Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Nợ dân đến bao giờ?

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận ồn ã đến thế về việc Luật Nhà văn được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Có lẽ việc thể chế hóa hoạt động sáng tác (văn-thơ) chẳng đến nỗi gây tranh cãi lắm nếu trong chương trình lập pháp chính thức của nhiệm kỳ QH này có mặt những đạo luật đề cập tới những lĩnh vực thuộc về quyền hiến định của công dân như Luật Biểu tình, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Báo chí (sửa đổi)… Tranh cãi vì đại biểu cũng như cử tri đều cho rằng hoạt động lập pháp phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nếu không “đón đầu” được thì ít ra cũng phải “chạy theo” thực tiễn!

Ngược dòng lịch sử không ai không công nhận rằng các quyền tự do nói trên của công dân đã được Bác Hồ trịnh trọng nhắc đến ngay khi lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó được ghi rành rành trong Hiến pháp 1946 và các bản hiến pháp sau này. Nhiều nhà nghiên cứu cả trong nước và quốc tế cũng đều công nhận rằng chính việc đề cao quyền tự do của công dân đó của Bác Hồ đã thuyết phục triệu triệu đồng bào, kéo theo sự ủng hộ, đồng tình của tất cả các đảng phái khi Nhà nước còn rất non trẻ.
60 năm sau, vào một buổi chiều năm 2006, người đứng đầu cơ quan lập pháp (Chủ tịch QH Nguyễn Văn An) đã đặt câu hỏi giữa hội trường Ba Đình: “Chúng ta nợ dân đến bao giờ?”. Câu hỏi cũng là câu “chốt” của Chủ tịch tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật về Hội, cũng là phiên họp cuối cùng nhiệm kỳ QH khóa XI, cứ day dứt mãi vì nếu không làm bây giờ thì chẳng biết bao giờ mới làm…
Sau phiên ấy, dấu tích đạo luật này vẫn biệt tăm đến tận… 2015, tức là ngót 10 năm nữa sau câu hỏi của ông Nguyễn Văn An! Tương tự thế, các luật về tiếp cận thông tin, trưng cầu dân ý, báo chí (sửa đổi) dù đã được lấy ý kiến, được thảo luận… nhưng rồi cũng chung số phận!
Thậm chí ở một phiên họp gần đây của Thường vụ QH, một thành viên Chính phủ đã trịnh trọng thông báo rằng đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình. Lý do được nêu rằng đó là một thực tiễn cuộc sống, không có luật thì dân cứ căn cứ… Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch mà bày tỏ thái độ, còn cán bộ nhà nước thì chẳng biết xử lý ra sao… Nhưng cuối cùng luật này cũng rớt khỏi chương trình chính thức!
Vì thế mới ồn ã, mới hỏi nhau: Nợ dân đến bao giờ?
PHAN MAI

Không có nhận xét nào: