Pages

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Iran có gục ngã trước “đòn đánh” của phương Tây?

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 1 đã nhất trí thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ cùng với một loạt biện pháp trừng phạt về tài chính đối với Iran. Đây được xem là “đòn đánh” mạnh của phương Tây nhằm vào Iran bởi dầu mỏ là nguồn sống chính của nước CH Hồi giáo.
Chắc chắn, những biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Iran hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trước đó. Nhưng liệu Iran có bị gục ngã trước sự dồn ép quyết liệt này của phương Tây hay không?
Mỹ và Phương Tây từ lâu nay đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt để nhằm ép cho Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, trái với kết quả được mong đợi, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ khiến cho Iran thêm thách thức và thêm quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân.

Trong khi phương Tây đang loay hoay tìm cách đối phó với một nước Iran cứng đầu thì Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi cuối năm ngoái đã tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó ám chỉ Tehran đang tích cực theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tiết lộ này đã khiến các cường quốc phương Tây “mất ăn mất ngủ” vì lo sợ viễn cảnh một đất nước Iran sở hữu vũ khí hủy diệt. Trước tình thế mà họ xem là khẩn cấp này, các nước EU đã quyết định áp dụng một biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay – đó là lệnh cấm vận dầu mỏ. EU hy vọng, với “cú giáng mạnh” này, Tehran sẽ phải khuất phục.
Rõ ràng, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU sẽ gây tổn thất lớn đến nền kinh tế của Iran bởi nền kinh tế nước này phụ thuộc nặng nề vào các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Theo con số được cung cấp bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xuất khẩu dầu mỏ của Iran tăng liên tục từ năm 2000 đến giờ và đây là nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc đối đầu giữa chính phủ Iran với các cường quốc phương Tây.
Iran hiện tại xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. EU chiếm 20% sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran, là thị trường dầu mỏ lớn thứ hai của nước CH Hồi giáo sau Trung Quốc. Với lệnh cấm vận của EU, Iran sẽ mất đi 20% thị trường xuất khẩu của mình.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ chịu theo EU thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế Iran còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Mất một phần nguồn tiền từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ làm suy yếu khả năng đối đầu của chính phủ Iran với phương Tây.
Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng nặng nề gây ra từ lệnh cấm vận dầu mỏ, Iran được tin là sẽ không khuất phục trước các cường quốc Châu Âu. Ngược lại, nhiều nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm vận mới sẽ gây phản tác dụng, làm hại chính bản thân các nước EU.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, những biện pháp trừng phạt dù có thể “đánh mạnh” được vào chính phủ Iran nhưng nó sẽ không giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài này. Đáng lo ngại hơn, các biện pháp trừng phạt sẽ làm tăng sự thù địch giữa Tehran và phương Tây, khiến cho khả năng tìm kiếm một giải pháp trên bàn đàm phán trở nên vô vọng.
Hơn nữa, nạn nhân thực sự của các biện pháp trừng phạt không phải là chính phủ, các quan chức Iran mà lại là dân thường. Sau nhiều năm bị cô lập trên trường quốc tế, người dân Iran đang phải vật lộn với giá cả leo thang và một nền kinh tế trì trệ. Điều đáng lo ngại là càng bị dồn ép, càng bị đè nén, người dân Iran có thể sẽ cảm thấy phẫn nộ, thù ghét phương Tây và đoàn kết với chính phủ để lập thành một mặt trận vững chắc chống lại các cường quốc.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, mặc dù các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra đủ các “chiêu trò”, các biện pháp trừng phạt, những cảnh báo và đe dọa “đao to búa lớn” nhưng Tehran dường như không hề lay chuyển. Không những thế, họ còn có thêm quyết tâm, ý chí để theo đuổi chương trình hạt nhân. Giới lãnh đạo Iran liên tục thông báo những thành tựu hạt nhân mới đồng thời quay sang chỉ trích, cảnh báo phương Tây.
Không những không có hiệu quả trong việc buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU còn gây phản tác dụng khi làm tăng giá cả dầu thô. Iran là một trong 5 nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Sự đối đầu giữa Iran với phương Tây sẽ khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu lo ngại về nguồn cung bị hạn chế. Sự lo ngại này sẽ làm giá cả dầu mỏ leo thang, từ đó làm tăng lạm phát toàn cầu. Đây sẽ là một cú giáng mạnh vào sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng trầm trọng thời gian qua. Kết quả là cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều phải chịu hậu quả từ giá dầu mỏ cao và lạm phát tăng.
Ngoài ra, việc EU từ chối nhấp khẩu dầu mỏ của Iran sẽ khiến các nước trong liên minh này chịu thua thiệt trước các đối tác khác. Trong khi EU phải chấp nhận mua dầu mỏ với giá cao từ tác động của lệnh cấm vận thì những nước như Trung Quốc, Ấn Độ... có thể sẽ được mua dầu mỏ của Iran với giá ưu đãi.
Tất nhiên, đối với Iran, việc đối đầu với các cường quốc cũng không đem lại lợi ích gì cho họ.
Với tất cả những lý do trên, cách khôn ngoan nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chính là trên bàn đàm phán. Các bên liên quan nên kiềm chế, tránh gây ra các hành động khiêu khích để tìm cách nối lại những cuộc đàm phán song phương. Phương Tây và Mỹ nên từ bỏ cách tiếp cận bằng quân sự và những biện pháp trừng phạt trong khi Tehrran nên có thêm nhiều biện pháp khác để thuyết phục cộng đồng quốc tế về mục tiêu dân sự trong chương trình hạt nhân của nước này.
Kiệt Linh

Không có nhận xét nào: