Pages

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Không Biết Vì Sao?

Trần Khải
luatnhavan
Đúng là thế gian có rất nhiều điều mà người ta không thể biết hết, không thể hiểu hết. Tuy nhiên, những gì không biết, không hiểu mà vẫn cố ý làm, cố ý thực hiện… thì không thể nào “xuất sắc trong vai tỳ nữ” như các quan chức CSVN.
Điển hình mới nhất là trường hợp Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Hồng. Trong cương vị một quan chức trên Quốc Hội, ông Hồng là người đề ra Luật Nhà Văn, nhưng rồi bây giờ nói rằng ông không hiểu vì sao cần Luật Nhà Văn.

Dù vậy, hãy suy nghĩ cho thật kỹ: có thực rằng ông Nguyễn Minh Hồng không biết vì sao cần Luật Nhà văn? Có thực rằng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn và là người đề nghị ông Hồng đưa ra Luật Nhà Văn, không biết là vì sao cần Luật này? Và có tin là Quốc Hội không bàn tới Luật này, có thực là cả Quốc Hội không biết vì sao Chủ Tịch Hội Nhà Văn cần Luật này, mà chỉ nói rằng cần soạn thảo kỹ lưỡng hơn?
Đơn giản, y hệt như chuyện mời các nhà thầu Trung Quốc vào khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên, hay cho các công ty TQ thuê hàng trăm ngàn mẫu rừng nguyên sinh… không lẽ chính phủ cấp trung ương và chính quyền cấp điạ phương không biết tới các nguy hiểm ẩn tàng? Nói rằng “không biết vì sao” kiểu như ông Hồng thực là dễ, nhưng sẽ không che giấu được một nghị trình tương lai, dự đoán thế nào Luật Nhà Văn tương lai cũng sẽ được trình ra kỹ càng hơn, và sẽ thôngq ua dễ dàng.

Báo Đất Việt có bản tin ngày 14-11-2011, trích như sau:
“…”Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra”, ĐBQH Nguyễn Minh Hồng, người đề xuất ban hành Luật Nhà văn, trả lời phỏng vấn.
Luật để làm gì?
Được biết, ông là người có đề xuất xây dựng Luật Nhà văn ra Quốc hội khóa XIII xem xét, thảo luận. Vậy, vì sao cần phải có Luật Nhà văn?
Thực ra, Luật Nhà văn không phải sáng kiến của tôi. Trong hội nghị toàn quốc của Hội Nhà văn, các nhà văn có bày tỏ nguyện vọng phải có luật dành riêng cho mình, gọi là Luật phát triển văn học. Tôi có lên phát biểu và hứa với các nhà văn là sẽ đề xuất nguyện vọng của họ trước Quốc hội. Tôi chỉ là cầu nối đưa nguyện vọng của các nhà văn ra Quốc hội thôi. Vì thế, tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có Luật Nhà văn thì tôi chưa nghĩ ra.
Để thực hiện lời hứa, Luật Nhà văn đã được ông trình lên Quốc hội. Xin ông cho biết, Luật Nhà văn sẽ điều chỉnh, chế định những gì?
Luật Nhà văn điều chỉnh nhiều vấn đề lắm. Mới là đề xuất, là luật dự bị nên mình cứ trình ra Quốc hội đã, có gì sẽ bàn bạc sau, luật sai chỗ nào thì Quốc hội sẽ sửa chỗ đó. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất của Luật Nhà văn là làm sao để bảo vệ quyền lợi cho giới nhà văn.
Đúng là với tên gọi Luật Nhà văn thì sẽ phải có nhiều luật khác tương tự. Nhưng thực ra, một số ĐBQH có tư vấn là tôi nên đưa ra một vài cái tên để Quốc hội lựa chọn, và tôi đã làm vậy. Trong văn bản đề xuất luật, tôi có đưa ra một vài tên gọi, theo thứ tự ưu tiên là: Luật phát triển văn học, Luật nhà văn, Luật văn học… Tôi thấy tên Luật phát triển văn học mặc dù hơi dài nhưng nghe hay và dễ chịu nhất…”(hết trích)
Như thế, có thể đoán rằng Luật này sẽ xuất hiện trở lại dưới một cái tên khác, bất kể là ông Hồng lúc đó có hiểu về sự cần thiết của Luật này hay không. Bởi vì, viễn ảnh chắc chắn là trước năm 2015 sẽ có Luật này.
Bài báo Đất Việt còn có câu ghi lời ông Hồng, trích:
“…Ngay sau khi tôi đề xuất luật ra Quốc hội, chủ tịch Hội Nhà văn là nhà thơ Hữu Thỉnh đã có công văn gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và tôi, khẳng định lại sự cần thiết và đề nghị Quốc hội khóa XIII đưa vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ 2011 – 2015 việc xây dựng ban hành Luật phát triển văn học. Nhưng theo thông tin mới nhất tôi biết thì Quốc hội quyết định rút, không thảo luận Luật Nhà văn trong kỳ họp này rồi.

Việc Quốc hội không thảo luận đề xuất Luật Nhà văn là do sự chuẩn bị từ phía Hội Nhà văn chưa đầy đủ, kĩ lưỡng nên cần có thời gian chuẩn bị kĩ càng hơn…”(hết trích)
Có những chuyện người ta không thể thấy hết hiểm họa ẩn tàng, mà khi chuyện xảy ra xong rồi, lâu về sau mới hiểu rằng đã lỡ làm sai rồi, gỡ ra rất là khó. Người cầm bút trong nước hiện nay đã gặp muôn trùng gian nan rồi, tại sao lại cho vây bủa thêm đủ thứ ràng buộc mới trong Luật Nhà Văn? Công an văn hóa đã có, trong khi ngành xuất bản và báo chí đều được kiểm soát bởi các quan chức được bổ nhiệm bởi Bộ Văn Hóa Thông Tin, thì tại sao cần thêm Luật Nhà Văn. Như thế, nhà văn và nhà thơ sẽ chỉ là những cánh hoa chưng cho đẹp, chứ không phảỉ là những chủ thể biết tư tưởng, biết mơ mộng… vì đã có Luật ràng buộc cho đúng hướng rồi.
Và với nhìều ràng buộc chập chùng như thế, tới bao giờ văn nghệ sĩ VN được phép tự do viết, tự do bày tỏ suy nghĩ qua chữ nghĩa?
Câu chuyện cũng y hệt như nhà nước đã cho trồng hàng ngàn cây trúc đào nhằm làm đẹp cho các thành phố lớn ở VN, nhưng rồi mới thấy rằng cây này lại độc hại.
Báo Dân Việt hôm 13-11-2011 có bản tin nói về “Ẩn họa trúc đào…”
Báo này viết:
“Sau khi báo chí trong nước đưa tin về hiện tượng cây trúc đào được trồng phổ biến trên các tuyến đường thành phố, hôm 11.11, “ẩn họa trúc đào” đã xuất hiện trên trang tin Asia News Network (ANN).
Theo ANN, cây trúc đào được trồng với mật độ dày ở bên lề đường, hoặc được sử dụng như dải phân cách giữa hai làn đường ở một số thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang.
Tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, hàng trăm cây trúc đào với chiều cao hơn 1m, được trồng như loại cây cảnh, trang hoàng trên các con phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh và Nguyễn Tất Thành.
Tại nhiều cửa hàng cây cảnh nằm trên đường Hà Huy Tập, Điện Phủ và Phan Đăng Lưu, mỗi cây trúc đào được bán với giá 100.000 đồng.
ANN cũng cho hay, chính quyền các thành phố đang nỗ lực xây dựng kế hoạch thay thế trúc đào bằng các loại cây trang trí khác, an toàn đối với sức khỏe con người.
Trúc đào có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, ra hoa màu hồng. Độc tố của trúc đào được tìm thấy trong nhựa cây. Nếu không may chạm vào nhựa trúc đào, người đó có thể sẽ nôn mửa, đau bụng, đau đầu, hạ huyết áp. Thậm chí, tử vong có thể xảy ra đối với trường hợp ăn phải loại lá cây này.”(hết trích)
Bản tin báo Tiền Phong ngày 27-10-2011 còn ghi lời chuyên gia về cây trồng:
“…Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Cty Công viên – cây xanh Đà Nẵng (Sở Xây dựng) xác nhận: Trúc đào có tên khoa học Nerium Oleander có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, loài cây này có độc tố, nhiều nhất trong nhựa cây.
Theo tài liệu y khoa: các chất trong cây trúc đào có tác dụng mạnh đối với tim. Khi ăn, dính nhựa cây có khả năng gây nôn mửa, người mệt lả, nhức đầu, chóng mặt đau bụng. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim, dần dần thiếu ôxy lên não. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Có những người bị ngộ độc nặng do uống nước đựng trong chai nút bằng thân cây trúc đào, hay do uống nước suối rễ cây trúc đào mọc ở gần.”(hết trích)
Than ôi, trồng cây hoa đẹp chỉ vì có thiện ý, muốn làm đẹp cho thành phố. Nhưng “đỉnh cao trí tuệ xã hội chủ nghĩa” đã chọn cây trúc đào, và rồi bây giờ mới thấy độc hại, phải lo bứng gốc…
Tương tự, một số tự do còn sót lại của người cầm bút đã thấy viễn ảnh sẽ bị Luật Nhà Văn xiết lại, vì cứ tưởng như làm Luật Nhà Văn là để làm đẹp như trồng cây trúc đào… để rồi tới lúc nhà văn thật sẽ nôn mửa, đau bụng, trụy tim… còn nhà văn dỏm thì chỉ cần “nhất trí hoan hô” là sống thọ.
LS Cù Huy Hà Vũ ngày 19 tháng 6-2010 đã nói trên VOA rằng:
“Bằng tham nhũng siêu nghiêm trọng từ tham ô trực tiếp tài sản quốc gia đến vay bừa tiêu vung để nhiều thế hệ người dân sẽ phải è cổ trả nợ, bằng cướp đất của người dân, đặc biệt của nông dân tràn lan kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng bóp nghẹt những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ các quyền tự do như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền biểu tình, quyền đình công, quyền giữ gìn nơi thờ tự của các tín ngưỡng… ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đi ngược 180 độ lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam.”
Than ôi, các quyền đã bị xiết kỹ như thế, bây giờ lại ra thêm Luật Nhà Văn (dự kiến đổi tên là Luật Phát Triển Văn Học và phải có trong nhiệm kỳ 2011-2015) thì còn gì để nói, còn gì để viết nữa.
Trừ phi là biến tất cả chữ nghĩa cho thành khẩu hiệu. Đúng là không biết vì sao…

Không có nhận xét nào: