Pages

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Tình hình chính trị xã hội và tôn giáo Libia

VietCatholic News (28 Feb 2011 09:56)

Một số nhận định của Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, dòng Phanxicô, Giám Quản Tông Tòa Tripoli, về tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo tại Libia

Ngày 15-2-2011, noi gương Tunisia và Ai Cập, người dân Libi cũng đã mạnh mẽ vùng lên đòi tự do dân chủ và các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm giá con người. Các cuộc xuống đường biểu tình đã bắt đầu tại Benghazi và lan nhanh trong nhiều thành phố toàn nước dẫn đưa Libia tới tình trạng hoàn toàn hỗn loạn. Tính đến ngày 24-2-2011 toàn mạn đông bắc Libia, tức vùng Cirenaica gồm các thành phố lớn như Bengazi, Tobruk, Ajdabiya đều nằm trong tay các lực lượng đối lập.

Quân đội và cảnh sát trong vùng đã biến mất. Họ vứt bỏ quân phục, chạy trốn. Các thường dân vũ trang, đa số là người trẻ, chia nhau nhiệm vụ hướng dẫn lưu thông và bảo đảm an ninh cho thành phố. Cũng có tin cuộc nổi loạn đã lan sang các thành phố phía tây như Misurata, Sabratha và Zawiya. Tại Al Baida nhiều binh sĩ trung thành với đại tá Gheddafi đã bị xử bắn.

Xem ra hiện nay đại tá Muammar Gheddafi chỉ còn kiểm soát được thủ đô Tripoli, nhờ các lực lượng đánh thuê gồm người Nigeria, Sudan và một số sắc dân khác. Các toán lính đánh thuê này tìm cách nới rộng vòng đai an ninh, để ngăn chặn các đoàn biểu tình từ các thành phố khác kéo về thủ đô. Tuy nhiên, hỗn loạn cũng xảy ra tại Tripoli, đặc biệt là tại quảng trường Xanh và một vài khu phố nơi người dân ủng hộ cuộc cách mạng dân chủ. Các đoàn biểu tình đã tấn công và đốt trụ sở quốc hội, dinh của chính quyền và nhiều cơ sở khác như Đài phát thanh truyền hình quốc gia cũng như nhiều hàng quán. Nhiều binh sĩ cũng nhập đoàn với người biểu tình.

Đại tá Muammar Gheddafi đã ra lệnh cho quân đội và các lực lượng an ninh bắn vào các đoàn biểu tình khiến cho rất nhiều thường dân thiệt mạng.

Tuy không ai biết mức độ chính xác, nhưng các tin từ thủ đô Tripoli cho biết số người chết trên toàn nước vào khoảng 10.000 và có 50.000 người bị thương. Bãi biển thủ đô Tripoli đã trở thành nghĩa trang khổng lồ chôn cất các người chết.

Ngày 22-2-2011 Ông Saif Al Islam, con của đại tá Gheddafi đã tìm cách ngăn chặn làn sóng nổi loạn, bằng cách xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và tuyên bố rằng ông hiểu biết các lý do của những người biểu tình. Ông hứa hẹn các cuộc cải tổ, soạn thảo một bản Hiến Pháp mới, đồng thời cũng mạnh mẽ tố cáo âm mưu của các lực lượng nước ngoài muốn lật đổ chính quyền. Nếu không chấm dứt biểu tình, thì sẽ có nguy cơ nội chiến. Nhưng chính quyền sẽ chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng.

Ngày hôm sau 23-2-2011 đại tá Gheddafi đã xuất hiện trên đài truyền hình kêu gọi quân đội và cảnh sát nghiền nát các đoàn người nổi loạn và lấy lại quyền kiểm soát trong nước. Ông nói cho đến nay chính quyền chưa dùng võ lực, nhưng việc trả đũa sẽ giống như tại Thiên An Môn. Ông mời gọi dân chúng biểu tình ủng hộ ông, và tuyên bố thành lập các ủy ban bảo vệ giá trị xã hội, gồm 1 triệu người trẻ Libi thấm nhuần Kinh Copran.

Đại tá Gheddafi cũng tố cáo các phương tiên truyên thông A rập muốn hủy hoại hình ảnh của Libia trước cộng đoàn thế giới. Ông cho rằng các người trẻ biểu tình là những người nghiện ngập ma túy, bị các kẻ bệnh hoạn và các tổ chức mật vụ nước ngoài lèo lái và trả tiền để gây rối loạn. Ông cũng tố cáo Hoa Kỳ và Italia cung cấp khí giới cho các lực lượng đối lập. Ngày 25-2 ông tái xuất hiện tại quảng trường Xanh và kêu gọi mọi người hiện diện ủng hộ ông và cùng chiến đấu để đè bẹp các lực lượng nổi loạn. Ông tuyên bố sẽ kiên trì cho tới chết. Trong khi đó có tin các tỉnh miền tây Libia đã lọt vào tay lực lượng đối lập. Các bộ lạc A rập Libia đã hoàn toàn bỏ rơi ông và thành lập vùng tự trị tách rời khỏi Libia. Trước tình hình rối loạn không còn kiểm soát được nữa, 14 vị đại sứ Libia ở các nước ngoài, kể cả đại sứ cạnh Liên Hiệp Quốc, đã từ nhiệm.

Tình hình hỗn loạn đã khiến cho làn sóng di cư gia tăng: hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua biên giới Tunisia và Ai Cập, cũng như tìm cách trốn sang Âu châu, qua ngã đảo Lampedusa của Italia. Chỉ trong vòng 5 ngày đã có hơn 5.000 đến Lampedusa. Hãng ENIL của Italia cũng đã đóng cửa, vì không thể tiếp tục hoạt động, mặc dù Italia nhập cảng tới 20% dầu thô và 18% hơi đốt của Libia. Italia đã mau mắn hồi hương các kiều dân của mình.

Trong khi các tòa đại sứ nước ngoài lo cho kiều dân của mình hồi hương bằng đủ mọi phương tiện, kể cả cầu không vận quân sự. Phi trường quốc tế Tripoli đầy đặc người tìm cách rời Libia. Chính quyền Trung Quốc cũng tìm cách di chuyển 15 trên 33 ngàn công nhân làm việc tại đây. Trong số các công nhân Á châu cũng có 22.000 người Philippines và hàng trăm người Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng tại Libia khiến cho giá dầu thô tăng vọt và thị trường chứng khoán quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Các nước Tây Âu buôn bán làm ăn với Libia như Italia, Pháp và Đức lo sợ các hậu qủa tiêu cực vì thế đã rất chậm chạp và lừng khừng không mau lẹ phản ứng như Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đã ký sằc lệnh ”đông lạnh” mọi tài sản và tiền bạc của đại tá Gheddafi bên Hoa Kỳ.

Linh Muc Nandino Capovilla, phối hợp viên toàn quốc tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô Italia, đã mạnh mẽ tố cáo ba nước Italia, Pháp và Đức bán khí giới cho chính quyền Libia, và giờ đây các khí giới đó được đại tá Gheddafi dùng để tàn sát dân chúng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, dòng Phanxicô, Giám Quản Tông Tòa Tripoli, về tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo tại Libia.

Đức Cha Martinelli chào đời tại Libia cách đây 69 năm, và từ năm 1985 đến nay là Giám Quản Tông Tòa Tripoli, thủ đô Libia. Ngày 22-2-2011 Đức Cha đã trả lời cuộc phỏng vấn của phong viên nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Italia và của phóng viên Amadeo của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, mà chúng tôi xin tổng hợp sau đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha Martinelli, kể từ khi người dân Libia vùng lên đời hỏi dân chủ cho tới nay đã có hàng ngàn người bị quân đội và các toán lính đánh thuê bắn chết. Đã có ít nhất 2 thành phố nằm trong tay của các lực lượng biểu tình, trong đó có thành phố Bengasi là nơi dân chúng đã bắt đầu nổi dậy đòi hỏi dân chủ và các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm gía con người. Tình hình Libia hiện nay ra sao?

Đáp: Libia không phải là một quốc gia nghèo như Ai Cập hay Tunisia. Nhưng người dân có các đòi hỏi chính đáng của họ. Chúng là các đòi hỏi nền tảng của giới trẻ là có nhà ở, có công ăn việc làm, đồng lương xứng đáng hơn vv... Tất cả đều là những đòi hỏi rất chính đáng. Khác với các quốc gia khác, Libia là một nước khá giả nên có khả năng để đáp ứng các nhu cầu căn bản này của dân chúng. Và đây có lẽ là lý do khiến cho người trẻ Libia phẫn uất nổi dậy, bởi vì họ thấy đất nước có khả năng mà lại không trợ giúp họ. Tuy nhiên, sự kiện giới trẻ đối diện với các vấn đề này bằng bạo lực và đốt phá, không phải là con đường đúng đắn!

Hỏi: Giáo Hội đã sống tình hình căng thẳng này ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Liên quan tới Giáo Hội, nói chung không có các vấn đề đặc biệt. Các nơi thờ phượng và cộng đoàn tu sĩ tại Bengasi, tình hình yên ổn. Chúng tôi được các bạn bè Libi trợ giúp. Chúng tôi đã liên lạc được với hai cộng đoàn nữ tu làm việc trong các nhà thương ở Beida. Các nữ tu đã phải làm việc rất nhiều vì đã có rất nhiều người bị chết và bị thương. Các chị làm việc rất tận tụy trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Giới chức y tế và dân chúng rất gần gũi các chị vì tinh thần hy sinh đó.

Bên cạnh các linh mục tu sĩ cũng có nhiều giáo dân nữa. Chẳng hạn có rất nhiều phụ nữ Philippines làm việc trong các nhà thương và nhiều vùng khác, kể cả những vùng hẻo lánh nhất trong sa mạc. Nhưng họ làm việc với lòng hăng say nhân danh đức tin và tình huynh đệ.

Các linh mục tu sĩ chúng tôi đều muốn tiếp tục ở lại đây để phục vụ nhân dân Libia cho tới khi nào còn có thể. Chúng tôi cầu mong có sự hòa giải để nhân dân Libi đạt được các điều kiện an sinh chính đáng như họ đòi hỏi.

Hỏi: Thế còn tình hình chung trong vùng Cirenaica, tức vùng đông bắc Libia, thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ông Seif Al Islam, con của ông Gheddafi đã tỏ ra ủng hộ một hình thức độc lập cho vùng này, nhưng người ta không rõ ông muốn nói gì. Sự kiện là chúng tôi đã xin chính quyền trợ giúp Giáo Hội và các cộng đoàn tu sĩ, nhưng được trả lời là cảnh sát không thể can thiệp. Khi đó chúng tôi quay sang các người bạn của Hiệp Hội Tiếng Gội Hồi Giáo và tổ chức Nửa Vành Trăng Đỏ, và họ đã bảo đảm trợ giúp chúng tôi trong chiều hướng này.

Hỏi: Có tín hữu công giáo trong vùng này không thưa Đức Cha?

Đáp: Có nhiều tín hữu công giáo, gốc Philippines, và các nước Phi châu khác. Các anh chị em Philippines làm việc với các hãng xưởng ngoại quốc, nhưng bây giờ các hãng xưởng này đã đóng cửa và xin họ rời Libia.

Hỏi: Thế còn Đức Cha Sylvester Carmel Magro, Giám Mục Bengasi thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ban ngày thì ngài ở trong nhà thờ, trong khi ban đêm thì ngài vào ngủ trong một khu vực của nhà thương, vì lý do an ninh.

Hỏi: Thưa Đức Cha, làn sóng biểu tình phản đối chính quyền Libia, đòi hỏi dân chủ và thay đổi cũng đã lan tới thủ đô Tripoli. Tình hình thủ đô hiện nay ra sao?

Đáp: Hiện nay tình hình xem ra khá yên tĩnh. Ngày 22 tháng 2 vừa qua đã có các vụ biểu tình và đốt phá. Sáng 23 tháng 2 tôi đã ra ngoài và đi dâng thánh lễ cho hai cộng đoàn nữ tu cách đây ít cây số. Chúng tôi đã đi qua vài trạm kiểm soát, nơi binh sĩ sau khi hỏi giấy tờ đã để chúng tôi đi qua.

Hỏi: Thưa Đức Cha báo chí cho biết đã có hàng chục ngàn người bị chết, có đúng thế không?

Đáp: Cần để ý tới những gì các hãng thông tấn viết. Chẳng hạn như tôi đã nghe nói bên Tunisia họ đã nghe tin là nhà thờ chính tòa nơi chúng tôi đang sống đã bị bỏ hom và phi trường thủ đô Tripoli đã bị đốt cháy. Nhưng không đúng như thế. Cám ơn Chúa nhà thờ cũng như các linh mục tu sĩ nam nữ cho tới nay đã không gặp phải vấn đề gì cả.

Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về tất cả những điều đang xảy ra tại Libia cũng như trong các quốc gia Bắc Phi và Bản Đảo A rập hiện nay?

Đáp: Tôi tin rằng đây là một cuộc khủng hoảng toàn diện. Có các người trẻ không thể xây dựng tương lai vì không kiếm ra công ăn việc làm, vì thế họ bực bội và trở thành hiếu chiến. Tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng là phải lắng nghe họ và tìm cách thỏa mãn các đòi hỏi và nhu cầu nền tảng của họ, muốn có cuộc sống ổn định.

Hỏi: Đức Cha có nhận thấy nguy cơ của khuynh hướng hồi cuồng tín trong các biểu tình phản đối này không?

Đáp: Nguy cơ này hiện diện thực sự. Tôi tin rằng nỗi sợ hãi lớn nhất hiện nay có thể là điều đó. Nếu các đòi hỏi này của người dân bị lèo lái bởi các khuynh hướng cuồng tín thì khi đó mọi sự sẽ trở thành khó khăn hơn.

(Avvenire 23-2-2011)
Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào: