Trà Mi - VOA
Các học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam đang kêu cứu trước chiến dịch đàn áp mới của chính quyền với nhiều vụ bắt bớ, đánh đập tùy tiện của lực lượng công quyền, đặc biệt là trong hai ngày 6 và 9 tháng 10. Sự việc xảy ra sau khi hàng chục người theo Pháp Luân Công tọa thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn phản đối vụ xét xử hai ông Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành vì đã phát thanh chương trình nói về Pháp Luân Công sang Trung Quốc. Bốn người trẻ đang thực tập Pháp Luân Công trong nước tham gia chương trình Tạp chí Thanh Niên hôm nay kể về những sự can nhiễu họ đang gặp phải với mong muốn kêu gọi sự quan tâm của công luận quốc tế giúp cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Trà Mi - VOA
Học viên Pháp Luân Công tọa thiền trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, ngày 16/10/2011
Mời quý vị và các bạn gặp gỡ chị Lan, ở Bình Tân, Sài Gòn, anh Quách Chí Tiệp, quê ở Hòa Bình, Trung ở Vũng Tàu, và Hùng từ quận 4, Sài Gòn.
Lan: Chủ nhật hằng tuần, tụi em vẫn tập công ở công viên Lê Văn Tám. Ngày 9/10, công an tới đông lắm. Họ xịt nước giải tán. Thấy bạn Hùng đang ngồi thiền không đứng dậy được bị họ dùng bạo lực lôi lên xe tải, em lấy điện thoại ra chụp hình. Họ giật lấy điện thoại của em, nắm cổ, vặn tay em rồi đưa lên xe về phường. Họ ghi biên bản phạt hành chính về tội không mang giấy chứng minh nhân dân, và bắt khai là tập với ai, ai đứng đầu tổ chức các buổi tập. Họ chửi bới dữ lắm. Cuối cùng họ đưa em về công an phường Bình Trị Đông, đuổi em xuống xe, bảo qua ghế đá bên đường ngồi. Em hỏi lại rằng em có làm gì sai mà từ sáng tới giờ họ bắt, không cho ăn uống, lấy chìa khóa xe lẫn điện thoại, bây giờ em làm sao đi về? Bức xúc quá, em ngồi tọa thiền ngay đó luôn. Họ nắm tóc em, nhấc em lên, và lôi đi khoảng 10 mét rồi quăng qua bên đường.
Trà Mi: Ngoài lý do ‘không mang giấy chứng minh nhân dân’, họ có giải thích nguyên do nào khác khiến chị bị bắt giữ và bị những hành động mạnh tay như thế?
Lan: Em có hỏi, họ bảo Pháp Luân Công bị cấm ở đây và lần này họ đuổi luôn, không cho tập nữa. Em xin văn bản cấm. Công an phường Đa Kao bảo không có và nói rằng họ làm sai như vậy, có tức thì đi thưa đi.
Trà Mi: Trường hợp của Trung thế nào?
Trung: Ngày 6/10, tôi cùng một số bạn đồng tu ra tọa thiền đối diện lãnh sự quán Trung Quốc. Chừng 1 tiếng, có rất nhiều công an đến khiêng chúng tôi lên xe đưa về nhiều nơi. Tôi bị đưa về công an phường 6, quận 3, Võ Văn Tần. Có mười mấy người cùng bị đưa về đây với tôi. Họ tra hỏi, nhưng tôi không nói gì cả, chỉ ngồi tịnh tọa thiền. Ông công an Võ Hồng Diệp liên tục bắt kiến bỏ vào người tôi. Ông ấy bóp huyệt ngay xương ức của tôi và liên tục bẻ tay tôi. Tôi không chịu cởi bỏ chiếc áo có ghi dòng chữ Pháp Luân Đại Pháp, họ cùng nhau bẻ tay tôi, lột áo tôi ra. Tôi chống cự, một người còn tát vào mặt tôi. Ông Diệp lấy tay và chân tôi đập mạnh xuống bàn đá. Tôi bỏ đói tôi ở đó hơn 13 tiếng đồng hồ. Có một người mang ly nước nhỏ tới, một ông cán bộ quát lên: “Dẹp ngay. Không cho nó ăn uống. Nó tu luyện không cần ăn uống gì.” Đến chiều có ông dân quân vào bảo em đi về đi. Em thấy vậy không đúng vì em không phạm tội gì, họ bắt về đánh đập, tra tấn, rồi thả, mà không có một biên bản nào. Em không đồng ý về. Họ túm em khiêng ra trước cổng. Em chạy vào lại. Lát sau có mấy người công an đi nhậu về. Họ đá vào ba sườn em, lấy chân giẫm mạnh vào hai bàn tay em. Họ lấy dép để lên mặt và nhổ nước bọt vào mặt em. Ông đánh em tên Phước. Mấy người ngăn cản thì ông ấy bảo ‘Yên tâm đi, nó không biết tôi là ai đâu.’ Một người khác tên là Lộc.
Trà Mi: Trong suốt 13 giờ bị giam giữ ở đồn công an và bị đối xử tệ hại như vậy, bạn có thắc mắc bạn vi phạm điều gì mà bị đối xử như vậy không và được trả lời thế nào?
Trung: Em có hỏi. Họ nói do tụi em tụ tập đông, mất trật tự. Em nói ‘Chúng tôi chỉ ngồi tĩnh tọa, không làm gì mất trật tự. Chính mấy anh vi phạm Hiến pháp về quyền tự do tín ngưỡng.’ Họ bảo luật nào và bảo chỉ ra điều nào, khoản nào.
Trà Mi: Anh bị đối xử một cách mất nhân quyền ngay trong đồn công an và không được giải đáp thắc mắc thỏa đáng. Không có người nào thẩm quyền cao hơn can thiệp cho anh?
Trung: Có một ông tự xưng là trưởng công an phường. Em có nói với ông ấy rằng cấp dưới của ông ấy làm không đúng. Ông ta phủ nhận là không nhìn thấy gì cả.
Trà Mi: Bạn có dự định sẽ khiếu nại thế nào không?
Trung: Giờ em không làm đơn tố cáo nữa. Đây không phải lần đầu. Bây giờ em chỉ gửi thỉnh nguyện kêu cứu.
Trà Mi: Bạn cũng không có nhân chứng nào có thể bênh vực cho mình?
Trung: Có hai người đến trụ sở công an cớ mất đồ. Em bị đánh ngay trước mặt hai người đó. Em la lên cho họ nghe rằng công an đánh dân. Công an liền đưa hai người đó qua phòng khác làm việc.
Trà Mi: Bây giờ xin hỏi thăm trường hợp của hai người bạn còn lại.
Hùng: Ngày 9/10 em đang ngồi thiền ở công viên Lê Văn Tám bị hai anh quản lý đô thị khiêng lên xe. Họ thay phiên đá vào lưng và mông em. Về công an phường Đa Kao, có một công an đánh vào yết hầu làm em nói không được, nhưng em vẫn cố gắng nói ‘Chân-Thiện-Nhẫn là tốt.” Thượng tá Tùy tát vào mặt em mấy cái, cấm em ngồi thiền, và kêu bảo vệ canh cấm không cho em ngủ. Sau đó, họ giải em về công an quận 4. Vừa vào cửa, mấy người công an ở đây tát vào mặt em và nói tại sao em lại tụ tập. Họ bắt em phải ghi vào biên bản cam kết không tụ tập ở công viên nữa. Em không ghi, họ tát mấy cái vào mặt em, đánh đầu em.
Trà Mi: Bạn có hỏi vì sao cùng nhau ngồi thiền tập Pháp Luân Công bị cấm không?
Hùng: Hôm 6/10 em đã nói với ho: ‘Pháp Luân Công pháp luật không cấm, tại sao lại bắt em ghi như vậy?’ Một người công an trả lời: ‘Tao là luật, luật là của tao. Tao muốn ban hành thì ban hành.’
Trà Mi: Hùng bị giam giữ bao lâu và kết cục mọi chuyện thế nào? Khi họ thả bạn ra, có biên bản không?
Hùng: Không có biên bản gì hết. Ngày 6/10, em bị bắt từ 8 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Ngày 9/10, em bị bắt từ 8 giờ đến 4 giờ chiều.
Trà Mi: Trong hai lần bạn đều bị họ dùng võ lực, mạnh tay mạnh chân đánh đập?
Hùng: Dạ.
Trà Mi: Bây giờ xin hỏi thăm anh Tiệp. Trường hợp của anh thế nào?
Tiệp: Chúng tôi vẫn thường tập công tại công viên Lê Văn Tám. Khoảng 8 giờ sáng 9/10, công an tới yêu cầu giải tán và đưa tôi về phường. Họ tra hỏi tên tuổi, địa chỉ. Nhưng tôi cảm thấy việc họ làm không đúng nên không nói gì cả. Một công an mặc thường phục đánh vào mặt tôi, đè tôi xuống lăn vân tay hai lần. Họ còn nhục mạ và đánh vào mặt tôi nữa. Đến 15 giờ ngày 10/9 tôi mới được thả về. Lý do họ đưa ra là vì tôi không có giấy tờ tùy thân.
Trà Mi: Các anh chị cho biết các trường hợp này diễn ra trong ngày 6 và 9/10. Trong thời gian tu luyện Pháp Luân Công trước đó, các anh chị có gặp khó khăn nào tương tự như thế không?
Trung, Lan, Hùng, Tiệp: Có.
Trà Mi: Những cuộc sách nhiễu trước đó mức độ thế nào?
Lan: Lúc nào lên đó họ cũng nói là Pháp Luân Công bị cấm ở Việt Nam. Khi mình hỏi văn bản cấm thì họ không trả lời được. Mấy lần tập trước cũng bị họ giải tán, nhưng không lớn bằng lần này. Phải tôn trọng chúng tôi vì chúng tôi tập môn này theo ‘Chân-Thiện-Nhẫn’. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền Việt Nam nới lỏng việc này và giúp điều kiện cho chúng tôi được tập luyện ngoài công viên như những môn tập khác. Tôi là Phó Giám đốc Hành chính Nhân sự của một công ty mà họ bôi nhọ danh dự tôi như vậy. Cho nên, tôi muốn nói lên vấn đề này để chính quyền xem lại cách đối xử với dân, phải tôn trọng dân một chút. Chứ còn họ làm vậy, tôi không biết nói sao. Mình là dân thường, không biết phải tính thế nào.
Trà Mi: Các bạn theo tập bộ môn mà các bạn cho là bổ ích cho bản thân và cũng góp phần tích cực về vấn đề đạo đức con người trong xã hội, nhưng gặp những khó khăn từ phía chính quyền như thế, suy nghĩ của các bạn thế nào? Là một người trẻ tại Việt Nam theo Pháp Luân Công, Trung có suy nghĩ gì?
Trung: Trước đây em đã bị chính quyền ở Vũng Tàu can nhiễu nhiều lắm. Ngày 7/1/2010, em có giới thiệu môn này cho 2 Việt kiều Mỹ tập. Họ có ra biển tập, cũng bị công an phường bắt với lý do là ‘tà giáo’, phạt mỗi người 1 ngàn đô và trục xuất về Mỹ. Em và một bạn khác cũng bị phạt cả chục triệu. Em có làm đĩa hướng dẫn làm bài tập tặng cho người ta miễn phí. Công an tới nhà lục soát, tịch thu, và phạt tiền. Gần đây nhất em cũng bị phạt 1 chục triệu và công an Vũng Tàu đang giữ xe máy và điện thoại của em.
Trà Mi: Theo tập một môn không được chính quyền hoan nghênh, nếu như không nói là bị chính quyền tạo mọi áp lực để ép mình phải từ bỏ, gặp nhiều khó khăn như vậy có khiến các bạn nản lòng không?
Tiệp: Không. Pháp Luân Đại Pháp là một môn khí công tâm linh. Bên Trung Quốc đàn áp như thế mà các đồng tu còn tập được và còn cho nhiều người biết lợi ích của môn này như thế. Cho nên, tụi em bị như thế cũng không là gì cả. Tập môn này em biết được những điều hay, điều tốt, chân lý thì không gì cản trở được lòng tin của tụi em.
Trà Mi: Ý kiến những người bạn khác? Theo tập một bộ môn dẫu là có ích lợi nhưng gặp quá nhiều khó khăn như bị sách nhiễu, bị đánh đập, bị phạt hành chính. Có được lợi gì chăng hay chỉ chuốt vạ vào thân? Nếu có ai đặt câu hỏi đó thì các học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi tại Việt Nam trả lời thế nào?
Trung: Em tập môn này đạt được nhiều lợi ích, cho nên cảm thấy những khó khăn đó không là gì. Trước đây, em từng làm ở vũ trường, hay tụ tập ăn nhậu, đánh bài, đánh lộn. Nhưng từ khi biết được Pháp Luân Công, em hiểu được nhiều chân lý rất hay và biết tu luyện. Khi em tập luyện, con người em đã chuyển biến, bỏ thuốc, bỏ rượu dễ dàng và tâm tính cũng thay đổi tốt lên. Em thấy rất có lợi nên giới thiệu cho nhiều người cùng biết. Dù bị nhiều can nhiễu, nhưng thấy những người mình giới thiệu tập gặt hái được lợi ích, em cảm thấy rất vui, rất xứng đáng.
Trà Mi: Bất chấp những khó khăn, các bạn vẫn khẳng định ý chí theo đuổi Pháp Luân Công. Thông điệp các bạn muốn chia sẻ với giới hữu trách và những người chưa hiểu biết về môn này là gì?
Lan: Môn tập này tốt cho sức khỏe. Tụi em làm cực khổ dùng đồng lương của mình in ấn sách, đĩa cho người ta miễn phí để mọi người tập có lợi cho sức khỏe và không tranh đấu với nhau. Thực hành được ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ thì gia đình rất hạnh phúc, dạy dỗ con cái nên người, tốt cho xã hội. Vì chính quyền Việt Nam chưa hiểu về môn này, chứ trên 100 nước trên thế giới đã tập rồi. Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam mới thế này thôi. Cho nên, em kêu gọi nhân quyền để làm sao ngăn chặn sự bức hại với Pháp Luân Công ở Trung Quốc và sự can nhiễu ở Việt Nam mà hôm nay ở Việt Nam đang leo thang lên thành bức hại rồi chứ không còn can nhiễu như trước nữa. Tụi em tu luyện hòa ái, từ bi. Tập môn này thì mọi người biết thương nhau hơn.
Tiệp: Pháp Luân Công hướng con người về bản tính lương thiện, giá trị tốt đẹp của con người. Tôi không nghĩ đó là cái sai. Có thể mai mốt đây, một ngày nào đó, chính quyền sẽ hiểu ra và không còn lo sợ nữa. Mong rằng chúng tôi không còn bị chính quyền sách nhiễu và cấm đoán nữa.
Trà Mi: Lý do họ đưa ra trong những vụ bắt giữ là vì đây là ‘tà giáo’ chưa được nhà nước công nhận, cho phép. Các bạn có nghĩ đến chuyện đăng ký xin phép hoạt động để được hợp pháp hơn không?
Lan: Vì môn tập Pháp Luân Công không phải là một đạo, chỉ là một môn tu luyện giữa đời thường thôi. Ai muốn bước vào tu luyện thì tu chứ không phải thành lập tổ chức.
Trà Mi: Vừa rồi là những lời kêu cứu và nguyện vọng khẩn thiết của các học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam trước những khó khăn họ đang gặp phải với chính quyền. Xin mời quý thính giả chia sẻ ý kiến về đề tài này trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang. Tạp chí Thanh Niên hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới vào giờ này, tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét