Pages

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Cuộc tranh cãi phiền phức về đất đai của Việt Nam

Ben Bland/Financial Times
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Giới cai tri cộng sản của Việt Nam, những người chính thức bày tỏ sự tôn kính đến di sản của Lenin trong khi vẫn vui vẻ tiêu thụ các hoa trái của một nền kinh tế tự do hơn nhiều, đã cung cấp được yên ổn và cơm ăn cho người dân của họ.
Tuy nhiên - đất đai - yếu tố thứ ba trong những hứa hẹn nổi tiếng của Lenin vẫn còn là một vấn đề tranh cãi sâu sắc trong một đất nước mà bất bình đẳng xã hội đang gia tăng song hành với thịnh vượng.
Đó là lý do tại sao Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, ánh sáng dẫn đường của bộ ba cầm quyền, đã di chuyển nhanh chóng để vẽ nên đường giới hạn cho các vụ tranh chấp đất đai nổi cộm nhất trong những năm gần đây.
Cuối ngày thứ Sáu, ông Dũng đã công bố kết quả của một cuộc điều tra nhanh chóng bất thường về trường hợp của Đoàn Văn Vươn, người nông dân có gia đình đã xử dụng súng ngắn và các thiết bị mìn cải biến để chiến đấu chống lại 100 công an và các quan chức địa phương đến tịch thu đất đai của mình vào đầu tháng Giêng.

Trường hợp của Vươn nhanh chóng trở thành nổi tiếng vì chính nghĩa, khi nhiều người đã cảm thông cho sự thất vọng của ông với các quan chức địa phương tham lam và sự thiếu sót các phương cách khắc phục pháp luật một cách đúng đắn. Với các tòa án do đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát và pháp luật đất đai không rõ ràng, có rất nhiều cơ hội cho sự lạm dụng của các quan chức trong cấu kết liên minh với các nhà khai thác đất đai.
Dũng tuyên bố chính quyền địa phương thuộc thành phố Hải Phòng của Vươn đã có sai lầm trong cách phân phối và nỗ lực tịch thu đất. Ông cũng chỉ trích các quan chức địa phương về việc phá dỡ nhà của Vươn, một cáo buộc mà trước đây họ đã chối không nhận.
Thủ tướng cho biết những "tình tiết giảm nhẹ" này nên được tính đến khi Vươn và một số thành viên trong gia đình ông phải đối diện với phiên tòa về những cáo buộc tương đương với tội toan giết người.
Dũng đã ra lệnh cho 63 tỉnh thành của Việt Nam phải giải quyết các tranh chấp đất đai công bằng hơn trong tương lai và kêu gọi nhanh chóng cải cách hệ thống pháp luật đất đai không rõ ràng của Việt Nam, để cho phép mọi người được giữ và giao dịch các "quyền sử dụng đất nhưng nhấn mạnh rằng tất cả đất đai vẫn thuộc sở hữu của nhà nước.
Thủ tướng thừa nhận rằng dù pháp luật về đất đai đã được cải thiện kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1980, hàng trăm văn bản liên quan đến đất đai "vẫn còn chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo hoặc mâu thuẫn".
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ suy nghĩ này, bao gồm công ty Tata Steel của Ấn Độ, nhà đầu tư có nhà máy thép nhiều tỷ đô la từng được đề xuất ở trung tâm tỉnh Hà Tĩnh đã bị đình hoãn trong nhiều năm vì một tranh chấp về chi phí giải phóng mặt bằng.
Kinh nghiệm gần đây của Indonesia cho thấy rằng dù cải cách đất đai gây ra các khó khăn chính trị, nhưng vẫn có thể thúc đẩy sự hiểu biết của các nhà đầu tư.
Cuộc ủng hộ đông đảo dành cho sự chống trả bằng bạo lực của Vươn cũng là một lời nhắc nhở nghiêm khắc với nhà cầm quyền Việt Nam rằng vấn đề đất đai, nếu không được giải quyết một cách công bằng, có thể làm suy yếu ổn đinh và thịnh vượng xã hội - một sự đánh đổi đối với chế độ độc đảng.
Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước, trong một cuộc phỏng vấn với các phưong tiện truyền thông nhà nước đã cảnh báo rằng "nếu trường hợp này không được giải quyết một cách nhanh chóng, nghiêm minh, hậu quả sẽ là khôn lường" và "tác động của nó sẽ lan rộng trên toàn quốc".
Tuy nhiên, như các cải cách trên phạm vi rộng mà Việt Nam đang cố gắng trong các lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh, câu hỏi là liệu các nhà lãnh đạo hàng đầu có ý chí chính trị để vượt qua được những thay đổi vốn sẽ đánh đổ chính những lợi quyền bất di bất dịch đã từng giúp mang họ đến quyền lực hay không.
Nguồn: Financial Times

Không có nhận xét nào: