Vào ngày 13.02.2012, trong buổi khai mạc ”Khóa Học Hỏi về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”* tại Hội Trường Tòa Giám Mục Thanh Hóa, Đức Cha Nguyễn Chí Linh đã ”ngẫu hứng” phát biểu một đoạn về ”sứ vụ của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình”. Phần cuối của đoạn ấy như sau:
”Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi. Kính mong Đức cha Chủ tịch trong những buổi học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo sẽ triển khai và quảng diễn rõ hơn nội hàm của khái niệm Công lý và Hòa bình.” (”Ngẫu hứng” là từ mà Đức Cha Chí Linh đã dùng ở nơi khác. Kính mời quý Vị đọc đoạn phát biểu của ngài ở Link này: Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của TGP Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa « Tin Tức « Nữ Vương Công Lý .)
Trên đây là lý do của bài viết đã nêu tựa đề. Trước khi nói đến khái niệm ”Đất Đòi” và ”Đòi Đất”, tôi xin nhận định về các ý kiến khác của ĐC Chí Linh như sau:
1. Do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với…
Qua câu nói vừa nêu, cũng ”do cố tình hay vô ý”, Đức Cha Chí Linh đã đánh giá quá thấp ”người ta” vì ngài nghĩ rằng ”người ta” chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chữ ”người ta” là ai? Đó là ”thiên hạ: one, they, people”. Phải chăng chỉ có HĐGMVN đã được chuẩn bị để tiếp cận với…? Còn Cha Chân Tín, Cha Phạm Trung Thành, Giáo Dân Thái Hà, Cha Lý, Cha Lợi, Cha Giải, Cha Quế, Cha Pascal Tỉnh, Đức Tổng Kiệt, Đức Cha Oanh, Đức Cha Thuyên, Đức Cha ở Hải Phòng, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, tín hữu mọi Tôn Giáo, đồng bào, nhiều đảng viên lão thành, ông Trần Mạnh Hảo, ông Cù Huy Hà Vũ, cô Lê Thị Công Nhân…đều là những người lạc hậu cả sao vì ”người ta” không có trình độ như HĐGMVN??? Phải chăng ”người ta” cần phải được thụ giáo lời gm Hợp ”khai tâm, khải Đạo” trong Khóa Học Hỏi Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội được tổ chức tại Thanh Hóa và phải chờ ”chỉ thị anh minh” của ngài ấy? Phải chăng vì chưa được nghe gm Hợp ”quảng diễn rõ hơn nội hàm của khái niệm Công Lý và Hòa Bình” mà Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long đã ”vô ý” phản đối việc nhà cầm quyền nơi đây đơn phương biến cơ sở Đại Chủng Viện của Giáo Phận thành Trung Tâm Hoạt Động Thanh Thiếu Niên cộng sản???
Gm Chí Linh lại thiếu thận trọng khi phát biểu nên tự mâu thuẩn với chính mình trước ”những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội”! Từ ”thiết thân” có nghĩa là ”liên quan mật thiết tới đối tượng nào đó” và, tùy trường hợp, cũng có nghĩa tiêu cực là ”đụng tới, làm điên đảo: toucher de près, boulevrser!” Cho nên, đảng ”lãnh đạo ăn cướp” ở Tỉnh Vĩnh Long đã làm xáo động tâm tư của đồng bào Công Giáo, nhất là của Vị Chủ Chăn Giáo Phận này bởi vì việc làm ác ôn ấy đã tác động đến ”quy củ, trật tự” của Đại Chủng Viện là đối tượng mà Nhà Nước CSVN luôn tìm cách phá hoại. Chẳng lẽ, đã ”được chuẩn bị để tiếp cận với…”, trong tư cách là Phó Chủ Tịch HĐGMVN, ĐC Chí Linh không có ”tiếp xúc, liên lạc” với Đức Cha Vĩnh Long, Lm và giáo dân ở đây? Hóa ra, ĐC Phó Chủ Tịch vẫn ”xa mặt, cách lòng” đối với Giáo Phận Vĩnh Long!!! Còn chữ ”nhạy cảm” của ngài có nghĩa là ”nhận thức nhanh bằng giác quan và tình cảm” Nhưng chẳng lẽ ĐC Chí Linh đã ”vô ý” trở thành ”thờ ơ, vô cảm” với Đức Cha cai quản Giáo Phận Vĩnh Long?
2. Một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi
Như vậy, qua cách nhận định ở trên, ĐC Chí Linh lại ”vô ý” giúp Nhà Nước CSVN cứ ”tự nhiên” tiếp tục chiếm đoạt đất đai, cơ sở của bất cứ Tôn Giáo nào ”không quốc doanh”!!!
Do ”ngẫu hứng” của ĐC Chí Linh, tôi xin nói đến việc tại sao ”ĐẤT ĐÒI” và ”ĐÒI ĐẤT”:
Theo Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã dựng nên Trời và Đất. Ngài gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”…. Ngài thấy như thế là tốt đẹp. Sau cùng, Ngài dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài để cho con người làm bá chủ mọi loài khác và mặt đất. Ngài đem con người đặt vào vườn Êđen để ”nó” canh tác và giữ gìn đất đai. Theo Cựu Ước, qua bao thời đại, từ Adam và mãi về sau, con người đã phạm tội, mà vẫn được Thiên Chúa thương ban cho đất làm ”gia nghiệp”!
Sống được là nhờ có đất. Cho nên, con người gắn bó với đất của mình và tạ Ơn Trời đã làm ra đất cho họ hưởng nhờ. Sách Sáng Thế Ký có đoạn như sau: ”Chúa hiện ra với ông Abram và phán: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi của con.”…. Tại đây, ông ta dựng một bàn thờ để kính Chúa và kêu cầu Danh Ngài.”
Như vậy, đất cũng ”diễn nghĩa Tình Chúa và đòi” lòng biết ơn của Abram nên nó không chỉ là vật chất rắn ”khô khan” bao bọc bề mặt của Trái Đất như nhà thơ Chế Lan Viên nhận định: ”Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.” Mà ngược lại, đất càng nên thơ, càng trữ tình, càng thiêng liêng khi có ”ta ở” như trong Ca Khúc Ngày Mùa: ”Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác, chiêu Hồn Quê bao khúc ca ngày mùa.”, và trong Tình Anh Lính Chiến: ”Xuyên lá cành, trăng lên lều vải. Lòng đất ấm thương tình đôi mươi.” Bản Quốc Ca của Chế Độ Cũ cũng là một bằng chứng rằng ”Đất đòi” công dân ”đứng lên đáp Lời Sông Núi!” Không chỉ người Việt mới biết gọi Lãnh Thổ của mình là Quê Cha, Đất Tổ hay Đất Mẹ như trong câu hát: ”Ngày qua, giã từ Đất Mẹ mà đi vì nghe Tình Quê, Tình Nước đôi bề.”, mà người Pháp cũng dùng chữ ”Patrie: Terre de nos Pères: Đất của Ông Cha!” Người Anh dùng cả hai chữ ”Fatherland; Motherland”. Người Đức thì chữ ”Vaterland”….Tóm lại, ”Đất Nước có đòi” thì người Việt mới nói hay hát: ”Chúng con xin thề giữ thơm Quê Mẹ. Xin Anh giữ trọn Tình Quê!”
Đối với người Công Giáo, Đấng đưa Dân mình vào Đất Hứa trong Tân Ước chính là Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa Cứu Chuộc, là LỜI HỨA đã thành hiện thực: Ngài là ”Maisen mới” đã chiến thắng Satan bằng Sự Phục Sinh từ cõi chết để giải phóng người tin vào Ngài thoát khỏi ách nô lệ. Ngài ban Bí Tích Thanh Tẩy là Chìa Khóa mở cửa vào ”Miền Đất Hứa” là Giáo Hội ở trần gian để, từ đó, người Công Giáo được lãnh nhận thêm bốn, năm hay sáu Bí Tích khác tùy theo từng đối tượng. Miền Đất Hứa ”tràn trề sữa và mật ong” (Xuất Hành 3,8) là hình ảnh báo trước Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu hôm nay, mà ĐẦU chính là Ngài và MÌNH của Ngài là Giáo Hội. Mà Giáo Hội là Nước Chúa ở trần gian thì phải có đất đai để xây dựng Nhà Thờ, Tu Viện, Giáo Xứ, Trường Học, Nhà Dòng, Tiểu và Đại Chủng Viện… Những nơi thiêng liêng để đào tạo Linh Mục và Tu Sỹ cho Giáo Hội được gọi là ”Nhà Chúa” như giáo dân thường nói: ”Tôi có con dâng mình vào Nhà Chúa.” thì huống chi là Thánh Đường đã được dâng lên Thiên Chúa, là nơi có Nhà Tạm để Chúa hiện diện ngày đêm. Cho nên, Đất Thánh, Đền Thánh Giêrusalem, Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, Giáo Xứ Đồng Chiêm; Cồn Dầu, Tam Tòa…”đòi” ở tôi tâm tình yêu mến. Hai chữ ”Việt Nam” đòi hỏi nơi tôi Lòng Ái Quốc như trong bài thơ ”Anh Hùng Vô Danh” mà phần kết là: ”Nhưng máu họ đã len vào mạch đất, thịt và xương trộn lẫn với Non Sông. Và anh hồn chung với tấm trinh trung, đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT.” (Xin kính mời quý Vị đọc trọn bài thơ ở Link sau đây: Lời bài thơ Anh Hùng Vô Danh (Đằng Phương)
Như vậy, việc Giáo Xứ Thái Hà đòi đất Nhà Thờ của mình đã bị biến thành bệnh viện hay nơi ăn chơi trụy lạc, việc Đức Cha Vĩnh Long đòi đất Đại Chủng Viện và việc nhiều Tu Viện đòi lại cơ sở của mình (đã bị mượn hay bị Nhà Nước Cộng Sản vô thần chiếm đoạt) đều là ”một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi” như lời dạy của ĐC Chí Linh hay sao???
Nếu vậy, thà đừng có Tổ Chức gọi là Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đọc Compendium de la Doctrine Sociale de L’Église tôi không thấy câu nào giống lời gm Hợp tuyên bố như sau: ”Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo cùng đề cập đến một vấn đề nhưng ở mỗi nơi áp dụng mỗi khác tùy hoàn cảnh lịch sử, văn hóa…” Nói như vậy là gm Hợp đã bật đèn xanh cho đảng cộng sản trong việc đàn áp người đòi hỏi Công Lý và Hòa Bình!!!
Vì thế, nhân Danh Thiên Chúa Toàn Tri và Thánh Linh là Thầy của Ơn Khôn Ngoan, tôi cực lực phản đối gm Hợp và xin giải thích ý nghĩa của chữ ”Giáo Huấn”:
”Giáo” và ”Huấn” đều có nghĩa là ”dạy bảo”, được dùng theo cách ”điệp ý: cùng nghĩa”. Tiếng Pháp là ”Doctrine”, do gốc Latinh ”Doctrina” từ chữ ”docere, doctus” có nghĩa là ”enseigner: giảng dạy”. Cho nên, Giáo Huấn (Enseignement) của Giáo Hội về Xã Hội có nội dung bất di, bất dịch và phải được truyền lại nguyên văn và phải được áp dụng không sai lệch trong mọi hoàn cảnh lịch sử, cho mọi nền văn hóa. Tôi xin tạm dịch một số ý trong Giáo Huấn ấy như sau: ”Tài liệu này là chứng từ phục vụ được Giáo Hội trao cho nam giới và nữ giới trong thời đại của chúng ta, là những người được Giáo Hội tặng cho gia sản về giáo huấn xã hội theo cách đối thoại là chính Thiên Chúa ngõ lời với con người (…) trong Con Duy Nhất của Ngài đã xuống thế làm người…” (Un Humanisme Intégral et Solidaire, số 13) ”Giáo Hội cũng tặng nam giới và nữ giới trong thời đại của chúng ta, tức là người đồng hành với Giáo Hội, Giáo Huấn của mình về xã hội. Thật vậy, khi chu toàn sứ mạng của mình là rao giảng Phúc Âm, nhân Danh Chúa Kitô, Giáo Hội chứng minh cho con người biết phẩm giá của họ và ơn họ được mời hiệp thông với mọi người; Giáo Hội dạy cho con người những đòi hỏi của công lý và hòa bình phù hợp với Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.” (số 3)
Ngoài ra, để chứng minh thêm rằng gm Hợp ”vô ý” diễn nghĩa sai về Giáo Huấn, tôi xin trích một số ý theo bản dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc như sau: ”Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội* bám rễ sâu trong thần học, trong nổ lực truyền bá Phúc Âm và trong toàn bộ cuộc sống siêu nhiên của Giáo Hội….Vì thế, khi dấn thân thực sự vào các sinh hoạt văn hóa, người công giáo đóng góp kiến hiệu vào sự thăng tiến của văn hóa và công bằng: “Con người ngày nay và đặc biệt là người công giáo phải nghiêm chỉnh xét đến những điều kiện xây dựng nền tảng cho việc phát triển các dân tộc…. Tóm lại, người ta phải nhìn nhận ảnh hưởng của đoạn Phúc Âm theo Mát-thêu 25, 3-46 có tính cách quyết định và tác động trên lịch sử. Đoạn Phúc Âm nầy đã truyền bá niềm xác tín rằng bác ái đối với người đói, khát, người ngoại quốc, người trần truồng không có áo che thân, người bị tù đày là một cử chỉ yêu thương chính Chúa…. niềm tin vào giá trị tối thượng của bác ái đã làm đổi thay những mối liên hệ giữa con người với nhau, và vẫn mãi còn là một trong những phương thế mạnh mẽ nhất của Giáo Hội nhằm gây hưng phấn đạo đức và siêu nhiên nơi các cộng đồng con người.”
Nhưng đảng cs TOÀN TRỊ VN thì vô thần, vô luân, bán Nước nên họ chỉ có lịch sử làm tay sai ngoại bang và văn hóa của sự chết! Vì thế, việc ”thực thi công bình xã hội” ở VN là điều không tưởng: utopie!!! Trong mấy bài viết trước đây, tôi có đề cập đến chữ ”Inculturation” với nghĩa là ”đem Tin Mừng vào các nền văn hóa để thanh tẩy chúng, để Tin Mừng trở thành Men trong bột mà biến các nền văn hóa trở thành công cụ cho Nước Chúa ở trần gian.” Xin trích bằng chứng tóm tắt Giáo Huấn về Xã Hội như sau: ”Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trước hết là phải giảng dạy Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản. Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội* phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho giáo dân. Một sự đào tạo như thế phải để ý đến những bổn phận của họ trong xã hội dân sự.” (Xin đọc: Tin Và Sống – Những Điểm Cơ Bản Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (3) *
Nhưng đáng buồn thay vì, bấy lâu nay, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, mà gm Hợp là chủ tịch, đã phát biểu nhiều điều ngược với Danh Xưng của mình!!! Kính xin HĐGMVN làm theo ba lời nguyện trong Kinh Lạy Cha và noi Gương Anh Dũng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam để giáo dân khỏi tuyệt vọng, để Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo sẽ ghi nhiều điểm son của các ngài và để các ngài trả lời về Lẽ Công Bằng trong ngày phán xét riêng và vào Ngày Cánh Chung trước Nhan Thánh Chúa Giêsu là Vua và Chánh Án Tối Cao.
Kính xin HĐGMVN vui lòng đọc kỹ phần kết của bài ”Cách Nhìn Mới của Giáo Hội về Giáo Huấn Xã Hội” như sau để các ngài an tâm, đứng lên đòi Công Lý và Hòa Bình: ”Nếu chữ Giáo Huấn* gặp phải một số khó khăn về tên gọi, do những lời chỉ trích phát xuất từ các tiền kiến ý thức hệ, thì không ai có thể chối cãi rằng trong thực tế Giáo Hội đã giáo huấn và còn mãi giáo huấn để xã hội con người đi theo ánh sáng Phúc Âm và lương tri. Kinh nghiệm tích lũy nầy được tài bồi dần hồi như một thứ đạo đức xã hội và phải được mỗi thế hệ kitô hữu bảo trì, nó “cần đến sự đóng góp của tất cả những đoàn sủng, kinh nghiệm và khả năng khác nhau”. Tóm lại, Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội gắn liền với ơn gọi của mình là đi và giáo huấn tất cả các dân tộc cho đến ngày tận thế.” (GS Nguyễn Đăng Trúc dịch.)
Đức Quốc, Thứ Tư Lễ Tro, 22.02.2012
Đaminh Phan văn Phước
*Tôi dịch các chữ ”La Doctrine Sociale de L’Église” (The Social Doctrine of The Church) sang tiếng Việt là: ”Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội” thay vì ”Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội” hay là ”Giáo Huấn Xã Hội (của) Giáo Hội Công Giáo” bởi vì tránh hiểu lầm theo tiếng Việt như sau: ”Xã Hội của Giáo Hội”. Trong tựa đề bằng tiếng Pháp, chữ ”Sociale” là tính từ với nghĩa: ”về xã hội; cho xã hội”. Tiếng Đức dùng chữ ”Soziallehre: Giáo Huấn về Xã Hội”, chứ không phải ”Học Thuyết”!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét