Pages

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Việt Nam tuần qua


Photo: RFA
Nhạc sĩ Trúc Hồ nói chuyện với Đài ACTD
hôm 24/2/2012
RFA

Nhân quyền tại Việt Nam một lần nữa đánh động dư luận và chính giới Hoa Kỳ. 
Nhà trắng gặp gỡ người Việt
Giữa muôn trùng những lịch trình đầy bận rộn trước những biến động của tình hình thế giới cũng như nhiều vấn đề nội bộ nước Mỹ, Tòa Bạch Ốc cũng dành thời gian để tiếp đón đại diện cộng đồng người Việt, lắng nghe những trình bày về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam.


Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là lần đầu tiên Cộng đồng người Việt Nam định cư ở Mỹ thành công trong việc vận dụng một công cụ vận động mới để thu hút sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ.
Nhạy bén trong việc sử dụng công cụ internet, đài truyền hình SBTN và Tổ chức cứu người vượt biển Boat People SOS đã khởi xướng chiến dịch thu thập chữ ký của người Việt khắp nơi qua một thỉnh nguyện thư về nhân quyền Việt Nam, đăng tải trên trang web của Tòa Bạch Ốc, với nội dung kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà tranh đấu dân chủ đang bị giam cầm hoặc quản chế như Nhạc sĩ Việt Khang, blogger Điếu Cày, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, vân. vân…
Điều thú vị là chiến dịch vận động đã nhanh chóng được cộng đồng Việt Nam khắp nơi hưởng ứng mạnh mẽ.
Theo qui định của chính phủ Mỹ, những thỉnh nguyện thư nào được trên 25,000 chữ ký trong phạm vi một tháng, thì sẽ được Nhà Trắng phúc đáp. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 2 tuần phát động, thỉnh nguyện thư nhân quyền Việt Nam đã nhận được hơn 60,000 người ký tên ủng hộ.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Boat People SOS, 1 trong những chủ xướng chương trình này cho biết:
"Chiến dịch này vận dụng một phương tiện mới do Tòa Bạch Ốc đưa ra, đó là ký trực tuyến, tức vào trang mạng của Tòa Bạch Ốc để ủng hộ thỉnh nguyện thư. Thỉnh nguyện thư này do nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng và cho tới ngày hôm nay đã có trên 60, 000 chữ ký. Đó là một kỷ lục, và vì kỷ lục đó mà phía Tòa Bạch Ốc đã quan tâm và đồng ý tiếp đón một phái đoàn hùng hậu của người Việt đến từ 5 tiểu bang."
Và tất nhiên, với con số hàng chục ngàn người đồng ký tên kêu gọi chính phủ Mỹ quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, Nhà Trắng đã nhanh chóng hồi đáp và cho biết sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với đại diện Cộng đồng người Mỹ gốc Việt vào ngày 5 tháng 3 tới đây để lắng nghe những trình bày về hiện trạng nhân quyền, tôn giáo và tự do dân chủ tại Việt Nam.
Là người đứng đầu cuộc vận động, Nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám đốc đài truyền hình SBTN không khỏi vui mừng trước những thành quả bước đầu này. Nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do, Trúc Hồ bày tỏ:
"Đây là một chiến dịch chứng tỏ sự đoàn kết của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Chúng ta hãy kêu gọi những người chưa ký hãy ký vào, bởi vì nếu chúng ta có trên 200, 000 chữ ký thì chúng ta sẽ tạo được một sức mạnh để đấu tranh với bên hành pháp cũng như lập pháp Hoa Kỳ, để người dân Việt Nam chúng ta ở trong nước có được quyền căn bản làm người."
Cũng lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, cả Nhạc sĩ Trúc Hồ và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, đều khẳng định là những thành quả thu được sẽ là một khích lệ lớn để người Mỹ gốc Việt tiếp nối công cuộc vận động cho nhân quyền Việt Nam. Cụ thể, ngay sau cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc, ngày hôm sau phái đoàn đại diện cho Cộng đồng Việt Nam sẽ trực tiếp nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam với các nhà lập pháp Hoa Kỳ:
"Có vài trăm người Việt từ các nơi đổ dồn về Hoa Thịnh Đốn để vào Tòa Bạch Ốc. Nhân đó, chúng ta sẽ làm một cuộc tổng vận động ở Quốc Hội. Sẽ gõ cửa mấy trăm vị Dân biểu và Thượng nghị sĩ để trình bày về tình trạng nhân quyền tại Việt nam hiện nay.
Nhân quyền tại Việt Nam hiện nay hết sức tệ hại. Việt Nam bây giờ đứng hạng chót về nhân quyền ở toàn vùng Đông Nam Á, sau khi Miến Điện có một vài thay đổi."

Cảm nghĩ người dân trong nước



Video: Ý kiến của các nhà tranh đấu tại VN 3

Đón nhận tin này, các nhà tranh đấu dân chủ trong nước, những trường hợp sẽ được Cộng đồng người Việt nêu lên trong cuộc gặp gỡ với giới chức Tòa Bạch Ốc nghĩ gì? Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cảm nghĩ của một số nhà tranh đấu tại Việt Nam về sự kiện này:
Blogger Người Buôn Gió, từ Hà Nội: "Tôi cho rằng đó là sự đánh giá rất là cao của Hoa Kỳ đối với cộng đồng người Việt. Chúng tỏ cộng đồng người Việt hải ngoại có tiếng nói có trọng lượng với chính phủ Hoa Kỳ."
Blogger Huỳnh Trọng Hiếu, từ Quảng Nam: "Cuộc vận động này buộc Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho cá nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam. Đây là một thành công ngòai mong đợi."
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, từ Hà Nội: "Đây là một điều phải nói là làm cho anh chị em đấu tranh dan chủ trong nước và đồng bào quốc nội hết sức hết sức phấn chấn và vui mừng."
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, từ TPHCM: "Từ trong nước tôi được biết tin là lần đầu tiên có một cuộc vận động lớn lao. Chúng tôi ở trong nước là những người tranh đấu rất mừng."
Linh mục Phan Văn Lợi, từ Huế: "Đây là một sự kiện chưa từng có, chứng tỏ sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với tiếng nói của người Việt của chúng ta đang sinh sống tại Hợp Chủng Quốc."
Nhân Quyền cho người Việt Nam, một vấn đề luôn là thời sự, một cuộc tranh đấu vì lương tâm, một cuộc vận động vì đồng bào, vì những người thân đang cần được lên tiếng; một lần nữa đã đánh động được lương tâm nhân loại, và một lần nữa khơi lên niềm hy vọng cho cả người Việt Nam trong và ngoài nước trong cuộc tranh đấu chung cho các quyền làm người căn bản tại Việt Nam.
Và cũng nhân dịp này, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do hân hạnh tạo dựng một nhịp cầu để quý khán thính giả có thể đề đạt những tâm tư của mình với chính giới Mỹ.
Hãy gửi đến RFA đề nghị của Bạn, bằng cách nêu trực tiếp vào phần "Ý kiến của bạn" trên trang web của Ban Việt ngữ tại địa chỉ rfatiengviet.net; hoặc gửi email về vietweb@rfa.org; hoặc gọi điện thoại đến số (202) 530-7775.
Chúng tôi sẽ chuyển những đề nghị của quý vị đến cho các đại diện người Việt tham dự cuộc gặp với giới chức Nhà Trắng vào ngày 5 tháng 3 tới đây.


Video: Việt Nam tuần qua 24.02.2012

Không có nhận xét nào: