Vấn đề này từ cổ chí kim loài người đã nói nhiều, ngay như tác giả bài viết này cũng đã đề cập khá nhiều trong các bài viết khác nhau đã có dưới nhiều khía cạnh và cách nhìn khác nhau. Tuy nhiên, những gì người nước ngoài viết, những gì trên thế giới đã có, thực chất nó vẫn không phải của ta, không phải chính bản thân của người Việt Nam nói ra. Tất nhiên học hỏi mọi nơi, mọi thời luôn luôn là sự sáng suốt cần thiết và khôn ngoan, thế nhưng người ta không thể bê nguyên cả các thư viện, hay các khối kiến thức khổng lồ của nhân loại vào trong đầu óc, nhất là những đầu óc bình dân của các con người phải hàng ngày bươn chãi, vật lộn cùng cuộc sống. Đó là chưa nói sự tiếp thu máy móc, thiếu suy nghĩ, thiếu nhận định và thiếu tự chủ, kiểu nhận thức qua truyền miệng, qua rỉ tai, qua các lớp đào tạo hời hợt, cấp tốc, ngắn ngày vì các mục tiêu giả tạo, nói chung là theo các kiểu tuyên truyền chính trị có tính mánh lới, thiếu trung thực, trong quá khứ đã xảy ra nhiều nơi trên khắp thế giới, ở khá nhiều nước, và điều đó mang lại các hệ lụy thực tế lịch sử cụ thể ra sao ở mỗi nước như vậy ra sao thì ngày nay mọi người đều rõ.
Bởi vậy vấn đề đặt ra như thế cũng chính là vấn đề mối quan hệ giữa trí thức và thực tế. Trí thức là sự hiểu biết, sự hiểu biết đó phải thật sự khách quan, khoa học, xác đáng, cụ thể, sự ứng dụng vào thực tế của nó mới thực sự mang lại kết quả, nếu không thì ngược lại. Cho nên trí thức trước hết phải trung thực với bản thân mình, với người khác, với xã hội. Ngược lại trí thức phải khom mình, phải nói những điều giả dối, không dám nói lên sự thật khách quan của xã hội, nói về hùa nhau để tự bảo vệ quyền lợi, nói mà không có suy nghĩ, đánh giá tự chủ, tự do, nói mà không tự hiểu được điều mình nói, hoặc chỉ cố tình nói sai một cách vô ý thức, vô trách nhiệm, không quả cảm, liệu cái gọi là trí thức, gọi là hiểu biết, gọi là khoa bảng, gọi là thuộc lớp giai tầng trên của xã hội, ít ra về mặt quyền lực, hiểu biết, hay năng quyền chuyên môn như thế, thì liệu thực chất có ích lợi gì cho người dân, cho xã hội, hay chỉ phản ý nghĩa, phản tác dụng, và đưa lại mọi kết quả thực tế hoàn toàn ngược lại. Cho nên mọi người trí thức đúng nghĩa luôn luôn phải có các cách thức suy nghĩ khách quan, khoa học, mọi xã hội văn minh, mọi nhà nước tiến bộ không thể gò ép trí thức, không thể làm mất sự tự chủ, tự ý thức, tự do tư duy của giới trí thức, đó cũng thật sự chính là điều đáng nói nhất.
Vậy mà vấn đề giàu nghèo và ý nghĩa của giai cấp trong đời sống xã hội vẫn luôn là một thực tế trong cuộc sống, cho nên vô hình chung nó vẫn là vấn đề luôn luôn đập vào mắt và cần nói đến nhất. Tuy nhiên nói thế nào cho thật sự khách quan, chính xác, đúng đắn, trung thực mới chính là yêu cầu quan trọng nhất. Bởi vì mọi ý nghĩa đặt ra là để nhằm giải quyết, để tìm hướng đi cụ thể, tìm lối ra thích đáng, không phải chỉ nói suông, đặt ra cho có, hoặc chỉ giải quyết một cách trật chìa, vô bổ, kém hiệu quả, phi hiệu quả, hoặc thậm chí phản hiệu quả. Nói như thế để thấy rằng phương pháp luận nhận thức thực tiển và khoa học phải cần luôn luôn có, bởi vì có như thế thì mới đưa lại được các phương pháp luận hành động cũng thực tế, đúng đắn và kết quả, nếu không thực chất chỉ là điều viễn mơ, sự không tưởng, sự nhảm nhí, nhất là những phản tác dụng kinh hồn trong đời sống. Đó chính là ý nghĩa phân biệt giữa lý thuyết và thực tiển, giữa tư duy và áp dụng, giữa chuyên ngành và tổng quát, giữa ý thức và sự nhận thức chẳng hạn. Nói chung cái nguyên lý cần luôn luôn hướng dẫn cái cụ thể. Bởi nếu không, trường hợp cái nguyên lý sai lại tưởng rằng đúng, hoặc chỉ chăm bẳm vào cái thực tế mà không quan tâm đến nguyên lý đúng, cũng đều là những điều ngờ nghệch và phản hiệu quả trong chính mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Thế thì chúng ta hãy trở lại với một hình ảnh cụ thể. Như có một dãy sườn đồi nhấp nhô nào đó chẳng hạn, các hạt thông từ những trái thông già nơi các cây thông rụng xuống, tất yếu nó có thể di chuyển tự nhiên bằng trăm ngàn cách. Tức khi gió lặng thì rơi ngay xuống gốc, nhưng khi gió nhiều, mưa bão, nước cuốn, hoặc các côn trùng tác động đến, tất nhiên mọi đích đến hay các kết quả sau cùng đều không đơn giản. Có nghĩa các hạt thông đều không thể tự chọn lựa nơi để mọc, chúng cũng không thể làm thay đổi địa mạo, tức hình thể mặt đất nơi chúng nẩy mầm và lớn lên. Tất cả những điều đó đều là các thực tế khách quan cùng là những quy luật ngẫu nhiên. Rồi thế hệ này đến thế hệ khác của chúng cũng tương tự như vậy. Rừng cây nhìn bên ngoài tưởng như luôn luôn không thay đổi, nhưng thực chất bên trong là hoàn toàn khác, chúng có thể có những biến chuyển nào đó không ngừng, có thể tự bên trong mỗi cá thể, có thể do các nội lực hay ngoại lực khác nhau tác động vào những mảng, những số đông của nhiều cây khác nhau, cũng như vị trí tồn tại trong không gian giữa lớp trước, lớp sau không phải luôn giữ nguyên trạng mà hoàn toàn thay đổi. Đây, ý nghĩa của lịch sử và ý nghĩa của thực tại đời sống khách quan nó luôn luôn là như vậy, trong thiên nhiên vật chất cũng như trong đời sống có ý thức, có nhận thực của xã hội con người.
Có nghĩa không có cá nhân nào chọn cha mẹ, chọn giai cấp, chọn hoàn cảnh để sinh ra ở đời. Chỉ khi ra rồi mới biết cha mẹ mình ra sao, mới biết điều kiện xuất thân của mình thế nào, rồi đến khi lớn lên, trưởng thành, mới hoàn toàn biết được tất cả mọi điều gì xảy ra trong chính các môi trường sống và những điều kiện lịch sử khách quan đã gắn với thân phận, điều kiện sống, cũng như mọi hoàn cảnh cụ thể khác nhau của mình. Đó cũng chính là ý nghĩa về sự tương quan giữa nội lực và ngoại lực. Tức con người không phải ai là sản phẩm thuần túy của bản thân hay sản phẩm thuần túy của xã hội, mà chỉ là sự giao thoa, hay là sản phẩm kết hợp hoặc tổng hợp của cả hai. Quy luật của sự tất yếu và quy luật của sự tình cờ như luôn luôn đan xen vào nhau, đôi lúc cũng không ai rõ được đâu là sự tất yếu hay sự tình cờ, đâu là kết quả của nổ lực bản thân hay đâu là ý nghĩa của điều ngẫu nhiên hay ngay cả mang tính cách siêu nhiên, tức ngoài tất cả mọi dự kiến, trong cuộc sống. Bởi vậy, nếu đem những điều này ra để nói về sự giàu nghèo, nói về ý nghĩa của các giai cấp hay giai tầng trong xã hội thực tế, cũng không phải hoàn toàn không có ý nghĩa hoặc vô lý. Do đó, cái cốt yếu là mỗi người hãy tự suy nghĩ về bản thân mình, kiểm nghiệm lại lịch sử toàn bộ đời sống của mình, phản tỉnh lại các trải nghiệm riêng biệt, đặc thù của mình, còn nếu chỉ sống một cách vô ý thức, hoặc hoàn toàn mê muội nghe theo lời nói của những người khác, dù trong góc độ hay khía cạnh nào có khi cũng hoàn toàn không đúng.
Vậy ý nghĩa đặt ra, chính sự khác biệt về tình trạng giàu nghèo của mọi người trong xã hội tạo thành giai cấp kinh tế hay là điều ngược lại. Cái gì là cái có trước, đó có thể là điều mà có nhiều người chưa kịp suy nghĩ. Nếu giai cấp có trước, điều gì tạo nên giai cấp ? Nếu sự giàu nghèo có trước, điều gì tạo nên sự giàu nghèo ? Chẳng lẽ hai cái có cùng lúc hoặc không hề có cái nào tạo ra cái nào, và như vậy thì cũng đâu còn có điều gì đáng nói. Đây có thể là điều vô cùng thú vị để mọi người cùng suy nghĩ. Bởi vì thật ra, toàn bộ xã hội con người cũng chỉ là một tập đoàn sinh học cùng khai thác mọi miền trên trái đất để tồn tại và phát triển. Trên toàn bộ diện tích đồng bằng của mỗi nước không thể không có khai thác nông nghiệp, tức không thể không có những người nông dân, thời nào cũng vậy, bao giờ cũng vậy, chỉ khác là phương thức canh tác, chất lượng đời sống, tức điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, và điều kiện lao động sản xuất mà thôi. Tất nhiên, mặt biển cũng vậy, rừng rú cũng vậy, hầm mỏ cũng vậy, và nói cho cùng thì các đô thị mọc lên cũng vậy. Bởi vì chẳng có đô thị, thành phố nào từ trên trời rơi xuống, mà chính là sự phát triển của xã hội thôn quê tạo thành thành thị. Đó chỉ là ý nghĩa tự nhiên của đời sống kinh tế khách quan của phát triển xã hội cũng như kể cả sự phát triển của lịch sử sử thế giới nói chung. Có nghĩa không một dân tộc, đất nước, quốc gia nào tách khỏi được lịch sử thế giới tự cổ chí kim, đó là điều mà ngày nay ai ai cũng có thể nhận biết.
Nói như vậy cũng để thấy rằng ý nghĩa của giai cấp nông dân ở thôn quê, giai cấp công nhân ở đô thị, giai cấp thương nhân trong cả nước hay trên toàn thế giới nó mang ý nghĩa như thế nào rồi. Không ai cấm hay cũng không thể cấm anh nông dân trở thành anh thương nhân trong nước hay trở thành anh công nhân ở thành phố, mà đó chỉ là do điều kiện phát triển tự nhiên của bản thân hoặc do các có may, những hoàn cảnh cụ thể, khách quan của xã hội hay của bản thân theo cách đặc thù như thế nào đó. Cả các trường hợp xảy ra ngược lại cũng hoàn toàn giống như vậy. Có nghĩa sự tất yếu giai cấp là điều không tránh khỏi, bởi ai cũng phụ thuộc vào điều kiện bản thân, gia đình, xã hội cụ thể của mình. Tuy nhiên, những sự bứt phá ngẫu nhiên hay chủ động cũng không phải không xảy ra, và đó hoàn toàn hay phần nào cũng do những sự chuyển đổi của khách quan hoặc hoàn cảnh. Nói cách khác, ý nghĩa của giai cấp hay giai tầng xã hội chỉ là tương đối. Nó vừa có mặt chủ quan lẫn mặt khách quan. Mặt chủ quan là các ý thức, sự nổ lực thay đổi riêng trong bản thân mỗi con người. Mặt khách quan là điều kiện chung của ngoại cảnh hay điều kiện tự nhiên xảy ra nào đó bên ngoài xã hội. Khi những con người có hoàn cảnh, điều kiện sống giống nhau nào đó, vô hình chung họ tạo thành giai cấp hay giai tầng xã hội, chỉ có thế thôi.
Có nghĩa giai cấp là hoàn cảnh sống khách quan mà phần nào cũng còn là ý thức chủ quan. Người nông dân nếu suốt đời hài lòng bám vào mảnh vườn, thửa ruộng, họ mãi mãi cột chặt vào giai cấp nông dân. Nhưng khi họ muốn đổi đời, hoặc cho con cái học hành, hoặc có cơ hội thuận lợi nào đó không còn muốn làm nông dân nữa, tất nhiên kết quả của họ cũng có thể hoàn toàn thay đổi. Đối với mọi giai tầng, giai cấp khác của xã hội cũng hoàn toàn như thế. Nhà buôn có thể thua lỗ, nhà công nghiệp có thể phá sản, công nhân có thể thất nghiệp, đó là những điều hoàn toàn hay bất cứ lúc nào đều có thể xảy ra trong thực tế. Ngay trong mỗi ngành nghề, tự nó không phải không chia ra thành đẳng cấp. Tất nhiên cùng đẳng cấp người ta thường có khuynh hướng đi lại với nhau, thân cận nhau hơn, bởi vì nó thoải mái, dễ dàng, thuận lợi, dễ dàng kết quả trong mọi điều kiện và mục đích giao tiếp hơn. Đó chỉ là lẽ tự nhiên và trong bất kỳ nghề nghiệp hoặc giai cấp nào cũng vậy. Ngay cả trong giới trí thức, giới chuyên môn, kể cả giới khoa học thuần túy cũng thế. Cho đển kể cả trong các tôn giáo cũng vậy, không thể nào phá bỏ hết được mọi đẳng cấp, mọi tôn ti trật tự trong đời sống xã hội khách quan, tự nhiên của con người. Bất kỳ ai cũng muốn phát huy, thăng tiến, hoặc hướng thượng. Chỉ khi nào hoàn cảnh hoặc điều kiện khách quan không cho phép, họ mới chịu dừng lại, thúc thủ, hay hành động ngược lại, vì thất vọng, vì oán trách bản thân, tha nhân, cũng như xã hội. Cho nên nói xã hội không có giai cấp, không có đẳng cấp chỉ là nói một cách ngu ngơ hoặc giả đối, đó là điều hoàn toàn không thực tế và không có thật.
Chỉ có điều là ý nghĩa giai cấp vốn mang tính chất khách quan hay chủ quan. Khách quan có nghĩa do điều kiện xã hội bên ngoài hoàn toàn quyết định. Chủ quan có nghĩa do ý thức con người quyết định. Tất nhiên ai cũng biết ý nghĩa khách quan, các biện pháp kinh tế xã hội khách quan có thể cải thiện được. Còn ý nghĩa chủ quan, chỉ có thể do văn hóa, giáo dục, ý thức tự giác, nhận thức nơi mỗi cá nhân mới có thể nâng cấp hay giải quyết được. Ai cũng biết trong con người có yếu tố bản năng, yếu tố cá tính, yếu tố văn hóa, và yếu tố giáo dục. Bản năng là điều ẩn sâu trong vô thức, trong các khuynh hướng tự nhiên. Yếu tố cá tính là yếu tố giao thoa giữa đặc điểm sinh tâm học và hoàn cảnh xã hội. Văn hóa thì ngoài mặt truyền thống, còn mặt rèn luyện và giáo dục. Cho nên văn hóa, giáo dục là ý nghĩa bên ngoài, cách thể hiện bề ngoài, nhưng lại mang ý nghĩa và giá trị chi phối, phát huy, ức chế, áp đảo, hoặc chế hóa tất cả những gì tự nhiên nhất hoặc vốn có ở bên trong mỗi cá nhân. Điều đó cho thấy ý nghĩa giai cấp và ý thức giai cấp trong thực tế xã hội là không hề đơn giản. Nó vừa là sản phẩm của xã hội mà đồng thời cũng là sản phẩm của ý thức và nhận thức cá nhân. Nhận thức về mình, nhận thức về người khác, nhận thức về xã hội, kết hợp với mỗi hoàn cảnh, điều kiện sống trong thực tế nói chung của mỗi người. Điều này cũng có nghĩa ý nghĩa của giai cấp vừa là một cấu trúc ý thức vừa là một cấu trúc thực tế trong xã hội. Thực tế này tất yếu, vì không có bất kỳ hiện thực tồn tại nào mà lại không có cấu trúc, vấn đề chính là mức độ linh hoạt cũng như ý nghĩa của cấu trúc đó ra sao lại là chuyện khác.
Mặt khác, ngoài tính cách như một ý thức xã hội, tức ý thức trong sự liên đới, trong sự so sánh về mặt tương quan của cá nhân với xã hội bên ngoài, sự khác biệt giàu nghèo trong xã hội cũng là một cơ sở, một nền tảng nói chung của ý nghĩa giai cấp. Giàu có nghĩa có nhiều của cải, nhiều phương tiện thuận lợi về đời sống, còn nghèo là nghĩa hoàn toàn ngược lại. Ở đây chính yếu tố vật chất, kinh tế tác động lên bản thân của ý thức giai cấp mà không là gì khác. Nhưng kinh tế là mối tương quan xử sự về rất nhiều mặt của đời sống con người. Bởi nói đến kinh tế trước hết phải nói đến các ngành nghề hoạt động đang có trong xã hội. Đó là các điều kiện hay cơ sở của các yếu tố thu nhập, và sự khác nhau hoặc dị biệt trong ý nghĩa kinh tế tự nhiên cũng mang lại các sai biệt hay các phân hóa về giai cấp một cách tự phát mà mọi người đều có thể biết. Điều đó cũng có nghĩa giai cấp không phải luôn luôn là cái gì chặt chẽ. Trái lại nó có thể biến đổi, uyển chuyển, và tự chuyển tiếp lẫn nhau tùy theo từng điều kiện hay hoàn cảnh cụ thể của mọi biến thiên lịch sử cũng như xã hội. Có nghĩa đấu tranh giai cấp thực chất là đấu tranh giữa các cá nhân khi các điều kiện kinh tế và các quan hệ nào đó có thể mang lại những quyền lợi khả dĩ trái ngược nhau hoặc hoàn toàn mâu thuẫn. Đó là ý nghĩa hoàn toàn thực tế của kinh tế xã hội mà chẳng có gì siêu hình, khó hiểu, hay huyền hoặc cả.
Nhưng tại sao có sự giàu nghèo, và ý nghĩa cũng như nguồn gốc của nó ra sao ? Nghèo có nghĩa là sự không làm ra và yếu kém về mặt thu nhập. Giàu có nghĩa là sự làm ra nhiều về mặt kinh tế và có nguồn thu nhập cao. Tất nhiên sự làm ra hay không làm ra có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố. Điều kiện ban đầu, hoàn cảnh thuận lợi, sự may mắn, tài năng, lao động, quyền thừa kế, sự giỏi lau lách, cạnh tranh, được có các lợi điểm hay lợi thế nào đó trên đường đời, thậm chí có những điều kiện xã hội thích hợp. Nói chung có cả trăm ngàn yếu tố, không chỉ riêng duy nhất một yếu tố nào. Có khi người ta còn khái quát hóa thành những người có số giàu hoặc nghèo, tức thuận lợi, thành công về đường tiền bạc, hoặc hoàn toàn khó khăn, bất lợi. Thôi thì luận về cách nào cũng đúng, mặt cá nhân hay mặt xã hội, mặt chủ quan hay mặt khách quan, mặt tích cực hay mặt tiêu cực, và nói chung là mặt xấu hay mặt tốt. Có điều sự giàu nghèo trong xã hội không phải là thước đo duy nhất của mọi con người. Không phải ai ai cũng chỉ hướng về mặt vật chất hay kinh tế. Bởi vì chỉ có ý nghĩa hoặc giá trị duy nhất đó thì còn làm gì có các ý nghĩa hoặc giá trị về những phương diện khác. Có người làm khoa học, có người làm nghệ thuật, có người làm quản lý xã hội, có người làm văn hóa, có người muốn có một cuộc đời thanh tao, không bon chen, trong sạch, thôi thì mọi loại. Cho nên thật ra, tầng kinh tế hay tầng vật chất, tuy là tầng cơ bản, tầng nền tảng nhất của xã hội, nhưng đó vẫn là tầng thấp nhất, còn tầng cao hơn là tầng tinh thần và ý thức, là thượng tầng văn hóa, văn minh về những ý nghĩa cao hơn của con người và xã hội. Trong đó có giá trị của nhận thức, của ý nghĩa tôn giáo và triết học, của năng lực, tài năng sáng tạo về mọi mặt của chính con người.
Đó là chưa nói trong những xã hội lành mạnh, nền kinh tế tất nhiên cũng lành mạnh, sự giàu nghèo gần với tính cách khách quan, và cũng công bằng hơn, theo các tiêu chí như trên mà chúng ta vừa nói. Nhưng nếu trường hợp những xã hội không lành mạnh hoặc kém lành mạnh, tất nhiên sự giàu nghèo cũng bất công, giả tạo hơn nhiều. Nó không phản ảnh điều gì thật sự khách quan hay thật sự chủ quan, mà đó chỉ do các trở ngại hay thuận lợi chỉ mang tính cách bất thường. Điều đó cũng giống như giòng nước chảy phải qua nhiều chướng vật, có khi bị rác rửi, bùn lầy, và bao nhiêu vật tạp khác nhau, làm cho các hướng chảy và dòng nước đều không còn hoàn toàn tự nhiên, trong sáng nữa. Đó chính là những điều bất công, những cái hoàn toàn giả tạo trong mọi ý nghĩa về giàu nghèo trong xã hội. Nói như vậy để thấy rằng không phải mọi tính cách trong cuộc sống xã hội đều hoàn toàn đơn giản. Cho nên các ý nghĩa về giai cấp, đấu tranh giai cấp, tiến tới một xã hội hoàn toàn bình đẳng như nhau, không còn giai cấp , do Mác đưa ra, và một thời từng được nhiều người say sưa, đề cao lên tận trời xanh một cách thái quá, hết sức mê say, thậm chí mê muội, là hoàn toàn không đúng. Không đúng có nghĩa nó thật sự không khách quan, chính xác, không thực tế và phi khoa học như chúng ta đã nhiều lần phân tích. Bởi vì các ý nghĩa phân tích và kết luận về lịch sử, về kinh tế xã hội của Mác, thực chất không hoàn toàn thực tiển, không thuần túy kinh tế xã hội, nhưng chỉ chủ yếu dựa vào quan điểm lý thuyết biện chững của Hegel. Điều này chúng ta cũng đã nói nhiều, đó cũng chỉ là một lý thuyết tư biện về triết học, kiểu như một phương pháp số học về các ý niệm nối kết nhau một cách trừu tượng theo kiểu lô-gích hoàn toàn hình thức mà không thực tế, không dựa vào thực tế và cũng không hoàn toàn chứng minh được một cách cụ thể hay chính xác bằng thực tế.
Đó cũng chính là lý do tại sao trong suốt một thời kỳ dài, sau khi áp dụng lý thuyết Mác, trong thực tế Liên xô cũ và khối Đông Âu đã hoàn toàn thất bại và cuối cùng phải sụp đổ, tan rã. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng vậy, cuối cùng đã phải đổi mới, mở cửa, hội nhập, nếu không hẳn cũng đã phải hoàn toàn bế tắt. Đó chính là một thực tế khách quan, bởi vì không bất kỳ ai phủ nhận, nói ngược lại, hay nói khác đi được. Lý do chính yếu vì lý thuyết Mác đã quên bẳng đi yếu tố tâm lý của con người. Đây là động lực thực tế và cũng là bản thân của xã hội, mà nếu phớt lờ hay cố ý quên đi thì cũng chẳng còn điều gì để nói nữa. Cho nên người ta không ngạc nhiên khi thấy những gì Mác đã phê phán ở giai đoạn xã hội tư bản lúc sơ kỳ, những điều đó lại xảy ra hoàn toàn trầm trọng hơn trong các xã hội trước đây từng áp dụng một cách cực đoan theo lý thuyết của Mác. Đó cũng giống như kiểu gậy ông đập lưng ông, bởi vì nó tạo nên một xã hội con người vong thân, tức đánh mất bản thân mình một cách cực độ. Các vong thân (đánh mất bản thân) chính yếu nhất là vong thân kinh tế, vong thân chính trị, vong thân văn hóa, vong thân xã hội là những điều rất hoàn toàn dễ thấy. Bởi con người không còn là con người tự tại, con người thực chất nữa, mà hầu hết là những con người giả tạo, sống giống như cái bóng trong lòng xã hội thực tại. Có nghĩa hầu như sống giả tạo, sống đóng kịch, sống không phản ảnh thực chất những suy nghĩ, tình cảm chân thật của bản thân, mà sống bằng các sự tung hô, sống bằng các phô trương hình thức và sống bằng sự giả tạo.
Tại vì sao, vì lý thuyết chuyên chính của Mác đã quá hằn sâu trong xã hội. Do đó ai cũng phải tự vệ, cũng nghi ngờ sự thiện chí của người khác đối với mình. Bởi vậy miệng nói xã hội mà thực bụng lại nghĩ cá nhân. Làm sao để được tồn tại, để được phát triển cho riêng mình là quý nhất. Đó là nguyên lý vàng, là khuôn thước vàng, tuy rằng không một ai công khai thú nhận điều đó. Đó là lý do tại sao xã hội luôn hoàn toàn yên ổn trong thời kỳ bao cấp kéo dài, mặc dầu mức sống thật sự đã đạt đến cả dưới yêu cầu tối thiểu. Nên thực tế trong điều kiện như vậy cũng không còn phân biệt giàu nghèo, bởi vì tất cả đều nghèo, tất cả đều vô sản thì lấy gì phân biệt, lấy gì phân chia giai cấp. Có nghĩa giai cấp kinh tế, xã hội thì không, nhưng giai cấp quản lý hành chánh, quyền lực thì vẫn có, thậm chí lại có một cách hết sức chặt chẽ, cứng nhắc, thậm chí lại rất khắt nghiệt. Thế nhưng, sau thời kỳ đổi mới, mở cửa, ý nghĩa phân hóa giai cấp trong kinh tế xã hội lại rộ nở lên. Sự phân hóa giàu nghèo, mức cách biệt giàu nghèo lại trở nên vô cùng quá đáng. Điều này đến cả thế giới cũng phải hết sức ngạc nhiên, trong khi có nhiều người Việt Nam có điều kiện tiêu tiền vung tay quá trán, thì thật sự về mực đẳng cấp thế giới cả nước nghe đâu đang đứng hàng thứ 132 trong thang đẳng cấp giàu nghèo tên toàn thế giới. Đó cũng là lý do tại sao bài viết này tác giả lại một lần nữa đề cập đến ý nghĩa của sự giàu nghèo và vấn đề giai cấp xã hội như trên đã nói. Bởi thực chất ý nghĩa của giai cấp và vấn đề giàu nghèo trong nguyên ủy của nó không mang nguồn gốc gì về ý thức hệ, mà chỉ là vấn đề quản lý khoa học về xã hội, vấn đề sự sự phong phú hay nghèo túng về tài nguyên, cũng như ý nghĩa về bản thân văn hóa của con người. Một xã hội dù tài nguyên khan hiếm, nhưng biết quản lý theo khoa học hiệu quả, sự chênh lệch về giàu nghèo tự khắc cũng giảm đi hay không hoàn toàn thật sự cứng nhắc. Trong khi đó, cho dù tài nguyên có phong phú bao nhiêu, mà cách quản lý xã hội phi khoa học hay kém hiệu quả thì ý nghĩa của vấn đề cũng hoàn toàn ngược lại.
Nhưng quản lý khoa học là gì, đó là cách quản lý theo kỹ trị mà không theo ý thức hệ. Kỹ trị có nghĩa là kỹ thuật và khoa học khách quan. Kỹ thuật và khoa học khách quan này về mặt quản lý xã hội phải được thực hiện qua nghiên cứu lý thuyết về mặt khoa học, qua áp dụng thực tiển về mặt kỹ thuật nhằm đúc kết, rút ra kinh nghiệm và càng ngày càng cải thiện tốt hơn mà không là gì khác. Điều đó có nghĩa các thành quả của thế giới phải được vận dụng và các tập hợp, phát huy chất xám trong nước làm sao phải thật hữu hiệu và kết quả nhất. Đó chính là một ý nghĩa nhân văn mà không phải một lý thuyết giáo điều khô cứng. Điều này ngày nay phải trở thành thực chất mà không hề gắn gượng. Có nghĩa trong các đức tính của con người thì sự thành thật với mình, với người khác, và với xã hội là điều gì hết sức quan trọng và quyết định nhất. Mọi sự giả dối đều tạo nên những sự tuyên truyền giả đối và kể cả những cách đóng kịch. Thật sự điều đó chẳng có lợi gì cho số đông, cho đại cuộc, mà chỉ lợi cho cá nhân hay thiểu số cá nhân, ở đâu cũng vậy, ở thời đại nào cũng vậy. Bởi vì chỉ có những con người đích thực mới có thể xây dựng được những xã hội thực chất và đích thực. Những con người như thế ngày xưa ở nước ta như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Nhữ Hài, Lê Quí Đôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Trường Tộ … chẳng hạn, mà không thể có loại người nào khác. Cho nên người trung thực với xã hội không phải có nhiều, còn những người xu quyền phụ thế, thừa nước đục thả câu, thì không lúc nào và ở đâu mà chẳng có. Tất nhiên những hình ảnh tiêu biểu đó đích thực là của thời đại ngày xưa, còn ngày nay tất nhiên là những nhà khoa học thật sự, cũng như những nhà kỹ trị.
Ý nghĩa là tại sao, bởi vì trong một xã hội công dân hay xã hội dân sự hiện đại đích thực thì tất cả mọi người đều hoàn toàn bình đẳng và tự do. Như vậy, ý nghĩa tự do dân chủ phải là ý nghĩa ý thức hệ chính đáng và cần thiết nhất trong chính xã hội hiện đại, phát triển ngày nay. Trong tính cách đó, nhất thiết không thể có quyền “lãnh đạo” theo kiểu truyền thừa, tức cha truyền con nối dưới bất kỳ một hình hay phương cách thế nào, mà nhất định phải là những sự ủy quyền hoàn toàn tự do, bình đẳng, tự chủ và hoàn toàn có ý thức. Trong tính cách đó thì những con người khoa học, con người có trình độ, có tri thức nhất thiết phải đứng vào trong hàng ngũ của những người hay của lực lượng quản lý xã hội. Họ là những nhà khoa học tất nhiên hệ thống tổ chức quản lý của họ cũng phải là hệ thống khoa học, có chất lượng, hiệu quả, và có kết quả(1). Có nghĩa ngày nay các ý niệm về giai cấp, về ý thức hệ theo kiểu giáo điều đã hoàn toàn đi ngược lại với mọi ý nghĩa thực tiển và khoa học. Điều này kẻ viết bài này sẵn sàng tranh luận thẳng thắn và công khai với bất kỳ người nào trong các ý nghĩa liên quan về mặt khoa học và triết học. Nhưng chắc chắn điều đó không thể có, bởi vì bất kỳ người nào trong ý hướng khoa học và thực tiển ngày nay cũng đều nhận thấy thật sự đúng như thế. Ý nghĩa này cũng cho thấy tại sao trong làn song phản đối độc tài hiện nay ở các nước Trung Đông, từ Tunisie, đến Ai Cập và Libie hiện này, đều là những nơi có những nhà lãnh đạo nắm quyền cai trị hàng thập kỷ, với hình ảnh gia đình trị, và khi chế độ lung lay thì chính những tầng lớp cầm quyền chóp bu lại bị khuôi ra các tài sản kết xù có liên quan đến tham nhũng, cùng những tài khoản giấu kín đó của họ ở các ngân hàng nước ngoài đều bị phong tỏa, đóng băng ngay tức khắc. Đó cũng chính là ý nghĩa của sự giàu nghèo, giai cấp, và các nguyên tắc về lãnh đạo chính trị, như trên kia ngay từ đầu đã nói.
© Võ Hưng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét