Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Những cuộc cách mạng Trung Đông nhìn từ Trung Quốc


Nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm những gì họ có thể làm để ngăn chặn tin tức về phong trào quyền lực nhân dân Ai Cập không lan truyền đến Trung Quốc? Tin tức về Ai Cập trên các phương tiện truyền thông quốc doanh Trung Quốc thường vắn tắt và trống rỗng. Vào ngày 6 tháng Hai, tức lúc cao điểm của các cuộc biểu tình, tờ Nhân Dân Nhật Báo thông báo cho độc giả biết “chính phủ Ai Cập đang cố gắng thực hiện những biện pháp khác nhau nhằm khôi phục trật tự xã hội”. Nhưng trên mạng Trung Quốc, tuy bị kiểm soát nghiêm ngặt nhưng vẫn khó mà bị bóp nghẹt, Mubarak bị mắng chưởi xối xả là “tên độc tài”, “côn đồ đốn mạt” vân vân. Cho nên, tuy những nhà kiểm duyệt Trung Quốc tuyên bố từ Mubarak (cùng với từ “Ai Cập” và các từ khác) là “nhạy cảm” và đã dựng tường lửa để xoá bất kỳ nội dung nào có từ này, những người Trung Quốc sử dụng mạng, trong trò mèo vờn chuột thường lệ, đã nghĩ ra những tên thay thế dí dỏm. Trong số các tên này có tên “Mẫu Tiểu Bình” và “Mẫu Cẩm Đào” (1) – nhờ sử dụng tên của chính các nhà độc tài Trung Quốc, để lách các nhà kiểm duyệt nhưng đồng thời cũng càng liều lĩnh hơn.

Cuộc nổi dậy Ai Cập là sự kiện nguy hiểm đối với tầng lớp cai trị Trung Quốc vì nó phá hoại một trong những lập luận ưa thích của họ. Đã từ lâu họ tuyên bố Trung Quốc có “những đặc trưng đặc biệt” (có nghĩa nhân dân Trung Quốc thích chế độ độc tài, ít nhất hiện nay) nên những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc chỉ là những chiến thuật phá hoại của các lực lượng “chống Trung Quốc” xuất phát từ các nước Tây phương. Nhưng nếu lập luận ấy đúng, thì ta cần giải thích tại sao hàng triệu người dân Ai Cập chống lại Mubarak, người được Mỹ bảo bọc. Rõ ràng có điều gì đấy sâu sắc hơn thôi thúc nhân dân Ai Cập.

Tấm gương Tunisia gợi lên một câu hỏi liên quan cũng nguy hiểm không kém. Đối với tầng lớp cai trị Trung Quốc, Zine El Abidine Ben Ali, nhà độc tài bị lật đổ, đã thường đuợc xem là đi theo con đường của họ – cái gọi là “mô hình Trung Quốc” của sự phát triển kinh tế đi kèm với trấn áp chính trị – và đã đạt nhiều thành công trên con đường này, hay trong nhiều năm người ta đã tưởng như thế. Nhưng nhân dân Tunisia vẫn xuống đường lật đổ ông ta. Phải chăng người dân muốn điều gì đấy cao hơn mô hình Trung Quốc? Sao điều đó lại có thể xảy ra?

Trong những năm gần đây, chính các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã thừa nhận tự do, dân chủ, nhân quyền và nhân phẩm là “những giá trị phổ quát”: đây là một trong những tư tưởng cốt lõi trong Hiến chương 08, một tuyên ngôn cải cách mà chính quyền đã cố gắng rất nhiều để che giấu. Tầng lớp cai trị Trung Quốc đã phản bác qua tuyên bố “cái gọi là” những giá trị phổ quát chỉ là “những chiến thuật được Phương tây rao bán”. Sự đối đầu này đã tạo ra “cuộc tranh luận những giá trị phổ quát” trong giới trí thức Trung Quốc, nơi phe chính quyền, nhờ kiểm soát các phương tiện truyền thông, nên cho tới gần đây đã chống đỡ được. Nhưng khi những người trẻ tuổi ở Tunisia và Ai Cập (thuộc khắp mọi nơi!) cất tiếng ủng hộ những giá trị phổ quát, lời tuyên bố những giá trị này mang tính địa phương và bị áp đặt bởi Mỹ và các đồng minh Tây phương của Mỹ không đứng vững.

Các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập không thể nào xảy ra nếu không có Facebook và Twitter. Những người trẻ đã dùng những mạng xã hội này để liên lạc và tổ chức, và bộ máy đàn áp của chính quyền nước họ không tài nào theo kịp. Facebook chưa vào Trung Quốc ồ ạt, nhưng Twitter hầu như đã tạo ảnh hưởng rất lớn. Chẳng hạn, cuộc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng ngàn công dân Trung Quốc được Vương Lực Hùng tổ chức hoàn toàn được thực hiện nhờ Twitter, và Twitter là phương tiện trao đổi ý kiến cá nhân được ưa chuộng trong giới những người muốn đi trước công an mạng một bước.

Nhưng kỹ thuật diệu kỳ chỉ là một lý do tại sao Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel hoà bình của Trung Quốc, đã gọi Internet là “món quà Chúa ban cho Trung Quốc”. Càng quan trọng hơn đối với vương dân, hay “công dân mạng” Trung Quốc, là sự giải phóng tâm lý có được nhờ ở sự vô danh trên mạng. Suốt trong thời kỳ cộng sản, chế độ kiểm duyệt các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã chủ yếu được dựa trên sự tự kiểm duyệt do sợ hãi sinh ra. Sự thể hiện đa dạng và rất thành thực ta có thể nhận thấy trên mạng Trung Quốc ngày nay gần như được bày tỏ dưới những tên giả. Nhà cầm quyền đã cấm dùng tên giả, nhưng khi 400 triệu người vẫn cứ dùng, liệu họ có thể làm đươc gì?

Qua chứng thực những phong trào nhân dân bắt đầu tạo ra kết quả rõ ràng ở Cairo, Tunis, Bahrain và những nơi khác trong mấy tuần vừa qua, truyền thông xã hội và internet đã mở rộng tầm nhìn ngay cả đối với chính các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, trong đó có những người đã phác thảo ra Hiến chương 08. Qua trò chuyện với họ trong mấy ngày gần đây, tôi biết họ cũng hơi ngạc nhiên khi thấy dân chủ nở rộ ở Bắc Phi. Thoạt đầu họ không hiểu rõ chuyện gì xảy ra. Từ trước đến nay, họ chủ yếu chỉ quen thuộc với các nhà bất đồng chính kiến Đông Âu của quá khứ như Adam Michnik và Vaclav Havel (Hiến chương Tiệp Khắc 77 của ông là nguồn khích lệ cho Hiến chương 08). Họ thấy những người Châu Âu này đấu tranh chống lại những đối thủ tương tự như đối thủ của họ -các chế độ độc tài cộng sản – và có cùng mục tiêu chung: cùng một nền dân chủ và nhân quyền mà người như Havel diễn đạt rất hay. Ngược lại, nhiều người Trung Quốc, đến ngay cả một số những nhà hoạt động dân chủ, đều đã được dạy rằng những người Châu Phi là “lạc hậu”; và kể từ khi “cuộc chiến tranh chống khủng bố” do Mỹ lãnh đạo, những nhà hoạt động dân chủ đôi lúc vội vàng tin vào chân dung tiêu cực về thế giới Hồi giáo do Mỹ đã vẽ lên. Tuy nhiên, khi suy nghĩ của họ vượt ra khỏi những rào cản định kiến này, những nhà hoạt động dân chủ này đã bắt đầu xem những nhà dân chủ Bắc Phi là những người đồng chí hướng. Một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc thổ lộ với tôi: “Cho dù họ chọn con đường chúng tôi không chọn” – chẳng hạn nhà nước Hồi giáo – nếu họ thực hiện sự chọn lựa ấy một cách dân chủ, chúng tôi phải bảo vệ sự chọn lựa của họ”. Tuy nhiên, không có nhà hoạt động dân chủ nào mà tôi có dịp trò chuyện cảm thấy là thực tế khi kêu gọi xuống đường kiểu Ai Cập vào lúc này.

Thật khó biết những người Ai Cập nghĩ gì về Trung Quốc, dù về chính quyền ở Bắc Kinh hay về những người đã ủng hộ Hiến chương 08. Nhưng quả thật thú vị là một số biểu ngữ ở Quảng trường Tahrir – “Mubarak cút đi!” và “Nhân dân Ai Cập yêu cầu Mubarak từ chức” – được viết bằng tiếng Trung Quốc.

Liệu các chế độ độc tài trên thế giới có thể chặn đứng được dòng thác dân chủ Internet? Trong suốt năm ngày cao điểm của các cuộc biểu tình, người của Mubarak đã có thể cắt được Internet và, có lúc, cắt cả mạng lưới điện thoại di động. Đây là chiến thuật nhà cầm quyền Trung Quốc đã áp dụng -ở khu vực Tân Cương phía tây, sau các biến động ở đấy vào tháng Bảy năm 2009, chiến thuật này đã gây ra sự cắt mạng Internet gần như toàn bộ trong suốt 312 ngày. Năm ngoái Tiêu Cường, chuyên gia hàng đầu về mạng Internet Trung Quốc, tranh luận với một người có chức vụ cao trong tầng lớp cầm quyền ở Trung Quốc về “mối đe doạ của Internet đến sự ổn định”. Như thể trình ra lá bài chủ trong canh bạc, viên chức này có lúc nói: “Nếu cần, chúng tôi luôn luôn có thể cúp toàn bộ mạng”. Tiêu Cường cho biết khi nghe vậy ông cảm thấy bất ngờ ớn lạnh.

Nhưng liệu nhà cầm quyền Trung Quốc thực sự có thể làm chuyện như thế? Hàng năm họ chi có lẽ hàng chục tỉ nhân dân tệ để kiểm soát Internet; nguồn Trung Quốc chính thức đã hé lộ chính quyền chi hơn 500 tỉ nhân dân tệ (76 tỉ đô la) mỗi năm cho sự “duy trì ổn định ” trong nước. Song cắt toàn bộ mạng biết đâu vẫn còn khó khăn về mặt kỹ thuật. Và cho dù nó có khả thi chăng nữa, hiện nay rất nhiều người ở Trung Quốc phụ thuộc vào Internet – không những về bình luận chính trị mà còn về thông tin, thương mại, giải trí, và liên lạc – đến nỗi “cúp” mạng như vậy sẽ thật sự gây ra đảo lộn lớn, và hầu như không đưa đến “ổn định”.

Trong suốt thời gian kể từ khi Henry Kissinger đến Trung Quốc vào năm 1971 để khai thông quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho đến nay, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc luôn luôn bị hạn chế do không thể thấy rằng Trung Quốc thực ra rất khác xa và thường rất khác hẳn với tầng lớp cai trị nước này. Ngay cả vụ thảm sát kinh hoàng chế độ gây ra đối với chính những công dân của họ ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 cũng chỉ tạo ra sự đoạn tuyệt một phần và thoáng qua với nguyên tắc cơ bản rằng “Trung Quốc” có nghĩa là sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc, thể thôi. Dù vậy, trong những tuần gần đây, có một số dấu hiệu chính quyền Obama đang thoát ra sự thiển cận nguy hiểm này và có thể cuối cùng sẵn sàng cho phép chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc để nói chuyện trực tiếp với nhân dân Trung Quốc, những người đứng mờ nhạt phía sau. Vào ngày 13 tháng Giêng, tổng thống Obama đích thân gặp gỡ năm nhà hoạt động dân chủ người Mỹ vốn trong nhiều năm qua đã thôi thúc Mỹ thực hiện điều này. Vào ngày 15 tháng Hai bộ trưởng ngoại giao Hilary Clinton đọc bài diễn văn về tự do Internet trong đó bà nói Hoa Kỳ quyết tâm giúp nhân dân ở Trung Quốc và ở khắp mọi nơi khác “vượt tường lửa, đi trước các nhà kiểm duyệt một bước”, và bằng nhiều cách khác nhau giúp họ tham gia vào mạng Internet tự do và rộng mở. Bà cho biết Hoa Kỳ trong năm nay có kế hoạch ban 25 triệu đô la cho những khoản tài trợ cạnh tranh dành cho “các nhà kỹ thuật và các nhà hoạt động dân chủ đi tiên phong trong nỗ lực đấu tranh chống lại sự trấn áp Internet”.

Người Mỹ nên nên tán thành động thái này. Về nguyên tắc đây là một sự thay đổi theo chiều hướng đúng. Nhưng chúng ta cần hỏi phải chăng số tiền như vậy là tương xứng. Làm sao 25 triệu đô la một năm sánh với vài trăm triệu đô la phí tổn mỗi ngày cho các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq? Và phương pháp nào -đấu tranh chống lại sự trấn áp Internet hay tham chiến- xem ra sẽ có thể thực sự mang lại dân chủ?

Perry Link
Nguồn: The New York Review of Book, ngày 17/02/2011
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch

(1) Chú thích của người dịch: âm “Mu” trong tên Mubarak phiên âm qua tiếng Trung Quốc như “Mẫu” .

Không có nhận xét nào: