Thái An (Theo Guardian)
Các nỗ lực xoa dịu căng thẳng đang được thực thi tại Ảrập Xêút, Bahrain, Yemen và Jordan. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã chỉ trích việc Libya sử dụng vũ lực với người biểu tình là hành động “lố bịch”.
Ảrập Xêút
Quốc vương Abdullah của Ảrập Xêút đã trở lại đất nước sau vài tháng điều trị y tế và công bố số tiền trị giá tới 37 tỉ USD cho các chương trình xã hội trong nỗ lực bảo vệ quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này khỏi làn sóng nổi dậy đang lan tràn.
Biểu tình phản đối chính phủ tại Yemen. Ảnh: AP
Các phương tiện truyền thông đưa tin về một kế hoạch hành động nhằm giúp những người có thu nhập thấp và trung bình trong trong tổng số dân 18 triệu người của nước này. Kế hoạch bao gồm tăng lương để bù đắp lạm phát, tăng trợ cấp thất nghiệp và chi phí nhà ở hợp lý.
Trong khi đó, hàng trăm người đã tỏ ý ủng hộ lời kêu gọi trên Facebook về “một ngày mãnh liệt” của Ảrập Xêút ngày 11/3, nhằm yêu cầu được có một vị lãnh đạo dân cử, tự do hơn cho phụ nữ và thả tự do cho tù chính trị.
Bahrain
Quốc vương Bahrain, Hamad bin isa al-Khalifa, đã bay tới Ảrập Xêút để trao đổi với Quốc vương Abdullah sau khi ông này trở về Riyadh.
Vua Hamad đã thả tự do cho khoảng 250 tù chính trị và đề xuất đàm phán thương lượng với người biểu tình – phần lớn đến từ cộng đồng đa số người Shia của Bahrain, những người yêu cầu được tự do ngôn luận hơn ở đất nước do người Sunni cai trị.
Riyadh lo lắng rằng, nếu bất ổn tại Bahrain, khiến 7 người chết và hàng trăm người bị thương tuần trước, lan tới Ảrập Xêút sẽ kích động sự bất mãn của chính cộng đồng Shia thiểu số tại quốc gia giàu dầu mỏ này.
Yemen
Hàng nghìn người đã đổ về một quảng trường tại Thủ đô Sana’a, cố gắng tăng cường lực lượng cho những người biểu tình chống Chính phủ sau khi câu lạc bộ những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã cố đẩy bật họ. Một người thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương trong các vụ đụng độ gần trường đại học của thành phố.
Saleh, người nắm quyền lực 32 năm tuyên bố, ông sẽ lui bước sau khi cuộc bầu cử quốc gia được tiến hành vào năm 2013, tuy nhiên, phong trào biểu tình phản đối Chính phủ yêu cầu ông rời nhiệm sở ngay bây giờ.
Jordan
Nội các của Jordan đã thông qua các điều luật tạo điều kiện hơn cho tổ chức biểu tình và sẽ khôi phục một cơ quan Chính phủ vận hành để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cơ bản, duy trì giá cả phải chăng, phù hợp với người nghèo.
Một quan chức Chính phủ cho hay, các biện pháp cải cách đã được thông qua từ hôm thứ Ba, vài giờ sau khi nhóm đối lập lớn nhất nước này – Anh em Hồi giáo – thề sẽ tiếp tục biểu tình nhằm thúc đẩy cải tổ.
Tình hình tại Jordan ít biến động hơn những nơi khác, nhưng mọi người vẫn biểu tình yêu cầu hạn chế quyền lực của Quốc vương.
Iran
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đoán là làn sóng bất ổn tại Trung Đông sẽ lan tới châu Âu và Bắc Mỹ, thực hiện cái mà ông cho là chấm dứt các chính phủ đàn áp con người.
Ông nói: “Thế giới đang bên bờ của những phát triển lớn. Thay đổi sắp tới và sẽ nhấn chìm toàn bộ thế giới”. Theo ông, thế giới cần một hệ thống nguyên tắc để “đặt dấu chấm hết cho việc áp bức con người. Đó là một làn sóng và nó đang tới”.
Ông Ahmadinejad đã chỉ trích việc Libya dùng vũ lực với người biểu tình: “Đây là hành động lố bịch. Không thể hình dung nổi có ai đó lại giết hại hay tấn công chính dân tộc của mình. Tôi khuyến cáo họ mạnh mẽ rằng, hãy để cho dân tộc của họ được nói, hãy đáp ứng yêu cầu của người dân nếu họ tự cho mình là quan chức của quốc gia ấy”, Ahmadinejad khẳng định. “Bất cứ ai không chú tâm tới yêu cầu từ chính dân tộc mình sẽ có một số phận rõ ràng”.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/10333/lo-bat-on–nhieu-chinh-quyen-trung-dong-nhuong-bo-dan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét