Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011
Không đi, không biết… nhà tàu!
Lê Thanh Hoàng (Tamnhin) – Vừa bước lên tàu, ấn tượng đầu tiên của tôi là… mùi Tàu! Cái mùi từ thời bao cấp xa xưa đến giờ vẫn vậy, tổng hợp của các loại mùi: nhà vệ sinh, mùi rác, mùi mồ hôi người, mùi thức ăn thiu ẩm… Một cái mùi ngọt ngọt, ngai ngái, mà khi ngửi phải thì… muốn ói cũng không ói được, hít thở nhẹ nhàng hay mạnh thì nó vẫn len lỏi vào buồng phổi, nghe rất… mùi Tàu, không thể lẫn vào đâu được…
Sau gần mười năm, tôi mới có dịp đi tàu lửa từ Đà Nẵng về lại Sài Gòn. So với trước, hành trình tàu hỏa bây giờ đã nhanh hơn, đi và đến các ga đúng giờ. Thế nhưng, vẫn còn không ít điều phiền toái mà ngành này chưa cải thiện được…
Tàu TN7 trên hành trình Bắc-Nam, qua vùng Rừng Lá, tỉnh Bình Thuận
Sau Tết Nguyên đán vừa qua, tôi có việc phải ra Đà Nẵng. Khi trở lại Sài Gòn, hết vé máy bay và cũng không thể chờ đợi lâu, tôi lấy vé tàu lửa (ký hiệu TN7) chuyến 17 giờ 15 ngày 19/2 từ Đà Nẵng đi Sài Gòn. Thật thú vị khi được nhìn ngắm quê hương trôi dần về phía sau lúc tàu chạy, được trò chuyện gần một ngày đêm với bạn đồng hành trên toa… Và cũng thật bất ngờ khi chứng kiến những gì xảy ra trên suốt đoạn đường, mà nếu không đi không thể nào biết được.
Mùi… tàu
Hết vé giường nằm, tôi mua vé ngồi mềm – điều hòa giá 456.000 đồng của chuyến tàu này. Đúng giờ trên vé, tàu vào ga Đà Nẵng và tôi lên tàu. Vừa bước lên tàu, ấn tượng đầu tiên của tôi là… mùi Tàu! Cái mùi từ thời bao cấp xa xưa đến giờ vẫn vậy, tổng hợp của các loại mùi: nhà vệ sinh, mùi rác, mùi mồ hôi người, mùi thức ăn thiu ẩm… Một cái mùi ngọt ngọt, ngai ngái, mà khi ngửi phải thì… muốn ói cũng không ói được, hít thở nhẹ nhàng hay mạnh thì nó vẫn len lỏi vào buồng phổi, nghe rất… mùi Tàu, không thể lẫn vào đâu được.
Là toa có lắp điều hòa nên những loại mùi này quyện lại không thoát ra ngoài được, hành khách buộc phải thưởng thức suốt hành trình, không thể nào khác.
Mùi này, theo chúng tôi, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách cải thiện chế độ dọn dẹp vệ sinh thường xuyên như: cọ rửa sàn tàu, nhà vệ sinh, giặt các khăn lót ghế nệm, hút bụi, hút ẩm và không để rác quá lâu trong thùng rác như hiện nay.
Qua quan sát của tôi suốt gần 24 giờ (từ 17 giờ 15 ngày 19/2 đến 14 giờ 30 ngày 20/2) nhân viên chỉ cầm chổi quét sàn tàu toa tôi ngồi hai lần. Giữa đầu nối hai toa là nơi chứa những bao rác có thể tận dụng làm phế liệu, chính số rác này cũng là tác nhân gây mùi. Số rác sinh hoạt còn lại được nhân viên toa xe quét hết xuống đường khi tàu đang chạy. Có người nói vui rằng: dọc theo đường tàu là bãi rác dài nhất thế giới! Điều này có lẽ không sai. Nếu ai có dịp đi tàu hỏa, có thể quan sát từ Bắc vào Nam dọc hai bên đường tàu là các loại rác từ trên tàu thải xuống, nhất là những vùng hoang vu, rừng núi, nơi nhân viên vẫn chọn để vệ sinh khi ngang qua. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng nặng đến môi trường vì rác tàu đa số là các loại túi ny-lon, hộp xốp đựng thức ăn.
Nhân viên toa 8 (tàu TN7) quét rác xuống đường khi tàu đang chạy
Nhà vệ sinh trên tàu được lắp đặt thiết bị bằng inox, nếu được cọ rửa thường xuyên chắc không đến nỗi bốc mùi như hiện nay. Ngày trước có người ví von: cái cầu tiêu của đường sắt Việt Nam lại cũng là… dài nhất thế giới! Quy trình khi tàu dừng ở các ga là nhân viên đóng cửa nhà vệ sinh (phải chăng khi tàu chạy, hành khách đi vệ sinh xong kéo nước xả thẳng xuống đường tàu?).
Cơm tàu…
Cơm trên các chuyến tàu nhanh có lẽ được bán kèm theo trên giá vé và các suất ăn được nhân viên đưa đến từng toa xe. Riêng chuyến tàu tôi đi lần này, đến bữa ăn hành khách tự mua từ nhân viên đẩy xe đi bán rong hoặc thả bộ xuống căng-tin, nơi có nhân viên phục vụ.
Điều tôi muốn nói là các loại thức ăn phục vụ trên tàu chất lượng quá tệ và giá thì khá đắt trong khi hành khách không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải sử dụng dịch vụ độc quyền này.
Xin nêu ra giá cả một số món ăn, thức uống để bạn đọc tham khảo nếu có dịp bước lên tàu (vì trên chuyến tàu này hoàn toàn không niêm yết giá hoặc thực đơn): cơm hộp 30.000 đồng, phở bò, mì gói xào bò 25.000 đồng, trứng gà luộc 5.000 đồng, bia 333 lon 15.000 đồng, cà phê đá 15.000 đồng…
Điều đáng nói là khi phục vụ mấy trăm người từ Hà Nội vào Sài Gòn trong suốt hành trình gần 40 giờ tàu chạy, doanh số chắc không nhỏ. Thế nhưng, cả đoàn tàu không có một máy tính tiền để quản lý tại căn-tin, không bảng giá, không thực đơn, tất cả lệ thuộc vào các câu trả lời như quát tháo của nhân viên phục vụ. Không biết ai quản lý, qui định giá, kiểm soát về giá và sự phục vụ bán hàng trên tàu của các nhân viên kiểu thế này?
Toa căn-tin phục vụ hành khách không có bảng giá, thực đơn và máy tính tiền
… và cán bộ, nhân viên trên tàu
Trong suốt hành trình, tôi không hề thấy động tác kiểm tra vé, soát vé lần nào của cán bộ, nhân viên trên tàu. Vé của tôi được sử dụng đúng một lần lúc ra cửa Ga Sài Gòn có nhân viên soát vé. Thế nhưng, ở các phòng trực của nhân viên toa xe và đầu nối giữa hai toa đều có hành khách ngồi ghế nhựa, nằm chiếu rất nhiều. Tôi hỏi vài người đang nằm, ngồi không đúng vị trí hành khách, thì nhận được câu trả lời na ná giống nhau: “Được chú nhân viên tốt bụng cho vô nằm nhờ vì ngồi ghế không ngủ được”, “Tôi có ghế trên kia nhưng được chú cán bộ cho vô đây nằm nghỉ tý vì đau lưng”…
Buồng dành cho nhân viên, có hai hành khách đang ngủ
Nếu muốn gặp cán bộ, nhân viên trên tàu, xin đến toa phục vụ ăn uống vào giờ ăn trưa, ăn tối. Họ tập trung ăn uống, bia rượu, rôm rả chuyện trò hơn một giờ cho bữa ăn. Buổi tối hôm tôi chứng kiến, không có một bàn trống nào dành cho hành khách và lựa chọn duy nhất của hành khách sau khi đi dọc qua hàng chục toa tàu để đến căn-tin, là mua thức ăn hộp mang về.
Riêng tôi, do có chủ định từ trước nên “quyết tâm” đứng chờ. Sau gần nửa tiếng đứng uống lon bia cho đến khi có một nhân viên rời bàn, tôi xin phép ngồi ngay vào bàn và lập tức nhận những ánh mắt khó chịu của các nhân viên trong bàn. Vì muốn ngồi lâu để ghi hình, ghi âm, tôi lại gọi tiếp bia và trứng vịt lộn (giá 7.000 đồng/trứng).
Hai người khách ngồi gần tôi nói rằng: nhân viên tàu này sướng thật, không biết họ làm gì, chỉ thấy thường ở toa phục vụ ăn uống và ngày đêm 2 lần cầm chổi vừa quét vừa la hét hành khách ăn uống xả rác, mất vệ sinh!
Nghĩ từ những chuyện trên tàu
Không còn cảnh chen lấn, giật dọc, móc túi, buôn bán hỗn độn trên tàu như thời trước nữa, hành khách có thể an tâm với giấc ngủ trên tàu có điều hòa nhiệt độ. Thế nhưng, khi độc quyền khai thác thì lại bộc lộ thái độ cửa quyền không cần hành khách của ngành này, trong khi hàng năm Chính phủ vẫn còn bù lỗ.
Vào các dịp lễ tết, nhu cầu đi lại tăng cao, nạn tuồn vé cho cò, hành khách đi lậu vé và thái độ, văn hóa phục vụ của nhân viên trên các chuyến tàu ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Thiết nghĩ, ông đường sắt nên dành thời gian xem xét, nhìn lại các qui định để chấn chỉnh lại mình. Kẻo không, nếu cứ còn lôi thôi lếch thếch như bấy nay, ông dự án ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC sẽ lấy cớ đó để xin thực hiện, thì lúc đó con tàu của ông sẽ thành đống sắt nằm một chỗ. Lúc đó, dù quốc hội có đưa ra muôn ngàn lý lẽ cũng không cãi nổi, để bác bỏ dự án đường sắt cao tốc và bênh vực ông đâu.
Rác dọc đường tàu từ Bắc vào Nam
Hai tô phở bò ở căn-tin có giá 25.000đồng/tô
Nhà vệ sinh dành cho hành khách vừa bẩn, vừa hôi hám
Bồn rửa mặt ngập trong rác và rất hôi mùi…tàu.
Các xe bán hàng trên tàu TN7, nhân viên đang phục vụ hành khách
Ly cà phê 15.000 đồng và hộp mì gói xào bò 25.000 đồng mua từ xe đẩy của nhân viên phục vụ
Nhân viên ga Sài Gòn soát vé hành khách rời ga chiều 20/2/2011
Bài và ảnh: Lê Thanh Hoàng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét