Tin Hà Nội - Theo báo cáo của IHS là một công ty phân tích quốc phòng có trụ sở chính tại Englewood, Colorado cho rằng ngân sách dành cho Hải Quân Cộng sản Việt Nam để bảo vệ bờ biển dài 3,200 cây số tăng 150% từ năm 2008, lên đến $276 triệu cho năm 2011. Ngân sách này dự trù sẽ được tăng lên tới $400 triệu vào năm 2015. Nhưng hồi tháng 8, Ngũ Giác Đài phỏng đoán ngân sách quốc phòng của Trung Cộng năm 2010 khoảng $160 tỉ, trong đó tập trung vào hải quân với những vũ khí và tàu chiến tối tân. Cũng trong thời gian này, Việt Nam nhận hai khu trục hạm loại Gepard 3.9 có trang bị hỏa tiễn đặt mua của Nga cách đây nhiều năm, trong một cố gắng nâng cấp lực lượng hải quân của mình.
Ngoài ra Việt Nam cũng đặt mua của Nga sáu tàu ngầm loại Kilo và 20 chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MK2. Giữa năm nay, Việt Nam đã nhận bốn chiếc Sukhoi, 16 chiếc còn lại sẽ được giao trước cuối năm nay. Vào tháng trước, Việt Nam nhận hệ thống hỏa tiễn Bastion mua của Nga, và báo chí Nga loan tin Việt Nam đang thương thuyết để mua thêm hỏa tiễn này nữa nhưng với một số lượng không biết là bao nhiêu. Theo tin tức báo chí tiết lộ, khi Nguyễn Tấn Dũng thăm Hòa Lan cuối tháng 9, đã đến thăm một xưởng đóng tàu và bắn tiếng mua bốn hộ tống hạm loại Sigma. Tin tức cũng nói nếu hợp đồng được ký kết, hai tàu sẽ đóng ở Hòa Lan và hai chiếc sau đó sẽ được đóng tại Việt Nam với sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên viên Hòa Lan.
Hầu hết tàu chiến Việt Nam mua của Nga đều là tàu nhỏ, có trang bị hỏa tiễn, nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Cộng, nhưng khó lòng địch nổi đối thủ nếu phải trực diện trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Trong khi hai bên vẫn chỉ đe dọa bằng miệng, một bài báo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng Sản Trung Cộng hồi tháng trước cho đăng một bài cảnh cáo các quốc gia tranh chấp lãnh hải trong vùng là hãy chuẩn bị nghe tiếng đại bác. Trung Cộng, Việt Nam, Brunei, Đài Loan, Philippines và Mã Lai đều có tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo Trường Sa. Trong khi đó với Việt Nam, Trung Cộng cũng có tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Hồi Tháng Năm, Việt Nam tố cáo tàu hải giám Trung Cộng hai lần cắt dây cáp tàu thám hiểm dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Mới đây, một đoạn phim được đưa lên YouTube, cho thấy một tàu có vẻ là của Việt Nam đâm vào một tàu có sơn hàng chữ Hải Giám Trung Cộng làm nhiều người xôn xao, mặc dù không biết sự việc xảy ra ở đâu và hồi nào. Cho tới nay Trung Cộng và Việt Nam vẫn chưa thấy lên tiếng về chuyện này. Vào tháng trước, Việt Nam và Trung Cộng hứa hẹn giải quyết bất đồng qua thương lượng hữu nghị. Tuy nhiên tranh chấp lãnh hải với quốc gia láng giềng phương Bắc tạo ra hơn một chục cuộc biểu tình tại Việt Nam chống Trung Cộng. Ban đầu những cuộc biểu tình được lờ đi, nhưng sau đó an ninh Việt Nam bắt đầu bắt một số người và nay không còn biểu tình nữa. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét