Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Hoa Kỳ trở lại Thái Bình Dương và sự ổn định trong vùng Châu Á

Hội luận - đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi



Ngày 19.11.2011

Lời dẫn: Kính thưa quý thính giả, ngày 17 tháng 11 tại thủ đô Canberra, Úc, tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trở lại Thái bình dương với quyết định cụ thể đầu tiên là chuyển 2500 quân nhân Hoa Kỳ đến trú đóng tại Darwin, thành phố cực bắc nước Úc. Để tìm hiểu đâu là nguyên do của chiến lược quan trọng này của Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó như thế nào đối với sự an ninh và ổn định trong vùng Châu Á-Thái bình dương trong đó có Việt Nam, mời quý vị theo dõi cuộc hội luận của chúng tôi. Diễn giả tham dự hôm nay là nhà bình luận chính trị Trần Bình Nam cư ngụ tại Hoa Kỳ và luật sư Đào Tăng Dực, luật sư tòa thượng thẩm Úc và cũng là ủy viên nghiên cứu chính trị Hội đồng điều hợp trung ương của Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc.
Tây Sơn (TS): Xin kính chào ông Trần Bình Nam và chào luật sư Đào Tăng Dực. Trước hết xin ông Trần Bình Nam cho biết nguyên nhân nào đã khiến Hoa Kỳ có sự thay đổi chiến lược quan trọng như vậy?

Ô. Trần Bình Nam (TBN): Xin cám ơn và xin chào ký giả Tây Sơn của đài Đáp Lời Sông Núi. Đúng như nhận xét của đài ĐLSN, tuyên bố vừa rồi của tổng thống Obama trước quốc hội Úc tại Canberra hôm 17/11 là một là một công bố rất quan trọng. Nó cho chúng ta thấy sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái bình dương. Vào thập niên 1970 khi Hoa Kỳ rút ra khỏi tây Thái bình dương thì Hoa Kỳ nghĩ rằng sự hiện diện của hạm đội 7 trên Thái bình dương là đủ để duy trì thế lực và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng. Nhưng chuyện này chỉ đúng lúc đó vì lúc đó Trung Quốc còn là một lực lượng kinh tế và quân sự không đáng kể. Hơn nữa Trung Quốc khi đó cũng có thể coi là một đồng minh lỏng lẽo của Hoa Kỳ trong chiến lược cùng chận đứng sự bành trướng của Liên bang Sô Viết xuống vùng Nam Thái bình dương. Nhưng trong thập niên qua khi Hoa Kỳ đang bận tay tại Trung Đông thì Trung Quốc vươn lên về cả hai mặt quân sự và kinh tế, và Trung Quốc có một giấc mộng là tranh chấp thế lực với Hoa Kỳ để trở thành một siêu cường số một trên thế giới. Để thực hiện sách lược này thì Trung Quốc bắt đầu áp đặt thế lực của mình tại biển Đông.


Trước tình hình như vậy thì Hoa Kỳ không thể ngồi yên được và hành động vừa rồi của tổng thống Obama là hành động Hoa Kỳ liên minh với Úc Châu và Indonesia để cảnh giác Trung Quốc về ý đồ bành trướng và chiếm biển Đông để uy hiếp toàn vùng Đông Nam Á của họ.

TS: Đó là về phía Hoa Kỳ. Xin luật sư Đào Tăng Dực cho biết Úc được lợi gì khi chấp nhận cho quân đội Hoa Kỳ trú đóng trên đất nước mình ạ?

Ls Đào Tăng Dực (ĐTD): Xin cảm ơn anh Tây Sơn và bình luận gia Trần Bình Nam.

Trước hết Úc là một quốc gia rất phồn vinh về kinh tế và phát triển. Nhưng Úc lại đất rộng và dân rất thưa, Úc cũng có một nền dân chủ rất chuyên chính. Bởi vậy cho nên cần sự liên kết với một cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ để được bảo vệ. Lúc xưa thì Úc rất sợ Nhật Bản nhưng bây giờ quan ngại của Úc Châu là các nước Nam Dương và Trung Quốc. Đó là cái lợi thứ nhất.

Về cái lợi thứ nhì thì lãnh thổ miền Bắc của Úc, gọi là Northern Territory nơi mà 2500 thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ dự tính sẽ đồn trú, đó là một vùng lãnh thổ có một quy chế pháp lý thấp hơn tiểu bang thuần túy trong liên bang Úc, nhưng diện tích của nó lại rộng hơn 1,400,400 km vuông mà dân số chỉ có 230,000 dân mà thôi và nó gần Indonesia và Singapore hơn là gần Canberra hay Sydney. Bởi vậy cho nên sự đồn trú của một lực lượng quân sự như vậy nó không những có giá trị bảo vệ rồi mà nó còn giá trị quan trọng nữa là kích thích mạnh nền kinh tế của vùng đất này.

Cho nên chính phủ Úc, mặc dầu có thể bị các lực lượng khuynh tả tại Úc chỉ trích, hoặc bị Trung Quốc chị trích, phiền lòng nhưng lợi thế và những ưu điểm của nó vượt trội những khuyết điểm.

TS: Xin ông Trần Bình Nam cho biết ngoài việc chuyển 2,500 quân đến Úc, Hoa Kỳ còn những dự tính gì nữa trong kế hoạch trở lại vùng Á Châu – Thái bình dương?

TBN: Về điểm này thì có hai điều cần nói cho rõ. Điều thứ nhất là sau lời tuyên bố của tổng thống Obama thì có dư luận trên thế giới nói rằng đây chỉ là sự kéo dài hiệp ước AUNZUS, tức là Australia – New Zealand –United States. Hiệp ước này thì giữa ba nước Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ ký kết vào năm 1951 là một hiệp ước để bảo vệ chung miền nam Thái bình dương. Năm 1984 New Zealand không đồng ý để cho các chiến hạm nguyên tử của Hoa Kỳ đến cảng của họ cho nên sau đó thì coi như New Zealand rút lui, chỉ còn lại Hoa Kỳ và Úc làm việc với nhau. Và hiệp ước này cũng ít khi được nói tới.

Lần này thì Hoa Kỳ cam kết với Úc và kéo cả Indonesia vào trong hiệp ước mới này nữa. Thành ra cái này chúng ta phải phân biệt, phân biệt giữa hiệp ước này với hiệp ước AUNZUS.

Thứ hai là số quân 2,500 quân mà tổng thống Obama nói tới sẽ bố trí trong vòng nhiều năm, mỗi năm sẽ đưa đến một đại đội từ 200 đến 250 quân nhân. Nghĩa là việc 2,500 quân nhân là bố trí một cách từ từ và bố trí từ từ như vậy là để cho có tính là không đe dọa ai. Nghĩa là không có ý nói là đe dọa Trung Quốc. Hoa Kỳ và Úc hợp tác với nhau chính yếu là hợp tác về phương diện không quân tại Darwin là một căn cứ không quân rất lớn của quân đội Úc. Và ngoài Darwin thì Hoa Kỳ được quyền dùng các căn cứ khác tại miền Bắc nước Úc.

Và Tây Sơn có hỏi là Hoa Kỳ có dự tính gì nữa trước mắt. Tôi nghĩ dự tính trước mắt của Hoa Kỳ là bảo vệ sự lưu thông trên biển mà năm trước ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố đó là quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ. Bây giờ bản đồ của vùng biển Đông mà đứng nhìn từ Darwin thì chúng ta thấy trước mắt có 3 cứ điểm quan trọng liên quan đến sự lưu thông trong vùng Tây Thái bình dương. Trước hết là eo biển Alaska, thứ hai là eo biển Sunda từ Ấn Độ dương vào Tây Thái bình dương và thứ ba là quần đảo Trường Sa nằm chận trên đường lưu thông đường biển từ dưới Malacca đi lên. Cả 3 cứ điểm này đều nằm trong khoảng cách kềm chế được từ căn cứ Darwin. Từ Darwin đến Malacca là 3,500 cây số, từ Darwin đến Sunda 2,600 cây số và Darwin đến Trường Sa là 4,500 cây số.

Cho nên chúng ta có thể thấy sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với Úc lần này là cung cấp cho Hoa Kỳ phương tiện thực hiện chính sách bảo đảm an ninh lưu thông bằng đường biển trên biển Đông.

Cũng từ Darwin chúng ta nhìn ra các căn cứ của Mỹ ở phía Bắc của biển Đông thì chúng ta thấy hiện Hoa Kỳ có 28,500 quân đồn trú tại Nam Hàn, 40,000 quân đồn trú tại Nhật và 10,000 quân trên các chiến hạm ngoài Thái bình dương. Nhưng phía Nam thì hoàn toàn còn trống. Và những gì mà Hoa Kỳ với Úc vừa thỏa thuận với nhau là để bịt kính điểm hở về phía Nam.

TS: Chúng ta được biết Trung Quốc là một đối tác thương mại rất quan trọng của Úc, đặc biệt là về quặng mỏ và khoán sản. Xin luật sư Đào Tăng Dực cho biết về quan hệ về mặt kinh tế của Úc và Trung Quốc như thế nào ạ?

ĐTD: Liên hệ về kinh tế giữa Úc và Trung Hoa nó rất quan trọng trong quá khứ và càng ngày càng quan trọng hơn. Nói về phương diện xuất cảng một cách tổng quát thì thật sự Nhật Bổn mới là nước đối tác quan trọng nhất và sau đó mới đến Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Độ rồi Hoa Kỳ. Nhưng đặc biệt hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường phát triển rất mạnh. Riêng từ năm 2011 thì Trung Quốc trở nên thị trường lớn nhất của Úc về các dịch vụ "services export". Từ 2010 trước đó một năm thì Trung Quốc đã trở nên thị trường lớn nhất của Úc về vấn đề xuất cảng các quặng thác, tức là 70%. Rồi từ năm 2009, trước đó một năm nữa thì Trung Quốc đã trở thành thứ nhì sau Nhật Bổn về vấn đề than đá. Thành ra có thể càng ngày thì Trung Quốc, dĩ nhiên chúng ta không nên quên Ấn Độ là một nước rất gần Úc châu, là hai thị trường rất quan trọng trong nền kinh tế của Úc.

TS: Nếu như vậy thì theo luật sư, Canberra không ngại cộng tác quân sự chặc chẽ với Hoa Thịnh Đốn sẽ làm Bắc Kinh nổi giận gây hậu quả xấu về mặt kinh tế cho Úc hay sao?

ĐTD: Chính phủ cũng như các chiến lược gia của Úc họ đã nghiên cứu kỹ vấn đề. Hầu như là họ không lấy làm quan ngại mấy về liên minh mới với Hoa Kỳ, lý do là tại vì tuy Úc châu cần Trung Quốc nhưng Trung Quốc cần Úc Châu hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của họ về vấn đề lâu dài. Thành ra các chiến lược gia của Úc nghĩ rằng không vì sách lược mới này mà Trung Quốc sẽ làm mất đi mối quan hệ thương mại quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

TS: Xin ông Trần Bình Nam cho biết cho đến nay thì phản ứng của Trung Cộng ra sao trước chính sách mới này của Hoa Kỳ?

TBN: Theo tin tức trên thế giới thì chúng ta thấy có điểm đặc biệt là ngay trong ngày 17/11 sau khi tổng thống Obama công bố chính sách mới thì Trung Quốc phản ứng ngay, nhưng phản ứng một cách phải nói là tương đối lịch sự và nhẹ nhàng. Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Trung Quốc thì lên tiếng bằng cách đặt một câu hỏi như thế này 'trong tình hình kinh tế khó khăn hiện giờ trên thế giới thì Hoa Kỳ đưa ra những chính sách quân sự mạnh mẽ như vậy thì không biết là có lợi ích gì không?' Phản ứng này có thể xem như là nhẹ như tôi vừa nói ở trên.

Trước những lời tuyên bố khá mạnh mẽ đối với Trung Quốc của tổng thống Obama như khi yêu cầu Trung Quốc phải vào khuôn pháp quốc tế nếu không thì sẽ có chuyện. Nhưng Trung Quốc, mặc dầu lời tuyên bố đầu tiên có vẽ nhẹ nhàng nhưng nếu chúng ta để ý là Trung Quốc kéo chuyện kinh tế khó khăn của Hoa Kỳ vào thì Trung Quốc có hàm ý cho Hoa Kỳ biết rằng là Hoa Kỳ còn nợ nần Trung Quốc nhiều và Trung Quốc có nhiều cách để tạo khó khăn cho Hoa Kỳ. Vì vậy chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như trong tương lại Trung Quốc sử dụng ngón đòn đó.

TS: Đó là về phía Bắc Kinh. Thế còn các nước khác trong vùng thì phản ứng ra sao, thưa ông?

TBN: Ngoài Trung Quốc thì trong vùng liên hệ đến chính sách mới của tổng thống Obama thì có các nước ĐNÁ và nhất là Việt Nam. Nói chung chúng ta thấy có lẽ vì tế nhị và cũng có thể là vì các nước ĐNÁ cũng ngán đòn phép của Trung Quốc cho nên họ giữ thái độ tương đối là im lặng. Nhưng chúng ta phải ghi nhận rằng mặc dù thái độ bề ngoài im lặng nhưng trong lòng không phải là không có phấn khởi trước động thái mới của Hoa Kỳ.

Có một điều đặc biệt là chúng ta nhớ khoảng 10 ngày trước đây thì có một đoạn phim ngắn cho thấy tàu cảnh sát biển của Việt Nam rượt tàu hải giám của Trung Quốc ở ngoài khơi. Có nhiều nghi vấn đưa ra về nguồn gốc của đọan phim này và mục đích của nó. Nay thì người ta có thể nghĩ rằng sự tiết lộ đoạn phim trên có liên quan đến chính sách mới của Hoa Kỳ. Sự thật thì những ai mà theo sát tin tức ngòai biển của Việt Nam trong năm qua thì đều biết rằng những cuộc rượt đuổi căng thẳng như vậy thường diễn ra khi tàu Trung Quốc bắt nạt và hành hung ngư dân Việt Nam. Nhưng cả hai phía, Trung Quốc cũng như Việt Nam đều ếm nhẹm vì cả hai đều tính toán rằng làm vậy thì có lợi ích cho họ hơn.

TS: Riêng tại úc Châu thì xin luật sư Đào Tăng Dực cho biết dân chúng Úc nhận định về sự việc này như thế nào?

ĐTD: Cho tới bây giờ thì theo thăm dò ý kiến mới nhất của cơ quan nghiên cứu về vấn đề chính trị tại Úc Châu là Lowy Institute thì cuộc thăm dò ý kiến năm 2011 này cho thấy rằng 55% dân Úc ủng hộ các căn cứ Hoa Kỳ ở tại Úc, 82% dân chúng Úc cho rằng liên minh Úc và Hoa Kỳ rất quan trọng cho an ninh của Úc, 73% thì cho rằng xác xuất của Úc tham chiến tại Á Châu cao hơn và như vậy có thể bất lợi cho Úc, và 77% dân chúng Úc không đồng ý là Úc có khả năng tự vệ nếu như không có Hoa Kỳ.

Bởi vậy cho nên nói một cách tổng quát thì thỏa thuận mới về vấn đề đồn trú 2,500 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Darwin là một quyết định mà được dân chúng ủng hộ.

TS: Bây giờ chúng ta nói đặc biệt về Việt Nam thì trước hết xin luật sư Dực cho biết là chính sách mới này của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình Việt Nam?

ĐTD: Thưa anh Tây Sơn, với chính sách mới của Hoa Kỳ này trước hết là nó đem lại sự thăng bằng về quân sự trên biển Đông. Thứ hai là nó giảm đi áp lực của Trung Quốc đối với những quốc gia lân cận, và nó có thể có lợi cho các quốc gia trong vùng kể luôn cả Việt Nam bởi vì nó giới hạn những tham vọng quá lớn của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và lãnh hải. Tuy nhiên người CSVN họ luôn luôn ý thức rằng sở dĩ họ tồn tại được như một chế độ độc tài tại vì có một chế độ độc tài lớn hơn ở tại Trung Quốc. Bởi vậy cho nên nếu như họ muốn giữ được quyền hành thì họ phải lộ ra thái độ rất ve vãn Trung Quốc. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng cách đây hơn một năm thì thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng có ra một chỉ thị rất buồn cười là cho các hạ cấp của ông ta là sử dụng chính sách 'dĩ bất biến ứng vạn biến' để đối phó với những hành động xâm lăng của Trung Quốc. Có nghĩa rằng đối với CSVN thà mất nước còn hơn là mất đảng, bao lâu mà họ còn nắm được chính quyền thì đối thoại là đã tốt rồi. Bởi vậy cho nên chính sách của Hoa Kỳ lần này là trong bụng họ rất mừng nhưng bên ngoài thì họ hoàn toàn hoặc là im lặng hoặc là nói nhại theo Trung Quốc. Như Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng cũng như Nguyễn Phú Trọng TBT đảng đã từng nói rằng họ coi vấn đề đàn phám song phương là quốc sách và không chấp nhận sự đàm phán đa phương cho vấn đề biển Đông. Điều này có nghĩa rằng một cách gián tiếp họ nói rằng họ sẽ không liên kết quân sự với bất cứ một quốc gia nào nhất là với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Cho nên chủ trương của họ, theo tôi, là thà mất nước hơn mất đảng và chủ trương đó nó sẽ không thay đổi nhiều trong một tương lai gần.

TS: Thưa ông Trần Bình Nam, ông nhận định vấn đề này như thế nào ạ?

TBN: Tôi cũng đồng ý với những ý kiến của luật sư Đào Tăng Dực vừa nêu ra. Tuy nhiên tôi nghĩ có lẽ mình cần chờ một thời gian thì mới biết được phản ứng thật sự của chính quyền Hà Nội. Trong bối cảnh tế nhị hiện nay thì thái độ tốt nhất, tôi nghĩ, của chính quyền Việt Nam là nên dè dặt và bình tĩnh để quan sát, không nên quá phấn khởi trứơc chính sách mới của tổng thống Obama.

Việt Nam nên luôn luôn khai thác yếu tố quốc tế và cân nhắc lợi hại và trên hết là có một chương trình để khai thác nội lực của toàn dân. Tôi nghĩ đó là phương cách hữu hiệu nhất lúc này cũng như bất cứ lúc nào khác.

TS: Thay mặt đài Đáp Lời Sông Núi, chúng tôi chân thành cảm tạ bình luận gia Trần Bình Nam và luật sư Đào Tăng Dực đã bỏ thời giờ chia sẻ nhận định của quý vị với thính giả của đài trong buổi hội luận rất lý thú và hữu ích này.

Không có nhận xét nào: