Trung Cộng Củng Cố Chính Nghĩa của Washington tại Biển Đông
Amitai Etzioni – PBD dịch
Dạo gần đây Trung Cộng đã làm các nước láng giềng của họ phải băn khoăn lo lắng, và do đó giúp Tổng Thống Obama dễ ve vãn các nước Á Châu hơn. Các nước có biên giới với Trung Cộng lo lắng nhất là khi Trung Cộng tuyên bố vào năm 2010 rằng phần lớn Biển Đông là thuộc Vùng Độc Quyền Kinh Tế(*) (Exclusive Economic Zone (EEZ)) của họ. Các nước này cũng thấy Trung Cộng gia tăng các chuyến tuần tra hải dương trong khu vực này, gây áp lực với các công ty năng lượng ngoại quốc để các công ty này ngưng hoạt động trong những vùng biển đang tranh chấp, và áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một số khu vực tại vùng biển này. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nói rằng “càng ngày càng có nhiều nước xung quanh Biển Đông . . . tỏ ý lo ngại nghiêm trọng về những cách hăm dọa của Trung Cộng.”Những người chỉ trích có thể bớt lo ngại hơn nếu họ biết rằng việc đưa ra những lời đòi hỏi như vậy không phải là chưa từng có trước đây bao giờ trong lãnh vực ngoại giao vũ biền toàn cầu. Có nhiều nước đòi hỏi chủ quyền ở các vùng đất, biển và ngay cả sông ngòi của các nước khác, kể cả Palestine và Israel, Ấn Độ và Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp, và Iran vẫn tiếp tục tranh chấp Biển Caspian với Azerbaijan, Kazakhstan và Nga. Hãy lấy một ví dụ điển hình dạo gần đây: Canada và Nga đang tranh cãi với nhau về chủ quyền đối với những vùng rộng lớn tại Bắc Cực. Canada dành chủ quyền trên hơn 1.699.032 cây số vuông của vùng này, trong khi Nga thì đòi chủ quyền đối với 984.195 cây số vuông trước Liên Hiệp Quốc. Thêm nữa, cả hai bên không phải chỉ tuyên bố dành chủ quyền mà thôi. Hồi Tháng Bảy năm 2011 Nga loan báo sẽ thành lập hai lữ đoàn đặc biệt đóng tại Bắc Cực (một lữ đoàn có ít nhất là vài ngàn quân). Sau đó một tháng, Canada đã tổ chức một cuộc thao diễn quân sự với hơn một ngàn binh sĩ, cuộc thao diễn lớn nhất từ trước đến giờ tại vùng Bắc Cực của Canada. Cả hai nước đều muốn thăm dò các nguồn dầu hỏa và khoáng sản khổng lồ ở đây. Bắc Cực chứa gần một phần tư trữ lượng dầu khí chưa khai thác của thế giới, cũng như nhiều khu đánh cá phong phú và một hải lộ mới giảm được phân nửa thời gian vận chuyển đường biển giữa Á Châu và Âu Châu. Ấy vậy mà những người sốt ruột về đòi hỏi của Trung Cộng lại có vẻ ngáp dài chẳng buồn để ý đến đòi hỏi tương tự của các nước khác.
Hơn nữa, vấn đề chính không phải là đưa ra các đòi hỏi, mà là Trung Cộng dự định sẽ làm gì. Liệu Trung Cộng có dùng biện pháp quân sự đi kèm với các đòi hỏi của họ hay nhờ đến các tòa án, biện pháp tài phán và thương thuyết? Những người chỉ trích nêu ra rằng trước đây Trung Cộng đã dùng vũ lực trong một số vụ tranh chấp biên giới của họ. Trung Cộng đã tấn công Ấn Độ năm 1962 về một vụ tranh chấp biên giới, và hàng ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến đó. Trung Cộng đã cướp Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, và vào năm 1988 quân Trung Cộng đã đánh đắm nhiều tàu Việt Nam, gây tử thương cho bảy mươi binh sĩ hải quân trong trận đụng độ tại Gạc Ma trong Quần Đảo Trường Sa.
Điều cần lưu ý là vụ cuối cùng xảy ra cách đây gần một thế hệ, và Trung Cộng đã giải quyết được mười bảy vụ trong số hai mươi ba vụ tranh chấp lãnh thổ với các chính quyền khác. Thông thường Bắc Kinh dành được quyền kiểm soát chưa tới phân nửa vùng đất tranh chấp và đã đề nghị “nhiều nhượng bộ đáng kể trong phần lớn những trường hợp giải quyết này,” theo lời giáo sư Taylor Fravel của MIT. Hơn nữa, vào năm 2003, Trung Cộng đã ký Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với các nuớc ASEAN, mà mục đích chính là để “tự giải quyết với nhau các trường hợp tranh chấp như vậy bằng các cuộc thương thuyết thân thiện” chứ không bằng cách “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.” Cũng trong năm đó họ đã ký Bản Tuyên Ngôn về Cách Cư Xử của Các Bên tại Biển Đông(**), để giải quyết các trường hợp tranh chấp trong tương lai giữa các bên qua đối thoại và hợp tác.
Hơn nữa, chẳng những đã không giúp được cho Trung Cộng trở thành bá chủ vùng này, các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh còn khiến cho các nước láng giềng của họ ve vãn Tây Phương và muốn xiết chặt hơn thế liên minh với Hoa Kỳ. Những nước này không phải chỉ có Nhật, Mã Lai và Phi Luật Tân, và còn cả nước trước đây là đồng minh rất thân cận của Trung Cộng là Việt Nam. Ngay cả Miến Điện cũng đã tìm cách tránh xa Trung Cộng phần nào. Nước này vừa đình chỉ công trình xây cất một dự án đập nước trị giá 3.6 tỷ do Trung Cộng tài trợ. Quyết định đình chỉ này được nhiều người xem là chính quyền nước này muốn cho thấy là họ không lệ thuộc vào Trung Cộng và sẵn sàng quân bình lại lãnh vực ngoại giao quốc tế của họ.
Nói tóm lại là cần phải để ý đến các đòi hỏi của Trung Cộng về Biển Đông. Tuy nhiên, dù các đòi hỏi này có quá đáng nhưng cũng không phải chưa từng có. Một cách chính để xem “mức hung hăng” của Trung Cộng như thế nào không phải là dựa vào những lời đòi hỏi lãnh thổ của họ, những lời này cũng tương tự như lời mở đầu của một luật sư trong phiên tòa, mà phải xem họ có sẵn sàng giải quyết bằng những đường lối hòa bình hay không hay sử dụng vũ lực đi kèm với các đòi hỏi này. Trong lúc này, việc Trung Cộng lên tiếng đòi hỏi chỉ khiến cho các nước láng giềng của họ liên minh với Tây Phương và giúp cho Obama trong bước mới đây nhất của ông ta về chính sách ngoại giao.
Amitai Etzioni từng là cố vấn cao cấp cho Tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống Carter; đã giảng dạy tại Viện Đại Học Columbia, Harvard, Viện Đại Học California tại Berkeley và là giáo sư tại Viện Đại Học George Washington.
Source: nationalinterest.org
_____________
Chú thích của người dịch:
(*) Việt Nam gọi là vùng Đặc Quyền Kinh Tế
(**) Việt Nam gọi là Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét