Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Trung – Mỹ : Chiến tranh pin mặt trời

Thiết bị pin mặt trời.
Thiết bị pin mặt trời.
DR / Flickr
Trọng Thành
 
Dưới hàng tựa « Trung – Mỹ : Chiến tranh pin mặt trời », Le Monde cho biết, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất pin mặt trời kết tội nhau bán phá giá, trong bối cảnh hàng Trung Quốc chiếm gần 48% thị trường pin mặt trời thế giới, năm 2010, so với 27% vào năm 2007.
Không chỉ Washington mà nhiều nhà sản xuất pin mặt trời trên thế giới lên án Bắc Kinh trợ giá cho ngành công nghiệp mới phát triển này để tiêu diệt các đối thủ. Vào tháng Tám vừa qua, nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất của Úc Silex tuyên bố đóng cửa các dây chuyền sản xuất vật liệu, để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc phục vụ cho việc lắp ráp. Công ty Đức SolarWorld cho biết, họ sẽ kiện lên Ủy ban châu Âu về hành vi cạnh tranh không trung thực của Trung Quốc.

Đứng trước những lên án từ khắp các phía, Trung Quốc đã trả đũa. Ngày 20/11, Liên minh công nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh điều tra về việc nhập khẩu nguyên liệu silicium polycristallin, để sản xuất pin mặt trời, từ Mỹ. Tổ chức này đã cáo buộc Hoa Kỳ đưa vào Trung Quốc 47.500 tấn nguyên liệu này trong năm 2010, so với 20.000 tấn năm 2009, nhờ chính sách hỗ trợ giá.
Theo đánh giá của một Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Năng lượng của Trung Quốc, các nhà sản xuất pin mặt trời hàng đầu của Trung Quốc, trong những năm gần đây, đã nhận được khoảng 50 tỷ đô la đầu tư, từ tư nhân, đặc biệt thông qua chứng khoán, bên cạnh các trợ giúp trực tiếp của chính phủ. Trong khi đó, theo đánh giá của một nhà quản lý tài chính Hoa Kỳ, các ngân hàng Trung Quốc đã cho các nhà sản xuất pin mặt trời vay tới 30 tỷ đô la trong năm 2010, nhiều hơn 20 lần so với Hoa Kỳ. Riêng công ty Suntech đã nhận được 7 tỷ đô la.
Để biện minh trước các chỉ trích về cạnh tranh không sòng phẳng, công ty Trung Quốc Yingli, đứng thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực này, thì giải thích rằng, lãi suất cho các khoản vay đối với các nhà sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc cũng ngang bằng với ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chủ tịch của tổ chức Pan Asia Solar, chuyên về tư vấn, hỗ trợ điện mặt trời, thì đưa ra một nhận định như sau : công nghiệp điện mặt trời trên thực tế được trợ giá nhiều tại tất cả các quốc gia. Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng các ưu đãi từ nhiều nước phương Tây để phát triển. Tại Pháp, theo Bộ trưởng Môi trường, có đến 90% pin mặt trời được nhập từ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Photon International, hàng Trung Quốc không phải là tốt nhất, nhưng được coi là rẻ và có chất lượng chấp nhận được.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về năng lượng mặt trời, tương lai của Trung Quốc không hẳn đã được bảo đảm. Hiện nay, sản lượng pin mặt trời trên thế giới gấp từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản trong những năm tới.
Hoa Kỳ thúc đẩy thương mại khu vực
Về quan hệ Mỹ - Trung, Le Monde có bài « Hoa Kỳ sao nhãng Tổ chức Thương mại Thế giới, chuyển sang chơi lá bài thương mại song phương và khu vực». Tờ báo bình luận Barack Obama tái khởi động Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nhằm tự vệ trước chính sách bán phá giá của Trung Quốc.
Le Monde dẫn một nghiên cứu của Trung tâm dự báo và thông tin quốc tế (CEPII) có trụ sở tại Paris, cho rằng Hoa Kỳ sẽ không được hưởng lợi nhiều sau khi các vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới kết thúc. Theo tính toán trong nghiên cứu này, sau khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hưởng lợi nhiều nhất là Trung Quốc, với 36,4 tỷ đô la, Liên Hiệp Châu Âu với 30,7 tỷ, Nhật Bản 13 tỷ, ASEAN 12,9 tỷ, trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ được hơn 9 tỷ. Ngược lại, theo tính toán của Washington, thỏa thuận tự do mậu dịch Mỹ - Hàn sẽ tạo thêm cho Hoa Kỳ 70.000 chỗ làm mới, và xuất khẩu hàng năm tăng lên khoảng 10 tỷ đô la .
Cũng theo Le Monde, đối mặt với các khó khăn trong nước, và triển vọng không mấy khả quan của các đàm phán Doha, chính quyền Obama đã thay đổi chính sách ngoại thương, với kế hoạch thành lập khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, qua Hiệp định TPP, không có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thương thuyết, Washington đề nghị các đối tác nhiều nhân nhượng, mà không nói rõ Hoa Kỳ sẽ đổi lại bằng gì. Nói một cách khác, Hoa Kỳ không có một chiến lược thương mại thực sự.
Nhà kinh tế Lionel Fontagné, chuyên gia của Trung tâm dự báo và thông tin quốc tế của Pháp bày tỏ sự lo ngại về sự quay trở lại của chủ trương ưu tiên các quan hệ song phương, cùng lúc với việc Tổ chức Thương mại Thế giới bị giảm uy tín. Theo đánh giá của chuyên gia kể trên, các quan hệ song phương sẽ bất lợi cho các nước đang phát triển. Thiếu một khuôn khổ mang tính đa phương như của Tổ chức Thương mại Thế giới, các xung đột thương mại trực diện sẽ có thể biến thành chiến tranh thương mại. Các tổn hại như vậy sẽ rất lớn.
Kinh tế Pháp và Châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái
« Kinh tế Pháp đối mặt với nguy cơ suy thoái » là chủ đề chính của Les Echos. Tờ báo ghi nhận, tinh thần của các chủ doanh nghiệp Pháp tiếp tục đi xuống trong tháng 11, theo điều tra của Insee. Các doanh nghiệp hạn chế đầu tư, việc làm mới không được tạo thêm. Ngay cả Đức cũng bị làn sóng suy thoái ảnh hưởng.
Các điều tra cho thấy, sau quý ba với tăng trưởng 0,4%, trong quý tư, tổng sản phẩm nội địa của Pháp có khả năng giảm sút. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm, đây là yếu tố gây lo ngại đặc biệt. Tỷ lệ vay tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm xuống trong tháng 9, so với mùa hè.
Insee thông báo, số việc làm gần như không tăng, chỉ duy nhất có thêm 7.400 việc làm trong ngành thương nghiệp. Nếu điều này được khẳng định, thì như vậy, chiều hướng tăng trưởng việc làm, bắt đầu từ đầu năm 2010 đã bị ngưng lại. Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 1% dự kiến trong năm 2012, Bộ Tài chính Pháp hy vọng sẽ có thêm 80.000 việc làm mới được tạo ra, có nghĩa là hai lần thấp hơn so với kỳ vọng. Theo Les Echos, mức độ tạo việc làm mới, như vậy, có thể không đủ để ngăn chặn nạn thất nghiệp.
Thay đổi ở Maroc : Hy vọng nhỏ nhoi
La Croix chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn, sẽ diễn ra ngày mai, thứ Sáu 25/11/2011, qua hồ sơ « Tại Maroc, thay đổi - hy vọng nhỏ nhoi ».
Mặc dù không trải qua cuộc cách mạng dân chủ như một số quốc gia láng giềng, Maroc cũng chứng kiến nhiều thay đổi thể chế quan trọng thời gian gần đây. Tờ báo đưa ra một số thông tin cho phép nhận diện tình hình chính trị của Maroc, một quốc gia nằm trong khu vực diễn ra nhiều biến động chính trị, từ đầu năm đến nay. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/7, 98,5% dân chúng đã thông qua chương trình cải cách Hiến pháp do vua Mohammed VI đưa ra. Trong số các đảng phái tranh cử, có bốn đảng lớn có khả năng giành được nhiều ghế trong Quốc hội. Đó là đảng Hồi giáo Công lý và Phát triển (PJD), đảng Istiqlal, đảng Thực chất và Hiện đại (PAM), đảng Tập hợp Quốc gia của những người độc lập (RNI).
Báo Le Figaro cho biết, hai đối thủ hàng đầu trong cuộc cạnh tranh của các đảng phái vào Quốc hội Maroc là đương kim Bộ trưởng Kinh tế Mezouar, thủ lĩnh đảng RNI và ông Benkirane, thủ lĩnh đảng Hồi giáo Công lý và Phát triển. Đương kim Bộ trưởng Kinh tế, thủ lĩnh đảng RNI liên minh với nhóm « G8 », bao gồm tám đảng phái, chống lại ảnh hưởng của đảng Hồi giáo PJD đang lên. Riêng đảng này tiến hành cuộc tranh cử một cách đơn độc.
Nếu giành chiến thắng, đương kim Bộ trưởng Kinh tế sẽ được bổ nhiệm làm Thủ tướng Maroc. Ngược lại, nếu chiến thắng, thủ lĩnh đảng Hồi giáo chưa chắc đã được bổ nhiệm, vua Maroc có thể sẽ chọn một người khác trong đảng này.
Trả lời phỏng vấn Le Figaro, Bộ trưởng Kinh tế Mezouar khẳng định, Maroc đã trải qua một quá trình xây dựng dân chủ, sự thống trị của một đảng duy nhất không tồn tại. Theo ông, đây là một di sản quan trọng đối với xã hội Maroc. Di sản này giúp Maroc hiểu được các biến chuyển đang diễn ra trong thế giới Ả Rập. Phong trào đòi dân chủ 20/2 là một ví dụ. Phong trào này tham gia vào nền dân chủ của Maroc. Ông khẳng định, "Maroc không muốn cách mạng, mà chỉ muốn tiến bộ".
Tuy nhiên, tờ La Croix lại cho thấy ngay tại Maroc một bộ phận dân chúng thờ ơ với cuộc bầu cử sắp diễn ra. Những người Maroc tại Pháp cũng ít hứng thú với cuộc bầu cử này. Còn tờ Les Echos đưa ra một phóng sự điều tra, vạch rõ tại Maroc, tồn tại cả một đế chế kinh tế, trung thành với nhà vua, do một người bạn, thư ký riêng và nhà quản lý tài sản của vua Mohammed VI lãnh đạo, khống chế toàn bộ hệ thống chính trị. Theo Les Echos, cuộc bầu cử trước thời hạn này chỉ là để xoa dịu sự phản kháng của phong trào 20/2 mà thôi.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, các nhật báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến biến cố liên quan đến các tuyên bố của thủ lĩnh đảng Xanh Eva Joly gây bối rối trong hàng ngũ cánh tả. Dưới hàng tít « Eva Joly, sai lầm trong diễn xuất », với nhận xét, đảng Châu Âu Sinh Thái – Xanh bắt đầu nuối tiếc về sự lựa chọn một ứng cử viên tổng thống « không biết tỏ ra đoàn kết đủ độ ». Còn tờ Libération thì đưa tựa lớn : « Eva Joly. Nỗi khổ ải màu xanh », với thông báo : hung hăng tấn công chống lại Holland (ứng cử viên đảng Xã hội), người phát ngôn đảng Xanh từ chức … , những biến cố vừa qua khiến những người ủng hộ ứng cử viên đảng Sinh thái phải nghi ngờ bà Eva Joly.
L’Humanité thì dẫn lời của Tổng thư ký nghiệp đoàn CGT : « Thibault : ‘‘Hãy can thiệp !’’ », với lời giải thích, đối mặt với chính sách thắt lưng buộc bụng và các thị trường, Tổng thư ký CGT kêu gọi giới làm công ăn lương phản kháng. Le Monde hôm nay thì hướng về giới trẻ Pháp, với câu hỏi : « Nếu như nước Pháp không yêu quý lớp trẻ của mình thì sẽ ra sao ? ».

Không có nhận xét nào: