Pages

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Chính phủ sửa sai ‘liên kết 4 nhà’

AFP photo
Một người nông dân cùng với con trâu chở
lúa về sau thu hoạch

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-11-16
Chính phủ Việt Nam nhìn nhận chưa thể hiện đúng vai trò của mình khi thực hiện liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp và quyết định sửa sai một cách cụ thể.


 

Vai trò của nhà nước

Chủ trương liên kết bốn nhà, Nhà nước nhà nông nhà khoa học và doanh nghiệp manh nha từ đầu những năm 2.000 và được biết đến nhiều hơn từ năm 2005-2006. Theo đó, nông dân sẽ có thu nhập cao hơn, họ được các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để thực hiện sản xuất đồng nhất theo đơn đặt hàng và được Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách. Tuy nhiên một chương trình tiến bộ và hợp lý đã hầu như chỉ mang tính lý thuyết không có tác dụng trên thực tế đối với sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.


Giáo sư TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam từ Long An nêu ra nguyên nhân chủ yếu làm cho chương trình liên kết 4 nhà không thực hiện được:
“Cách làm này nói đã 5-6 năm nay nhưng cái quan trọng là ông Nhà nước không chịu mó tay vào về mặt chính sách, thứ hai những doanh nghiệp có đầu ra không muốn hợp tác với nông dân trực tiếp mà chỉ qua thương lái thôi.”
Trả lời chúng tôi PGS-TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt từ Cần Thơ nhận định:
“Thực ra sự liên kết trước đây có một số vấn đề như đầu tư và chế tài đã không được làm tốt…Đối với các nước khu vực Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar đều gặp phải một số vấn đề là qui mô nông hộ nhỏ và việc hợp tác giải quyết đầu ra cho bà con rất khó. Do vậy trong chính sách tam nông của chính phủ, tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ có đầu tư mạnh dạn, chúng tôi cũng đề xuất và thực hiện theo ‘cánh đồng mẫu lớn’, ở đó tập hợp những người nông dân nhỏ lại, chúng ta sẽ thay đổi hệ thống, dần dần biến thành một hệ thống mới.”
Đầu tháng 11, Bộ NN-PTNT được báo chí trích thuật nhìn nhận là, trong quá trình triển khai chủ trương liên kết bốn nhà, sự liên kết khá lỏng lẻo, tỷ lệ hàng hóa tiêu thụ qua liên kết giữa nông dân với các thành phần kinh tế còn thấp, doanh nghiệp vẫn muốn lợi riêng cho mình, còn nông dân thì chịu thiệt.
Cách làm này nói đã 5-6 năm nay nhưng ông Nhà nước không chịu mó tay vào về mặt chính sách, thứ hai những doanh nghiệp có đầu ra không muốn hợp tác với nông dân trực tiếp mà chỉ qua thương lái thôi.
GSTS Võ Tòng Xuân
Trong đề án do Bộ NN-PTNT soạn thảo chuẩn bị trình Chính phủ, Nhà nước sẽ thực sự đảm trách vai trò của mình bằng những cơ chế hỗ trợ thực tế. Đối với những dự án thiết lập vùng nguyên liệu, ngân sách Nhà nước sẽ được sử dụng để hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở với mức cao nhất tới 30% tổng kinh phí. Ngoài ra chính phủ sẽ giảm 20% mức thuế thu nhập cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu, ngành hàng đặc biệt ưu tiên.
Bộ NN-PTNT cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nghề cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các tổ chức khoa học, nhà khoa học ký hợp đồng với doanh nghiệp hoặc trang trại, tổ sản xuất để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Chính phủ sửa sai

Năm 2010 ở An Giang và 1 hai địa phương khác đã thử nghiệm thành công mô hình gọi là “cánh đồng mẫu lớn” với tổng diện tích khoảng vài ngàn héc-ta. Nếu liên kết bốn nhà được hoàn thiện thì có khả năng tăng nhanh diện tích mô hình mới. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nhận định:

000_Hkg604729-200.jpg
Một đôi vợ chồng nhà nông đang chất lúa thu hoạch lên xe bò để chở về nhà. AFP photo
"Gạo của Việt Nam để xuất khẩu, do đó hội nhập kinh tế thế giới thì không có cách nào khác là phải thực hiện các tiêu chuẩn, thí dụ Viet Gap mà Việt Nam đang làm hay Global Gap. Trước đây sản xuất nhỏ lẻ manh mún dẫn tới tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời không có được bao tiêu thì giá cả bấp bênh.

Nếu có sự liên kết này, thì thứ nhất người nông dân được lợi là các doanh nghiệp ứng vốn khỏi bỏ vốn đầu tư mà doanh nghiệp đầu tư về giống rồi đầu tư về phân bón thuốc trừ sâu và họ đưa khuyến nông viên hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Đến thời gian thu hoạch thì được bao tiêu sản phẩm.”
Theo PGS-TS Phạm Văn Dư một nhà khoa học kiêm nhiệm công tác quản lý, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong sản xuất lúa vật tư đầu vào còn rất lớn đối với nông dân, còn đầu ra thì lại được thể hiện dưới nhiều mức độ khác nhau. Đầu ra đầu vào còn nhiều tầng nấc, tất cả những việc này làm giảm thu nhập của bà con nông dân và làm tăng giá thành sản xuất.
Hướng đi là giảm dần dần những bất lợi và tập họp bà con nông dân lại trên một cánh đồng lớn, để có thể cơ giới hóa tốt, để bà con nông dân có thể được hưởng tất cả những dịch vụ một cách đồng đều, nhanh và trực tiếp từ các công ty cung ứng. PGS-TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh:
“Như thế trong liên kết 4 nhà chúng tôi sẽ dần dần thay đổi lại, đối với doanh nghiệp sẽ có hai thành phần, một là doanh nghiệp vậy tư đầu vào và thứ hai là doanh nghiệp đầu ra. Tất cả những doanh nghiệp này cùng phối hợp với nhau và có đơn vị quản lý của Nhà nước có thể để thúc đẩy những cái “contract farming” (*sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng) ngày càng tốt hơn, thúc đẩy những dịch vụ như thế để bà con có thể được hưởng lợi nhuận cao hơn so với những năm trước.
Nếu có sự liên kết này, người nông dân được lợi là các doanh nghiệp ứng vốn đầu tư về giống rồi đầu tư về phân bón thuốc trừ sâu và họ đưa khuyến nông viên hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Ông Dương Nghĩa Quốc
Đặc biệt nhất là vấn đề năng suất sản lượng, chúng tôi không cần làm với năng suất cao nhất mà thúc đẩy để sao cho khoảng trống năng suất của 4 triệu hộ nông dân (ĐBSCL) gần lại với nhau hơn. Thí dụ trước đây một ông làm 5 tấn một héc-ta, một ông 3,5 tấn và ông khác 2,5 tấn thì bây giờ cùng sản xuất cùng những điều kiện cơ giới hóa như nhau, cùng hưởng những dịch vụ như nhau, thì trên một diện tích nhất định năng suất bình quân sẽ tăng ví dụ là 6 tấn, như vậy sản lượng chung sẽ tăng lên.”
Chính phủ sửa sai vai trò của mình trong ‘liên kết 4 nhà’ tuy chậm nhưng được đánh giá là một việc làm thiết thực. Có thể phải mất một thời gian rất lâu trước khi Việt nam thực hiện được mô hình lý tưởng cho sản xuất lúa gạo của mình. Nhưng nếu không đẩy mạnh cải cách và đầu tư từ bây giờ, thì những người nông dân làm ra 7 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm vẫn cứ mãi nghèo trên những cánh đồng vàng của đồng bằng sông Cửu Long.

Không có nhận xét nào: