Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Sửa đổi Hiến Pháp – câu giờ hay nói dối?

19bc53ed.jpg
Trong phiên họp ngày 4/8/2011 Quốc Hội (QH) Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, đã đưa ra chủ đề “Sửa đổi, bổ xung Hiến pháp 1992” và thành lập Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp. Để nhìn nhận động thái này mang tính chất và mục đích cuối cùng là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, và qua đó rút ra câu trả lời thỏa đáng…
Thành phần cơ cấu trong Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp, không ai khác, chính là 100% các đảng viên kỳ cựu đương chức đương quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam, 27 thành viên gồm: Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đảm nhiệm vai trò là chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban này. Các ủy viên là Thường trực Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trưởng Ban Dân vận Trung ương, chánh án TAND TC, viện trưởng VKSND TC, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư…

Qua cơ cấu được liệt kê ở trên, dù là bất cứ ai, đều có thể chắc chắn một điều rằng: Dù được sửa đổi ở góc độ và cấp độ nào thì bản Hiến pháp 1992 vẫn phải theo định hướng có lợi cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng Sản. Vì không lẽ gì, 100% các vị đảng viên Cộng Sản kỳ cựu kia, lại chia xẻ quyền lực của mình với các thành phần khác trong xã hội, nằm ngoài Đảng Cộng Sản.
Tại một quốc gia có dân chủ, hiến pháp được quan niệm như là một bản khế ước chung về quyền và nghĩa vụ qua lại của các bên: Nhà nước với nhân dân, nhân dân với nhau, cũng như quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong xã hội. Thay vì thuần túy là thể chế hóa các định hướng của pháp luật, thực tế đòi hỏi hiến pháp cần được quan niệm như một hình thức pháp luật hóa những nguyên tắc pháp trị, dựa trên lý trí phản ánh những mong muốn và nguyện vọng chung của người dân. Và ý dân, nhân quyền, và dân quyền, là mục tiêu cao nhất, vì nhân dân chính là ông chủ đích thực của đất nước.
Như vậy muốn cho một bản hiến pháp thực sự là tiếng nói được chắt lọc từ ý chí và nguyện vọng của dân chúng, nhất thiết thành phần chính để xây dựng hay tác thành một bản hiến pháp phải được sự đóng góp (bằng văn bản) của nhiều thành phần trong dân chúng: Công nhân, nông dân, trí thức, doanh gia, quân đội, cảnh sát, các tôn giáo, các sắc tộc vv… Cách tốt nhất và giản đơn nhất, chính là thông qua hình thức trưng cầu dân ý. Một cách khái quát nhất, trong một đất nước có dân chủ, hiến pháp chính là bản văn pháp luật cao nhất, thể chế hóa quyền lực của nhân dân, và do đại chúng nhân dân lập ra.
Cũng theo phiên họp ngày 4/8/2011 của QH Việt Nam, “Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp dự kiến sẽ trình QH dự thảo sửa đổi hiến pháp (lần thứ nhất) vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong khoảng hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 4-2013). Dự kiến tháng 10-2013, QH sẽ thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp”. Rồi từ bản hiến pháp dự thảo trong tương lai ấy, người dân lại phải chờ một thời gian không hẹn trước, dự đoán sẽ không dưới vài năm, thì hiến pháp mới được cụ thể bằng các điều luật trong các bộ luật, như Bộ Luật Dân Sự, Bộ luật Tố tụng, Bộ luật Hình sự vv…
Hành trình trên là một lộ trình quá dài, kể từ khi bắt đầu khởi xướng đến khi dự kiến được QH thông qua, trong khi đó tình hình chính trị xã hội của quốc tế cũng như Việt Nam đang biến đổi từng ngày, yêu cầu luật pháp phải có những điều chỉnh kịp thời. Chưa kể, ngay từ đầu họ – Ban chỉ đạo Sửa đổi Hiến Pháp – không công khai là sẽ dự kiến sửa đổi, bổ xung những điều khoản cụ thể nào. Vì hiến pháp, trước hết phải thể hiện ý chí cũng như nguyện vọng của nhân dân, cho nên bổ xung những gì, sửa đổi những gì, các tầng lớp nhân dân cần được đưa ra ý kiến ngay từ ban đầu. Nhân dân không thể chấp nhận “dùng bữa” với các món ăn bắt buộc, mà mình không được chọn trước. Phi dân chủ chính là ở điểm này. Vậy ai đang cố tình câu giờ?
Một bức xúc rất lớn của người dân hiện nay là Hiến Pháp đã có quy định về quyền biểu tình của người dân. Nhưng trải qua hơn 60 năm, quyền này vẫn chưa được cụ thể hóa thành luật. Một điều hết sức phản dân quyền là, thay vì dành quyền cho các luật gia soạn thảo Luật Biểu tình, thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại giao cho Bộ công an đơn phương soạn thảo luật này. Trong khi đó công an đang là công cụ ngăn cản quyết liệt quyền biểu tình chính đáng của người dân. Vậy cho dù là những người lạc quan nhất cũng không ai dám chắc là luật này sẽ có lợi cho những người biểu tình.
Trong nghị trình làm việc của QH ngày 2/11/2011; đại biểu QH Trịnh Thế Khiết phát biểu: “So sánh, Luật phòng chống rửa tiền Quốc hội đang cho ý kiến trong kỳ họp này chủ yếu do sức ép xây dựng quy định theo thỏa thuận hội nhập quốc tế. Có làm xong luật này cũng còn khoảng cách lớn với nhận thức, thực tế đời sống của người dân. Luật Thư viện, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng chưa đến mức bức thiết, hoàn toàn có thể “nhường chỗ” cho Luật Biểu tình”. Và Theo đó, đại biểu cho rằng cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình chính thức xây dựng luật thay vì vẫn chỉ để ở chương trình dự kiến, để sớm có cơ chế, quy định điều chỉnh, giải quyết những bức xúc thực sự của đời sống…
Qua phát biểu của đại biểu QH Trịnh Thế Khiết, công luận lại biết thêm một thông tin là, Luật biểu tình vẫn đang chỉ là “chương trình dự kiến”, chưa nằm trong chương trình chính thức xây dựng luật. Nhưng chi tiết này lại chứng tỏ một điều: Thông tin về việc soạn thảo Luật biểu tình của Bộ công an sẽ chỉ là câu chuyện có đầu mà không có đuôi, vì nó chưa nằm trong chương trình chính thức xây dựng luật của QH.
Tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng như vậy? Chính phủ cũng trong tay Đảng lãnh đạo, QH cũng là một tập hợp đến trên 90% thành phần là đảng viên Đảng Cộng Sản. Bản thân ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nằm trong Bộ chính trị, vừa đứng đầu chính phủ, vừa là đại biểu QH. Vậy thì tại sao lại có việc ông ta giao cho Bộ công an soạn thảo Luật biểu tình? Ngoài việc bản dự thảo Luật biểu tình còn đang nằm đâu đó trong đầu Bộ công an, thì việc nó soạn xong sẽ phải “đắp chiếu” chờ QH đưa vào chương trình “chính thức xây dựng luật” mới có thể đem trình QH là chuyện đương nhiên. Vậy ai đã nói dối trong việc này?
Một thông tin trái ngược khác – có lẽ buồn nhiều hơn vui cho người dân Việt Nam muuốn biểu tình – theo ý kiến giải thích của ông viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo trả lời ông Trịnh Thế Khiết tại nghị trường ngày 2/11/2011: “Khó có thể làm ngay Luật Biểu tình mà phải chờ sửa Hiến pháp. Theo dự kiến, việc sửa Hiến pháp 1992 sớm nhất cũng phải tới kỳ họp cuối năm 2014 mới hoàn tất. Vì vậy, nếu có đưa vào xem xét cũng phải để vào chương trình cuối khóa hoặc để lại khóa sau. Luật được đưa vào chương trình chuẩn bị là hợp lý”.
Như vậy không phải là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được hoàn tất vào tháng 10/2013 như thông báo dự kiến (dự con kiến) của QH ngày 4/8/2011; mà là vào năm 2014; lúc đó có lẽ “trái bóng” sẽ được đá sang cho khóa QH sau. Quyết định như thế nào lại do nhân sự của khóa XIV. Vậy đây là một cái gì đó còn hơn cả chuyện câu giờ…
Lê Nguyên Hồng Blog

Không có nhận xét nào: