Pages

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Lại phải nói về quan trí Việt Nam

Gugồ chấm Tiên Lãng (www.google.tienlang)
Suốt trong thời gian qua, khi vụ Tiên Lãng nổ ra trong lòng xã hội Việt Nam như một tiếng bom và dư chấn của nó cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, người dân lại có dịp được “thưởng lãm” chân dung các quan chức VN-ở đây là quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng-được phơi bày rõ mồn một trên báo chí, từ báo nhà nước cho đến báo hải ngoại, các diễn đàn độc lập, trang blog cá nhân…Qua những lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử, việc làm… những con người đang ngồi trên ghế lãnh đạo một huyện, một thành phố đã bộc lộ đầy đủ năng lực, trình độ, tư duy, cái tâm cái tầm…của họ. Tiếc rằng những chân dung đó quá tệ hại-cả đức lẫn tài khiến người dân phải lắc đầu ngao ngán.
Thật ra, đây chẳng phải lần đầu tiên người dân VN được nghe/ thấy những lời nói, hành vi bộc lộ cái quan trí quá thấp của các quan chức từ cấp huyện, xã cho đến cấp cao nhất, cỡ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư đảng. Trong lúc Tổng Bí thư như ông Nông Đức Mạnh, trong mọi cuộc họp lúc nào cũng chỉ thấy cầm giấy viết sẵn nhai đi nhai lại những luận điệu cũ rích, xơ cứng, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại bộc lộ tư duy lòng vòng không ai hiểu ông định nói gì như trong câu sau:

“Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa …”
Chủ tịch nước như ông Nguyễn Minh Triết thì có cung cách ăn nói bình dân đến mức dân dã, với không ít phát ngôn nằm trong danh sách những câu nói ấn tượng nhất trong năm! Nhiều người dân vẫn nhớ những lời vàng ngọc của ông Chủ tịch, ví dụ như trong chuyến thăm Cuba năm 2009:
“Có người ví von, Việt Nam Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”
Khi phát biểu trước kiều bào 2009, nói về vị thế ngoại giao của Việt Nam thì:
“Tôi hoan nghênh ông Obama. Ông ấy tuyên bố đóng cửa nhà tù Guantanamo mà. Nhưng mà tôi nói rằng “Ông Obama ơi, vấn đề này là khó lắm đó. Tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này. Tôi nói mà tôi nhìn Obama mà tôi thấy ông ấy cũng chăm chú lắm đó, lắng nghe lắm. Như thế là mình vừa động viên ông Obama nhưng mình vừa phân hóa cái nội bộ của ổng…Như vậy đó tôi muốn nói với các đồng chí và quí vị rằng cái vai trò, cái vị thế của mình bây giờ cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng cũng đúng mức, đàng hoàng. “
Nói về đoàn kết toàn dân tộc:
“Chúng ta là con một nhà, là con Lạc cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra. Trên thế giới này ít có nơi nào có cái đó lắm á.”
(Theo wikipedia tiếng Việt).
Bàn về quy luật tham nhũng:
“… Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có những cái kinh nghiệm trong quản lý, và ở nước người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt nam của mình, thì có khi không muốn tham cũng động lòng tham, cái người thủ quĩ cứ giữ tiền khư khư,ở quĩ lúc nào cũng có số dư, cho nên lúc bí quá thì em mượn một chút, mượn không thấy ai đòi hết,thì em mượn thêm. Chứ không phải người Việt nam tham nhũng nhứt thế giới, không phải vậy!”
( Phát biểu tại “Đại hội Kiều bào ở nước ngoài lần thứ nhất” do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ 21.11.2009 đến 23.11.2009)
Còn Thủ tướng như ông Nguyễn Tấn Dũng lại có những phát ngôn gây choáng kiểu khác. Khi mới nhậm chức ông Dũng hùng hồn tuyên bố:
“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.”
Hết một nhiệm kỳ 5 năm của ông Nguyễn Tấn Dũng, tham nhũng phát triển tràn lan trong xã hội, với mức độ ngày càng nặng nề hơn, trơn trẽn hơn, không ai thấy ông Dũng từ chức, trái lại ông còn ngồi tiếp thêm một nhiệm kỳ nữa!
Ông Dũng khoe về công tác nhân sự:
“Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng – có lẽ làm thủ tướng lâu nhất – có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng.”
Nhưng đáng nói nhất có lẽ là câu ông Thủ tướng trả lời về trách nhiệm với vụ Vinashin trong buổi thảo luận đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN tháng 12.2011 ở Hà Nội:
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”!
Còn đây là ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
“Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí ?” (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12.06.2010)
“Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp.” (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12.06.2010)
Rất lạc quan:
“Hiện GDP của Việt Nam là 106 tỉ USD, năm 2020 sẽ gần 300 tỉ, năm 2030 sẽ là 700 tỉ và năm 2040 sẽ là 1.000 tỉ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200, đến năm 2040 sẽ đạt 20.000 USD”. (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12.06.2010)
Lạc quan ngay cả khi vụ phá sản Vinashin đã là hiện thực:
“Tôi thì vẫn chưa lo”. Ngày 8.6.2010, Ông nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội.
(Theo Wikipedia tiếng Việt)
Các ông trong “tứ trụ triều đình” đã thế, những nhân vật khác cũng không hề kém cạnh trong việc “hồn nhiên vô tư” khoe cái dốt, sự ấu trĩ của họ.
Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rất tự tin khi đã là năm 2011 mà bà còn dám phát biểu:
“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, … khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Cũng một kiểu tự tin trên đời không biết có ai đó là ông Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công An:
“…hãy nhìn ra nước ngoài để thấy rõ hơn những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong lĩnh vực Nhân quyền.”
Còn đây là các vị Thứ trưởng, Bộ trưởng với những phát biểu cực kỳ vô cảm, vô trách nhiệm kiểu như ông Bộ trưởng Giáo dục & đào tạo Phạm Vũ Luận khi thản nhiên trả lời báo chí về việc hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011:
“Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại… Việc có hàng ngàn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học- cao đẳng vừa qua là vấn đề bình thường”
Bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi dịch tay chân miệng đã bùng phát ở hàng chục tỉnh thành, VN đã ghi nhận được “78.000 ca bệnh, trong đó 137 trường hợp tử vong.” Bà Bộ trưởng vẫn bình tĩnh cho rằng:
“Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam khá thấp, khoảng 3%, trong khi các nước xung quanh 10-30%”, và: “Một số nước trong khu vực số ca mắc tay chân miệng, số tử vong cũng tăng vọt nhưng đã có nước nào công bố dịch đâu mà chúng ta công bố”(VNExpress ngày 26.10.2011)
Các đại biểu quốc hội VN do có truyền hình trực tiếp các buổi hội thảo, tranh luận của Quốc hội nên người dân càng có dịp được nghe những câu phát ngôn để đời của họ.
Quốc Hội khóa XII, có ông Nghị Trần Tiến Cảnh, đại biểu tỉnh Hà Nam, rất hùng hồn khi bênh vực dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam:
“Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây.”
Ðại biểu tỉnh Ðắk Nông Lương Phan Cừ thì ví von:
“Miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức.”
Quốc hội khóa XIII cũng đã kịp có một số đại biểu có những phát ngôn “nổi tiếng” không kém gì khóa trước.
Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền, viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Ðồng khiến cả nước giật mình trong bài phát biểu tại phiên thảo luận ngày 5 tháng 8, 201:
“Làm sao để nhiệm kỳ này cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa…” Hoặc “quần đảo Trường Sa bây giờ do Trung Quốc chiếm cho nên chúng ta cũng phải kiên quyết chỗ này…”
Ðại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP.HCM) bàn về… lạm phát:
“Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2000, xuống nữa có khi rẻ hơn… Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất.”
Ông Nghị Nguyễn Minh Hồng, bác sĩ kiêm nhà văn, đại biểu tỉnh Nghệ An đề xuất phải có Luật Nhà Văn. Hùng hồn đến mức:
“Nếu phải lựa chọn giữa Luật Biểu Tình và Luật Nhà Văn, tôi vẫn chọn Luật Nhà Văn.”
Ðến khi bị báo chí chất vấn, dư luận phản bác, thì ông Hồng lại phát biểu: “Luật Nhà Văn không phải là sáng kiến của tôi” (mà của các nhà văn trong hội nghị toàn quốc của Hội Nhà Văn, theo lời ông). “Vì thế, tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà Văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra.”
Đình đám hơn cả, là ông Nghị Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) với bài phát biểu về Luật Biểu Tình.
Ông Phước lập luận:
“Biểu tình là để chống lại chính phủ….Biểu tình gây ra nạn tắc đường “xâm hại quyền tự do đi lại của người dân…”, “Biểu tình là ô danh… Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh”.
Và ông Phước thẳng thừng đòi bỏ hai luật này ra khỏi chương trình nghị sự suốt nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XIII. May mà ông Phước chỉ mới là… ông nghị, nếu quyền to hơn nữa, cỡ thủ tướng, thì nhân dân còn khốn khổ khốn nạn đến chừng nào!
Trên trang blog cá nhân, ông nghị này tự xưng là Lăng Tần Hoàng Hữu Phước.Với các bài viết nói về mình khi tự ứng cử, về Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Ðịnh, “Tôi và Tổng Thống Sadam Hussein,” hay luận bàn về thế giới thời kỳ hậu Gaddafi “Hoàng Hữu Phước luận về The Post-Gaddafi Era.”…Càng đọc càng thấy nhân vật này vừa cực kỳ phản động, vừa mắc chứng hoang tưởng, đầu óc không bình thường!
Trong bối cảnh chung về quan trí VN như vậy thì việc các quan chức thành phố Hải Phòng hay huyện Tiên Lãng có những phát ngôn trịch thượng, ngồi xổm lên luật pháp, coi nhân dân như trẻ nít, nói lấy được, cãi chầy cãi cối…chả có gì ngạc nhiên. Hàng loạt chân dung những nhân vật bất tài, nói theo ông Chủ tịch Trương Tấn Sang là “cả một bầy sâu” lộ ra qua vụ Tiên Lãng. Từ ông Lê Văn Hiền- Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Lê Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, Đỗ Trung Thoại-Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu Ca-Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Nguyễn Văn Thành, Bí thư thành ủy Hải Phòng…
Trong đó giải nhất về tội đổ thừa cho nhân dân sẽ được trao cho ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng với câu: “Các đồng chí ở huyện báo cáo do người dân bất bình nên vào phá ngôi nhà này chứ không phải chính quyền” . Đồng giải nhất cãi chày cãi cối, nhằm chạy tội cho hành động cưỡng chế trái pháp luật trái đạo lý của chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ được trao cho hai ông Ngô Ngọc Khánh, CVP UBND huyện Tiên Lãng và ông đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP. Hải Phòng. Ông Ngô Ngọc Khánh với câu nói phủi tay “hoa lợi trong đầm không có cái gì”, “trước khi thu hồi có thông báo cho chủ đầm thu hoạch hoa lợi”.
Tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý), toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống trong đầm đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.( Vietnamnet ngày 3.2.2012).
Ông Đỗ Hữu Ca thì cố tình hạ thấp hậu quả việc lực lượng cưỡng chế đánh sập căn nhà xây 2 tầng của gia đình ông Vươn khi cho rằng:
“Ngôi nhà của ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá, lại nằm trong khu vực bị cưỡng chế, nên việc phá hay không phá không thành vấn đề.” ( Vietnamnet ngày 3.2.2012).
Còn giải nhất về sự dốt nát không thể tin nổi sẽ thuộc về ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư thành ủy Hải Phòng khi phát biểu trước 500 cán bộ hưu trí trung, cao cấp tại Câu lạc bộ Bạch Đằng, Hải Phòng ngày 17.2:
“…lập tức các bài báo liên tục xuất hiện, phải thế nọ phải thế kia, phải phải liên tục, phải cho đến ngày hôm qua là 1300, 1400 bài báo và hơn 5 triệu lượt người vào mạng Gugồ chấm Tiên Lãng“!
Và còn nhiều, rất nhiều nữa…kể ra không xiết.
Người dân chỉ cỏn biết ngửa mặt lên trời than: sao họ dốt nát đến thế. Dốt nát một cách hết sức tự tin. Bởi vì nghĩ rằng nhân dân còn dốt hơn, nhân dân chả là cái đinh gì nên mới dám tự tin khoe dốt đến vậy. Mà họ đều là những người có bằng cấp đầy mình hết cả. Ngay ông Nguyễn Văn Thành nói trên là tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, cử nhân Anh. Hay bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là Giáo sư, Tiến sĩ. Ở VN muốn làm quan tệ nhất cũng phải có một hai cái bằng vắt vai, phổ biến là Cử nhân luật, Cử nhân chính trị, bằng B Anh văn…Nhìn vào lý lịch các quan chức VN thì người nào cũng bằng cấp kêu xủng xoẻng như chuông. Tiến sĩ, Giáo sư cả rổ. Nếu so sánh với nhiều nước khác có lẽ các quan VN có bằng cấp cao hơn nhiều. Nhưng vẫn dốt!
Không chỉ dốt, phần lớn quan chức VN còn tham lam, vô cảm, vô trách nhiệm, coi khinh luật pháp, coi khinh nhân dân như rác.
Đã giành độc quyền lãnh đạo đất nước này từ 37 năm nay mà họ vẫn không thể xây dựng được đội ngũ quan chức cán bộ của mình từ trên xuống dưới cho tử tế, lựa những con người có học có tài thật sự là bởi cái cơ chế độc tài, không có sự bầu chọn công khai minh bạch, toàn chạy chọt dàn xếp chia ghế với nhau mà ra, quan chức thì không chịu học hành cho đàng hoàng, cứ bỏ tiền ra mua bằng cho khỏe, thời buổi bây giờ có tiền mua gì mà chả được. Hậu quả là cứ mỗi khi họ mở miệng thì người dân chỉ có phát khóc, còn những gì họ làm thì chỉ toàn phá hoại! Không có gì lạ khi đất nước này ngày càng lùi nhanh lùi mạnh về mọi mặt so với các nước láng giềng trong khu vực chứ chưa nói gì đến thế giới!
Song Chi
27-02-2012

Không có nhận xét nào: