Pages

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Hiệp định bất tương xâm TAC : Công cụ phát huy ảnh hưởng quốc tế của ASEAN

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bali 15/11/2011 (REUTERS)
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bali 15/11/2011 (REUTERS)
Anh Vũ / Trọng Nghĩa
 
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Bali, vào hôm nay 16/11/3011, đã diễn ra một sự kiện đáng chú ý : Brazil chính thức ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác TAC của ASEAN. Đây là một sự kiện nêu bật vai trò tích cực của văn kiện thường được gọi là hiệp định bất tương xâm trong việc giúp khối ASEAN phát huy ảnh hưởng quốc tế của mình.

Đặc phái viên Trọng Nghĩa, Bali
16/11/2011
Từ Bali, đặc phái viên Trọng Nghĩa phân tích thêm về ý nghĩa của công cụ ngoại giao đặc thù của khối ASEAN, đã được hầu hết các cường quốc trên thế giới ký kết, với cường quốc Nam Mỹ Brazil là trường hợp mới nhất.

TAC : Từ đối nội đến đối ngoại
Hiệp ước gọi là bất tương xâm của ASEAN mang tên chính thức là TAC (tên tắt tiếng Anh của Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia) là một hiệp ước hòa bình ký kết tại Bali vào tháng 02/1976, giữa 5 nước Đông Nam Á sang lập viên của ASEAN : Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trong số 5 lãnh đạo ký vào văn kiện có khi được gọi là Hiệp định Bali này, có các nhân vật như Tổng thống Indonesia Suharto, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hay Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Thoạt đầu, Hiệp ước này chỉ dành riêng cho nội bộ khối ASEAN, mà thành viên nào cúng phải ký kết. Thế nhưng, các lãnh đạo Đông Nam Á đã thấy rằng đấy có thể là công cụ phát huy hòa bình cho khu vực, cho nên từ đó đến nay, văn kiện này đã được bổ sung bằng 3 nghị định thư cho phép các nước ngoài khối ASEAN tham gia Hiệp ước. Riêng Nghị định thư thứ ba còn cho phép các khối gồm các quốc gia có chủ quyền được tham gia Hiệp ước TAC : đây là diều khoản có thể được áp dụng cho Liên Hiệp Châu Âu đã ký kết văn kiện này với ASEAN.
Nói chung, các lãnh đạo Đông Nam Á đã nhận thức được là họ nằm trong một khu vực năng động về kinh tế và phát triển, có sức thu hút đối với các quốc gia ngoài khối, do đó đã khéo sử dụng phương tiện TAC để tăng cường vai trò địa lý chính trị của ASEAN trên trường quốc tế.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, vào hôm nay đã tóm tắt ý tưởng này khi cho rằng việc Brazil ký gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác TAC với ASEAN, “là một phát triển tốt, chứng tỏ rằng TAC đang trở thành phổ quát”.
Brazil là quốc gia Châu Mỹ Latinh đầu tiên ký TAC với ASEAN. Vai trò của Brazil rất quan trọng vì nước này là trụ cột của khối MERCOSUR vùng Nam Mỹ.
TAC : Tiền đề không thể thiếu để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS
Tầm quan trọng của Hiệp ước TAC thể hiện rõ nhất ở điểm đây là điều kiện cần thiết để gia nhập khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS.
Chính vì ngần ngại, không muốn ký kết văn kiện này mà Hoa Kỳ thời Tổng thống Bush, đã phải chịu đứng ngoài trong nhiều năm, trước khi được mời tham gia khối Đông Á vào năm ngoái tại Hà Nội.
Cũng vì nhanh chóng dẹp bỏ các ngần ngại, mà New Zealand và nhất là Úc đã ký ngay hiệp định TAC với ASEAN để rồi sau đó trở thành thành viên sáng lập của EAS, có mặt ngay từ hội nghị đầu tiên năm 2005. Sở dĩ Úc chần chừ trước đó, đó là vì Canberra sợ rằng việc ký kết hiệp định bất tương xâm với ASEAN có thể là ràng buộc hành động của họ trong khuôn khổ lien minh quân sự ANZUS ký với Mỹ và New Zealand.
Tính đến nay đã có gần 30 nước ký kết TAC, Trung Quốc, Ấn Độ là nước đầu tiên ngoài Đông Nam Á, tham gia hiệp ước, rồi đến Nga, Nhật, Hàn Quốc… Danh sách càng lúc càng dài, với Brazil hôm nay, và dự kiến là qua năm tới đây, Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ chinh thức hoàn tất việc gia nhập, sau khi các nước phê chuẩn xong Nghị định thư thứ ba.
Danh sách này trong tương lai chắc chắn sẽ dài thêm. Vì ngoài Liên Hiệp Châu Âu ký kết hiệp ước TAC với tư cách là một định chế liên quốc gia, các thành viên riêng rẽ của UE cũng có thể ký kết hiệp định này với tư cách cá nhân.
Pháp đã trở thành nước Tây Âu đầu tiên ký hiệp định này với ASEAN vào năm 2006, và hồi đầu năm nay đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn Nghị định thư thứ ba của TAC. Pháp sẽ không phải là nước Tây Âu duy nhất. Mới đây, nhân cuộc Đối thoại Chiến lược Anh Quốc – Việt Nam đầu tiên (26/10/2011), Quốc vụ khanh Anh đặc trách đối Ngoại Jeremy Browne đã cho biết ý định của Luân Đôn là sẽ ký kết TAC với ASEAN .
Ký kết hiệp ước TAC không đồng nghĩa với gia nhập nhóm Thượng Đỉnh Đông Á
Đúng là việc ký kết hiệp định bất tương xâm với ASEAN là điều kiện cần thiết để tham gia vào khối Đông Á, vốn bao gồm hầu hết các cường quốc nặng ký, từ Nga, Mỹ, cho đến Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ hay Úc. Rất có thể là các cướng quốc khu vực khác cũng muốn gia nhập nhóm này để tăng cường trọng lượng địa lý chính trị của mình.
Thế nhưng, Hiệp định TAC chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, vì để tham gia khối Đông Á, một nước cần phải đáp ứng thêm hai điều kiện khác nữa : Là đối tác đối thoại của ASEAN, và có quan hệ kinh tế, thương mại đáng kể với khối Đông Nam Á.
Theo ý tôi, thì các nước như Đông Timor, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên còn lâu mới được mời vào nhóm Thượng đỉnh Đông Á. Nhiều triển vọng có thể là Brazil, hay thậm chí Liên hiệp Châu Âu nếu EAS quyết định mở rộng.
Có điều là đã có nhiều tiếng nói vang lên, cho rằng ASEAN không nên mở rộng nhóm EAS quá lớn vì như vậy có nguy cơ bị mất vai trò trung tâm.

Không có nhận xét nào: