“Nếu vấn đề nhân sự ở huyện Tiên Lãng chỉ mới là phần nổi của tảng băng, thì để không xảy ra những Tiên Lãng khác, lại thật cần thiết cho Đảng và Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân của những người đứng phía sau chủ trương thu hồi và cưỡng chế đất trái pháp luật tại Tiên Lãng.”
Bài học tận cùng của mọi vấn đề oan sai chính là con người lãnh đạo. Đã chẳng phải vô cớ mà sau ngày 17/2 vừa qua, những cán bộ lão thành cách mạng của Hải Phòng đã chính thức làm đơn đề nghị cách chức bí thư thành ủy của thành phố này.
Hai hành động “đồng điệu”: Màn hai của vở bi kịch?
Lại hiện hình một ám ảnh chưa thành hình khối nhưng vẫn đang kết tủa trong cái trục Tiên Lãng – Hải Phòng. “Bi kịch lạc quan” – như hình ảnh sân khấu hóa ở cấp độ cao, được mô phỏng bởi một đại biểu Quốc hội, vì thế vẫn chưa hoàn tất suất diễn của nó.
17/2 là ngày của quá khứ và kỷ niệm đau thương. Vào năm nay, khi vẫn còn không ít người đang cố gắng hoài niệm lại quá khứ đau thương của dân tộc trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc vào năm 1979, thì ở Hải Phòng cũng âm thầm diễn ra một cuộc chiến khác: cuộc chiến “Hậu Tiên Lãng”.
Chiều ngày 17/2/2012, căn lều và cả ban thờ của gia đình Đoàn Văn Vươn đã bị “kẻ xấu” đập phá. Tất cả đều bị phá trụi, kể cả di ảnh người quá cố. Sự việc này xảy ra không quá xa trụ sở công an xã, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai làm rõ được dù chỉ một đối tượng nào tình nghi.
Vào buổi sáng cùng ngày 17/2 ấy, một cuộc “cải chính thông tin” đã được bí thư thành ủy Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Thành, thực hiện trước 500 cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu của Câu lạc bộ Bạch Đằng. Như rất nhiều người đã biết tường tận, những điều đáng lẽ cần phải được cải hóa thì đã bị bỏ qua, trong khi lại phát sinh việc cán bộ cách mạng lão thành làm đơn tố cáo người đứng đầu cấp ủy đảng của thành phố đã thông tin trái với chỉ đạo của người cao nhất trong hệ thống chính quyền quốc gia.
Cần nhắc lại, trước đó ông Nguyễn Văn Thành không hề xuất hiện trước công luận trong vụ việc Tiên Lãng, mà chỉ có phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Trung Thoại bị mang tiếng là “đổ vấy” cho người dân đã phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
Đã có một cái gì đó thật đồng cảm và đồng điệu diễn ra cùng ngày 17/2, giữa hai sự việc chỉ cách nhau chưa đầy 12 giờ đồng hồ, giữa một phát ngôn cố ý mô tả sai lệch bản chất vấn đề từ một nhân vật đại diện cho Đảng, với một hành vi lén lút được mặc định bởi đặc chất lưu manh trong phá phách.
Tính cộng hưởng nổi bật như thế có thể khiến một số quần chúng nhân dân chưng hửng: người ta còn đang say sưa với thắng lợi đầu tiên thuộc về công lý, về việc cách nào đó Quốc hội, chứ không chỉ là Đảng và chính quyền, cũng thể hiện được vai trò của mình ở Tiên Lãng; và nói chung là còn đang thỏa mãn với những động tác hình thể hiếm hoi phát lộ trên sân khấu chính trị…
Đến lúc này, người ta mới chợt nhớ ra: Tiên Lãng mới chỉ là “Màn một”. Phía sau Tiên Lãng còn có Hải Phòng – màn hai của vở bi kịch.
Từ “Những tên cướp” đến “Hạnh phúc là đấu tranh”
Khi vở diễn chỉ mới nhuốm chút màu lạc quan, người ta lại chợt nhận ra vẻ lạc quan đó chỉ có thể xuất phát từ gốc nguồn bi kịch. Đó là một thứ bi kịch được che giấu trong vở “Những tên cướp” của nhà soạn kịch người Đức Schiller, mà chỉ có thông qua phương cách “Hạnh phúc là đấu tranh” như lời Mác chỉ dẫn cho con gái, người dân mới nhận chân được rằng Tiên Lãng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cái phần chìm ấy không khác hơn là chủ trương của thành phố Hải Phòng mà ai đó đang cố tìm cách ém nhẹm trách nhiệm của họ.
Cuộc đấu tranh chống trưng thu ruộng đất đã bước vào thời điểm của những hành động phải trả giá bằng lao lý, thay cho những ngôn từ kiến nghị dường như chẳng có giá trị nào trên bàn cân công lý như trước đây. Sẽ không có một sự thỏa mãn nửa vời nào, được ấp ủ bằng thái độ phủ dụ đầy tính mị dân, mà có thể mang lại kết quả bình yên cho người dân bị mất đất.
Thậm chí là một nghịch lý thật quá ngược ngạo: người ta chỉ có thể tìm thấy bình yên ngay trong cơn dầu sôi lửa cháy, như truyền thống đấu tranh của giai cấp nông dân và tầng lớp bình dân Việt qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Những gì mà Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành thể hiện cho đến nay đã được xác quyết là thiếu hẳn sức thuyết phục. Phải chăng đó là nguyên cớ để Thành ủy Hải Phòng đã hai lần báo cáo thiếu thỏa đáng cho Thủ tướng? Phải chăng đó cũng là chất xúc tác thúc đẩy cho “kẻ xấu” phá trụi túp lều vốn đã rách nát của gia đình người nông dân vào chiều 17/2?
Lạc quan đã le lói ánh sáng từ bóng đêm bi kịch. Nhưng sẽ chẳng thể có được một ráng hồng lạc quan trọn vẹn nếu bi kịch không được xử lý trọn vẹn. Bài học tận cùng của mọi vấn đề oan sai chính là con người lãnh đạo. Bi kịch sẽ còn tiếp diễn và tái diễn chừng nào cái gốc của nó chưa bị nhổ.
Nếu vấn đề nhân sự ở huyện Tiên Lãng chỉ mới là phần nổi của tảng băng, thì để không xảy ra những Tiên Lãng khác, lại thật cần thiết cho Đảng và Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân của những người đứng phía sau chủ trương thu hồi và cưỡng chế đất trái pháp luật tại Tiên Lãng.
Đã chẳng phải vô cớ mà sau ngày 17/2 vừa qua, những cán bộ lão thành cách mạng của Hải Phòng đã chính thức làm đơn đề nghị cách chức bí thư thành ủy của thành phố này.
V. L. Q.
Nguồn: tamnhin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét