Nguyễn Xuân Nghĩa
Thế giới sẽ đa cực hay đa nan?…
Xin hãy cùng nhìn vào trái địa cầu, cuốn lịch và một số khái niệm kinh tế…
Tết dương lịch 2009, theo lệnh Thủ Tướng Vladimir Putin, Liên Bang Nga phong tỏa ống dẫn khí đốt qua xứ Ukraine. Vụ này xảy ra sau nhiều năm tranh luận về giá khí đốt, thực chất là về lập trường ngoại giao và chính trị của Ukraine, khi ấy ngả dần về Tây phương. Kết quả là 18 nước Âu Châu bị giảm bớt nguồn năng lượng của Nga vận chuyển qua Ukraine. Nên họ gây áp lực, với Ukraine. Một năm sau, nhân vật được coi là thân Nga Viktor Yanukovich, đã thắng ứng cử viên đối lập là Thủ Tướng Yulia Tymoshenko và lên làm tổng thống Ukraine.
Sau đó thì nàng Tymo vào tù…
Hầu hết đều quên hết chuyện này, dư luận Âu Châu cũng vậy. Vì kinh tế và năng lượng mới là vấn đề sinh tử. Cũng vậy, chúng ta có thể quên là ngày Trung Quốc khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, mùng 8 tháng 8 năm 2008, Thủ Tướng Putin đưa quân vào Georgia với lý cớ yểm trợ hai vùng đất ly khai nằm trong lãnh thổ xứ này.
Sau đó, cả Georgia và Ukaine đều bị kéo dần vào quỹ đạo Nga, nói ngược lại, Liên Bang Nga chinh phục lại ảnh hưởng đã mất từ thời Xô Viết. Cuộc cách mạng dân chủ muôn màu từ Ðông Âu qua Trung Âu rồi Trung Á đã bị đẩy lui.
Quyền lực “mềm” là khí đốt hay “cứng” là võ khí đã được Nga sử dụng trước sự lúng túng rồi thỏa hiệp của Âu Châu. Và trước sự bận rộn của Hoa Kỳ… ở nơi khác.
***
Ở nơi khác và nói về kinh tế, một quốc gia có thể mua loại tài nguyên mình thiếu từ một xứ ở bên kia địa cầu với giá cả tạm gọi là thỏa đáng sòng phẳng. Nhưng có một quốc gia lại muốn xứ kia đưa cả nguồn sản xuất tài nguyên đó cho mình, không chỉ là túi gạo mà cả ruộng lúa. Quốc gia đó là Trung Quốc.
Mà loại tài nguyên đó không chỉ là nông sản khoáng sản của một xứ Á Phi chậm tiến. Tài nguyên đó chính là kiến năng kỹ thuật hiện đại, hay tác quyền trong lãnh vực điện tử. Cái xứ mà bị xử ép trong câu chuyện này lại là Hoa Kỳ.
Ðó là khi một doanh nghiệp điện tử như Intel mà muốn làm ăn tại Hoa lục thì phải chia sẻ kiến năng – kiến thức và khả năng – của mình với Trung Quốc. Ðó là chuyện “ăn cắp tác quyền.” Hoặc khi Google muốn vào hoạt động thì phải chấp nhận chế độ kiểm duyệt và thực tế là phải hợp tác với Trung Quốc để chia sẻ kiến thức, kể cả kỹ thuật kiểm duyệt.
Khó kể hết ngần ấy thủ đoạn của hai nước, xin nói chuyện ngày nay: cả Nga và Trung Quốc vừa phủ quyết Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bênh vực chế độ độc tài và hiếu sát của Bashar al-Assad tại Syria. Hai cường quốc đã bao che cho Iran, cản trở Liên Hiệp Quốc và còn mua chuộc từng quốc gia bằng những hợp đồng kinh tế ký kết với các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Xin chào mừng nhân loại vào một thế giới mà thế lực của Hoa Kỳ sẽ bị thu hẹp…
***
Nói về thế lực, chúng ta có hai cách nhìn, âm dương hay cương nhu.
Hoa Kỳ có cái lực giàu và mạnh nhất địa cầu là kinh tế và quân sự. Và cái thế là siêu cường dân chủ có ảnh hưởng. Trên nhiều số báo liên tiếp, mục này nói về sức mạnh “Sơn tiên Thủy long” của Hoa Kỳ trong một viễn ảnh lâu dài, xin miễn nhắc lại ở đây.
Về kinh tế, Mỹ có thị trường tiêu thụ là nguồn sống cho nhiều quốc gia. Sử dụng tích cực thì đó là khả năng viện trợ và phát triển ngoại thương cho kinh tế toàn cầu và các quốc gia thân hữu. Sử dụng tiêu cực theo kiểu âm nhu thì đó là phản ứng bảo hộ mậu dịch hoặc quyết định trừng phạt kinh tế – như đang áp dụng với các nước muốn làm ăn cùng chế độ hung đồ tại Iran.
Về quân sự, Hoa Kỳ có thể can thiệp toàn cầu, kiểm soát hay bảo vệ được mọi nguồn hải lưu trên các đại dương để các nước cùng phát triển kinh tế với quyền tự do giao thương. Sức mạnh ấy cũng có thể là dương cương hay âm nhu, tấn công các đối thủ hoặc bảo vệ các đồng minh nên cũng chi phối an ninh thế giới.
Thật ra, xứ nào cũng có thể dùng sức mạnh của mình theo hai hướng đó.
Vì thế lực Hoa Kỳ, kẻ thù của Mỹ thì gọi đây là một đế quốc về cả kinh tế lẫn quân sự. Nhưng đây là một đế quốc dân chủ, nơi mà một tổng thống có thủ đoạn hắc ám nhất vẫn có thể bị đàn hặc hoặc phải từ chức. Và nơi mà hai năm một lần người dân lại đi bầu những đại diện dân cử có thể làm luật và thi hành, trước sự phán đoán của tòa án, truyền thông và dư luận.
Hoa Kỳ là nơi mà một quyết định như kiểu Putin tại Georgia hay Ukraine hoặc kiểu Bắc Kinh với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được dư luận cứu xét, hoặc bị Quốc Hội bác bỏ. Ðây cũng là quốc gia mà lý luận bảo hộ mậu dịch để trừng phạt hoặc gây khó cho xứ khác về kinh tế lại không nhất thiết được mọi người đồng ý.
Dân Mỹ thường tranh luận về nhiều vấn đề, trong đó, nổi cộm và gần như thuộc về bản năng của họ là làm sao giới hạn quyền lực nhà nước trước quyền tự do của người dân.
Vụ trại tù Guantanamo, việc tấn công Lybia, vai trò của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, từ việc chuộc nợ cho doanh nghiệp phá sản đến khả năng tăng chi hoặc vay mượn của chính quyền liên bang, và có nên can thiệp vào Iran hay chăng, v.v… những vấn đề thời sự ấy đều khiến nước Mỹ rất khó tự tiện hành xử như các chính quyền Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, v.v…
***
Cùng với vụ khủng hoảng chưa dứt tại Âu Châu, những khó khăn kinh tế của Hoa Kỳ khiến có người hoài nghi tư bản chủ nghĩa, phê phán thị trường và dân chủ, và hết coi nhân quyền như một giá trị soi sáng các quyết định kinh tế, quân sự và chính trị. Nhìn từ xa hơn một chút, người ta nói đến tình trạng lão hóa của Âu Châu và sự suy tàn sẽ tới của Hoa Kỳ.
Từ một giác độ ngược, người ta cũng thấy thế lực đang lên của các quốc gia đã áp dụng chế độ kinh tế thị trường một cách chọn lọc, để xây dựng hệ thống doanh nghiệp nhà nước hầu củng cố vai trò của nhà nước. Chẳng những vậy, giữa đám tư bản tư doanh – đang bị phong trào “Chiếm đóng Wall Street” biểu tình phản đối tại Hoa Kỳ – với hệ thống tư bản nhà nước của Trung Quốc và Liên Bang Nga, nhiều người thấy ra ưu thế của mô thức Nga Hoa là hợp lý và có kỷ luật!
Người ta còn phóng chiếu hiện tại vào tương lai để kết luận rằng vì Trung Quốc đã qua mặt Ðức rồi Nhật thì cũng sẽ qua mặt Hoa Kỳ để có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ đã tự chấm dứt kỷ nguyên độc bá của mình, chỉ mở ra từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đến năm 2001 là bị đánh thấu phổi với vụ khủng bố 9-11, rồi phát cuồng mà khai chiến lung tung, đến 2011 là hụt hơi và rơi vào khủng hoảng. Trước sau chỉ có hai chục năm!
Thế giới sau này mới thực sự là “đa cực,” với Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều cường quốc và phải chia sẻ thiên hạ sự cùng các cường quốc khác. Nhìn như vậy, Tổng Thống Bill Clinton là người… có viễn kiến: sau hai nhiệm kỳ tổng thống, ông cho là “Hoa Kỳ đã hoàn tất nhiệm vụ xây dựng một thế giới mà nước Mỹ hết là siêu cường độc bá và sẽ chia sẻ diễn đàn quốc tế với nước khác.”
***
Hai chục năm sau lời tuyên bố của ông Clinton là lúc ta cần nhớ đến chuyện Georgia, Ukraine, Intel, Google, hay sự ngang ngược của Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, Bắc Hàn, v.v…
Trong một thế giới đa cực, khi Hoa Kỳ bị lấp bóng như trong cảnh “gấu ăn trăng,” nhiều cường quốc đang lên sẽ áp dụng chế độ tư bản nhà nước, phổ biến võ khí tàn sát cho các chế độ hiếu chiến, cầm tù đối lập, coi nhân quyền là dép rách, dân chủ là xa xỉ phẩm, báo chí là công cụ. Và sẽ bảo vệ các chế độ hung đồ, nên càng gây thêm nguy cơ xung đột trên thế giới.
Khi ấy, các định chế quốc tế do Hoa Kỳ góp phần xây dựng sau Thế Chiến II, từ Liên Hiệp Quốc trở đi, sẽ xoay trở ra sao?
Chẳng hạn, ai có thể ngăn một cuộc chiến giữa Pakistan và Ấn Ðộ?
Và ai sẽ bảo vệ những giá trị phổ cập của nhân loại như tự do, dân chủ, nhân quyền?
Thà là có một nước Mỹ độc bá với lãnh đạo biết sợ dư luận và vẫn phải xin phiếu người dân!
Nguyễn Xuân Nghĩa
Theo Khai Dan Tri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét