Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

PHẢN BIỆN BÁO CÁO CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN LÃNG

Sau khi đọc toàn văn “Báo cáo về việc cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng và vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng”, chúng tôi có ý kiến phản biện như sau:
* Vấn đề “nhà nước quản lý đất”:
Báo cáo viết: “Trong các quyết định giao đất ghi rõ thời hạn sử dụng đất, nêu rõ hết thời hạn sử dụng đất, chủ sử dụng đất phải giao trả lại đất để nhà nước quản lý. UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp hết thời hạn…”. Ở đây UBND huyện Tiên Lãng đã hiểu méo mó khái niệm “nhà nước quản lý đất”. Nhà nước quản lý đất đai là một khái niệm thuộc về lý luận, một khái niệm rất khái quát, hoàn toàn khác với việc “chính quyền địa phương giữ đất”. Nhà nước quản lý đất, ấy là việc thông qua các chính sách cụ thể về đất đai để điều tiết làm sao cho việc sử dụng đất đai trên toàn quốc đạt hiệu quả cao nhất, phù hợp với các lợi ích quốc gia và lợi ích tập thể, cá nhân. Chứ “nhà nước quản lý đất” không có nghĩa là lò dò đi coi đất nào hết thời hạn thì thu về, giao cho cán bộ phường xã lập chòi canh đất kiểu như địa chủ ngày xưa đi thu hồi ruộng đất hết thời hạn phát canh thu tô cho tá điền.

Ở đây, UBND huyện Tiên Lãng coi đất đai như là đất của chính họ. Họ giao cho nông dân sử dụng, hết thời hạn thì thu đất về để đó. Chưa biết làm gì cũng thu. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai về bản chất nhà nước quản lý đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhà nước không bao giờ quản lý đất đai bằng cách thu hồi đất của người sử dụng về để không. Thu hồi đất là phải có mục đích sử dụng cụ thể vào việc gì. Dù là đất hết thời hạn nhưng chưa có mục đích sử dụng cụ thể thì vẫn phải để cho người sử dụng tạm thời sử dụng hoặc tiếp tục gia hạn cho người sử dụng nếu họ hội đủ các điều kiện được gia hạn theo điều 67 Luật đất đai. Ngay cả các loại đất đai vắng chủ ở các đô thị miền Nam sau năm 1975 mà nhà nước đã xác lập quyền quản lý bằng văn bản nhưng đến nay nhà nước chưa có kế hoạch làm gì, thì ai đang sử dụng trên đất đai ấy vẫn được tiếp tục sử dụng. Nói chi là đất giao cho nông dân đang canh tác rất hiệu quả. Luật pháp không cho phép nhân danh nhà nước quản lý để thu hồi rồi “ngâm tôm”, như thế là lãng phí đất. Chúng tôi nghĩ các nhà quản lý địa phương cần hiểu khái niệm “nhà nước quản lý đất” một cách thấu đáo.
* Vấn đề “sử dụng đất chưa đưa vào sử dụng”:
Báo cáo viết: “Quá trình sử dụng, từ năm 1993 đến năm 1997, ông Đoàn Văn Vươn đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích đất được giao”. Ở đây UBND huyện không nói rõ là diện tích đất mà ông Vươn sử dụng thêm đó thuộc loại đất gì nên chúng tôi không phản biện cụ thể nhưng xin có ý kiến như sau. Nếu đất sử dụng thêm là đất lấn biển thì trong trường hợp này, ông Vươn không hề vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất đai. Một lần nữa lại nổi lên vấn đề “quản lý” và “giữ đất”. Chúng ta cần hiểu rõ nhà nước không bao giờ “ôm đất”. Đất chưa sử dụng như đất hoang, đất lấn biển, nếu đất ấy không thuộc diện cấm khai thác, thì người dân luôn có quyền chiếm dụng hợp pháp để sử dụng, và sau đó nhà nước phải xem xét giao đất cho họ. Chứ không phải nhà nước khư khư ôm những đất ấy không cho ai sử dụng. Nếu hiểu như thế thì chính UBND huyện Tiên Lãng đã vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất đai chứ không phải ông Vươn.
* Về việc “rút toàn bộ kháng cáo” của ông Vươn:
Chúng tôi từng phân tích, việc ông Vươn rút toàn bộ kháng cáo này là một trò lừa của UBND huyện Tiên Lãng phối với với thẩm phán Ngô Văn Anh. Báo cáo xem đây như một cơ sở pháp lý để tiến hành cưỡng chế là một sự coi thường dư luận, coi thường cấp trên nơi UBND huyện Tiên Lãng gửi báo cáo.
* Về dự án “Quai đê lấn biển”:
Đây là lần đầu tiên UBND huyện công bố dự án này. Nó mâu thuẫn với những giải thích trước đây. Tuy nhiên chúng ta sẽ chấp nhận nó nếu nó có thật. Điều 67 Luật đất đai 2003 quy định: “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”. Tuy nhiên trong báo cáo không nêu rõ dự án này được phê duyệt vào ngày tháng năm nào, ai ký, số văn bản là bao nhiêu, có bao nhiêu ha đất mà ông Vươn đang sử dụng nằm trong diện tích đất của dự án… Còn nếu chỉ là một “dự án miệng” thì không có ý nghĩa. Đề nghị UBND huyện Tiên Lãng công bố rõ dự án này như phân tích ở trên.
* Về sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong huyện Tiên Lãng:
Khảo sát của Đoàn công tác Trung uơng mặt trận tổ quốc Việt Nam cho kết quả nhân dân rất bất bình với vụ việc. Điều này đã được công bố rộng rãi trong dư luận. Báo cáo nêu ngược lại nhưng không mô tả quá trình khảo sát dư luận như thế nào, khảo sát trên số lượng bao nhiêu người dân, cách lấy mẫu khảo sát ra sao… Nên chúng tôi coi như một lập luận không khoa học, hơn nữa còn mang tính nói lấy được, nói hồ đồ.
Luật gia TRẦN ĐÌNH THU

Không có nhận xét nào: