Cần Thơ – Chủ sở hữu tu viện bị đấu tố, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Bệnh viện Đống Đa là tu viện bị chiếm dụng trái pháp luật.
Trong bài đầu tiên Bệnh viện Đống Đa không bảo đảm an toàn môi trường, vì sao? (1), chúng tôi đã nêu ra hai câu hỏi chính dựa trên những thông tin đã đọc được từ báo Hà Nội Mới (HNM), ngày 27.10.2011. Ở câu hỏi đầu, chúng tôi đã cho rằng chính quyền Hà Nội chưa hề đầu tư xây dựng bệnh viện Đống Đa, mà chỉ lấn chiếm tu viện DCCT Thái Hà, và biến cơ sở tu hành này thành bệnh viện , nên cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được đòi hỏi an toàn về vệ sinh y tế cho một bệnh viện. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, mà đã diễn ra trong một thời gian rất dài là 40 năm. Đến nay tình trạng ô nhiễm đã đến mức nguy hiểm cho cộng đồng dân cư, nên việc làm một trạm xử lý nước thải y tế chỉ là giải pháp tình thế không thể chấp nhận được. Mà giải pháp toàn diện ở thời điểm này là phải đưa bệnh viện Đống Đa ra khỏi khu dân cư của bốn phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt và Nam Đồng thuộc quận Đống Đa. Việc lên tiếng yêu cầu nhà nước phải di dời bệnh viện đi nơi khác là trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử từ tổ trưởng dân phố đến hội đồng nhân dân các cấp phường, quận liên quan.
Hôm nay, chúng tôi tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi chính thứ hai đã nêu ra: Tại sao lại có chuyện trái khuáy là các linh mục Thái Hà ngăn cản dự án trạm xử lý nước thải?
Trở về chuyện nguồn gốc sở hữu tài sản nhà tu viện
Theo cha Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ giáo xứ Thái Hà (GXTH), kiêm phó bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội (DCCT HN) thì tu viện DCCT HN được thành lập đầu thế kỷ 20 trên diện tích hơn 60 ngàn mét vuông, tại ấp Thái Hà, gần quốc lộ 6, Hà Nội. Chính xác từ ngày 26.09.1928 với đầy tủ bằng khoán đất và thủ tục xây dựng tu viện. Cha Phượng khẳng định: “Khu đất và nhà thuộc tu viện và nhà thờ Thái Hà chưa bao giờ – về pháp lý – được chuyển nhượng hoặc bị thu hồi, xử lý theo bất kỳ chính sách, quyết định hợp pháp của bất kỳ nhà nước, tổ chức, cá nhân nào khác”.
Như vậy sở hữu chủ trên tài sản nhà tu viện và thủ đắc quyền sử dụng đất theo luật đất đai hiện hành của Việt Nam thuộc về DCCT HN – GXTH.
Vào năm 2008, khi vấn đề đặt ra tương tự cho một khu đất khác (hiện nay đã làm thành công viên 1 tháng 6) cũng trên thửa đất hơn 60 ngàn mét vuông này, chính quyền có tung ra một văn bản gọi là văn bản do cha già Bích đã tự nguyện ký và hiến tặng cho nhà nước, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, văn bản đó không được ai trong chính quyền nhắc lại, vì chữ ký trong văn bản không đúng là chữ ký của cha Bích (so với sổ rửa tội ở cùng thời điểm) và nhất là chữ in trên văn bản là bộ chữ do ông Steve Jobs viết tay, rồi công ty Microsoft chỉ vừa số hoá trong vòng chưa tới 30 năm trở lại đây. Tức đó là một văn bản giả mạo. Cũng ở thời điểm đó, một luật sư cho biết, nếu giả sử việc hiến tặng đó có xảy ra thì đất và nhà đó chỉ thuộc hoàn toàn về nhà nước khi nhà nước chính thức có văn bản tiếp nhận hiến tặng và có văn bản huỷ bỏ giá trị các hồ sơ hiện đang chứng thực quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của DCCT HN – GXTH.
Lần này cũng thế. Do đó, buộc phải hiểu tu viện đó thuộc về sở hữu của DCCT HN – GXTH, và ngay quyền sử dụng đất theo luật hiện hành thì DCCT HN – GXTH vẫn thủ đắc quyền đó. Việc 40 năm qua, DCCT HN – GXTH im lặng để tu viện trở thành bệnh viện Đống Đa là vì vấn đề nhân đạo và nhân sự. Thời chiến tranh thiếu cơ sở để giáo dục và lo chăm sóc sức khoẻ cho thương binh và dân cư thì có thể tạm thời mượn sử dụng. Việc mượn sử dụng này, chúng tôi có bằng chứng. Thời cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên làm bề trên chánh xứ DCCT HN – GXTH, bệnh viên muốn triển khai khoa chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm HIV/AIDS thì đại diện của bệnh viện đã qua nhà thờ gặp cha Hiên chính thức xin phép cho tạm xây và cơi nới cơ sở để làm việc ấy. Lúc đó cha Hiên đã đồng ý cho sử dụng tạm như là một giải pháp tình thế.
Khi chủ sở hữu tu viện bị đấu tố
Báo HNM, số ngày 27.10.2011, chúng tôi đã trích dẫn hôm qua, đã đăng: “Chiều ngày 7-10-2011, một số linh mục nhà thờ Thái Hà đã cho tập trung hàng trăm giáo dân, kéo đến UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) để cản trở việc triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải. Không dừng lại ở đó, ngày 23-10-2011, nhà thờ Thái Hà tiếp tục ngang nhiên cho lắp đặt trên nóc tầng 7 tòa nhà tu viện bảng điện tử Led (dài khoảng 6 mét x cao 0,7 mét), hướng về phía bệnh viện đa khoa Đống Đa. Nội dung những dòng chữ chạy trên tấm bảng điện tử này nhằm kích động giáo dân tụ tập, đòi lại khu đất thuộc Bệnh viện đa khoa Đống Đa và hồ Ba Giang”.
Tình huống này không khác gì một gia đình kia có một ngôi nhà to, bọn cướp đến dí dao vào cổ bắt họ phải ra khỏi nhà. Nhưng ngoài căn nhà đó, họ cũng chẳng còn chỗ để đi, nên tên cướp tha cho họ cái chuồng heo để mà sống tạm. Sau này họ sinh con, con sinh cháu, gia đình nên đông đúc, cái chuồng heo không đủ cho mọi người ra vào, nên họ bèn lên nhà trên yêu cầu tên cướp trả lại nhà, vì nhu cầu chỗ ở thực sự của con cháu. Nhưng tên cướp bảo như vậy là nổi loạn, như vậy là vi phạm pháp luật !
Ngay khi bị ép như thế, cha Nguyễn Văn Phượng cũng đã kiên nhẫn viết thơ phúc đáp cho Thanh tra sở Văn hoá, thể thao, du lịch Hà Nội với đầy đủ những căn cứ pháp luật để kết luận rằng những việc làm của giáo sĩ và giáo dân GXTHkhông có gì vi phạm pháp luật như họ đã lên án.
Chỉ riêng báo HNM trong 3 ngày đã “phản” Thái Hà ba bài, còn Đài phát thanh truyền hình Hà Nội cũng đã lên sóng ra rả như thời 2008 họ đánh Thái Hà – Toà khâm sứ và Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng giám mục Hà Nội.
K. Thuyên
Còn tiếp: Tuyên truyền, truyền thông và sự thật (3)
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét