Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Đấu tố luận

Theo blog Đào Hữu Nghĩa Nhân
Một cảnh đấu tố thời cải cách ruộng đất
 
 
Một cảnh đấu tố thời cải cách ruộng đất



Mục từ đấu tố có thể hiểu đơn giản là hình thức đấu tranh tố cáo giai cấp. Ngõ hầu loại bỏ các giai tầng, mà những người theo phái cộng sản nghĩ là nó có hại và nguy cơ tồn vong cho thể chế của họ. Hình thức hạ tiện chỉ có một này, thường là sử dụng tầng lớp nông dân nghèo, thất học, thậm không biết chữ để tố những người nông dân có chút của ăn của để trong khu vực của họ sinh sống, được gọi là địa chủ,… Hoặc sử dụng một số ít các tầng lớp thành thị du thủ du thực đấu tố các ông chủ nhà máy, xí nghiệp cho là bóc lột,… Cách làm này đã để lại nhiều di chứng xã hội, thiển nghĩ không cần trích dẫn ra trong bài viết, vốn đã có đầy trên mạng. Ngày nay chỉ cần vào google search gõ từ “đấu tố” sẽ cho kết quả hàng chục triệu tìm kiếm. Đa số trong chúng là những trò xấu xa và bỉ ổi, vương đầy tội ác. Mãi mãi không thể nào rửa sạch vết nhơ!
Nhìn vào kho tàng ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích,… của người Việt Nam thời xa xưa dễ dàng cho chúng ta bất kỳ ai dù ở quan điểm khác biệt nào cũng đều có một nhận định người Việt mình vốn hiền hòa, vị tha, sống có thủy có chung,
Từ ngàn xưa người dân chỉ sống trong xã hội phong kiến. Việc mặc nhiên chấp nhận những giá trị của xã hội phong kiến là lẽ bình thường. Chẳng ai đố kỵ, ghen ghét, thù hoán vì sự giàu có hay cái sự học của kẻ khác. Lấy số mệnh làm cách lý giải về thân phận hèn mọn của mình như sự mặc nhiên. Tin vào sự tái sinh, ở hiền gặp lành. Sống tốt sẽ đầu thai vào kiếp sau làm người, không đầu thai vào kiếp trùng dế, may mắn sinh vào một gia đình giàu có nào đó.


Tiếc thay sự cảm nhận về chủ nghĩa cộng sản ấu trĩ của những đầu lĩnh cộng sản, thực chất chỉ là anh nông dân mắt toét thời ấy, cộng với sư xúi giục và truyền thống đấu tố hàng loạt ở các quốc gia cộng sản đi trước, cùng với hứa hẹn cuộc đời sẽ đổi thay tức thì, nếu chúng ta tiêu diệt các giai cấp mà họ gọi là ăn trên ngồi tróc, bóc lột người nghèo. Hứa hẹn cuộc chơi ấy huy hoàng khi những người chơi tìm thấy câu thần chú của Alibaba đầu lĩnh trộm cấp người Ba Tư “vừng ơi mở cửa ra” sự giàu sang sáng lòa!
Đớn đau thay những chiến binh của Alibaba cộng sản tân kỳ, thay vì đọc câu thần chú một lần cho tất cả. Họ đã đọc nó vô vạn lần cho mỗi cánh cửa của bất kỳ chiếc hang bí ẩn nào khám phá được. Oái oăm thay câu thần chú hầu như hiệu nghiệm ở bất kỳ cánh cửa bí ẩn nào mà họ tìm thấy!?
Thay vì vậy, cánh cửa mở họ nhận là nỗi ô nhục của một dân tộc vốn hiền hòa, bổng thành một dân tộc đố kỵ, chia rẽ, ghen ghét cái sự giàu và có học từ người khác cho đến tận hôm nay! Hiện tượng cả xã hội làm giàu bằng mọi giá, cho con cái học trường tây, lớp chuyên, trường chọn, nhồi nhét chúng thế nào để không thua bạn thua bè, làm cho cha mẹ chúng nở mày nở mặt, âu cũng là do di chứng đấu tố mà ra?
Các ngươi đang đói khát phải không? Ồ hãy đọc câu thần chú này ngay nhà bọn “địa chủ”. Các chiến binh Alibaba cả đời thất học, không quyền lực đó đã hăng hái thế nào mà khủng khiếp vô cùng. Mỗi lần thay vì vậy là hàng loạt đầu “địa chủ” vô tội rơi xuống, cùng với vợ con, gia tài của họ sẽ rơi vào tay các đầu lĩnh Alibaba. Họ bị hiếp, bị đuổi cổ ra khỏi ngôi nhà, đất đai của họ, mà nhiều khi cả đại gia đình họ phải làm cật lực cả một đời! Câu chuyện bi kịch về người vợ sau của Hữu Loan là một người trong số đó! Phần cho các chiến binh chỉ là những cái bánh vẽ vĩ đại. Ba người khác của Tô Hoài có lẽ minh họa khá đầy đủ về sự chia phần, sau khi cánh cửa được mở!
Tội ác được ban ra từ các đầu lĩnh Alibaba. Vậy thì câu hỏi đặt ra. Liệu họ có biết việc làm đó là dơ bẩn, là đẩy xã hội chia rẽ sâu sắc không? Câu trả lời không cần rào đón, họ thừa hiểu.
Thực tế cuộc chiến giành lấy quyền thống trị của cộng sản không chỉ là đấu và tố giai cấp mà còn phải đấu và lấy giang sơn từ các quốc gia chiếm hữu thuộc địa. Và muốn thế phải dừng ngay trò chơi máu này bằng mọi giá. Hy sinh uy tín đầu lĩnh bằng những giọt nước mắt xót thương, hối hận vội vàng cùng bản soạn “tự tố”, khiến người nghe cũng sụt sùi.
Từ đấy trò chơi đấu và tố tạm dừng. Gọi nôm na khoan sức dân, để chúng bớt ghê sợ sự trở mặt của lòng người. Cùng đứng cạnh chiến hào cho mục đích tối thượng toại nguyện trọn vẹn!
Tham vọng tối thượng đã toại nguyện và cuộc chơi lớn bắt đầu. Những người chơi chính trong vai trò dẫn dắt từng bước để lộ quá nhiều yếu kém, ấu trĩ thậm chí nguy hiểm. Vấn đề phát sinh ngoại ý những kẻ điều hành trò chơi tiền quyền này là không phải ai cũng mụ mị và ngu mụi tham gia hào hứng. Chính những người chơi khôn ngoan nhìn thấy luật chơi bẩn, có lợi cho nhà tổ chức. Phần thắng luôn về kẻ kiểm soát, tổ chức cuộc chơi. Trừ những kẻ ca ngợi trò chơi dơ vì cùng chia lợi ích từ phần thưởng lớn!
Chính họ bắt đầu lên tiếng phản biện, chỉ trích cuộc chơi độc diễn khả ố. Tạo ra sân chơi bình đẳng, có lợi ngang nhau cho bất kỳ ai tham dự. Nói chung họ đã bước đầu xây dựng luật chơi công bằng cho tất cả, bắt buộc bất kỳ kẻ nào tham dự cuộc chơi phải xuất phát cùng vạch.
Sự manh nha của luật chơi hợp lòng người làm cho nhà tổ chức độc quyền cảm thấy khó chịu vì nguy cơ thua cuộc. Lại một lần nữa bổn cũ soạn lại hiện nguyên hình. Đấu tố phiên bản 02 chính thức trở lại kinh hoàng!
Điều thú vị của phiên bản này là hầu như giữ nguyên phong cách làm đấu tố thời kỳ cải cách ruộng đất. Tức là vẫn sử dụng những kẻ không học thức, những kẻ du thủ du thực, những kẻ cái gọi là nhân dân bất bình nên phản ứng,…
Điều khác biệt là các đầu lĩnh Alibaba dùng tuyệt chiêu này tung lên truyền thông chính thống của họ. Đấu ngày xưa là tố cá nhân đại diện cho giai cấp đáng bị “xóa sổ”. Đấu ngày nay là tố điêu cá nhân dựa trên kịch bản được thiết kế tồi bởi những kẻ nằm trong bóng tối. Họ, những “tội đồ” bị quy chụp đại diện cho thế lực thù địch, phi giai cấp? Ngày xưa đấu, nhà nước vời cả làng ra xem kẻ bị tố. Ngày nay đấu đơn thuần là công cụ chính trị được nhà nước chỉ đạo cho vài tờ báo ăn phải bã, thiếu liêm sỉ tố. Lời lẽ tố ngày nay cũng y chang ngày xưa. Các câu tố, chửi bới cũng được mớm sẵn, không ai biết gã mồm loa mép dải ấy là gã nào? Trông mặt, cũng rặt là phường thảo khấu, theo voi hít bã mía, theo đóm ăn tàn. Một điểm chung của phiên bản 01 và 02 là tuyệt không sử dụng những cá nhân có học thức, có tâm. Trừ các trí thức tự cho mình là trí thức, hoặc mua bằng để nâng tầm trí thức.
Ngoài việc đưa vài hình ảnh cụ thể của người tham gia tố lên báo đài. Ban tổ chức đấu tố còn sử dụng khá nhiều tiến sĩ, giáo sư với các nickname ẩn, viết bài tung lên các báo đài được nuôi từ tiền thuế của dân như ANTĐ, QĐND, ND,VTV, HTV (Hà Nội tele) tố kẻ “tội đồ” xối xả. Các báo như tuổi trẻ, Người Lao Động, Thanh Niên, pháp luật TP HCM,… chưa bao giờ dám cho đăng bài của các “tố sĩ” này vì liêm sỉ!
Đặc điểm cơ bản của hình thức đấu tố phiên bản 02, thay vì dùng các giáo sư tiến sĩ với trình độ cao cấp lý luận được đào tạo ở các học viện chính trị tố kẻ “tội đồ” một cách quân tử. Nhà nước lại dùng “nhân dân” để tố thay cho họ. Việc mượn ná bắn chim, ném đá dấu tay, chung quy là để giữ thể diện, che đậy tính tiểu nhơn, che đậy sự đuối lý của các học giả cao cấp được nuôi báo cô từ tiền mồ hôi xương máu quốc dân!
Sau màn mở đầu vở kịch “nhân dân” bất bình tố là màn hai cảnh hai, bắt giữ không không cần pháp lý. Kết thúc vở kịch là phần “đại nhân dân tố” trong phòng kín. Nơi các tố sĩ hùng biện bằng cáo trạng viết sẳn. Kẻ “tội đồ” chỉ yên lặng thở dài trở về hưởng lạc thú cuộc đời sau song sắt! Nhớ thuở xưa cùng một tội danh bị “nhân dân tố”, thằng vác tù và rúc đầu trên xóm dưới kêu gọi mọi người ra xem và sỉ vả. Ngày nay thì “nhân dân nào được chỉ định” mới được vào tham dự nghe “đại nhân dân” tố.
Chừng nào hình thức đấu và tố phiên bản 02 còn tồn tại là chừng đó một nhà nước pháp trị, quyền con người, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,… mãi còn là khẩu hiệu xa vời!

Không có nhận xét nào: