Biểu tình phản đối Hiệp định ACTA tại Rumani, 11/02/2012 |
Trọng Nghĩa
Khoảng 100.000 người tại Đức, hơn 6000 người ở Áo, hàng ngàn người khác ở Cộng hòa Séc, rồi ở Paris, Vilnius, Sofia… Hôm qua, 11/02/2012, bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng trăm ngàn người, chủ yếu là thanh niên, đã hăng hái xuống đường tại rất nhiều nước châu Âu. Họ đồng loạt phản đối một Hiệp định đã được nhiều quốc gia ký kết, nhưng bị cáo buộc là bóp nghẹt quyền tự do trên Internet.
Khẩu hiệu phổ biến nhất được những người biểu tình nêu bật là “Stop ACTA”, tức là « Hãy chặn đứng Hiệp định ACTA » (Anti-Counterfeiting Trade Agreement – Hiệp định Thương mại chống Giả mạo), một thỏa thuận nhắm chống lại việc làm hàng giả, hàng nhái, quay cóp trái phép trên toàn cầu, vừa được khoảng ba chục quốc gia chấp thuận.Văn kiện này là kết quả một tiến trình đàm phán kín đáo giữa Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Mêhicô, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Maroc, và Thụy Sĩ. Sau khi được các nước ngoài châu Âu ký kết vào tháng 10 vừa qua, mới đây, hiệp định ACTA đã được 22 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tán thành vào tháng 01/2012.Mục tiêu của ACTA thoạt nhìn rất cao cả vì nhằm mục đích đấu tranh chống hiện tượng giả mạo sản phẩm, nhằm bảo vệ tác quyền một cách hữu hiệu hơn. Vấn đề là hàng giả được hiểu theo nghĩa rộng, từ thuốc tây và các loại hàng hoá vật chất khác, cho đến những sản phẩm vô hình, việc truy nạp trái phép phim ảnh, âm nhạc trên internet.
Chính khía cạnh internet nói trên đã tập trung nỗi bất bình của giới trẻ, thúc đẩy họ rầm rộ biểu tình để phản đối. Theo những người đả kích Hiệp định này, thì các quy định trong văn kiện quá mơ hồ, mở rộng cửa cho giới sở hữu tác quyền lạm dụng, và giới này không ai khác hơn là các đại gia trong lãnh vực truyền thông, phim ảnh, đĩa nhạc.
Giới trẻ lo ngại là một khi được áp dụng, Hiệp định ACTA sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet kiểm soát chặt chẽ những người sử dụng, đe dọa đến quyền tự do cá nhân của mỗi người. Việc khám xét tìm hàng giả ở biên giới cũng gây tranh cãi, vì nhiều người sợ rằng phạm vi xem xét có thể áp dụng cho nội dung các máy tính xách tay hay máy nghe nhạc MP3…
Điều khiến cho giới thanh niên không chấp nhận là việc thương thảo lại diễn ra một cách âm thầm, các đại gia trong lãnh vực kinh tế, truyền thông thì được quyền góp ý, bảo vệ quan điểm của họ, còn đại đa số người khác thì bị đặt trước tình trạng đã rồi.
Chính cách làm việc phi dân chủ đó đã làm dấy lên phong trào phản đối, cả trên mạng lẫn ngoài đường phố. Một bản kiến nghị trên internet đòi dẹp bỏ ACTA đã thu được 1,75 triệu chữ ký sau vài ngày lưu hành. Và hôm qua là những cuộc biểu tình hầu như tại tất cả các thành phố lớn ở các nước đã chấp thuận Hiệp định này.
Năng động nhất là giới thanh niên Đức. Bất chấp hàn thử biểu dao động từ – 20°C đến 0°, 16.000 người đã xuống đường tại Munich, 10.000 tại Berlin, 5.000 tại Homburg, 4.000 tại Dortmund, 3.000 tại Frankfurt, 3.000 ở Dresden…
Ngoài Đức, thanh niên tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng rất năng nổ trong cuộc đấu tranh chống ACTA. Từ Ba Lan, Bulgari, Cộng hòa Séc, cho đến Rumani, Hungary, Litva, giới trẻ đã động viên nhau xuống đường, để đòi hủy bỏ văn bản mà họ coi là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do.
Phong trào của thanh niên châu Âu đã bước đầu thành công. Thứ sáu 10/02 vừa qua, chính quyền Đức cho biết đã đình hoãn tiến trình phê chuẩn Hiệp định ACTA. Berlin như vậy đã theo chân các thành viên khác như Ba Lan, Séc, Slovakia, và Latvia.
Giới quan sát không loại trừ khả năng là sắp tới đây, sớm nhất là vào tháng Năm, sẽ đến lượt Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác bỏ Hiệp định này.
Theo RFI
Chính khía cạnh internet nói trên đã tập trung nỗi bất bình của giới trẻ, thúc đẩy họ rầm rộ biểu tình để phản đối. Theo những người đả kích Hiệp định này, thì các quy định trong văn kiện quá mơ hồ, mở rộng cửa cho giới sở hữu tác quyền lạm dụng, và giới này không ai khác hơn là các đại gia trong lãnh vực truyền thông, phim ảnh, đĩa nhạc.
Giới trẻ lo ngại là một khi được áp dụng, Hiệp định ACTA sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet kiểm soát chặt chẽ những người sử dụng, đe dọa đến quyền tự do cá nhân của mỗi người. Việc khám xét tìm hàng giả ở biên giới cũng gây tranh cãi, vì nhiều người sợ rằng phạm vi xem xét có thể áp dụng cho nội dung các máy tính xách tay hay máy nghe nhạc MP3…
Điều khiến cho giới thanh niên không chấp nhận là việc thương thảo lại diễn ra một cách âm thầm, các đại gia trong lãnh vực kinh tế, truyền thông thì được quyền góp ý, bảo vệ quan điểm của họ, còn đại đa số người khác thì bị đặt trước tình trạng đã rồi.
Chính cách làm việc phi dân chủ đó đã làm dấy lên phong trào phản đối, cả trên mạng lẫn ngoài đường phố. Một bản kiến nghị trên internet đòi dẹp bỏ ACTA đã thu được 1,75 triệu chữ ký sau vài ngày lưu hành. Và hôm qua là những cuộc biểu tình hầu như tại tất cả các thành phố lớn ở các nước đã chấp thuận Hiệp định này.
Năng động nhất là giới thanh niên Đức. Bất chấp hàn thử biểu dao động từ – 20°C đến 0°, 16.000 người đã xuống đường tại Munich, 10.000 tại Berlin, 5.000 tại Homburg, 4.000 tại Dortmund, 3.000 tại Frankfurt, 3.000 ở Dresden…
Ngoài Đức, thanh niên tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng rất năng nổ trong cuộc đấu tranh chống ACTA. Từ Ba Lan, Bulgari, Cộng hòa Séc, cho đến Rumani, Hungary, Litva, giới trẻ đã động viên nhau xuống đường, để đòi hủy bỏ văn bản mà họ coi là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do.
Phong trào của thanh niên châu Âu đã bước đầu thành công. Thứ sáu 10/02 vừa qua, chính quyền Đức cho biết đã đình hoãn tiến trình phê chuẩn Hiệp định ACTA. Berlin như vậy đã theo chân các thành viên khác như Ba Lan, Séc, Slovakia, và Latvia.
Giới quan sát không loại trừ khả năng là sắp tới đây, sớm nhất là vào tháng Năm, sẽ đến lượt Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác bỏ Hiệp định này.
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét