Pages

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Hai học viên Pháp Luân Công sẽ ra tòa ngày 10/11

Citizen photo
Các học viên Pháp Luân Công thiền trước
lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội vào
ngày 06/10/2011.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011-11-03
Hai học viên Pháp Luân Công là Lê Văn Thành và Vũ Đức Trung sẽ ra tòa vào ngày 10 tháng 11 sắp tới, với tội danh đưa thông tin trái phép lên mạng bưu chính viễn thông.

Không thể hoãn phiên xử

Tòa án nhân dân Hà Nội vừa gửi thông báo đến luật sư bào chữa cho hại bị cáo Lê Văn Thành và Vũ Đức Trung về ngày giờ của phiên xử sắp tới. Từ Hà Nội, luật sư bào chữa Trần Đình Triển xác nhận:
“Tôi nhận được thông báo của tòa án nhân dân Hà Nội gửi đến văn phòng lụât sư vì dân về thông báo mở phiên tòa xét xử vụ anh Vũ Đức Trung vào 8 giờ 30, ngày 10 tháng 11 năm 2011.”

Đây là lần thứ ba Hà Nội tìm cách mở phiên tòa xét xử hai anh Lê Văn Thành và Vũ Đức Trung. Lần đầu tiên dự kiến vào ngày 8 tháng 4 năm 2011, và lần thứ hai là vào ngày 6 tháng 10 cùng năm. Luật sư Trần Đình Triển cho biết chính quyền đã không đưa ra bất cứ lý do nào cho việc hoãn phiên xử lần đầu, còn lần thứ hai là do một đại diện của cục vô tuyến điện của bộ thông tin truyền thông được mời dự phiên tòa đã vắng mặt. Có những lo ngại là phiên xử lần này cũng sẽ bị đột ngột hoãn như hai lần trước. Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, không có lý do gì để có thể hoãn phiên xử lần này. LS Triển nói tiếp:
Tôi nhận được thông báo của TAND Hà Nội gửi đến văn phòng lụât sư vì dân về thông báo mở phiên tòa xét xử vụ anh Vũ Đức Trung vào 8 giờ 30, ngày 10/11/2011.
LS Trần Đình Triển
“Tôi tin rằng chắc phiên tòa lần tới đây cũng không còn lý do gì để hoãn nữa trừ trường hợp người ta cho rằng đại diện viện kiểm sát bị ốm hoặc thẩm phán hoặc bồi thẩm nhân dân bị ốm, khi đó phiên tòa mới được hoãn, thứ hai là hai bị cáo bị giam giữ mà họ có hồ sơ chứng minh họ ốm nặng không dự phiên tòa được thì lúc đó mới hoãn thôi, nên mọi trường hợp khác thì không có lý do gì để hoãn cả.”
Theo luật sư Trần Đình Triển thì tình hình sức khỏe của hai bị cáo hiện vẫn bình thường.
Anh Vũ Đức Trung, 30 tuổi, và anh rể là Lê Văn Thành, 35 tuổi, bị bắt vào ngày 11 tháng 6 năm 2010. Cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luật hai người này đã vi phạm khoản 1 điều a của điều 226, bộ luật hình sự về đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật. Cáo trạng cũng cho biết từ năm 2009 đến tháng 6 năm 2010, hai người này đã truyền phát sóng các chương trình của đài phát thanh hy vọng vào Trung Quốc. Tin tức của đài phát thanh này thường liên quan đến tình trạng đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Theo quy định của điều luật này thì những người vi phạm tùy theo mức độ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết trong lần bào chữa sắp tới, ông sẽ viện dẫn pháp lệnh về bưu chính viễn thông để bào chữa cho hai bị cáo:
“Căn cứ vào quy định đặc biệt nhất ở đây là pháp lệnh về bưu chính viễn thông quy định rõ với hệ thống máy móc đó và với tần số phát sóng đó thì chỉ đến mức xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện còn nội dung đưa lên trên hệ thống thông tin đó chủ yếu liên quan đến Pháp Luân Công mà Pháp Luân Công là môn tập thể dục thể thao, ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật nào cấm Pháp Luân Công.”

plc-305-rfa.jpg
Các học viên Pháp Luân Công thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 06/10/2011. Citizen photo.
Luật sư Trần Đình Triển cũng cho biết tội danh mà viện kiểm soát buộc cho hai người thuộc bộ luật hình sự, không thuộc nhóm tội an ninh quốc gia. Tuy nhiên cơ quan an ninh bộ công an lại tham gia điều tra. Đây là điều vi phạm về thẩm quyền điều tra.”

Cơ quan an ninh bộ công an thường chỉ tham gia điều tra các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Việt Nam thường áp dụng điều 88 bộ luật hình sự cho nhóm tội an ninh quốc gia. Hình phạt cho tội này theo điều 88 là phạt tù từ 3 đến 12 năm. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể lên đến 20 năm. Những nhân vật bất đồng chính kiến trong nước thường bị cáo buộc vi phạm điều 88 bộ luật hình sự, tức tội tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên luật sư Trần Đình Triển cho rằng việc áp dụng điều 88 là không thể trong vụ án này vì tòa chỉ xử trên cáo trạng của viện kiểm sát, và không thể áp dụng sang điều luật khác nếu như tính chất nghiêm trọng hơn có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.

Liên quan Trung Quốc?

Tôi thấy anh Trung là người tốt, nhiệt tình và có tinh thần giúp đỡ người khác. Anh làm việc này xuất phát điểm là tốt.
Trần Ngọc Trí
Việc bắt giam và xét xử hai học viên Pháp Luân Công này của Việt Nam cũng được cho là có liên quan đến một công hàm mà Trung Quốc gửi cho chính quyền Việt Nam yêu cầu bắt giữ hai người này và buộc tội họ đã vi phạm pháp luật. Trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên Đỗ Hiếu của đài chúng tôi vào tháng 4 vừa qua, luật sư Trần Đình Triển cho biết bộ công an đã gửi công văn cho bộ ngoại giao nói rằng việc tuyên truyền của Pháp Luân Công làm ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Luật sư Trần Đình Triển nói tiếp:
“Nếu Trung Quốc cấm thì đó là chuyện của Trung Quốc, còn Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền có độc lập thì phải xử trên cở sở luật pháp Việt Nam, Việt Nam không thể đi làm thay và làm nô lệ cho một đất nước nào cả.”


Nhiều học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam đã tỏ thái độ phản đối việc bắt giữ và xét xử hai anh Lê Văn Thành và Vũ Đức Trung. vào ngày 6 tháng 10 vừa qua, một nhóm khoảng 30 người theo Pháp Luân Công đã tọa thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố hồ chí minh để phản đối việc chính phủ Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho hai người tập Pháp Luân Công. Nhóm người này sau đó đã bị công an giải tán.
Anh Trần Ngọc Trí, một người theo Pháp Luân Công từ năm 2000 ở Hà Nội cho rằng hai anh Lê Văn Thành và Vũ Đức Trung không có tội:
“Tôi thấy đứng về mặt Pháp Luân Công mà xét thì hai anh này làm vậy thì có lợi cho Pháp Luân Công, vì Trung Quốc có đàn áp thì người trong Trung Quốc không lên tiếng được thì họat động của anh Trung và anh Thành là ủng hộ Pháp Luân Công và chống đàn áp là tốt. Về cá nhân thì tôi thấy anh Trung là người tốt, nhiệt tình và có tinh thần giúp đỡ người khác. Anh làm việc này xuất phát điểm là tốt. Tôi biết là báo chí Việt Nam cứ tuyên truyền chụp mũ thôi chứ làm cái này có lợi gì đâu, vì họ làm vì thiện tâm và công lý thôi.”
Liên tục trong thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã ra tay bắt giữ và đàn áp những người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không có văn bản chính thức cấm Pháp Luân Công tại Việt Nam nhưng đã có một văn bản lưu hành nội bộ trong bộ công an vào năm 2009 ghi rõ họat động tuyên truyền phát triển Pháp Luân Công ở Việt Nam gắn liền với các họat động tuyên truyền chống đảng cộng sản, chính phủ Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đối ngoại hai nước.
Bộ công an chỉ đạo ngăn chặn Pháp Luân Công trong nước. Theo thông tin của trung tâm thông tin Pháp Luân Công quốc tế, hiện ở Việt Nam có khoảng trên 1.000 người tập Pháp Luân Công.

Không có nhận xét nào: