Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Có Dân chủ sẽ tôn trọng Chức trách

Nhiều khi lái xe vào xa lộ chúng ta thấy một tấm bảng bên lề đường viết chữ lớn: “Xa lộ này sẽ sửa chữ từ ngày … đến ngày … Xin lỗi sẽ làm phiền quý vị.” Người ta báo trước độ vài ba tháng trước khi công việc sửa đường bắt đầu. Có khi đang đi bộ thì thấy lề đường bị chặn lại, với một tấm bảng viết: “Cao ốc đang sửa. Nguy hiểm. Xin dùng lề đường bên kia.”
Người ngoại quốc đi qua các tấm bảng đó nếu tò mò sẽ hỏi: Sao mà lại tử tế thế nhỉ? Chắc là mấy nhà thầu xây cất họ làm những tấm bảng này. Nhưng tại sao họ tốt bụng như vậy? Chỉ cần ngăn lề đường không cho ai đi qua là đủ tránh không gây tai nạn nếu gạch ngói rớt xuống đầu bộ hành. Tại sao phải yết thị nhắc nhở người ta để không đi ẩu, tránh cho cả mấy anh hay đi liều? Cũng vậy, khi nào sửa chữa xa lộ thì sẽ báo tin từ xa cho người lái xe biết cũng được, cốt để họ tìm đường khác. Làm gì mà phải cẩn thận báo cho cả làng biết trước hàng ba tháng, nhắc mọi người chuẩn bị sớm hơn? Kết luận: Mấy nhà thầu ở đây thật là cẩn thận! Người ngoại quốc có thể khen: Con người sống ở đây rất tử tế.

Nhưng những hiện tượng trên không phải năm thì mười họa mới diễn ra; mà luôn luôn thấy, ở đâu cũng thấy. Cho nên không thể nghĩ là mấy vị nhà thầu vì tốt bụng tự ý làm ra các tấm bảng thông báo đó. Làm thêm một tấm bảng là tốn tiền. Nhiều người có thể tự nghĩ ra mình phải tử tế với đồng loại, dù phải tiêu thêm tiền. Nhưng khó tin là tất cả mọi người trong một nước đều nghĩ như thế. Vậy thì chỉ có một cách giải thích: Trong hợp đồng xây cất, sửa chữa, các nhà thầu đã cam kết phải viết những tấm bảng đó. Tức là phải có luật lệ bắt họ làm như vậy, không làm sẽ bị phạt, mà tiền phạt cao hơn chi phí dựng các tấm bảng. Luật có thể do thị xã, hay chính quyền cấp cao hơn đặt ra.
Trên đây chỉ kể ra hai thí dụ thôi. Thực ra chúng ta thấy rất nhiều trường hợp người ta phải niêm yết, báo trước cho công chúng biết mà đề phòng tai nạn. Như khi tắm biển, khi trèo núi, hay khi mua đồ chơi, quần áo cho trẻ em. Mua đồ về, gỡ ra khỏi cái bao ni lông, quý vị đọc thấy trên tấm bao viết: “Coi chừng! Không cho trẻ em chơi với cái bao này. Có thể chết ngạt.” Nếu không có luật lệ bảo vệ người tiêu thụ thì các nhà làm bao không ai muốn tốn tiền in thêm mấy hàng chữ đó.
Đến đây thì chúng ta lại phải đặt câu hỏi: Cái gì xui khiến mấy công chức ngồi sau các bàn giấy nhà nước bầy đặt ra các luật lệ nho nhỏ như vậy? Nên nhớ là mỗi lần nhà nước bầy ra thêm một thứ luật là thường chỉ bị chửi; các nhà báo thường chửi to tiếng nhất! Thêm luật bắt người dân phải tuân theo tức là khiến người dân tốn tiền, hoặc tốn thời giờ, hoặc cả hai. Căn bản của chủ trương “Chính phủ nhỏ” là ông nhà nước đừng bầy ra thêm nhiều luật lệ quá! Vì cứ thêm một đạo luật là lại phải tuyển thêm người lo việc thi hành, guồng máy hành chánh càng to phềnh lên. Cho nên quý vị công bộc nếu nghe theo quyền lợi của họ sẽ thích yên thân ngồi cạo giấy chứ “bới ra, thêm rách việc” làm gì!
Như vậy thì tại sao lại có những luật lệ bảo vệ người tiêu thụ; luật để tránh tai nạn hoặc phiền nhiễu cho người đi đường, người lái xe?
Chính là nhờ thể chế dân chủ.
Những thứ luật lệ trên do các đại biểu dân bầu đặt ra, ở cấp hội đồng thành phố hay cấp quốc hội cũng vậy. Những người này nắm quyền Lập Pháp.
Vậy cái gì khiến những đại biểu này lo làm ra những luật lệ bảo vệ người tiêu thụ; để từ các luật đó quý vị công chức sẽ ra lệnh các công ty bán bao plastic phải báo động đừng để trẻ em nghịch chơi vì sợ chết ngạt? Cái gì khiến các nghị viên thành phố phải làm luật bắt các nhà thầu phải báo trước cho người dân coi chừng kẹt đường khi sửa xa lộ? Câu trả lời dễ thấy ngay: Họ muốn được dân bầu! Trong một xã hội dân chủ tự do các đại biểu phải chiếm được lòng tin của người dân bỏ phiếu. Phải lo bảo vệ sự an toàn của người dân. Đến kỳ tái tranh cử, còn đem các thành tích ra khoe. Nếu không làm hết sức mình, sẽ có những ứng cử viên đối lập vạch ra rằng: Trong hai năm qua, ông, bà ấy chẳng làm gì cho dân cả!
Một chế độ dân chủ cần tạo ra hai định chế. Một là tinh thần thượng tôn pháp luật; với những đạo luật giới hạn quyền của những người nắm quyền. Hai là những cơ chế giúp cho người cầm quyền phải làm theo chức trách của mình; cơ chế giản dị là các cuộc bầu cử định kỳ. Điều kiện thứ nhất là để đề phòng sự lạm quyền, mang tính chất tiêu cực. Điều kiện thứ hai có tính chất tích cực; nó khuyến khích các công bộc làm tròn chức trách.
Một bài trước trong mục này đã nói đến đặc tính thứ nhất. Chế độ Dân Chủ không hứa hẹn các điều tốt đẹp nhất; nhưng sẽ giúp bảo đảm không để những cái xấu, cái ác diễn ra mà hậu quả có khi không thể sửa chữa được (Như nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ quá cố đã viết: Có những cái sai không thể sửa được! Một người bị giết rồi thì sửa cách nào?) Đặc tính này có tính cách phòng ngừa, tiêu cực.
Nhưng chế độ dân chủ cũng đem lại những hậu quả tích cực: Nó khuyến khích người ta làm những việc tốt, dù thường dân, người cầm quyền, cho đến các công chức. Cứ bắt buộc phải làm cái tốt theo luật định, dần dần những người có trách nhiệm sẽ tạo được thói quen tốt. Nếu những người có quyền tôn trọng chức trách của họ, thì dân chúng cũng sẽ quen biết lo trách nhiệm của mình. Dần dà mọi người sẽ sống tử tế với nhau hơn.
Khái niệm Chức Trách (accountability) hiện nay không được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận vấn đề xây dựng dân chủ ở nước ta. Cần tìm hiểu và thảo luận nhiều hơn vì đó là một cột trụ để xây dựng dân chủ. Chức trách bao gồm những trách nhiệm (responsibilities) một người phải gánh lấy vì chức vụ hay vì vai trò của mình. Chức trách thường là trách nhiệm đối với mọi người, với cả xã hội chứ không riêng với một nhóm người nào. (Chữ Accountability, từ điển kinh tế ở Hồng Kông dịch là Chức Trách, người Trung Hoa ở lục địa và Đài Loan thì dịch là Kinh Quản Trách Nhiệm. Chúng tôi dùng chữ Chức Trách, nghe gọn và ý nghĩa mạnh hơn).
Một hệ thống kinh tế mà không làm đúng chức trách thì ngay trong đời sống bình thường nó không mang lại hiệu quả, khi gặp biến sẽ gây khủng hoảng. Một số giám đốc ngân hàng không làm đúng chức trách khi đầu tư liều lĩnh, không những làm ngân hàng thua lỗ mà còn gây khủng hoảng tài chánh; như đã xẩy ra năm 2007 ở Mỹ. Một hệ thống chính trị mà không có chức trách rõ ràng thì sinh ra hối mại quyền thế, tham nhũng, thối nát, bao che.
Một hệ thống xã hội mà những người có ảnh hưởng như cha mẹ, thầy giáo, các tu sĩ, giới chuyên nghiệp và các nhà kinh doanh, các nhà báo, nghệ sĩ nổi tiếng, vân vân, không hiểu chức trách của họ thì sẽ mất kỷ cương, phá hủy cả đạo lý. Thí dụ, mỗi giới chuyên gia phải tự đặt ra các quy tắc hành nghề để mỗi người thấy rõ chức trách của mình. Một ông thầy giáo làm bậy thì không những có lỗi với nạn nhân mà còn làm sai chức trách đối với học trò, với cả xã hội. Một hãng thầu để cầu bị sập làm chết người (trước khi cầu làm xong!) thì công ty thầu chịu trách nhiệm hay là ông nhà nước đã cho họ đứng thầu? Một xã hội chức trách không rõ thì những sai lầm sẽ tác hại mãi mãi, khó giữ gìn đạo lý.
Khi biến cố Đoàn Văn Vươn xẩy ra, người ta mất cả tháng trời mới quyết định cất chức mấy người đi cướp mồ hôi nước mắt của một gia đình nông dân. Mà vẫn chưa thấy các thủ phạm bị truy tố! Tại sao lúng túng đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng? Vì không biết lấy luật lệ nào để truy tố, hay vì các phe phái cần thời gian để giàn xếp với nhau? Các “cấp trên” của ông chủ tịch huyện Tiên Lãng là những ai? Họ có trách nhiệm cá nhân hay là do “lỗi hệ thống?” Ai tạo ra cái hệ thống sinh đầy cường hào ác bá như vậy? Ông đại biểu quốc hội vùng này (Nguyễn Tấn Dũng ) làm gì trong suốt thời gian ba bốn năm trời khi âm mưu cướp đoạt được thi hành từng bước một, để đến nỗi sau cùng ông Đoàn Văn Vươn túng thế phải làm liều? Chức trách của một đại biểu quốc hội để đâu? Báo chí trong nước vẫn chỉ gọi đây là một vụ “cưỡng chế,” tại sao không ai gọi thẳng tên là “cướp đoạt?” Chức trách của các nhà báo là gì?
Trong vụ Vinashin vỡ nợ sau khi vay mấy tỷ đô la; có ai hỏi: Chức trách được phân định thế nào? Chính quyền bảo đảm cho một công ty quốc doanh vay nợ tức là đem cả nước ra làm vật thế chấp, từ núi non rừng biển cho tới ruộng đồng cơ xưởng! Công ty vỡ nợ thì cả nước phải trả thay, bằng tiền công do sức lao động của sĩ, nông, công, thương, binh, không từ một ai. Chỉ sau mấy năm sử dụng tiền vay về, Vinashin đã không trả được nợ rồi! Mấy tỷ đồng đô la đã biến mất đi đâu nhanh thế? Cách chức, bỏ tù mấy tay to đầu thì cũng chưa trả lời được những câu hỏi này. Những tay to đầu nhất thì vẫn không ai đụng tới. Tất cả vì toàn thể hệ thống được tạo ra cố ý mơ hồ, không cho ai có chức trách rõ ràng! Ba mươi năm trước Lưu Quang Vũ đã đòi phải phân biệt “Tôi và Chúng Ta!”
Làm sao để đồng bào chúng ta luôn luôn tỉnh thức về chức trách? Mọi người trong xã hội phải có thói quen chỉ đích danh những tổ chức hoặc cá nhân, với những địa vị, chức vụ, và quyền hành mà xã hội trao cho họ, họ phải chịu trách nhiệm về những vấn đề liên can tới các chức vụ, địa vị và quyền hành đó. Muốn người dân tập được thói quen này, xã hội phải sống tự do dân chủ.
Tinh thần tôn trọng chức trách có thể tập được. Phải bắt đầu từ cấp cao nhất. Trên nguyên tắc, đứng cao nhất ở nước Việt Nam bây giờ là “Nhân Dân.” Nhưng Nhân Dân không có quyền gì cả. Đó là vấn đề căn bản. Chỉ khi người dân có quyền tự do tuyển chọn những người chỉ huy công việc của một nước thì lúc đó mới tái lập được tinh thần tôn trọng chức trách. Một quốc gia tự do dân chủ tạo ra được tinh thần tôn trọng chức trách vì dân có quyền lật đổ những người cầm quyền bằng lá phiếu. Nước Miến Điện dám thử đi theo con đường đó, bao giờ đến nước ta?

Không có nhận xét nào: