Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011
Hủy án vụ Cù Huy Hà Vũ?
TTXVN hôm 18-2-2011 đưa tin trong năm qua “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 18.840 vụ án các loại được tòa án thụ lý trong thời gian qua có tới 140 vụ án để quá hạn, 681 vụ bị sửa án, 187 vụ bị hủy án”.
Tin này lập tức đã được các cơ quan báo chí nhà nước, trong đó có trang điện tử của ĐCS VN loan tải.
Theo đó thì “Trong số những vụ án bị sửa, hủy, có nhiều vụ án phức tạp, nhiều đương sự, nhiều quan hệ pháp luật, đã bị hủy đi hủy lại nhiều lần” và “một số quy định của pháp luật còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc chậm được hướng dẫn áp dụng”. Ngoài ra vì “Một số vụ án có yếu tố nước ngoài, việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất rất nhiều thời gian hoặc không có kết quả cũng làm chậm quá trình giải quyết vụ án” đã khiến nhiều vụ án để quá hạn.
Bản thống kê hoạt động của TAND TP Hà Nội được đưa ra hai tuần lễ trước khi hết hạn tạm giam đối với ông Cù Huy Hà Vũ đã khiến không ít người quan tâm đặt câu hỏi: đây là tín hiệu cho thấy có khuynh hướng trong bộ máy công quyền muốn hủy án vụ Cù Huy Hà Vũ?
Thực tế thì Vụ Án Cù Huy Hà Vũ có thừa các yếu tố đã đưa trong bản tin của TTXVN dẫn đến quyết định bắt buộc phải hủy án, đó là:
- Yếu tố nước ngoài: sau khi phía bị can đưa ra các văn bản đề nghị các bên liên quan “có quyền lợi nghĩa vụ” tham gia tố tụng thì phóng viên của tổ chức “Phóng viên không biên giới” Trâm Oanh đã nhận lời tham gia và mới đây còn gửi thư trực tiếp đên Tòa án TP Hà Nội đề nghị dược tham gia tố tụng. Trang tin Dân luận (Na Uy) và nhà báo Phạm Trần (Hoa Kỳ) cũng đã viết thư đề nghị được tham gia hầu tòa. Đài Á Châu Tự Do cũng có thư gửi TAND TP Hà Hội đòi trả tự do ngay tức khắc cho ông Cù Huy Hà Vũ. Phải nói đây là một hiện tượng chưa bao giờ có trong tiền lệ các vụ án chính trị ở Việt Nam từ xưa đến nay.
- Tính bất cập của bộ luật: Điều 88 trong BLHS của nước CHXHCNVN, điều khoản được đưa ra để khép tội ông CHHV, theo đánh giá của nhiều luật gia là một điều khoản vô lý. Phân tích tính pháp lý của nó, tác giả Nguyễn Tường Tâm trong bài “Biện minh trạng bênh vực TS Cù Huy Hà Vũ” đã khẳng định “điều 88 BLHS không những hạn chế các quyền tự do của người dân được qui định trong điều 69 HP mà thậm chí còn gần như tiêu diệt các quyền này. Đây là một vi phạm HP một cách trầm trọng”. Ngay LS Trần Lâm, nguyên Chánh án Tòa án tối cao trong bài trả lời phỏng vấn RFA và cuộc hội luận trên diễn đàn palktalk về vụ ông CHHV cũng nói rằng việc này rất khó. Nói ông Vũ có công cũng đúng mà người ta cũng có thể kết tội ông ta cũng được. Như vậy nếu áp dụng điều khoản 88 người ta có thể bỏ tù mọi công dân của chế độ này, kể cả những người yêu nước nhất. Đó là một yếu tố quan trọng, nhất là trong thời điểm đang có nhiều ý kiến yêu cầu sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, pháp luật hiện hành.
- Phức tạp: Các yếu tố nước ngoài, sự bất cập của luật pháp cùng với sự lên tiếng dữ dội của gia đình, Luật sư bào chữa và dư luận trong ngoài nước khiến cho vụ án càng ngày càng trở nên phức tạp. Gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà cách mạng lão thành có uy tín đã bật mí dư luận bằng lời phát biểu “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước”. Khó có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra khi dư luận, đứng đầu là các vị lão thành cách mạng, các vị chủ trương trang mạng Bauxite, giới trí thức văn nghệ sĩ đồng loạt lên tiếng ủng hộ ông CHHV chống lại bản án phi lý này.
Việc hủy án (với một lý do đơn giản là không đủ bằng chứng như vụ mua dâm Hà Giang của nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô) có thể là một lối thoát trong số ít ỏi những giải pháp được “đôi bên cùng chấp nhận”. Nhưng với nội tình chính trị và bối cảnh lịch sử đặc biệt hiện hành thì khó ai có thể đoán được rằng nó có thể trở thành hiện thực hay không?
Đúng vậy. Câu ” Mặt khác, lãnh đạo ngành tòa án Hà Nội cũng xác định cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, thụ động” ở đoạn cuối bản tin đã làm cho nhiều người phải đặt câu hỏi: Phải chăng đây là một mệnh lệnh, một lời đe dọa đối với các nhân viên của các cơ quan pháp quyền đã cố ý để vụ án CHHV tiến triển theo chiều hướng không có lợi cho giới lãnh đạo đương quyền?
Thắc mắc này hoàn toàn có cơ sở bởi vì trong tiền sử các vụ án chính trị chống đối chế độ chưa bao giờ có vụ án nào diễn biến giống vụ án CHHV: cụ thể là phía bị can, Luật sư bào chữa ngay từ những ngày đầu thông qua các văn bản, bài phỏng vấn đã liên tiếp tấn công bên tố tụng với mục đích một mặt là tố cáo các sai phạm của cơ quan công quyền, mặt khác đòi đình chỉ vụ án. Hơn nữa một số thông tin nội bộ rò rỉ cho thấy các Chánh án của Tòa án Hà Nội đang đùn bẩy nhau, không ai muốn nhận chức Thẩm phán trong vụ xử này. Có lẽ cũng vì vậy mà có người từ tòa án đã thà “phạm luật” tuồn bản cáo trạng ra ngoài với hy vọng bản án sẽ bị hủy để khỏi phải làm con rối trong cuốn tiểu thuyết để đời “Vụ Án Bao Cao Su” sẽ được xuất bản trong tương lai.
Nói chung, dư luận trong ngoài nước cũng như những người trực tiếp tham gia mong muốn là vụ án này sớm được đình chỉ. Nhưng nếu vì một lý do gì đó mà người ta vẫn quyết tâm đưa vụ này ra tòa thì một câu hỏi cuối cùng được đặt ra là liệu hệ thống tư pháp VN có đủ trình độ để xử lý “Một vụ án đặc biệt chưa từng thấy ở VN, báo hiệu một phiên tòa có thể cũng rất đặc biệt” này hay không?
Dưới đây là nội dung bản tin của TTXVN đăng trên trang mạng ĐCSVN:
Hà Nội: Nhiều vụ án để quá hạn, bị sửa và hủy án
Theo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 18.840 vụ án các loại được tòa án thụ lý trong thời gian qua có tới 140 vụ án để quá hạn, 681 vụ bị sửa án, 187 vụ bị hủy án.
So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giảm được 9 vụ án quá hạn nhưng số án bị sửa tăng 212 vụ, số án bị hủy tăng 22 vụ.
Các vụ án bị sửa, hủy và để quá hạn chủ yếu là án dân sự, án hôn nhân gia đình và án kiện hành chính. Trong số những vụ án bị sửa, hủy, có nhiều vụ án phức tạp, nhiều đương sự, nhiều quan hệ pháp luật, đã bị hủy đi hủy lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án do thẩm phán được phân công giải quyết án vi phạm thủ tục tố tụng, điều tra xác minh chưa đầy đủ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, lãnh đạo một số đơn vị tòa án bị xác định là chưa sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc, chưa có biện pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Theo đánh giá, nguyên nhân khách quan để tồn tại tình trạng nêu trên là do số lượng các vụ án ngày càng tăng, với tính chất phức tạp. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc chậm được hướng dẫn áp dụng.
Các vụ án để quá hạn một phần do nhiều cấp, nhiều ngành lưu giữ chứng cứ không cung cấp cho tòa án kịp thời, không trả lời xác minh của tòa án theo quy định. Một số vụ án có yếu tố nước ngoài, việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất rất nhiều thời gian hoặc không có kết quả cũng làm chậm quá trình giải quyết vụ án.
Mặt khác, lãnh đạo ngành tòa án Hà Nội cũng xác định cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, thụ động.
Một số cán bộ, thẩm phán còn thiếu tinh thần trách nhiệm, gặp những vụ án phức tạp lo ngại bị hủy án nhưng không chủ động báo cáo lãnh đạo làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án. Một số thẩm phán khác năng lực trình độ còn hạn chế, thậm chí còn làm sai nguyên tắc, vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến bị sửa, hủy án…
Theo TTXVN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét