Pages

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Quan trọng nhất đối với người quản lý là nghĩ cho chín, điều tra kỹ rồi mới quyết định để phù hợp với thực tế, với quyền lợi của người dân. Đặc biệt, nếu thấy sai thì cần điều chỉnh ngay và cũng nên chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đây là quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với Đất Việt về trách nhiệm cá nhân của những người ra quyết định, đặc biệt là quyết định liên quan đến hàng triệu người dân trong xã hội. Ông Thuyết nói:
Trong quy trình làm việc, không nhất thiết việc gì cũng phải lấy ý kiến người dân, nhưng tốt nhất đối với những quyết định có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì cần có điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, khoa học thì mới đưa ra được giải pháp ổn thỏa. Nếu chỉ ngồi trong phòng hội thảo, lý luận với nhau thì chưa chắc có số liệu chính xác để quyết định đúng.

- Thời gian qua, có một số quyết định, chủ trương của cơ quan chức năng gây tranh cãi gay gắt trong dư luận, chẳng hạn như đổi giờ học, giờ làm, cấm hàng loạt điểm giữ xe trong khi chưa bố trí điểm giữ xe mới, thu phí lưu hành phương tiện… Ông bình luận gì về câu chuyện này?
- Tôi được biết, khi tiến hành đổi giờ học, giờ làm, TP.Hà Nội đã triệu tập cán bộ các cấp, thậm chí có đại diện các trường học để bàn. Nhưng nếu các đại biểu đến dự mới bắt đầu suy nghĩ, thảo luận thì chắc gì có được ý kiến thiết thực. Tôi được biết, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết cũng nêu ý kiến nhưng không được tiếp thu. Đặc biệt, nếu cấp dưới nể cấp trên thì khó có biện pháp tốt. Do vậy, trước những quyết định có tính bước ngoặt thì đơn vị quản lý cần điều tra, khảo sát kỹ mới có các phương án tối ưu. Trong trường hợp cần thiết cũng nên trưng cầu ý kiến của người dân xem tỷ lệ người ủng hộ có đông, giải pháp đưa ra có phiền hà cho dân không.
Ở Hà Nội mấy năm gần đây cũng biết nghe dân. Khi có quyết định không đúng, nghe dân phản hồi không đồng tình thì cũng đã thay đổi. Chẳng hạn như việc dừng xây siêu thị tại Chợ 19.12 cũ, rồi dừng xây khách sạn trong công viên Thống Nhất… Tuy nhiên, số lượng những vụ việc được giải quyết như vậy không nhiều. Vừa rồi, TP.Hà Nội cấm hàng trăm điểm giữ xe trong khi chưa tìm được điểm giữ xe mới thì không nên. Nhất là khi một vị lãnh đạo giải thích một cách “ngẫu hứng”: dẹp bớt điểm giữ xe để người dân buộc phải tìm phương tiện khác để đi (!)
- Nhiều ý kiến cho rằng, khi quyết định nào đó được áp dụng nhưng không hiệu quả, thậm chí hây ảnh hưởng đối với đời sống, sinh hoạt của người dân, đến kinh tế xã hội… vấn đề trách nhiệm cá nhân thường bị “lờ” đi. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thường ở nước ta không có quy chế này. Những người đưa ra những quyết định thường giữ vị trí nhất định trong cơ quan quản lý nhà nước. Thông thường là họ thay mặt cơ quan quản lý ra quyết định nên không có ai truy cứu trách nhiệm của họ cả. Còn ở các nước, khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng lớn đến người dân thì có thể chính họ phải chịu trách nhiệm.
- Thưa ông, trong công tác quản lý, điều gì là khó nhất, điều gì là dễ nhất? Dễ nhất phải chăng là “không quản được thì cấm”?
- Theo tôi, câu chuyện quản lý, khó nhất là phải ra được những quyết định đúng đắn trong những trường hợp phức tạp, thời điểm có tính chất bước ngoặt và trong trường hợp đó người ta mới cần đến “cái đầu” của nhà quản lý. Còn nếu mọi việc diễn ra bình thường thì đơn vị quản lý cũng chẳng có việc để làm vì người dân cứ theo quy trình thực hiện. Khi tôi còn công tác ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, anh em vẫn đùa với nhau là Ban giám hiệu thử đi vắng nửa tháng thì chưa chắc trường đã xảy ra chuyện gì vì các phòng ban cứ theo quy trình làm việc, giảng viên đến giờ đi dạy, sinh viên cũng theo lịch học tập, điều hành cụ thể thì các khoa cũng thực hiện được. Nhưng Ban giám hiệu quan trọng ở chỗ là quyết định những công việc khó khăn và quyết định chiến lược của trường. Lúc đó mới thi thố được tài năng của người lãnh đạo.
Do vậy, theo tôi, quan trọng nhất đối với người quản lý là nghĩ cho chín, điều tra kỹ rồi mới đi đến quyết định. Thứ hai, về nguyên tắc, mọi quyết định phải phù hợp phù hợp với thực tế, phù hợp với quyền lợi của người dân chứ không phải chỉ thuận lợi cho nhà quản lý. Thứ ba, nếu sai thì cần điều chỉnh ngay và cũng nên chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Mạnh Đồng (thực hiện)

Không có nhận xét nào: