Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Câu chuyện ruộng đất


Năm 1993, trong lúc đang cao trào đổi mới, chính quyền Hà Nội đã cho ban hành Luật Ðất Ðai với một nguyên tắc, “Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho… thuê đất.” Luật này được sửa đổi lại nhiều lần và lần cuối là năm 2003.

Trên nguyên tắc người “sử dụng đất” không phải là chủ nhân, đất được giao (tức là trao quyền sử dụng bằng quyết định hành chánh) hay thuê (tức là trao quyền sử dụng bằng hợp đồng), và do đó có thể bị thu hồi, và việc thu hồi này chính là vì “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.” Và đó chính là một trong những vấn đề căn bản dẫn đến những vụ “cưỡng chế” bởi “thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chánh để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao.” Tuy trong luật có nói mơ hồ đến “bồi thường” thì “Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất.”

Vấn đề thêm phức tạp khi được giải thích bởi các văn bản dưới luật nhằm thi hành luật này. Và đến khi thi hành thì mọi sự trở thành là một mớ bòng bong.

Như nhận định của Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Vũ Trọng Khải và Nguyễn Minh Nhị trong tờ Người Lao Ðộng, đã có những sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng đất. Hai vị đã đặt câu hỏi: “Tại sao đất đai cho nhà đầu tư thuê để xây dựng khu công nghiệp hay sân golf, đến khi Nhà nước cần để xây dựng đường sá thì phải thương lượng mua lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư theo giá thị trường, còn đối với nông dân thì lại ‘thu hồi đất nông nghiệp’ của họ và áp đặt ‘giá đền bù’ sát giá thị trường mà không phải là mua theo giá thị trường?”


Hơn thế, điều phi lý hơn nữa là trong số lượng đất đai được quyền sử dụng. Hai vị giáo sư viết, “Luật pháp không được phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân và tổ chức) trong cùng một hành vi. Cùng sử dụng đất nông nghiệp nhưng tại sao hộ nông dân bị hạn điền khi giao đất và khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn tổ chức thì không? Các doanh nghiệp chỉ cần lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu xét thấy khả thi, Nhà nước có thể cho họ thuê, giao quyền sử dụng đất với diện tích hàng ngàn hecta. Một cặp vợ chồng được tính là 1 hộ gia đình thì chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất tối đa 2 ha ở đồng bằng sông Hồng nhưng nếu họ lập công ty trách nhiệm hữu hạn thì không bị hạn điền 2 ha mà có thể có cả trăm, cả ngàn hecta trong trường hợp dự án đầu tư của họ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Và chính sách “hạn điền” còn áp dụng cả với thời gian. Câu hỏi nữa được đặt ra là, “Năm 2013, thời hạn 20 năm có ‘quyền sử dụng đất’ của đại đa số nông dân sẽ hết. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu không sửa ‘thời hạn’ và cả ‘hạn điền’?”

Nhưng dầu sao chăng nữa, phải nói trong giai đoạn đầu, đạo luật này đã giúp “giải phóng” sức lao động của nông dân Việt Nam. Chính nhờ đạo luật cho phép nông dân được “quyền sử dụng” một thời gian dài, không còn bị ép buộc trong khuôn khổ hợp tác xã nông nghiệp nên họ đã bung ra làm ăn và đưa Việt Nam từ một quốc gia đang phải nhận viện trợ về thực phẩm, ăn độn vào những năm của các thập niên 1970 và 1980, trở thành quốc gia xuất cảng gạo.

Trong 15 năm kể từ 1993, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi. Ðến năm 2008 Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất cảng hàng đầu về gạo, cà phê, hột điều, hạt tiêu cũng như trong việc nuôi thủy sản, tôm và cá.

Và ở một khía cạnh nào đó, người nông dân đã lầm tưởng là quyền sử dụng đất, nay vốn được quyền chuyển nhượng, di truyền lại cho con cái, đã biến mảnh đất họ canh tác thành tài sản của họ. Nông dân, như chính Marx và Engels đã nhận xét, chỉ muốn làm chủ mảnh đất của mình. Mà quả thật đó chính là điều khiến họ là nông dân. Ðối với họ ruộng vườn, mảnh đất canh tác là tất cả, là nguồn sống hiện tại và tương lai. Và khi được “giao” cho khoảng đất trong vòng 20 năm, nông dân đã giả định là rồi thì “quyền sử dụng” của họ sẽ được tái tục.

Trong hoàn cảnh đó, đột nhiên bị tước đi mất đất đai thì người nông dân, dầu là một người nông dân ít học hay một ông kỹ sư canh nông trở thành nông dân như ông Ðoàn Văn Vươn, cũng đồng có một phản ứng, họ sẽ chống trả đến kỳ cùng để bảo vệ mảnh đất của họ. Ở Trung Quốc, làng Ô Khảm đã có lúc tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc cũng chỉ là phản ứng của nông dân.

Mà nếu xét những con số khổng lồ nông dân bị tước đoạt tài sản thì vấn đề nổi loạn, nổi dậy sớm muộn rồi cũng xảy ra. Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp Việt Nam, từ năm 2001 đến năm 2006, có 376,000 ha ruộng lúa bị “thu hồi,” làm cho trên một triệu nông dân mất kế sinh nhai.

Nhưng cũng phải nói là vấn đề ruộng đất còn có một khía cạnh nữa, khía cạnh thuế vụ của chế độ. Chính quyền Hà Nội là một trong những chính quyền hãn hữu trên thế giới này không đánh thuế đất. Hẳn là vì nó nằm trong cái logic đã là vì không phải là sở hữu chủ của đất đai nên những người được giao hay cho thuê không trả thuế đất. Nhưng khổ một nỗi ở tất cả các nơi trên thế giới này thuế đất chính là thuế để nuôi chính quyền địa phương.

Chúng ta cứ thử nghĩ xem, nếu thuế đất không có thì county nơi chúng ta đang ở lấy đâu tiền để thuê người đổ rác, để sửa đường, để cung cấp những dịch vụ mà một cộng đồng đòi hỏi. Chính quyền Hà Nội khi từ chối không cho chính quyền địa phương quyền đánh thuế đất đai đã làm cho họ không có nguồn tài chánh tự túc và không có cả tiền để trả lương cho mình.

Trong khi đó mọi thứ thuế khác chính quyền địa phương thâu được đều phải nộp về cho chính quyền trung ương. Ông Võ Trần Trí, hồi còn làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn, đã có lần than thở với dân chúng trong một cuộc gặp gỡ với dân là, “Trung ương lấy hết tiền rồi. Thành phố không có tiền. Trung ương chi viện nhưng không đủ thành ra đường thành phố ổ gà, cống rãnh hư hỏng không có tiền sửa chữa.”

Ðể đối phó với hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương đã lợi dụng quyền duy nhất nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép họ, đó là quyền tịch thu đất đai để bán đi kiếm tiền. Dĩ nhiên quyền đó sẽ bị lạm dụng. Viên chức huyện được quyền tịch thu đất để đem bán chi cho công việc của huyện sẽ khó dừng lòng khi tịch thu đất để bán lấy lợi riêng cho bản thân.

Một luật lệ thiếu suy nghĩ đã dẫn đến một nguồn tham nhũng vô tận và một nguyên nhân thường xuyên tạo bất ổn mà một vụ Tiên Lãng chỉ là mẩu trên cùng của một tảng đá ngầm khổng lồ.

Không có nhận xét nào: