Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Đại hội đồng LHQ lên án Syria

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Sự tán thành của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
 được coi như một chiến thắng ngoại giao về
vấn đề Syria
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) bỏ phiếu chuẩn thuận nghị quyết lên án tình hình vi phạm nhân quyền ở Syria và kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Sáng kiến do các nước Ả Rập hậu thuẫn cũng kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Đây là nỗ lực mới nhất sau hàng loạt cố gắng tương tự nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Syria.
Syria tuyên bố động thái này chỉ làm cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn và khuyến khích “những kẻ khủng bố”.
Trước đó, Trung Quốc cho biết họ đang gửi một đặc phái viên cao cấp tới Damascus để đàm phán một giải pháp “hoà bình và đúng đắn”.

Nghị quyết này, không có tính bắt buộc, được Đại hội đồng thông qua nhằm ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập chấm dứt giết chóc.
Nghị quyết này được soạn theo khuôn mẫu của bản dự thảo trước đó vốn đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Đại hội đồng LHQ thực ra chỉ là kế hoạch dự bị - các quốc gia Ả Rập bảo trợ nghị quyết và các đồng minh phương Tây muốn nhận được sức nặng pháp lý của Hội đồng bảo an để ủng hộ kế sách chính trị chấm dứt khủng hoảng ở Syria.
Người phản đối bên ngoài sứ quán Syria ở London
Tuy nhiên, do vấp phải phủ quyết của Nga và Trung Quốc ở Hội đồng bảo an, họ đã quay sang tổ chức được xem như “nghị viện thế giới” với hy vọng sự tán thành không có tính bắt buộc từ 193 quốc gia thành viên sẽ trao sức nặng đạo đức và chính trị cho sáng kiến của họ.
Họ coi đa số phiếu thuận là thông điệp rõ ràng về việc quốc tế ủng hộ những người dân Syria và chứng tỏ ông Bashar al- Assad chưa bao giờ bi ̣cô lập đến thế.
Tuy nhiên không thể che giấu được sự thật là các nước lớn tiếp tục chia rẽ sâu sắc. Nga tiếp tục cho rằng văn bản không cân bằng bởi vì nó không đưa ra yêu cầu cụ thể đối với phe đối lập có vũ trang, và không có chỗ cho sự đàm phán chính trị đối với chế độ Syria.
Thậm chí một số nước bỏ phiếu thuận cũng đưa ra nhận xét rằng quan điểm của Nga có lý.
Theo Serbia, sớm hay muộn thì những vấn đề này sẽ phải được đưa ra bàn luận. Trong khi Ấn Độ cũng tuyên bố tương tự.
Nhưng, trong lúc bế tắc vẫn tồn tại, người ta sẽ phải thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, và tình hình bạo lực ở Syria có thể sẽ tiếp tục trở nên xấu hơn.
Bản nghị quyết được chuẩn thuận bởi Đại hội đồng không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên theo phóng viên BBC tại LHQ, Barbara Plett, những người hậu thuẫn nghị quyết này hy vọng nó sẽ tăng áp lực chính trị với Damascus nhằm chấm dứt bạo lực.
Như dự đoán, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu chống lại biện pháp này.
Nghị quyết mới này đã nhận được 137 phiếu thuận, 12 chống, và 17 phiếu trắng.
Quyền phủ quyết không tồn tại ở Đại hội đồng.
Ba quốc gia tuyên bố đã không bỏ phiếu được vì trục trặc kỹ thuật.

Không có nhận xét nào: