Pages

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Công an Trung Quốc dùng vũ lực ngăn nhà báo




Damian Grammaticas

BBC News, Bắc Kinh




Một người quay phim bị đấm vào mặt



Lúc đó khoảng 13h30.

Nhiều hàng cảnh sát đứng trước lối vào Vương Phủ Tỉnh, con đường với các điểm mua sắm nổi tiếng nhất Bắc kinh.

Sự lo lắng của chính quyền hiện ra rất rõ.

Hàng chục xe cảnh sát đậu bên lề, những người đàn ông mặc thường phục đi cùng chó lên xuống, xe rửa đường chạy tới chạy lui, phun nước để người ta phải đi chỗ khác, và những đoạn sửa đường không cần thiết bất ngờ được dựng lên cho thấy có một hiện trường lớn đang được dàn dựng.

Mọi chuyện có thể trở thành chuyện cười nếu không chuyển sang hung ác.

Lý do cho tất cả nỗi lo lắng này là lời kêu gọi trên mạng Internet, rằng dân Trung Quốc hãy thực hiện "các cuộc cách mạng Hoa Nhài" của riêng mình, thể theo làn sóng các cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi.

Cảnh sát theo dõi mọi người đi vào khu dành cho người đi bộ.

Nhưng vì không thể phân biệt giữa những người biểu tình kêu gọi nhau "đi dạo" một cách hòa bình và yên lặng ngang qua nhà hàng McDonald's lúc 14h00, và những người đi mua sắm thực sự, cho nên họ tập trung nhắm vào các phóng viên và quay phim nước ngoài.

Chiến dịch chọn lọc


Hồi tuần trước có lời kêu gọi tương tự và kéo theo một số ít người biểu tình tham gia.

Từ sau đó mạng Internet bị tăng cường kiểm soát và bất kể nội dung nào nhắc đến "hoa nhài" đều bị chặn.

Cho nên khá ít người Trung Quốc thậm chí biết rằng có lời kêu gọi biểu tình như vậy.

Cũng có chiến dịch chọn lọc và nhắm vào các luật sư, các nhà hoạt động xã hội, người viết blog, tổng cộng khoảng 100 người.

Một số bị giữ, một số biến mất, một số bị đe dọa.




Cùng với cảnh sát còn có an ninh mặc thường phục


Một số ít có vẻ như nhắc lại các thông điệp trên Internet kêu gọi tụ tập hòa bình sẽ phải chịu các khởi tố vô cùng nghiêm trọng về tội lật đổ.

Chúng tôi ngay lập tức bị lọc ra.

Các cảnh sát thường phục chặn đường chúng tôi khi còn cách McDonald's vài trăm mét, và đòi xem thẻ nhà báo.

Họ lo lắng nói chuyện qua điện thoại cầm tay và các máy bộ đàm.

Họ cách ly chúng tôi, và quát lệnh chúng tôi ngưng quay phim.

Những người đàn ông mặc thường phục đến và đứng ngay trước ống kính cho nên không thể quay phim được.

Họp khẩn cấp

Trước vụ này có dấu hiệu rõ ràng rằng cảnh sát đang bực mình.

Hôm thứ Sáu họ gọi điện cho văn phòng mới của chúng tôi, và nhiều văn phòng báo chí khác ở Bắc Kinh, triệu tập chúng tôi đến cuộc họp khẩn cấp.

Chúng tôi được cảnh báo là phải tuân theo các qui định báo chí của Trung Quốc.

Và hôm thứ Bảy có thêm điện thoại cho các nhân viên của BBC và các nhà báo khác với thêm cảnh báo.

Qui định báo chí Trung Quốc cho phép chúng tôi quay phim trên đường phố.

Để phỏng vấn ai đó thì chúng tôi phải được phép của người được phỏng vấn.

Chúng tôi làm đúng luật.

Ngay cả khi cảnh sát chặn chúng tôi không có giải thích gì thì chúng tôi vẫn hợp tác.

Tất cả xung quanh chúng tôi tất nhiên là ít nhất một nửa số người trên đường phố là an ninh mặc thường phục.

Một số người chụp ảnh mọi người, một số người khác quay phim mọi thứ, nhiều người tất nhiên là đeo tai nghe và nói thầm trên máy liên lạc.

Có hàng trăm người như vậy.

Trung Quốc đổ tiền vào bộ máy an ninh nội địa trong những năm qua và đây là lúc phải làm việc.

Và bất thình lình, vài phút ngay trước 2h chiều, thời khắc quyết định cho cuộc biểu tình "hoa nhài", đám du côn mặc thường phục tràn qua.

Côn đồ an ninh

Không có gì cảnh báo trước, họ xô đẩy và đấm người quay phim của BBC.

Họ tóm máy quay của anh và cố gắng giật ra khỏi tay, lôi gần 100 m vào xe cảnh sát.

Họ đều có đeo tai nghe và làm theo lệnh.

Và đám côn đồ này quay sang hướng tôi.

Họ túm tóc tôi và một trong đám côn đồ an ninh của nhà nước đó lôi tôi đi.

Họ tìm cách lôi tôi lên và quăng vào trong xe đã chờ sẵn.

Tôi thấy mình nằm trên sàn xe và họ liên tục đóng cửa dập vào chân tôi lúc đó còn ở bên ngoài xe, một, hai, ba lần, có thể nhiều hơn.

Một số người đi mua sắm nhìn ngạc nhiên.

Cũng đám côn đồ đó trèo lên xe và dọa chúng tôi một lần nữa khi chúng tôi được đưa đến một cơ quan nhà nước gần đó.

Chúng tôi phải cung cấp thông tin chi tiết và được cảnh báo là không thể phỏng vấn trong khu vực đó vì "các hoàn cảnh đặc biệt".

Khi được hỏi hoàn cảnh đặc biệt đó là gì thì họ làm ngơ.

Và khi chúng tôi nói là không muốn phỏng vấn ai cả, chỉ đến quay phim chụp ảnh, thì họ lại làm ngơ nữa.

Cũng có thêm phóng viên nước ngoài ở đó nữa.

Nhưng có vẻ là chúng tôi không bị nặng lắm.

Một người quay phim bị năm kẻ đạp lên người và đá, đấm vào mặt, phải đi bệnh viện chữa trị; một người khác bị thương ở tay.

Đó là lối hành xử hung ác và hoàn toàn không hợp tỷ lệ với tình huống.

Có vẻ như rõ ràng các lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc bị ám ảnh từ những cuộc biểu tình đông đảo tràn qua Trung Đông.

Trong các cuộc cách mạng dân chủ đó, nhiều tầng lớp thường dân ở các nước đang phát triển đã đứng dậy chống lại tầng lớp độc tài thu tóm quyền lực.

Thêm phần sợ hãi

Nhiều người nhìn thấy điều tương tự ở Trung Quốc, cũng là quốc gia đang phát triển với chính phủ chuyên chính, cũng có các kêu gọi chấm dứt tham nhũng, gia đình trị, chế độ độc đảng, tất cả đều có thể tạo ra cộng hưởng.

Các nhà lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc thường nói dân chủ là tư tưởng phương Tây không phù hợp với mức độ phát triển của Trung Quốc.

Lập luận này bị thách thức qua những gì đang xảy ra trên đường phố Cairo, Tunis và nơi khác.

Có nhiều lý do khiến một cuộc biểu tình tương tự rất khó xảy ra ở Trung Quốc.

Kinh tế đang tăng trưởng, dân chúng nói chung tin rằng cuộc sống đang tốt lên, đảng cộng sản thay đổi lãnh đạo sau từng thập niên, và chi rất nhiều tiền vào an ninh nội địa.

Nhưng các cuộc nổi dậy ở Trung Đông có vẻ đã thêm phần sợ hãi cho các lãnh đạo Trung Quốc và bộ máy an ninh.

Quí vị có thể đặt câu hỏi, nếu không thì làm sao giải thích chuyện người ta ra lệnh cho một đám côn đồ lôi kéo và đánh đập nhà báo đến chụp vài bức hình người ta đi qua đi lại trong im lặng trước cửa nhà hàng McDonald's trong một buổi trưa Chủ Nhật?

Không có nhận xét nào: