫn rất quyết liệt, Giới cầm quyền Yemen và Bahrain lúc đầu dùng cảnh sát và quân đội đàn áp dữ dội làm cho một số người bị chết. Quần chúng biến những cuộc đưa tang các nạn nhân thành những cuộc biểu tình lớn làm cho kẻ cầm quyền hoảng sợ, thấy rằng dùng vũ lực sẽ làm cho cuộc nổi dậy bùng nổ mãnh liệt hơn nữa nên họ đã thay đổi chiến thuật hứa hẹn đối thoại (Yemen) hoặc thả tù chính trị (Bahrain), nhưng quần chúng đấu tranh vẫn kiên trì đòi tổng thống Saleh phải từ chức (Yemen) hay đòi phải chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến với nghị viện có quyền lực do dân bầu (Bahrain). Ở trên quảng trường Ngọc Trai tại thủ đô Anama, mấy ngày trước quân đội đã quét sạch dân biểu tình, nhưng rồi quần chúng vẫn chiếm trở lại mà kẻ cầm quyền không dám đàn áp, chứng tỏ rằng họ e sợ phản ứng mạnh của quần chúng. Hôm nay, 26.02, hàng mấy chục nghìn quần chúng ở Yemen lại xuống đường đấu tranh mãnh liệt đòi Saleh phải từ chức và bọn cầm quyền lại đàn áp dữ dội làm bốn người chết. Ở Jordan, trên 5000 người đã xuống đường biểu tình hòa bình để phản đối giá cả leo thang và đòi sa thải thủ tướng Samir Rifai, ngay sau đó, Nhà Vua Abdullah II đã ra lệnh giảm giá hàng và thuế đối với một số mặt hàng và xăng dầu. Ở đây, không một ai bị bắt giam. Ở Arập Saudi cũng vậy, sau khi cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra tại nhiều thành phố, đòi cải cách chính trị, hạn chế quyền của Nhà Vua, thì Nhà Vua Abdallah liền tìm cách tháo ngòi nổ của phong trào, đã hứa trích hàng chục tỷ euro để chi phí về xã hội, giáo dục, v.v… nhưng không đả động gì đến cải cách chính trị.

Ở Algeria, quần chúng đấu tranh mạnh, nhưng tổng thống Bouteflika sợ một cuộc cách mạng như ở Tunisia liền tìm cách xoa dịu quần chúng bằng cách hủy bỏ tình trạng khẩn cấp đã có hiệu lực hơn 19 năm. Còn ở Maroc, cũng đã có một cuộc biểu tình đông đảo rất hòa bình ở Rabat, Casablanca để đòi cải cách xã hội, cải cách hiến pháp, nhưng ở đây dường như dân chúng còn mến mộ Nhà Vua, nên khẩu hiệu quần chúng đưa ra có phần nhẹ nhàng hơn.

Ở Iran, phe đối lập cũng đã vận động đông đảo quần chúng xuống đường, nhưng sự đàn áp của kẻ cầm quyền ở đây rất ác liệt, và họ bày trò huy động “quần chúng”’ xuống đường ở Teheran để ủng hộ tổng thống Ahmadhinejad và đòi treo cổ hai thủ lĩnh đối lập. Tình hình ở Iran rất khó khăn vì bị sức ép nặng nề của thần quyền Hồi giáo ủng hộ tổng thống độc tài.

Như vậy là cuộc đấu tranh cho dân chủ ở vùng Bắc Phi – Trung Đông còn đang tiếp diễn, tuy ở mỗi nước có những cường độ và thành tựu khác nhau, nhưng chúng ta có thể tin chắc một điều là sau cao trào cách mạng ở Tunisia và Egypt, bộ mặt của thế giới ARập nhất định phải đổi khác.

2/ Một câu hỏi mà nhiều bạn trẻ rất quan tâm: thế nào là “thời cơ”? Thời cơ nói trong bài là những cơ hội, những điều kiện thuận lợi cho một cuộc nổi dậy thành công. Trong giới chính trị học, người ta còn dùng thuật ngữ “tình thế cách mạng”. Người ta thường nói đến mấy điều kiện sau đây thuận lợi cho một cuộc nổi dậy thắng lợi: giai cấp cầm quyền khủng hoảng cao độ, không còn khả năng điều hành công việc; các giai cấp bị trị bất bình cao độ và không còn chịu được sự thống trị, sẵn sàng đứng lên; đội ngũ cách mạng đã sẵn sàng với quyết tâm cao để hành động. Theo tôi, trong tình hình hiện nay, những điều kiện đó vẫn rất cần để ý tới, đặc biệt là hai điều kiện sau.

Có người đưa thêm điều kiện “dân trí cao”, “xã hội dân sự mạnh”… tôi thiết nghĩ nếu được như vậy thì càng tốt, nhưng ta không nên đòi hỏi tuyệt đối quá, vì khi thời cơ đến mà còn phải chờ cho “dân trí cao”, “xã hội dân sự mạnh” thì e rằng ta sẽ để tuột mất cơ hội nghìn năm có một!

Vấn đề nắm vững và xác định đúng thời cơ là vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến vận mệnh Dân tộc, vận mệnh phong trào dân chủ trong cả nước. Nếu các chiến sĩ dân chủ lơ là việc chuẩn bị để khi thời cơ đến ta không kịp nắm lấy, hay khi thời cơ chưa đến, điều kiện chưa chín muồi mà đã vội vã nổi dậy tạo cơ hội cho kẻ thù của dân chủ tiêu diệt phong trào thì các chiến sĩ dân chủ sẽ có một trách nhiệm lớn lao trước Lịch sử. Không thể đùa với cách mạng, với nổi dậy. Những người dân chủ phải giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, chớ để bị kích động bởi những lời thúc giục của một số người nóng nảy. Cũng cần nhớ rằng kẻ thù của dân chủ muốn tiêu diệt phong trào khi còn trong trứng nước thường cho “nội gián” chui vào các cơ quan lãnh đạo để xúi giục những cuộc nổi dậy “non”. Phải hết sức cảnh giác!

Trong vài ngày qua, một nhóm người ở hải ngoại vốn ủng hộ tích cực cho phong trào trong nước thúc giục tổ chức đấu tranh trong nước “phải nắm lấy cơ hội, huy động và đi hàng đầu với nhân dân Việt Nam trong một cuộc vùng dậy để đòi quyền của người dân đã bị cộng sản chà đạp trên 60 năm qua”. May mà những người trong nước đã không nghe lời giục giã nguy hiểm này. Vẫn chưa hết, có tin cho biết “truyền đơn kêu gọi toàn dân xuống đường với quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa xuất hiện nhiều nơi tại Sài Gòn” và nhiều bài viết của các “nhà tranh đấu hải ngoại” giục giã dân chúng trong nước “xuống đường”!!! Đọc những tin tức đó, tôi chỉ biết kêu lên: Khi chưa có đủ điều kiện chủ quan và khách quan mà hành động phiêu lưu thì chỉ chỉ là hành động tự sát. Chắc chắn quần chúng sẽ đủ sáng suốt để đánh giá những hành động như vậy.

3/ Một câu hỏi do một nhóm bạn trẻ đặt ra là: chuẩn bị như thế nào cho một cuộc nổi dậy? Đây là một vấn đề tế nhị và khó nói hết được. Theo tôi, có những “ông thầy” mà chúng ta có thể học được. “Ông thầy” thứ nhất là những người cộng sản. Ở họ có hai điều nên học: một là công tác bí mật, bí mật tuyệt đối, để bảo vệ cơ sở và cán bộ; hai là công tác vận động quần chúng. Cách mạng muốn thực hiện thì phải có quần chúng, nên họ đặc biệt quan tâm vận động quần chúng: thanh vận, phụ vận, công vận, nông vận, trí thức vận, binh vận và cả địch vận nữa. Tất nhiên, kinh nghiệm của những người cộng sản nay đã cũ, nên khi ứng dụng thì phải biết “hiện đại hóa” cho hợp thời. “Ông thầy” thứ hai ta nên học là giới trẻ ở Tunisia và Egypt. Những điều nên học ở họ: việc tận dụng các phương tiện thông tin hiện đại để huy động một khối lượng quần chúng thật đông đảo xuống đường; việc đưa ra những đòi hỏi về đời sống, về chống tham nhũng rất hợp lòng dân và kịp thời chuyển sang những khẩu hiệu chính trị khi có điều kiện; tinh thần can đảm khi phát động đấu tranh và kiên trì đấu tranh đến cùng cho những mục tiêu chính trị đã đưa ra (chống tư tưởng nửa vời, cả tin những lời hứa của kẻ cầm quyền). Cố nhiên, còn nhiều điều khác nữa đáng học, nhưng xin nói chừng đó thôi.

4/ Một ông bạn già yêu nước mà tôi quý mến, viết thư cho tôi, góp ý rằng: đám lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx – Lenin tin rằng phải đàn áp triệt để, cực mạnh thì sẽ “trụ” được. Ông bạn nhắc lại sau vụ Liên Xô sụp đổ, Trung ương đảng dưới thời ông Mười cho rằng Liên Xô sụp đổ vì lãnh đạo không cương quyết đàn áp. Cho nên nếu có bạo động thì họ sẽ thẳng tay đàn áp tàn bạo cực độ.

Về thái độ của các lãnh tụ cộng sản đối với các cuộc nổi dậy của quần chúng, ta đã thấy rõ qua hành động cực kỳ độc ác của Lenin (trong vụ nổi dậy của thủy quân, binh sĩ và công nhân ở Kronshtadt), Stalin (trong vụ nông dân Ucraina phản đối tập thể hóa nông nghiệp), Mao Trạch Đông (trong vụ tam phản, ngũ phản), Đặng Tiểu Bình (trong vụ Thiên An Môn), Hồ Chí Minh (trong vụ nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu), Đỗ Mười (trong vụ nổi dậy của nông dân Thái Bình)… Đó là “những con người khổng lồ không tim” (cách nói của văn nghệ sĩ Nhân Văn – Giai Phẩm), nghĩa là không còn nhân tính. Họ che đậy hành vi tàn bạo của họ bằng sự nói dối và lừa bịp, bằng cách bưng bít thông tin triệt để. Nhưng với thời đại thông tin ngày nay, nói dối và lừa bịp, cũng như bưng bít thông tin không dễ dàng gì thực hiện được, cho nên những kẻ mưu đồ những hành vi tàn bạo đối với dân chúng phải suy nghĩ đến hậu quả của chúng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, một khi hành động diệt chủng của họ bị tố cáo lên toàn thế giới. Sự phẫn nộ của quần chúng, cũng như công luận quốc tế, các chính phủ dân chủtrên thế giới, các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc chắc chắn sẽ không để họ được yên!

Tôi còn nhớ một bài báo của tướng Yazov, bộ trưởng quốc phòng cuối cùng của Liên Xô, ủy viên BCT ĐCSLX, thành viên tích cực của nhóm đảo chính, đã viết một thời khá lâu sau khi cuộc đảo chính bị thất bại, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, Không biết ông ta thành thật đến mức nào, nhưng ông viết đại ý thế này: “khi đứng trước một khối lượng hàng trăm nghìn dân chúng ở Moskva xuống đường bảo vệ chính quyền dân chủ, tôi cảm thấy cái trách nhiệm của mình quá lớn trước Lịch sử, nên tôi không muốn quân đội do tôi chỉ huy phải bắn giết nhân dân tôi, và cuối cùng tôi đã ra lệnh rút quân khỏi Moskva”. Tôi nghĩ rằng trừ một số ít người không còn nhân tính, chứ đại đa số tướng sĩ, binh lính, công an, cảnh sát, dù là cộng sản đi nữa, cũng còn nhân tính, còn lòng thương dân, chắc họ sẽ có lương tâm và sẽ không dám nhận cái tội ác giết hại nhân dân trước Lịch sử cũng như trước nhân loại tiến bộ.

5/ Một nhà hoạt động dân chủ thuộc phái nữ viết cho tôi: sở dĩ tại Tunisia và Egypt cách mạng có thể thắng lợi được vì dù sao đi chăng nữa người dân còn “thở” được nên mới làm cách mạng được! Ở những nước mà mọi tự do đều bị bóp nghẹt, đa số dân chúng chỉ thoi thóp sống thôi mà lại hoàn toàn tự do để sống một cuộc sống dễ dãi đến đồi trụy, tha hồ thỏa mãn thú tính, không hướng đến bất cứ một mục tiêu cao thượng nào hết (nghĩ đến sự tồn vông của đất nước chẳng hạn) thì sẽ không có cách mạng như thế… Ý kiến này có vẻ hơi bi quan. Đúng là giới cầm quyền đang thực hành cái gọi là “ổn định chính trị” theo cách bóp nghẹt mọi tự do hướng về dân chủ, nhưng lại khuyến khích tuổi trẻ tự do sống cuộc đời hưởng lạc, dễ dãi đến đồi trụy, nhậu nhẹt lu bù, thỏa mãn với những trò giải trí “rẻ tiền”… Họ luôn luôn đe dọa người dân nếu không có “ổn định chính trị” thì cuộc đời họ sẽ mất hết mọi tiện nghi của đời sống, nên cứ nhẫn nhục cúi đầu chịu sự thống trị của họ. Đó là một khía cạnh khó khăn trong việc vận động dân chúng. Sau khi bài viết của tôi được đăng trên các báo có một ông đã viết: “Phảng phất trong bài này có cái gì đó kích động chống lại Nhà nước VN. Xin hãy để cho mọi sự được bình yên. Chúng tôi đang mãn nguyện với cái gì đã có”. Tôi không nghĩ rằng cái não trạng này chỉ thấy ở những lớp người có đặc quyền đặc lợi của chế độ, hoặc có cuộc sống sung túc, nhưng chắc chắn nó không phải là của đại chúng nghèo khổ, bị bóc lột tàn tệ, của những người gọi là “dân oan”. Mà đã có áp bức, bóc lột thì nhất định sẽ có đấu tranh! Đó là một chân lý đã được Lịch sử xác nhận!

6/ Một vị giáo sư đã gửi cho tôi một nhận xét rất đúng: “Đánh đổ một tên độc tài dễ hơn đánh đổ một đảng độc tài. Tên độc tài A hay B còn hay mất chẳng sao. Đảng vẫn còn đó, guồng máy công an vẫn còn đó. Guồng máy này chẳng những tự tung tự tác, nó còn tự trị, tự túc từ trên xuống dưới. Lớn ăn lớn, bé ăn bé, chẳng cần ai nuôi”. Nhận xét này làm tôi nghĩ đến tình hình Tunisia sau khi tên độc tài Ben Ali chạy trốn, nhưng đảng của nó vẫn còn, cảnh sát cũ dù bị thanh lọc nhưng vẫn còn, và vẫn còn tham nhũng. Quần chúng cách mạng vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh kiên trì. Cái chế độ độc tài toàn trị thâm căn cố đế đã mấy chục năm trời không dễ dàng gì nhổ sạch rễ trong một thời gian ngắn.

7/ Có hai bạn đọc hồi âm trên báo mạng, khuyên tôi “không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ giữa hai lực lượng”, ý nói “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ”, vì nói như vậy dễ gây ra sự chia rẽ giữa trong – ngoài, làm mất tình đoàn kết. Thực ra, người viết rất coi trọng sự hỗ trợ của các lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở ngoài nước, trong nhiều bài viết trước đây, người viết đã đánh giá rất cao sự ủng hộ về vật chất và tinh thần rất to lớn, sự truyền thông từ ngoài về trong nước cũng như sự vận động quốc tế yễm trợ cho cuộc đấu tranh dân chủ của lực lượng trong nước…là vô cùng to lớn. Nhưng đứng về chiến lược mà nói, dẫu sao đi nữa lực lượng trong nước vẫn là chủ yếu và quyết định, vì họ là lực lượng to lớn hơn rất nhiều, lại nằm sát cạnh và phải đối đầu thường xuyên với những đối tượng phải đấu tranh… Còn cái tinh thần đoàn kết thể hiện ở cuộc đấu tranh chung và ở công việc chung thiết thực mà mọi người cùng đóng góp.

Đặc biệt có một người đọc đã không đồng với bài học thứ sáu nói về “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” và phản bác rất mạnh trên báo mạng Dân Luận. Ông ấy nói rằng:

“Ông Cần đã áp dụng một lối lập luận không lương thiện. Muốn rút ra một bài học về phương pháp tiến hành cách mạng, chúng ta cần khảo sát mọi cuộc cách mạng từ trước đến nay. Khi nghiên cứu khoa học, người ta cũng làm theo cách này. Không thể xây dựng lý thuyết về loài thủy sinh bằng cách chỉ quan sát một con cá. Nhà khoa học phải quan sát hàng trăm lần, xây dựng lí thuyết, rồi tiếp tục quan sát trong nhiều năm trước khi khẳng định hoặc phủ nhận lí thuyết của mình. Đằng này, ông Cần vơ vội vài chi tiết trong chỉ một cuộc cách mạng, rồi khẳng định đã có “minh chứng hùng hồn” cho điều mà ông tin tưởng. Thế còn những cuộc cách mạng khác? Hồ Chí Minh là một người Việt hải ngoại. Lenin là một người Nga hải ngoại. Tôn Dật Tiên là một người Tàu hải ngoại. Giáo hoàng John Paul II là một người Ba Lan hải ngoại… Như vậy đã đủ để chứng minh cho sự ngụy biện chưa?…”
Tôi xin phép dừng lại ở đây, vì trích dẫn tiếp thì dài quá. Ông bắt buộc nhà nghiên cứu phải khảo sát MỌI cuộc cách mạng từ trước đến nay mới có thể rút ra được kết luận, nếu không thì là “không lương thiện”! Đúng là tôi không có điều kiện khảo sát MỌI cuộc cách mạng thật, nhưng tôi đã nghiên cứu và chiêm nghiệm một số cuộc cách mạng lớn trong lịch sử để rút ra kết luận, như thế ông không thể buộc tội tôi là “không lương thiện” được. Những nhân vật mà ông đã nêu tên đúng là những người ở hải ngoại thật, tôi không phủ nhận. Nhưng họ có đóng vai trò “lực lượng đấu tranh chủ yếu” không thì còn là một vấn đề phải phân tích. Tôi chỉ nói đến những nhân vật mà tôi biết rõ.

Ông Hồ Chí Minh về hang Păc Bó, đó là một sự kiện đáng kể, nhưng nên nhớ rằng xét về mặt lịch sử thì từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã tồn tại trong nước và lực lượng đấu tranh cách mạng trong nước vẫn là chủ yếu thật. Ông không thể lờ đi sự thật đó!

Ông viết về Lenin theo lòng tin của ông ở cái lối tuyên truyền xuyên tạc của các sử gia Xô – Viết nói về “cuộc cách mạng tháng mười vĩ đại”, nên ông đưa ra dẫn chứng không hợp với thực tế lịch sử. Nên nhớ rằng trong lúc nhóm lưu vong bolshevich Nga còn đang sống thoải mái (tôi dùng chữ này hơi nhẹ đấy và tôi viết với tinh thần trách nhiệm, vì tôi đã đọc cả một cuốn sách dày ghi lại thư tín của họ hồi sống lưu vong, sách này do Viện Marx-Lenin xuất bản dưới thời Xô – Viết) ở Thụy Sỹ, thì các đảng dân chủ đã bám sát nước Nga và đã vận động quần chúng trong nước nổi dậy làm cuộc cách mang dân chủ, lật đổ chế độ Nga hoàng hồi tháng hai năm 1917 rồi. Ở Nga lúc bấy giờ có Chính phủ lâm thời Nga. Khi Lenin được tin đó, ông ta và những người bolshevich vội vã chuẩn bị về nước. Nhưng làm sao về nước khi đoàn tàu nhất định phải đi qua nước Đức mới đến Nga được (hồi đó không có những phương tiện giao thông như ngày nay). Thế là người ta tìm cách vận động nước Đức lúc đó đang đánh nhau với nước Nga. Nước Đức biết rằng đảng bolshevich Nga phản đối chủ nghĩa yêu nước Nga (mà họ đảng bolshevich là “bọn vệ quốc”) và chủ trương “làm thất bại cuộc chiến tranh của nước mình”, nên trước khi cho phép đoàn tàu chở những người bolshevich Nga chạy qua nước mình thì giữa đại diện chính phủ Đức và Lenin đã có những thương thảo bí mật, chính phủ Đức chẳng những đồng ý cho những người bolshevich Nga đi qua nước Đức để về Nga mà còn cấp cho Lenin một số tiền lớn để về Nga “hoạt động”. Chính phủ lâm thời Nga hồi đó đang vừa phải tiến hành chiến tranh với Đức, lại vừa phải tiến hành dân chủ hóa nước Nga, họ đã tổ chức được cuộc bầu Quốc hội Lập hiến để thảo ra hiến pháp dân chủ. Họ gặp khó khăn trăm bề, còn Lenin và những người bolshevich Nga thì lợi dụng cơ hội đó để tổ chức cuộc âm mưu lật đổ Chính phủ lâm thời Nga, tức là chính phủ dân chủ đầu tiên ở nước Nga. Chính phủ này đã đề nghị các cơ quan tư pháp truy cứu hình sự Lenin về tội làm tay sai cho nước Đức, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ để đưa Lenin ra tòa án xử tội, thì ông ta đã kịp chạy trốn đến ẩn núp trong cái lều ở gần Phần Lan. Lợi dụng những khó khăn của chính phủ dân chủ Nga, cuối cùng những người bolshevich đã làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ lâm thời mà họ gọi đó là cách mạng tháng mười Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà sử học Nga đã công bố đầy đủ những tài liệu chân thật hồi đó. Tôi kể lại những điều trên đây để thấy rõ sự thật lịch sử là như thế.

Về ông Tôn Dật Tiên và cuộc cách mạng năm Tân Hợi thì tôi không nắm vững, nên xin miễn nói để nói ngay đến Giáo hoàng John Paul II. Giáo hoàng đúng là một người Ba Lan, ngôi của ngài đóng ở hải ngoại thật. Ngài đã giúp cho Công đoàn Solidarnos và phong trào đấu tranh dân chủ ở Ba Lan rất lớn, nhất là về mặt tinh thần. Mấy năm trước, tôi có dịp đến thành phố khai sinh Công đoàn Solidarnos, được nghe nhiều nhà hoạt động của Công đoàn thời đó kể lại thì tôi càng khẳng định cái chủ trương lực lượng đấu tranh trong nước vẫn là chủ yếu dù cho sự hỗ trợ của Giáo hoàng John Paul II rất lớn.

Người phản bác bài học thứ sáu còn đưa ra hai nhân vật trong cao trào quần chúng cách mạng ở Tunisia và Egypt, là anh thanh niên Wael Ghonim, biểu tượng của cuộc cách mạng Egypt, và ông El Baradei, một nhân vật rất nổi tiếng, là những người vốn ở hải ngoại. Đúng là Wael Ghonim có công lớn đã dùng Internet để huy động được một lực lượng lớn ở trong nước xuống đường đấu tranh, nhưng xét cho cùng dẫu sao thì lực lượng đấu tranh trong nước ào ạt xuống đường vẫn là lực lượng chủ yếu và là lực lượng quyết định để đánh đổ bọn độc tài. Còn ông El Baradei là một nhân vật nổi tiếng, đáng kính, khi về nước có một số quần chúng ủng hộ ông, nhưng không phải là số đông, và thực ra, ông cũng chưa làm được gì rõ rệt. Đó là một thực tế không thể bỏ qua. Rồi đây sẽ thế nào tôi chưa rõ, nhưng hiện nay vai trò của ông El Baradei chưa có gì nổi bật cả.

Những người không tán thành chủ trương “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” thường dựa vào lập luận là trong giai đoạn đầu “bộ chỉ huy” của tổ chức cách mạng phải đóng ở ngoài nước, không thể đặt ở trong nước được. Theo tôi, những người phản bác chủ trương “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” đã không phân biệt một chủ trương có tính chiến lược, lâu dài với một chủ trương chỉ có tính kỹ thuật, nhất thời là việc đặt “bộ chỉ huy” ở đâu. Họ đánh đồng một chủ trương có tính chiến lược với một chủ trương chỉ có tính kỹ thuật. Trong một bài do tôi viết hồi năm 2007, tôi đã nói rõ, xin trích lại như sau:

“Nhưng việc “bộ chỉ huy” “đóng đô” ở đâu khác hẳn với nhận thức, quan niệm lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ. Hai điều này không giống nhau, không phải là một, không thể đồng nhất, không thể lẫn lộn. Dù giai đoạn trước hay giai đoạn sau thì chúng ta vẫn phải đặc biệt lo việc xây dựng lực lượng đấu tranh trong nước, coi đó là lực lượng chính, nghĩa là lực lượng đối đầu thường trực với giai cấp cầm quyền, và xét cho cùng, lực lượng này sẽ có tính quyết định để giành thắng lợi cuối cùng khi thời cơ đến. Vì thế chúng ta phải ra sức xây dựng và phát triển lực lượng đấu tranh trong nước. Đây là một nhận thức nghiêm chỉnh, đúng đắn, có tính chiến lược, chứ không phải là “ngôn ngữ giả dối”. Việc đặt cơ quan lãnh đạo phong trào ở đâu chỉ là một việc cụ thể, một quyết định có tính nhất thời, chứ đâu phải là một chủ trương, một đường lối chiến lược lâu dài?”
Bây giờ xin các bạn thử hình dung một cảnh tượng có thể xảy ra: khi phong trào đấu tranh dân chủ trong nước bắt đầu lên cao, thì nhiều lực lượng dân chủ hải ngoại ồ ạt về nước, nếu mà những chiến sĩ dân chủ chân chính thì đã may cho phong trào, nhưng đằng này còn biết bao «lực lượng» khác nữa tự xưng là «lực lượng chủ yếu» của cách mạng dân chủ, đó là những vị anh hùng hảo hán đủ loại, những nhà cách mạng đầu lưỡi, những nhà chống cộng hùng hổ nhất, những «chính phủ lưu vong» với đầy đủ các bộ «ma», những đảng cách mạng «cuội», những chính khách xa lông đủ cỡ…họ vác cờ xí và khẩu hiệu hoàn toàn xa lạ với đại đa số dân chúng trong nước, nhất là giới trẻ nước ta để đi «đấu tranh cách mạng» …thì lúc đó phong trào đấu tranh dân chủ trong nước sẽ ra sao? Tôi viết điều này không có hậu ý công kích ai hết, nhưng đó là một điều có thể xảy ra lắm. Đáng để mọi người suy nghĩ.

Dẫu sao thì tôi cũng cám ơn người đã phản biện tôi, giúp tôi có cơ hội để trình bày đầy đủ hơn bài học thứ sáu này mà trong lần viết trước vì sợ bài quá dài nên tôi đã lược bỏ bớt.

Tôi xin tạm dừng ở đây. Cuối cùng, tôi chân thành cảm tạ các bạn đọc trong và ngoài nước đã chịu khó đọc bài của tôi.

Moskva ngày 26.02.2011

Nguyễn Minh Cần

Không có nhận xét nào: